TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 12
  • Hôm nay: 550
  • Tháng: 7836
  • Tổng truy cập: 5153101
Chi tiết bài viết

TỪ DỊCH COVID-19 NHÌN LẠI ĐẠI DỊCH CÚM TÂY BAN NHA: NHỮNG BÀI HỌC ĐẮT GIÁ DÀNH CHO LOÀI NGƯỜI

Tối ngày 11/3/2020 vừa qua, Tổ chức y tế thế giới đã chính thức công bố bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) là đại dịch toàn cầu. Có một sự tương đồng khi cũng vào những thập kỉ đầu tiên của thế kỷ trước, một đại dịch hô hấp quy mô toàn cầu cũng đã diễn ra, thậm chí với mức độ nguy hiểm và hậu quả gấp nhiều lần so với dịch COVID-19: đại dịch Cúm Tây Ban Nha (Spanish flu).

Đại dịch cúm Tây Ban Nha được các nhà khoa học ghi nhận là trận dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Cơn bão virus cúm càn quét khắp địa cầu đã lây nhiễm cho gần 1/3 dân số thế giới khi đó, cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người (một số ước tính cao có thể lên đến 100 triệu người). Dịch bệnh bùng phát ở Châu Âu và lan khắp thế giới trong vòng 2 năm (1918-1920). Ấn Độ có lẽ là quốc gia thiệt hại nặng nề nhất vì dịch cúm Tây Ban Nha, với hơn 17 triệu người chết. Tại Iran, ước tính 1/5 dân số đã thiệt mạng vì dịch bệnh. Các nước lớn như Anh, Pháp, Mỹ cũng ghi nhận hàng trăm nghìn người chết. Một số cộng đồng người bản địa nhỏ ở Bắc Mỹ và Alaska thậm chí bị quét sạch. Đại dịch còn lan đến cả những hòn đảo xa xôi trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

ước tính số lượng người chết do các đại dịch cúm gây ra

Ước tính số lượng người chết do các đại dịch cúm gây ra trong thế kỉ XX. Đại dịch cúm Tây Ban Nha (3 dòng đầu) có số lượng người chết vượt trội tất cả các trận dịch khác.

Trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa diễn ra, đại dịch cúm Tây Ban Nha khiến nhiều người nghĩ rằng nhân loại đang đứng trước bờ vực diệt vong. Thật may mắn, viễn cảnh đó đã không xảy ra. Tuy nhiên, với mức độ hủy diệt khủng khiếp của mình, đại dịch Cúm Tây Ban Nha cũng đã để lại nhiều bài học đắt giá cho thế hệ sau trong công cuộc phòng tránh những thảm họa mang tính chất toàn cầu.

ngôi mộ tập thể ở Alaska của nạn nhân dịch cúm Tây Ban Nha

Một ngôi mộ tập thể ở Alaska, nơi 72 trong số 80 người sống trong một ngôi làng đã thiệt mạng vì dịch cúm Tây Ban Nha.

CHE GIẤU THÔNG TIN DỊCH BỆNH LÀ MỘT TỘI ÁC

Có một sự thật là cúm Tây Ban Nha không bắt nguồn từ … Tây Ban Nha. Người ta đặt cái tên này cho đại dịch chỉ vì Tây Ban Nha – một nước trung lập trong cuộc chiến, là quốc gia đầu tiên công bố dịch và các  thông tin về mức độ nghiêm trọng của nó. Năm 1918, giai đoạn dịch khởi phát cũng là lúc thế chiến thứ nhất đang đi đến hồi kết. Chính phủ của các quốc gia tham chiến mặc dù phát hiện dịch đang lưu hành nhưng đã “ém nhẹm” thông tin về dịch bệnh, do lo sợ sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của binh sĩ và công chúng trong nước, và khiến kẻ thù biết rằng mình đang suy yếu.

bệnh nhân được điều trị trong đại dịch cúm Tây Ban Nha

Tại Pháp, Anh và Mỹ, các tờ báo bị cấm đưa tin những nội dung “có thể ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh”, bao gồm cả tin dịch cúm đang hoành hành trong quân đội. Kết quả là không một cảnh báo y tế nào được đưa ra, và các đoàn quân di chuyển để tham chiến khắp nơi từ Châu Âu đến châu Mỹ trở thành nguồn gieo rắc dịch bệnh khổng lồ. Hơn thế, sau khi chiến tranh kết thúc, giao thương và du lịch được phục hồi khiến cho dịch bệnh càng lan đi nhanh chóng.

Hậu quả của việc che dấu thông tin khiến người dân không có các biện pháp kịp thời để tự bảo vệ và ngăn ngừa dịch. Cho đến khi dịch bệnh đã lan rộng trong cộng đồng và gây ra tử vong hàng loạt, cái giá phải trả là sự “vỡ trận” của cả xã hội. Chúng ta cũng đã thấy hậu quả của việc chính quyền thành phố Vũ Hán che dấu thông tin về dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã trở nên tai hại thế nào đối với Trung Quốc cũng như cả thế giới.

LƠI LỎNG KIỂM DỊCH SẼ PHẢI TRẢ GIÁ ĐẮT

Nhiều sử gia tin rằng sự lây lan nhanh chóng của virus cúm trong mùa thu năm 1918 có một phần lỗi không nhỏ của các quan chức Y tế dự phòng ở các nước Âu Mỹ do không muốn áp dụng các biện pháp kiểm dịch trong suốt thời gian chiến tranh. Ví dụ như ở Anh, một quan chức chính phủ tên là Arthur Newsholme biết rằng cách ly nghiêm ngặt đối với cư dân là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm lây lan. Nhưng ông không thể ban bố lệnh cách ly do “có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh khi giữ công nhân sản xuất vũ khí và những thường dân khác ở nhà”. Newsholme biện luận rằng nhu cầu cung ứng cho chiến tranh là quan trọng hơn nguy cơ dịch bệnh lây lan, và đơn giản là người Anh hãy tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ kể cả trong mùa dịch. Điều này chẳng khác nào tự sát. Thủ tướng Anh khi đó là Lloyd George cũng nhiễm bệnh nhưng đã sống sót, tuy nhiên 25.000 người Anh trong năm 1918 đó đã không được may mắn như ông.

Ngay cả khi ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nền y tế dự phòng của các quốc gia thời đó cũng rất “đơn sơ” và không được chính phủ cung cấp đủ nguồn lực để hoạt động. Ở Anh, Vụ Sức khỏe Quốc gia (NHS) chỉ được thành lập từ năm 1948, trước đó, những tổ chức khá “chắp vá” làm nhiệm vụ giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Do không có một hệ thống đồng bộ, họ thường chỉ đưa ra những chỉ đạo chung chung về phòng dịch, và các thành phố, thị trấn phải tự dựa vào nguồn lực của mình (vốn cũng đã rất ít) để thực hiện. Các động thái phòng ngừa dịch bệnh được cho là chỉ diễn ra trên giấy. Và từ đó câu thành ngữ Nói nhiều làm ít (“much talk, but very little do”) ra đời ở Anh.

Các nỗ lực phòng dịch trong cộng đồng ở Mỹ bị cản trở do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng y tá, hộ lý. Hàng ngàn y tá khi đó đã được triển khai ra tiền tuyến để phục vụ quân đội. Sự thiếu hụt càng trở nên tồi tệ hơn vì nạn phân biệt chủng tộc, khi hội Chữ thập đỏ Mỹ từ chối sử dụng những y tá gốc Phi cho dù họ đã được đào tạo. Quyết định này chỉ được gỡ bỏ khi dịch bệnh đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất.

bên trong một bệnh viện quân đội Mỹ năm 1918

Một bệnh viện quân đội Mỹ đang điều trị bệnh nhân cúm năm 1918

Công tác cách ly người bệnh ở các cơ sở y tế cũng hết sức tệ hại. Người ta tập trung bệnh nhân vào những căn phòng lớn và ngăn cách với nhau chỉ bằng những mảnh vải mỏng. Ở những lúc cao điểm, thậm chí còn không có vải che. Tại các bệnh viện dã chiến điều trị cho binh lính, điều kiện còn tồi tệ hơn. Binh lính vốn đã suy kiệt thể chất do điều kiện chiến tranh khắc nghiệt đã không thể chống lại sức tàn phá của virus. Các biện pháp phòng dịch của quân đội như giặt giũ chăn màn, giữ vệ sinh nơi ở, súc họng bằng nước muối … dường như không đem lại hiệu quả.

binh lính Mỹ súc họng bằng nước muối năm 1918

Binh lính Mỹ súc họng bằng nước muối để phòng ngừa dịch cúm năm 1918

MUỐN CHỮA BỆNH, PHẢI BIẾT NGUYÊN NHÂN

Mặc dù vào thời điểm dịch bệnh diễn ra, khái niệm “virus” đã được giới học thuật biết đến nhưng chưa một ai có ý niệm về nguyên nhân của đại dịch cúm xuất phát từ những sinh vật nhỏ bé đó.

Các chuyên gia y tế hàng đầu khi đó cho là dịch gây nên do vi khuẩn gây viêm phổi, và đặt tên nó là trực khuẩn Pfeiffer. Bác sĩ người Đức Richard Pfeiffer là người tìm ra vi khuẩn này từ những bệnh nhân của ông mắc cúm trong trận dịch năm 1890 và gọi tên nó là H. Influenzae. Và đến khi đại dịch 1918 bùng phát, người ta đơn giản là gán luôn nguyên nhân cho loại vi khuẩn đó. Hàng triệu đôla đã được chi ra để nghiên cứu cách tiêu diệt trực khuẩn Pfeiffer, lẽ dĩ nhiên tất cả đều là vô ích vì giới khoa học đã đi sai hướng.

Một đặc điểm khiến việc xác định nguyên nhân dịch bệnh trở nên khó khăn là biểu hiện của cúm Tây Ban Nha khác hẳn so với các dịch cúm mùa thông thường. Độc lực của cúm Tây Ban Nha dường như dữ dội hơn nhiều với tỉ lệ nhiễm bệnh lên đến 50%, tỉ lệ tử vong khoảng 10-20%. Để so sánh, cúm mùa hiện tại có tỉ lệ tử vong chỉ 0,1%. Các triệu chứng cũng rất nặng, bệnh nhân tiến triển nhanh từ các triệu chứng cảm cúm thông thường (ho, sốt, đau mỏi người, sổ mũi …) đến xuất huyết ở mũi, dạ dày, ruột, viêm phổi và tràn dịch màng phổi.

Một bức thư của bác sĩ Quân y Mỹ đã mô tả: 

Những người lính bắt đầu xuất hiện triệu chứng thông thường của cúm, và họ được đưa tới bệnh viện. Rất nhanh chóng, họ chuyển sang viêm phổi. Chỉ vài giờ sau, da mặt của họ trở nên xanh lét (do thiếu oxy), và thêm vài giờ nữa thì họ chết. Thật kinh khủng! Họ cứ thế rụng xuống như những con ruồi … Chúng tôi đếm được khoảng 100 người chết mỗi ngày. Cứ viêm phổi là sẽ chết. Chúng tôi cũng đã mất nhiều bác sĩ và y tá. Những chuyến tàu được điều tới để chở các xác chết đi. Trong nhiều ngày, không có đủ quan tài và các xác chết bị chất đống ngổn ngang.

Định hướng sai nguyên nhân, và không có trong tay những công cụ hiệu quả để điều trị, các bác sĩ thời đó đã “mày mò” đủ các phương pháp để cứu bệnh nhân của mình, từ việc tắm nước lạnh, đến dùng thuốc nhuận tràng, Kí ninh (thuốc điều trị sốt rét), I-ốt … Đáng chú ý là Aspirin, một loại thuốc hạ sốt phổ biến thời đó đã bị lạm dụng một cách ghê gớm trong đại dịch. Một nghiên cứu năm 2009 cho rằng chính việc lạm dụng Aspirin đã góp phần khiến tỉ lệ tử vong của cúm Tây Ban Nha tăng mạnh, lí do bởi các bác sĩ thời đó không biết rằng liều cao Aspirin (8-31 gam mỗi ngày) sẽ làm tăng nguy cơ giảm thông khí và phù phổi, điều này khiến bệnh nhân chết nhanh hơn.

Mãi đến năm 1933, các nhà khoa học người Anh là Wilson Smith, Christopher Andrews, và Patrick Laidrow mới phân lập thành công virus cúm và chỉ ra nó là nguyên nhân gây nên đại dịch toàn cầu năm 1918-1920.

ảnh chụp virus cúm H1N1 - thủ phạm gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha

Ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử virus cúm H1N1 – thủ phạm gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Ngày nay với các công nghệ hiện đại, chúng ta có thể phát hiện ra nguyên nhân một dịch bệnh rất nhanh. Các nhà khoa học Trung Quốc mất chưa đầy 10 ngày để phân lập được chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi Vũ Hán. Người Việt Nam còn nhanh hơn khi chỉ mất 72 tiếng để phân lập thành công virus SARS-CoV-2. Phát hiện được nguyên nhân dịch bệnh sẽ giúp hệ thống y tế có cơ sở để triển khai các phương án phòng dịch, phát triển những biện pháp phát hiện (test xét nghiệm) và ngăn ngừa hữu hiệu (các loại vaccin, các thuốc kháng virus …).

TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHÁNG SINH

Đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát ở thời kì tiền kháng sinh. Phải đến năm 1928, A. Fleming mới khám phá ra kháng sinh, và đến năm 1941, Penicillin – loại kháng sinh đầu tiên mới được sản xuất đại trà. Mặc dù kháng sinh không thể tiêu diệt được virus nhưng chúng có thể ngăn ngừa được các loại vi khuẩn bội nhiễm theo sau virus. Ngày nay chúng ta biết rằng, sau khi virus xâm nhập và làm cơ thể suy yếu, các nhiễm trùng cơ hội sẽ “thừa cơ” tiến vào làm bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong nhanh hơn.

Các bác sĩ ngày nay có trong tay một “đội quân kháng sinh” hùng hậu, trợ giúp đắc lực cho họ trong điều trị viêm phổi. Cùng với sự ra đời của Vaccin phòng cúm, kháng sinh đã giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong do virus cúm gây ra.

KIỂM SOÁT NỖI SỢ CŨNG QUAN TRỌNG NHƯ KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH

Mẫu số chung của các đại dịch bệnh là gì? Đó là sự sợ hãi của con người. Nhất là khi nó lây lan nhanh và không có cách chữa trị. Dịch COVID-19 hiện nay, hay dịch cúm Tây Ban Nha trước đây đều như vậy.

Ở nước Mỹ và châu Âu thời kì dịch cúm bùng phát, do chỉ thị của chính phủ về kiểm duyệt thông tin dịch bệnh, chính quyền các bang và thành phố đã cố gắng trấn an người dân bằng cách nói sai sự thật. Họ thông báo với công chúng rằng không có gì đáng lo, đợt dịch này cũng giống như cúm mùa thông thường, và điều tồi tệ nhất đã ở phía sau. Một ủy viên hội đồng thành phố Chicago, Mỹ từng nói rằng: “Việc của chúng tôi là giữ cho mọi người khỏi sợ hãi. Lo lắng giết chết nhiều người hơn dịch bệnh”.

Chiếc khẩu trang vải cũng bắt đầu được phổ biến trong cộng đồng để phòng tránh dịch, và biện pháp này vẫn còn được sử dụng tới ngày nay. Điều khá buồn cười là thời đó người ta chỉ đeo khẩu trang che mũi mà không che miệng. Mặc dù không giúp ích được bao nhiêu trong việc ngăn ngừa virus cúm, nhiều bác sĩ vẫn khuyến khích vì cho rằng nó giúp đem lại cảm giác yên tâm giả tạo cho người dân, để họ ít ra cũng có một biện pháp chủ động phòng tránh dịch, điều đó cũng tốt !

phụ nữ đeo "máy lọc" để phòng dịch cúm Tây Ban Nha

Người phụ nữ đeo một chiếc mặt nạ được nối với “máy lọc” không khí để phòng dịch cúm. Không rõ chiếc máy có hoạt động không. Ảnh chụp năm 1919.

Nhưng công chúng mau chóng nhận ra sự thật, khi các trường học, nhà hát, và các địa điểm công cộng bị đóng cửa, và những người hàng xóm, bạn bè của họ lần lượt ra đi.

Lời nói dối của chính phủ khiến người dân mất niềm tin. Và khi không có niềm tin, xã hội bắt đầu tan rã. Người ta không còn quan tâm đến nhau nữa. Các kệ hàng hóa, nhất là thức ăn, bị vét sạch. Ở vùng ngoại ô Kentucky, hội Chữ thập đỏ báo cáo: “người bệnh bắt đầu chết đói, không phải vì ở đây thiếu thức ăn, mà vì sự hoảng sợ khiến không ai dám đến gần họ”. Nỗi sợ hãi lan khắp các quốc gia còn nhanh hơn cả bước tiến của dịch bệnh. Victor Vaughan, một bác sĩ đã viết trong hồi kí về nỗi sợ diệt vong: “Nếu dịch bệnh tiếp tục gia tăng theo cấp số toán học, nền văn minh sẽ dễ dàng bị quét sạch khỏi Trái đất trong vài tuần nữa”.

Những đứa trẻ đeo những chiếc vòng chứa long não để phòng dịch cúm

Những đứa trẻ đeo những chiếc túi chứa long não trên cổ. Người ta tin rằng long não sẽ giúp tránh được bệnh cúm. Dĩ nhiên điều này chỉ có tác dụng giúp trấn an tinh thần.

Tất nhiên, bản thân bệnh dịch đã gây ra sự sợ hãi của cộng đồng. Nhưng những lời trấn an lừa dối của chính quyền và các phương tiện truyền thông đã phá hủy niềm tin của cộng đồng một cách “có hệ thống”. Điều đó góp sức làm phóng đại nỗi sợ, và biến chúng thành sự hoảng loạn.

Bài học rút ra từ sự kiện này rất rõ ràng: khi xử lý bất kì cuộc khủng hoảng nào, việc giữ uy tín là điều hết sức quan trọng. Đưa ra thông tin giả để trấn an cộng đồng là việc làm tệ hại nhất. Người dân sẽ không bao giờ tin và hợp tác với chính quyền khi nghĩ rằng còn điều gì đó họ chưa biết. Và rất nhanh chóng, dịch bệnh sẽ trở thành cơn khủng hoảng trên mọi mặt đời sống xã hội.

SẼ TỐT HƠN NẾU CÓ MỘT TỔ CHỨC KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH TRÊN PHẠM VI THẾ GIỚI

Năm 1919, khi hội nghị hòa bình Paris về chấm dứt chiến tranh thế giới lần 1 được tổ chức, 44 quốc gia đã thống nhất thành lập Hội quốc liên, tổ chức quốc tế đầu tiên có nhiệm vụ duy trì hòa bình thế giới. Sau những thiệt hại nặng nề do dịch cúm Tây Ban Nha gây ra trong năm trước đó, cộng đồng quốc tế nhận thấy cần phải có một tổ chức thống nhất nhằm giám sát và thông tin về dịch bệnh, cũng như điều phối các nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh của các quốc gia. Tổ chức Y tế của Hội Quốc liên (League of Nations Health Organisation – LNHO) đã ra đời trong hoàn cảnh đó, với sứ mệnh “giảm bớt đau khổ cho con người bằng cách giảm thiểu hoặc đẩy lùi bệnh tật”. LNHO chính là tiền thân của Tổ chức Y tế Thế giới – đơn vị đang điều phối công cuộc ngăn chặn dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu hiện nay.

Các thành viên của Tổ chức y tế Hội Quốc liên, ảnh chụp năm 1920

Các thành viên của Tổ chức Y tế Hội Quốc liên, ảnh chụp năm 1920

Sau hơn 100 năm, nền y học thế giới đã có những tiến bộ nhảy vọt. Ngày nay, chúng ta có trong tay khoa học công nghệ vượt bậc so với thế kỉ trước, chúng ta cũng có một hệ thống thông tin ứng phó thảm họa hoàn thiện, và nguồn lực các quốc gia dành cho công tác phòng ngừa dịch bệnh hết sức dồi dào. Tuy nhiên, bài học từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha để lại vẫn còn nguyên giá trị. Đó là việc minh bạch hóa thông tin, theo dõi sát dịch bệnh, tổ chức phối hợp các biện pháp ngăn chặn dịch ngay từ “trong trứng nước”, cũng như tuyên truyền, giáo dục nhận thức của cộng đồng về dịch bệnh. Với những bài học đắt giá, hy vọng nhân loại sẽ không bao giờ phải chứng kiến thêm một đại dịch cúm Tây Ban Nha nào nữa.

Tác giả Nguyễn Hoàng Sơn - Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness