Trí thông minh nhân tạo có thể theo dõi và chăm sóc phôi thai liên tục - Ảnh: Interesting Engineering
Dù việc thí nghiệm liên quan đến phôi thai người bị cấm, nhưng triển vọng sinh con nhân tạo có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong xã hội.
Các nhà khoa học ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc mới đây cho biết họ đã phát triển AI Nanny, một trí thông minh nhân tạo có thể theo dõi và chăm sóc phôi thai phát triển thành bào thai trong một tử cung nhân tạo.
Trong nghiên cứu được bình duyệt nội bộ đăng trên tạp chí Journal of Biomedical Engineering, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết AI Nanny hiện có thể chăm sóc phôi thai của phần lớn các loài động vật.
Tuy nhiên công nghệ này có thể cho phép phụ nữ không cần phải mang thai. Thậm chí phôi thai có thể phát triển an toàn và tốt hơn trong tử cung nhân tạo.
Theo mô tả của nhóm nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật y sinh và công nghệ Tô Châu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, trong tử cung nhân tạo hay còn gọi là “thiết bị nuôi cấy phôi dài hạn”, các phôi thai sẽ được đặt trong các khối chứa đầy chất lỏng dinh dưỡng để phát triển.
Trước đây, các nhà khoa học phải tự theo dõi và điều chỉnh hoạt động của tử cung nhân tạo này. Nhưng với AI Nanny, hệ thống sẽ theo dõi các phôi thai xuyên suốt bằng các cảm biến, máy ảnh có thể cho ra những bức ảnh vô cùng rõ nét. Hệ thống có thể điều chỉnh nhiệt độ, lượng carbon dioxide, nước và dinh dưỡng theo thời gian thực. Nó cũng có khả năng phát hiện các phôi thai phát triển bất thường hoặc chết để loại bỏ kịp thời.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng hệ thống này có thể giải mã những bí ẩn về sự phát triển của phôi thai người, cũng như đưa ra giải pháp cho các vấn đề về dị tật bẩm sinh hoặc sức khỏe sinh sản khác, như sinh non.
Đối với một quốc gia đang có tỉ lệ sinh giảm như Trung Quốc, với tỉ lệ sinh hiện đang ở mức thấp nhất trong 6 thập kỷ qua, công nghệ tử cung nhân tạo có thể là một giải pháp cho vấn đề dân số.
Trước đó cũng đã có một số nghiên cứu về công nghệ tử cung nhân tạo từ các nhà khoa học ở Trung Quốc, Hà Lan, Israel. "Tôi không nghĩ công nghệ sẽ là một vấn đề", một nhà nghiên cứu của Viện Nhi khoa thủ đô ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận định trên tờ South China Morning Post.
Tuy nhiên nó có thể tạo ra nhiều rắc rối, chưa kể các tranh cãi về đạo đức. Nhiều nơi trên thế giới cấm nghiên cứu phôi thai người trên 2 tuần tuổi. Tại Trung Quốc, việc mang thai hộ bị cấm trong khi công nghệ tử cung nhân tạo về cơ bản biến bệnh viện thành người mang thai hộ.
"Nếu ai cũng được sinh ra bằng cách này thì không còn gì để nói. Nhưng nếu một số đứa trẻ do cha mẹ sinh ra, một số do chính phủ 'sinh ra' (để duy trì dân số), thì đó sẽ là một vấn đề lớn", nhà nghiên cứu nói trên nhận định.
TRẦN PHƯƠNG - Theo Tuổi Trẻ