TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Từ khu ổ chuột tồi tệ nhất thế giới đến con rồng châu Á

Trong một báo cáo vào năm 1948, Ủy ban nhà ở Anh đã gọi Singapore là “một trong những khu ổ chuột tồi tệ nhất thế giới” và là “nỗi ô nhục với cộng đồng văn minh” (*). Tuy nhiên chưa đầy 50 năm sau thì đất nước này đã bước qua một chương mới, khi từ vị thế của quốc gia thuộc thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất. Điều này có được một phần nhờ vào chính sách quy hoạch đô thị của đảo quốc này.

Biên niên sử Singapore về quy hoạch đô thị là một trong 50 tập sách thuộc bộ Biên niên sử Singapore, tóm lược một cách chi tiết vấn đề quy hoạch tại đất nước này. Chắp bút bởi hai tiến sĩ hoạt động trong lĩnh vực đô thị là Heng Chye Kiang và Yeo Su-Jan, tác phẩm đã cho ta thấy được những hạn chế cũng như thách thức trong quy hoạch của một đảo quốc luôn hướng về phía tương lai.

Đất nước “cất cánh” nhờ quy hoạch có tầm nhìn xa

Trong tác phẩm này, hai học giả đã chứng minh rằng chính sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên mà đặc biệt là đất và nước, đã biến nhược điểm trở thành động lực cho sự tháo vát, tài khéo và trí tưởng tượng của người Singapore. Kết hợp cùng những ràng buộc bắt nguồn từ biên giới địa – chính trị và đất đai cố định, cũng như ý muốn giữ được các khu bảo tồn xanh… mà vấn đề của Singapore từng là nút thắt có phần nan giải.

Thành phố khoa học ngầm dưới khu Kent Ridge đang được Singapore nghiên cứu tính khả thi. Nguồn: CNN


Tuy vậy bằng phương pháp quản trị tỉ mỉ, thông qua quy hoạch tổng thể tích hợp với tầm nhìn dài hạn, đảo quốc này đã có được nhiều thành tích ấn tượng. Trường hợp của Singapore đã cho ta thấy đất đai không nhất thiết là yếu tố tất yếu và định đoạt cho tiềm năng của một quốc gia, bởi lẽ, với việc tìm kiếm các cơ hội bên ngoài, hợp tác cùng các đối tác, nhà đầu tư, đã giúp đảo quốc khắc phục được nhiều hạn chế.

Chẳng hạn như để đảm bảo an ninh lương thực trong nước thì Singapore đã tăng cường quan hệ đối tác công – tư cũng như hợp tác quốc tế. Họ đã phát triển các thỏa thuận chung để phát triển các nguồn thực phẩm ở những quốc gia giàu về quỹ đất như Trung Quốc, từ đó hình thành vùng trồng trọt chung ở tỉnh Cát Lâm. Về công nghiệp, Singapore cũng hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, đổi lại là những cam kết về phát triển quân sự và huấn luyện bên ngoài biên giới.

Bên cạnh điều đó thì hệ thống quy hoạch sử dụng đất lấy các nguyên tắc: quy hoạch dài hạn, quy hoạch tích hợp, triển khai hiệu quả, minh bạch và linh hoạt làm kim chỉ nam cũng đã mang đến kết quả ấn tượng.

Phóng chiếu tầm nhìn đi trước từ 10 đến 20 năm, Singapore cũng đã thực hiện các quy hoạch chiến lược để phát triển đất và các nền tảng giao thông trong tương lai, từ đó hỗ trợ tăng trưởng dân số cũng như kinh tế, đảm bảo chất lượng cho các mục đích sử dụng quan trọng ở trong tương lai.

Chẳng hạn như bản Quy hoạch chiến lược năm 1971 là mô hình phát triển đô thị hóa dựa trên vành đai, để tái định hình lại hình dáng đô thị sau khi giành được độc lập. Theo đó, chính quyền đã đưa các đô thị mới với mật độ cao phát triển xung quanh khu vực trung tâm, và được kết nối với nhau nhờ vào hệ thống đường sắt MRT.

Trong khi đó bản Quy hoạch chiến lược năm 1991 lại hướng đến “một thành phố nhiệt đới ưu việt” khi muốn giới thiệu hình ảnh Singapore trong tương lai đô hội, hiện đại, bền vững, hiệu quả, hấp dẫn và đa dạng.

Cây xanh mọc trên cao nằm rải rác trong một khu phát triển khách sạn cao tầng ở Khách sạn Pickering. Ảnh: WOHA


Sau khi đã đạt được thành tựu này, thì Quy hoạch chiến lược năm 2001 tập trung nhiều hơn về mặt văn hóa, hướng tới “một thành phố thịnh vượng đẳng cấp thế giới trong thế kỷ 21”. Và để đạt được định hướng này, thì ba động lực được quan tâm nhất là trở thành: trung tâm kinh doanh toàn cầu, có bản sắc riêng cũng như phát triển các hoạt động giải trí và du lịch.

Mới đây nhất, Quy hoạch chiến lược 2011 hướng tới quy hoạch sử dụng đất 2030 cũng đã đề ra một “môi trường sống chất lượng cao cho mọi người dân Singapore”.

Do có được tầm nhìn xa cùng sự kết hợp giữa nhiều lĩnh vực, mà việc quy hoạch cũng như định hướng tại đất nước này đã được thực hiện một cách nhanh chóng. Đi cùng với đó là việc tận dụng một cách hợp lý các di sản cũ, và các vấn đề cải tạo đất, lấn biển… cũng được quan tâm, dẫn đến các chính sách này luôn luôn bắt kịp thực tế hiện tại.

Những khía cạnh khác như hệ thống nhà nước tập trung để tối ưu hóa vai trò phối hợp của các cơ quan chính phủ, thể chế ổn định giúp cho kế hoạch và chính sách có tính kế thừa, phát triển dài hạn… cũng là yếu tố thêm vào giúp cho đất nước “cất cánh”.

Những bài toán cho đô thị tương lai

Trong những năm tới, theo các dự đoán thì ba xu hướng có thể ảnh hưởng đến quy hoạch và phát triển đô thị ở Singapore là: già hóa và tăng trưởng dân số; xu hướng tối ưu hóa đất đai và tăng tính tiện nghi - sự hấp dẫn của đô thị; cũng như tư duy đô thị tương lai và đổi mới đô thị. Không riêng gì đảo quốc này, mà các quốc gia ở cùng khu vực cũng có thể lấy Singapore là một ví dụ để giải quyết cho các vấn đề của mình.

Nhà ở xã hội 50 tầng và lối đi trên không (environment deck) của The Pinnacle@Duxtoncó thể làm thay đổi hình thái đô thị Singapore những năm tới. Ảnh: Visit Singapore


Đầu tiên là già hóa dân số. Yếu tố này sẽ tạo ra rất nhiều nhu cầu cũng như áp lực lên các cơ sở hạ tầng đô thị. Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… là những quốc gia đang phải đối mặt với tỉ lệ sinh thấp, cũng như là tháp dân số đã qua thời điểm vàng, do đó đòi hỏi quy hoạch và các thiết kế nhà ở, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe và tiện nghi hằng ngày… cần được xem xét một cách thận trọng, cho phép chủ động trong quá trình già hóa tại chỗ.

Với Singapore, đất nước này đang tiến hành rất nhiều nỗ lực để giải quyết được tình trạng trên. Một trong số đó là việc tạo ra không gian làm việc chung, cũng như chương trình sống – làm việc cùng một địa điểm. Điều này cho phép các hộ gia đình có được thu nhập trực tiếp tại nơi cư trú, hoặc trên một tầng của cùng tòa nhà được dùng cho các mục đích thương mại.

Tại các đô thị lớn, thì việc quy hoạch cũng như giao thông đang được cân nhắc. Theo đó các dịch vụ và tiện nghi sẽ được phân bổ rộng rãi trong các cụm thương mại xuyên suốt các khu dân cư khác nhau, tạo ra được sự linh hoạt nếu so với các đô thị chỉ có trung tâm mua sắm theo dạng tập trung. Và khi dân số già đi, khả năng đi bộ càng quan trọng hơn, nên việc tạo các công trình mang tính kết nối là rất quan trọng, giúp việc đi lại được rút ngắn hơn, cũng như giảm thiểu những sự bất tiện.

Vấn đề thứ hai về tối ưu hóa đất đai và tăng mức độ đáng sống của đô thị cũng được giải quyết bằng các công nghệ - kỹ thuật tiên tiến. Theo đó Singapore đã áp dụng chính sách phát triển về mặt không gian nhằm tổ chức sử dụng đất hiệu quả nhất, giúp tối đa hóa diện tích.

Về quy hoạch và thiết kế môi trường thì Singapore cũng đang hướng tới tối đa hóa chất lượng sống, với việc duy trì những không gian xanh và mảng kiến tạo. Hiện nay nông nghiệp canh tác theo chiều dọc kết hợp cùng vườn sân thượng rất được khuyến khích.

Sách Biên niên sử về quy hoạch đô thị Singapore.


Cuối cùng là về tư duy đô thị tương lai và đổi mới đô thị. Singapore cũng đang bắt đầu khám phá những tiềm năng mới, với sự giúp đỡ của những công nghệ đột phá. Mới đây các thay đổi về không gian và hình thức xây dựng cũng được chính quyền mang vào triển khai. Trong đó không phận, không gian ngầm và không gian trên biển cũng được quan tâm đầu tư, khai thác.

Ví dụ các ý tưởng về một thành phố khoa học bên dưới mặt đất đang được nghiên cứu về tính khả thi, ngoài ra là hệ thống vận chuyển hàng hóa ngầm giữa các cảng biển và các trung tâm phân phối tập trung và khu công nghiệp. Về không phận thì khái niệm sàn cảnh quan (environment deck) đang được nghiên cứu để cơ sở hạ tầng đô thị được nâng lên trên mặt đất, giúp nối liền các tòa nhà và các cơ sở công cộng trên một khu vực rộng lớn…

Từ những điều trên có thể thấy rằng thành công của Singapore về mặt quy hoạch được tạo từ nhiều yếu tố, mà một trong số đó là tầm nhìn xa. Đây là bài học tương đối giá trị cho những đôi thị khác, không chỉ từ trong quá khứ, mà còn là cả hiện tại. Trong những năm tới, tận dụng các dữ liệu lớn và sự cải tiến đối với công nghệ, Singapore đang dần hướng tới một nền kinh tế thâm dụng tri thức và sáng tạo cao, được hỗ trợ bởi công nghệ cao cũng như tiên tiến.

(*) Trích dẫn từ sách Biên niên sử Singapore về quy hoạch đô thị (trang 134-135).

Minh Anh - Theo Người Đô Thị

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness