"Hành tinh của chúng ta vừa trải qua một mùa sôi sục - mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu".
"Trái đất vừa trải qua ba tháng nóng kỷ lục" - Cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc cho biết hôm thứ tư 6/9.
Khi các đợt nắng nóng tiếp tục thiêu đốt nhiều nơi trên thế giới, các nhà khoa học báo cáo rằng mùa hè nóng nực khắc nghiệt năm 2023 là mùa hè nóng kỷ lục trong lịch sử.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo trong một tuyên bố trùng với thời điểm Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO thuộc LHQ) công bố dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu: "Hành tinh của chúng ta vừa trải qua một mùa sôi sục - mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu".
Người dân tìm cách giải tỏa cái nóng ở Tokyo, vào ngày 30 tháng 7 năm 2023 khi mức nhiệt từ 35 độ C trở lên diễn ra liên tục tại thủ đô của Nhật Bản.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, tháng 6 đến tháng 8 năm 2023 là khoảng thời gian hành tinh nóng nhất kể từ khi cơ quan này lập hồ sơ nhiệt độ bắt đầu vào năm 1940.
Theo C3S, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong mùa hè 2023 là 16,77 độ C, cao hơn 0,66 độ C so với mức trung bình từ năm 1990 đến năm 2020 – đánh bại kỷ lục trước đó, được thiết lập vào tháng 8 năm 2019, hơn gần 0,3 độ C.
"Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo về hậu quả của việc nghiện nhiên liệu hóa thạch. Khí hậu của chúng ta đang biến đổi nhanh hơn mức chúng ta có thể đối phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở mọi nơi trên hành tinh" - Ông Antonio Guterres cho biết.
Tổng thư ký WMO, Petteri Taalas, đã đưa ra đánh giá khẩn cấp về dữ liệu, cho biết: "Bắc bán cầu vừa trải qua một mùa hè khắc nghiệt – với những đợt nắng nóng lặp đi lặp lại gây ra cháy rừng tàn khốc, gây hại cho sức khỏe con người, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và gây thiệt hại lâu dài cho nhân loại cũng như môi trường."
Petteri Taalas cho biết, trong khi đó ở Nam bán cầu, sự co rút theo mùa của băng ở Biển Nam Cực thực sự vượt ra khỏi các cấp độ trong dữ liệu. Nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu một lần nữa đạt kỷ lục mới".
Năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất lịch sử
Báo cáo của WMO, bao gồm dữ liệu của Copernicus cũng như thông tin từ 5 tổ chức giám sát khác trên thế giới, cho thấy đây là tháng 8 năm 2023 là tháng nóng nhất được ghi nhận "với mức chênh lệch lớn cả trên đất liền và cả về nhiệt độ trung bình của mặt nước biển trên toàn cầu".
WMO trích dẫn cơ quan thời tiết Met Office của chính phủ Anh, cơ quan này đã cảnh báo "có 98% khả năng rằng ít nhất 1 trong 5 năm tới sẽ có thời tiết ấm nhất được ghi nhận".
Người dân giải nhiệt gần đền Pantheon ở Rome, Ý, vào ngày 22 tháng 8 năm 2023. Ý đã trải qua những đợt nắng nóng gay gắt trong mùa hè này.
Dữ liệu của Copernicus đã đưa năm 2023 trở thành năm nóng thứ hai được ghi nhận. Hiện tại, nó chỉ xếp sau năm 2016 trong sách kỷ lục nhiệt độ, nhưng năm 2023 còn lâu mới kết thúc. Vẫn chưa rõ liệu năm 2023 có phải là năm nóng nhất lịch sử được ghi nhận hay không, nhưng có vẻ như kỷ lục này đang rất gần.
Theo C3S, còn 4 tháng nữa mới hết năm 2023 nhưng, mức nhiệt 8 tháng đầu đã đưa 2023 xếp hạng là năm nóng thứ hai trong lịch sử, chỉ thấp hơn 0,01 độ C so với năm 2016 - hiện là năm nóng nhất được ghi nhận.
Theo C3S, cả tháng 7 và tháng 8 năm 2023 ước tính ấm hơn 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là ngưỡng quan trọng mà các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo thế giới phải duy trì để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: "Chúng ta vẫn có thể tránh được tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất nếu chúng ta hành động quyết liệt ngay từ hôm nay".
Các nhà khoa học cho biết năm 2024 có thể sẽ còn nóng hơn nữa do sự xuất hiện của El Niño.
Samantha Burgess, Phó giám đốc của C3S, nói với CNN: "Các kỷ lục nhiệt độ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh. Bằng chứng khoa học là rất nhiều – chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều kỷ lục về khí hậu hơn cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, ảnh hưởng đến xã hội và hệ sinh thái, cho đến khi chúng ta ngừng thải khí nhà kính".
Theo báo cáo của C3S, cơ quan này đã phát hiện thấy nhiệt độ đại dương và mực nước biển toàn cầu kỷ lục vào năm 2022 cũng như nồng độ ô nhiễm làm nóng hành tinh trong khí quyển chưa từng có - với ô nhiễm carbon đạt mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm.
Nguồn: CNN, CBS News - Theo Báo Giao thông