TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Trung Quốc và Ấn Độ: Ai hơn ai?

 Trần Hữu Dũng

 "Trung Quốc tăng trưởng nhanh là nhờ có nhiều kĩ sư,  Ấn Độ tăng trưởng chậm vì có quá nhiều lí thuyết gia kinh tế"

Jagdish Bhagwati (1999)

Từ sau Thế Chiến II, Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất và nhì trên thế giới, đã đi theo hai lộ trình chính trị và kinh tế khác biệt. Năm 1981, khi cả hai chưa bắt đầu cải cách kinh tế thì mức độ (kém) phát triển của họ gần ngang nhau.  Song, không đến hai thập niên, Ấn Độ đã trở nên thua sút Trung Quốc xét theo hầu hết mọi đại lượng kinh tế xã hội (có lẽ chỉ trừ tốc độ tăng dân!).  Năm 1992 là một dấu mốc đáng nhớ. Trước đó, GDP bình quân mỗi người (per capita) ở Trung Quốc còn thấp hơn Ấn Độ, song từ năm ấy trở đi thì thứ tự này đảo ngược: Ấn Độ ngày càng tụt xa Trung Quốc.  Hiện nay mức sống của dân Trung Quốc xấp xỉ gấp đôi của dân Ấn Độ.  Riêng xuất khẩu của Trung Quốc thì gần sáu lần hơn Ấn Độ.

So sánh Trung Quốc và Ấn Độ qua vài con số

 

Trung Quốc

Ấn Độ

Tốc độ tăng dân (2002)

0,87%

1,51%

Tử suất trẻ sơ sinh (2002)

27 (mỗi ngàn sinh)

61 (mỗi ngàn sinh)

Tuổi thọ trung bình (2001)

70

64

Tỉ lệ dân nghèo  (2002)

10%

25%

Tỉ lệ biết chữ (2001)

90%

65%

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài  (2001)

$44,2 tỷ đô la

$3.4 tỷ đô la

Suất tăng GDP (thực) bình quân đầu người, trung bình hàng năm (1990- 2000)

9,6%

5,5%

Số lượng điện thoại (cố định lẩn di động  (2001)

247,7 (mỗi ngàn người)

43,8  (mỗi ngàn người)

Lực lượng lao động  (1999)

706 triệu người

406 triêu người

Tỷ trọng của khu vực chế xuất trong GDP

50%

22%

Kiều dân ở nước ngoài

55 triệu người

20 triệu người

Nguồn: CIA World Factbook 2002; The Economist Pocket World in Figures; World Development Indicators CD-ROM; Financial Times

 

Để công bình, cũng nên nói là theo nhiều nhà nghiên cứu Ấn Độ thì những thống kê trên (do Trung Quốc và các tổ chức quốc tế cung cấp) là không chính xác  Chẳng hạn, có người tính lại mức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) thì cho rằng số lượng đi vào Trung Quốc năm 2000 chỉ là phân nửa số được công bố, trong lúc FDI vào Ấn Độ là gấp ba số được công bố.  Tuy nhiên, dù con số (tính lại) này là đúng thì lượng FDI đi vào Ấn Độ cũng chỉ bằng 40% lượng đi vào Trung Quốc .

 

Nhìn những thống kê (cho là đã điều chỉnh) đó, cũng như qua con mắt của đa số những người đã từng đến hai nước thì, như một nhà kinh tế Ấn Độ nổi tiếng là Pranab Burdhan đã buồn rầu kết luận, kết quả cuộc chạy đua kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã quá rõ ràng. Ấn Độ thua hoàn toàn.

 

Sự khác biệt giữa hai quốc gia này là một đề tài "thích thú" cho những chuyên gia lưu tâm đến liên hệ giữa phát triển kinh tế và thể chế chính trị.  Đối với không ít trí thức Ấn Độ thì ấn tượng thua kém của nước họ đã gần như một ám ảnh trầm kha có tính bệnh lí. Có hai câu hỏi căn bản: Thứ nhất, sự khác biệt này là hậu quả của thể chế chính trị ở hai nuớc, hay lí do nào khác?  Và thứ hai, liệu Ấn Độ có sẽ bao giờ  bắt kịp Trung Quốc không?

 


■ Vì sao Ấn Độ thua Trung Quốc?

 

(1) Thể chế chính trị

 

 Điểm đầu tiên mà ai cũng thấy là sự khác biệt về thể chế chính trị giữa hai nuớc. Ấn Độ thì đã hơn nửa thế kỷ theo một chế độ dân chủ đa đảng kiểu tây phưong, với những sinh hoạt chính trị sống động gần như thành truyền thống và một thể chế nhà nước tương đối vững chắc và ổn định.  Trung Quốc thì, cũng thời kỳ đó, theo một chế độ chính trị chuyên chính độc đảng.  Đông đảo các nhà nghiên cứu quy trách nhiệm về sự thua kém của Ấn Độ cho hệ thống chính trị của nước này. Theo họ, chính cái dân chủ xô bồ của Ấn Độ, cộng thêm những xơ cứng của một xã hội phong kiến nhiều giai cấp, đã làm trì trệ sự phát triển của nước này.   Trong lúc ấy, những thành tựu của Trung Quốc được xem là nhờ một chính quyền trung ương tập trung quyền hành, thậm chí chuyên chế, có khả năng điều động cả nước cho những chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển. Nói thẳng ra: nhiều người cho rằng chính chế độ dân chủ của Ấn Độ, và chế độ chuyên chính của Trung Quốc, là nguyên nhân sự khác biệt về thành quả kinh tế của hai nước này trong hơn nửa thế kỷ qua.

 

Amartya Sen, nhà kinh tế (thường được xem là tiến bộ) gốc Ấn Độ đầu tiên đuợc giải Nobel kinh tế, không đồng ý với nhận định trên.  Theo Sen, Ấn Độ không hẳn là thất bại. Hảy xem: trong nửa thế kỷ qua, dù nghèo, ít ra Ấn Độ không bị đói hàng loạt.  Đó chính là nhờ Ấn Độ có dân chủ.  Trung Quốc thì đã có bao nhiêu chục triệu người chết đói vào những năm 1950-60?  Theo nghiên cứu của Sen, nạn đói tập thể chỉ có thể xảy ra ở các quốc gia chuyên chế (như Bắc Triều Tiên hiện nay).  Hơn nữa, theo Sen, đừng quên rằng tự do cá nhân cũng là một thành tố cơ bản của hạnh phúc con người, và về phương diện này thì làm sao Trung Quốc có thể sánh với Ấn Độ?   Đúng là gần đây Trung Quốc có những thành tựu kinh tế kỳ diệu, song, theo Sen, đó là do chính sách kinh tế khôn ngoan của Trung Quốc.  Sự kém cỏi của Ấn Độ là hậu quả của chính sách, không phải của thể chế chính trị.

 

Fareed Zakaria, một nhà chính trị học trẻ gốc Ấn đang lên trong giới lí thuyết gia ở Mỹ, thì lại nghi ngờ về cái "quá lố" tai hại của dân chủ.  Trong một quyển sách gây nhiều tranh luận ở Mỹ đầu năm nay, Zakaria cho rằng lắm khi một nước cần một thể chế luật pháp công minh, hoàn chỉnh, hơn là một chế độ dân chủ xô bồ, dễ bị đa số khuynh đảo, lơi dụng.  Zakaria không chỉ so sánh Ấn Độ và Trung Quốc (thực vậy, ông cũng mạnh dạn chỉ trích dân chủ của Mỹ hiện nay) song đã có những phân tích cặn kẻ (một phần từ kinh nghiệm cá nhân) về nhược điểm của nền dân chủ Ấn Độ (tham nhũng, hỗn độn, bè phái, liên miên kèn cựa nội bộ...).  Mặt khác, Zakaria tán tụng sự chuyên chính ở những nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc (lúc trước) mà ông cho rằng đã là yếu tố quan trọng cho sự thành tựu kinh tế kì diệu của họ. Amy Chua, một luật gia gốc người Hoa ở Phi Luật Tân, hiện ở Mỹ, trong một quyển sách gần đây, cũng có những dè dặt về dân chủ như Zakaria.  Theo Chua, trong một xã hội luật pháp chưa phát triển, chính cái dân chủ của mỗi-người-một-lá-phiếu có cơ nguy sẽ là công cụ để đa số đàn áp, thậm chí bốc lột, thiểu số, nhất là khi thiểu số có tiền của, địa vị kinh tế, và là người gốc nước ngoài (như Hoa kiều ở nhiều quốc gia Đông Nam Á).

 

 (2) Chính sách kinh tế

 

 Dù nghĩ thế nào về vai trò của thể chế, hầu như tuyệt đại đa số các nhà kinh tế đều đồng ý rằng chính sách kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ, nhất là từ cuối những năm 1970, là lí do chính của sự khác biệt về mức độ phát triển hiện nay giữa hai nước.  Cho đến lúc ấy, như ta còn nhớ, hầu như mọi quốc gia (trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ) vừa dành độc lập sau Thế Chiến II đều tin rằng con đường phát triển phải qua công nghiệp hoá bằng thay thế nhập khẩu, thay vì mở cửa, đẩy mạnh xuất khẩu.  Hơn nữa, đa số lúc ấy cũng tin rằng phát triển phải cần kế hoạch hoá tập trung.  Áp dụng chiến lược phát triển đó, dù không nước nào hoàn toàn thành công như mong muốn, Ấn Độ đã có nhiều tiến bộ đáng hãnh diện, nhất là so với Trung Quốc.

 

Song, từ 1978, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách thì tình thế đổi khác.  Không như Ấn Độ vẫn theo đuổi chính sách kế hoạch hoá tập trung, và nhất là vẫn tin vào công nghiệp hoá bằng thay thế nhập khẩu, Trung Quốc quay ra mở cửa, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích đầu tư từ nước ngoài, và nới lỏng thị trường.  Hậu quả của chính sách ấy (và sự hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp về mặt thuế má) là giá phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng giảm so với Ấn Độ.  Môi trường kinh doanh Trung Quốc trở nên thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất Trung Quốc lẫn các công ty nước ngoài.

 

Doanh nghiệp ở Ấn Độ chẳng những không được trợ giúp như ở Trung Quốc mà còn bị thuế (sản xuất lẩn tiêu thụ) rất nặng nề. Thuế nhập khẩu (trung bình 24% ở Ấn Độ, 13% ở Trung Quốc) cũng làm tăng giá những đầu vào mà Ấn Độ phải nhập khẩu.  Về thủ tục hành chánh, tệ quan liêu, thì Ấn Độ cũng không thua gì, có thể còn hơn, Trung Quốc. Trong môi trường đó, giá phí nguyên liệu ở Ấn Độ (kể cả giá phí vốn) trung bình là 25% cao hơn ở Trung Quốc.  Chẳng trách ngay cả một số công ty Ấn Độ cũng đã lập chi nhánh sản xuất bên Trung Quốc!

 

Nổi bật nhất là khác biệt về FDI (số lượng vào Ấn Độ không đến 10% vào Trung Quốc).  Một phần, điều ấy phản ảnh sự hấp dẫn của Trung Quốc như một thị trường cũng như một nơi mà giá phí sản xuất cực kỳ thấp.  Phần khác, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không mấy hăng hái làm ăn ở Ấn Độ là nơi vẫn phảng phất tư duy nghi kị thị trường và tinh thần quốc gia bài ngoại trong đông đảo quần chúng.

 

Vì thế, cho dù chính phủ Ần Độ có rất cố gắng khuyến khích công nghiệp bản xứ, kinh tế Ấn Độ vẫn không bứt ra khỏi một hệ thống hành chánh nặng nề và thuế má nghẹt thở.  Sự kém cỏi FDI cũng không bù đắp được bằng tiết kiệm nội đia: suất tiết kiệm của Ấn Đô chỉ bằng phân nửa của Trung Quốc. Theo nhiều phân tích, việc Trung Quốc bảo vệ các doanh nghiệp nhà nuớc thay vì tư doanh còn làm tăng lợi nhuận của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc (dù ra họ cũng tái đầu tư rất nhiều vào Trung Quớc)

 

(3) Vai trò kiều dân

 

Ngày càng nhiều người công nhận tầm quan trọng của kiều dân trong sự phát triển quê hương gốc gác, và phát giác sự khác biệt rõ rệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ.   Theo nhiều uớc lượng, tổng số tài sản cũng như thu nhập của cộng đồng Ấn kiều trên thế giới cao hơn của cộng đồng Hoa kiều.  (Và với số Ấn kiều ít hơn, tài sản cũng như thu nhập bình quân mỗi Ấn kiều cũng là cao hơn của Hoa kiều).  Vây mà, cho đến gần đây, người Ấn sống ở nước ngoài thường bị chính phủ và xã hội Ấn tương đối lạnh nhạt, nghi kị.  Trung Quốc thì từ lâu đã có chính sách hậu đãi Hoa kiều, kêu gọi và giúp đỡ họ làm ăn trong nước cũng như hồi hương đóng góp.  Ấn Độ thì không tích cực bằng (chỉ từ đầu năm nay chính phủ Ấn Độ mới có chiến dịch quy mô hướng về doanh nhân và trí thức Ấn kiều).  Vì lí do đó, hoặc có thể nhiều lí do khác, người Ấn sinh sống ở nước ngoài ít gởi tiền về đầu tư trong nước.  Người Trung Quốc sống ở nước ngoài (kể cả những "lãnh thổ" như Đài Loan, Hồng Công), trái lại, gởi những số tiền khổng lồ về lục đia, cũng như chính họ về Trung Quốc lập hãng xưởng làm ăn.

 


■ Ấn Độ có sẽ bắt kịp (và vượt qua) Trung Quốc?

 

Tuy rằng hầu như có một sự đồng thuận là Ấn Đô, nhìn chung, hiện đang thua Trung Quốc về mức độ phát triển và tốc độ tăng trưởng, không ít người tin rằng Ấn Độ rất có thể bắt kịp, và có khi còn vượt qua Trung Quốc trong tương lai.

 

Thứ nhất, họ nhắc rằng Ấn Độ chỉ mới bắt đầu cải cách từ năm 1991, Trung Quốc thì đã từ năm 1978.  Lại nữa, trong lúc FDI vào Trung Quốc hơn hai mươi lần Ấn Độ, và suất tiết kiệm của Trung Quốc hơn gấp đôi Ấn Đô, thế mà tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc cũng chỉ hơn Ấn Độ khoảng 2-3%.  Vậy là Ấn Độ cũng còn khá lắm!

 

Thứ hai, về mặt thể chế, Ấn Độ có nhiều ưu điểm hơn Trung Quốc.  Ví dụ như Ấn Độ có cơ sở hạ tầng để giúp tư doanh tốt hơn của Trung Quốc.  Thị trường vốn của Ấn Độ nhuần nhuyễn hơn, minh bạch hơn.  Hệ thống ngân hàng của Ấn Độ tương đối "lành mạnh" hơn của Trung Quốc. Hệ thống pháp luật của Ấn Độ hoàn bị hơn.

 

 Thứ ba, Ấn Độ cũng năng động chẳng kém Trung Quốc và có lợi thế trong những ngành cần nhiều chất xám. Hai mảnh sáng của Ấn Độ là công nghiệp thông tin và công nghiệp dược phẩm (và gần đây một số các công nghiệp "cũ" như ô tô và phụ tùng, xe máy, xi măng và thép, cũng bắt đầu khởi sắc).  Cũng đáng chú ý là Ần Độ có nhiều hơn Trung Quốc các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo tạp chí Forbes, trong 200 doanh nghiệp nhỏ thành công nhất thế giới năm 2002 thì 12 là của Ấn Độ, chỉ có 4 là từ lục địa Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc sẽ tiếp tục là một gánh nặng kềm chế sự tăng trưởng của nước này.

 

Thứ tư, có người cho rằng về lâu về dài phát triển của Trung Quốc sẽ khó bền vững vì nó "từ trên xuống" (theo chỉ thị của chính quyền trung ương) và quá dựa vào FDI.  Cách tăng trưởng của Ần Độ, trái lại, tuy chậm, sẽ bền vững hơn vì "từ dưới lên" và dựa vào nội lực.  Liên hệ, khi là thành viên thực thụ của WTO, Trung Quốc sẽ phải mở rộng thị trường của mình hơn cho hàng ngoại quốc, do đó sẽ giảm đi lợi thế so với Ấn Độ

 


■ Vài nhận xét cuối  

 

Rõ ràng là nhờ học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc và Đông Á trong hai thập kỉ vừa qua,  Ấn Độ đã nhận ra những sai lầm trong chiến lược phát triển của họ, quay sang nới lỏng kinh tế, mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài v.v., và nhờ đó đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong vài năm gần đây.  Chắc chắn là mức sống của dân Ấn sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn.  Thế nhưng Ấn Độ có bao giờ bắt kịp Trung Quốc hay không lại là một vấn đề khác.  Đúng là tăng trưởng của Trung Quốc đã dựa quá nhiều vào FDI, và sự kiện này có thể là một quả bom nổ chậm cho Trung Quốc, nhưng chính Ấn Độ cũng đang mong muốn thu hút FDI cho họ. Và nếu phát triển bền vững là không nên dựa vào FDI thì chính Ấn Độ lại có cơ nguy hơn, bởi lẽ Ấn Độ chỉ mới đi vào giai đoạn phát triển dựa vào FDI, trong khi Trung Quốc đang dần qua khỏi giai đoạn này (với số lượng ngoại hối mà họ đã dành dụm được qua xuất khẩu).

 

Mặt khác, dù Ấn Độ thường được xem là có nhiều tự do dân chủ hơn Trung Quốc, song đừng quên rằng nền kinh tế Ấn Độ cũng có những "xơ cứng" của nó, đặc biệt là tham nhũng, hành chánh quan liêu, thế lực chi phối của công đoàn, và tình trạng phân cấp xã hội.  Thêm vào đó, trong thâm tâm nhiều nhà lãnh đạo Ấn Độ vẫn còn sự nghi kỵ tư doanh (nhất là công ty nước ngoài) và niềm tin ở tập trung kế hoạch hoá.  Chừng nào những xơ cứng, những nghi kỵ ấy còn tồn tại thì Ấn Độ còn gặp nhiều chướng ngại trong phát triển.

 

Hơn nữa, dù có vài công nghiệp mà hiện nay Ấn Độ hơn hẳn Trung Quốc song nhìn kỹ thì cũng không chắc là lợi thế này sẽ tồn tại lâu.  Về công nghiệp thông tin chẳng hạn, Ấn Độ đang hơn Trung Quốc về phần mềm (kể cả những dịch vụ "hậu trường" cung cấp cho các công ty đa quốc gia), song Trung Quốc lại đi trước Ấn Độ về phần cứng và đang ráo riết học hỏi Ấn Độ để phát triển cả phần mềm.  Như vậy thì ngay trong lảnh vực này ưu thế của Ấn Độ cũng đang bị hăm doạ . 

 

Có nguời (như Moisés Naím, Gordon Chang) tin rằng Trung Quốc sẽ bị khủng hoảng trầm trọng trong vòng mười năm.  Có thể đó sẽ là khủng hoảng tài chính kiểu Đông Á những năm 1997-98, hay khủng hoảng chính trị trong nội bộ Trung Quốc như vào thập kỉ 60.  Hoặc khủng hoảng tài chính kéo theo khủng hoảng chính trị, rồi những chấn động xã hội dây chuyền khác.  Dù sẽ đúng hay sai, tiên đoán này phản ảnh hoài nghi đối với sự ổn định chính trị và kinh tế của Trung Quốc hơn là của Ấn Độ.  Theo người viết bài này, sự ổn định ấy sẽ là yếu tố quan trọng nhất để trả lời câu hỏi: liệu Ấn Độ có sẽ bắt kịp Trung Quốc hay chăng?

 

Trần Hữu Dũng

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness