"Chúng tôi biết đôi khi các thành phố lớn có thể gây mệt mỏi và có thể tạo ra cảm giác không ai biết ai," Rolland nói.
"Nhưng khoảng cách gần có nghĩa là chúng ta sẽ, thông qua các liên kết xã hội, định hình lại cách sống của mình ở các thành phố.
"Chúng ta muốn không gian mở, nhưng đó phải là những không gian không nhằm phục vụ mục đích gì cụ thể mà là nơi mọi người có thể gặp nhau càng nhiều càng tốt. Chúng ta sẽ sống lành mạnh hơn khi chúng ta sống cùng nhau, và điều này sẽ xây dựng lại kết cấu xã hội của chúng ta."
Việc chuyển đổi các khu phố đã diễn ra kể từ khi bà Hidalgo nhậm chức vào năm 2014, với việc cấm các phương tiện nhiều ô nhiễm, dành các bến tàu trên sông Seine chỉ cho người đi bộ và đi xe đạp, đồng thời tạo ra các khoảng xanh nhỏ trên toàn thành phố - kể từ năm 2018, hơn 40 sân trường ở Paris đã biến thành 'ốc đảo' xanh.
Hơn 50 km đường xe đạp gọi là 'coronapiste' cũng đã được xây dựng từ đại dịch xảy ra, và việc chỉnh trang Quảng trường Bastille vào tháng 11/2020 đã được hoàn thành nằm trong kế hoạch thiết kế bảy quảng trường lớn trị giá 30 triệu euro.
Bà Hidalgo đã cam kết thêm 1 tỷ euro mỗi năm để bảo trì và làm đẹp đường phố, quảng trường và khu vườn.
Lan tỏa ra thế giới
Với Paris đi đầu, các thành phố khác trên khắp thế giới đã bị thu hút bởi mô hình cộng đồng năng động và bền bỉ này.
Madrid, Milan, Ottawa và Seattle nằm trong số những thành phố tuyên bố có kế hoạch sao chép cách làm của Paris.
Melbourne đã áp dụng kế hoạch chiến lược dài hạn cho các khu dân cư 20 phút.
C40 Cities, một liên minh các thành phố vốn tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu, đã đi xa đến mức quảng bá ý tưởng 'thành phố 15 phút' như cơ sở cho sự phục hồi sau Covid-19.
"Mô hình này theo dõi lộ trình về sức chịu đựng bền bỉ của cộng đồng," Flavio Coppola, giám đốc chương trình quy hoạch đô thị của C40 Cities, nói.
"Nó giảm lượng khí thải thông qua giao thông, nhưng các khu dân cư cũng có sức chịu đựng bền bỉ hơn. Điều đó cũng có nghĩa là thay đổi cách sử dụng đất để cho phép xây dựng công sở cũng như 'không gian thứ ba' cho những ai làm việc từ xa. Vì vậy, ở cấp độ khu dân cư, chúng sẽ có thể kháng cự tốt hơn trước những cú sốc."
Theo Richard Bentall, giáo sư tâm lý học tại Đại học Sheffield, người nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tác động xã hội của Covid-19, thì sự thay đổi cấu trúc các thành phố cũng sẽ có nghĩa là bản thân các cá nhân sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cú sốc.
Cảm giác gắn bó mà 'thành phố 15 phút' thúc đẩy có thể khiến tất cả chúng ta hạnh phúc hơn, ông nói.
"Chúng ta đang ngày càng trở thành một sinh vật đô thị, nhưng môi trường đô thị khiến cho sức khỏe tâm thần trở nên tệ hơn," ông nói.
"Với Covid, một số người thì chịu khổ còn những người khác được lợi. Nhưng nghiên cứu cho thấy bạn tương tác với hàng xóm nhiều càng tốt. Nếu bạn cảm thấy gắn bó với khu phố của mình, đó sẽ là tấm màng bảo vệ lớn cho sức khỏe tâm thần của bạn. Nếu thành phố 15 phút có thể đạt được sự cân bằng này, thì có lẽ tương lai đô thị hạnh phúc cho loài người là có khả năng."
Tạo thêm ngăn cách?
Việc tìm kiếm điểm cân bằng đó có thể sẽ khó khăn và những người hoài nghi lo ngại rằng thành phố 15 phút có thể làm trầm trọng thêm chia rẽ xã hội, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quận nghèo và quận giàu - các quận giàu có cơ sở vật chất chất lượng cao còn các quận nghèo sẽ thậm chí ít có khả năng thay đổi xã hội so với trước.
"Khiến cho một không gian trở nên đáng sống hơn là điều chúng ta chắc chắn có thể đạt được," Elisa Pieri, giảng viên xã hội học tại Đại học Manchester, nói.
"Nhưng chúng ta cần đảm bảo rằng các tiện ích phải đạt tiêu chuẩn cao. Các khu dân cư bị gạt ra lề có thể sẽ là nơi tập trung các bác sĩ, trường học tồi. Điều đó có thể tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng và kỳ thị khu vực nhiều hơn."
Valentin Jedraszyk nói anh đã khám phá ra được nhiều điều thú vị, nhiều "địa điểm tuyệt vời" ở quận nhà mình nhờ có thời gian phong tỏa
Ít ai nghi ngờ rằng cư dân ở một số vùng ngoại ô bị thiệt thòi của Paris từ lâu đã phải đối mặt với những trở ngại kinh tế và xã hội đối với sự phát triển của họ.
Tuy nhiên, cách mà các thành phố có thể tránh được mối nguy hiểm này là "tập trung trước hết vào các khu dân cư cần nhất", Coppola nói.
"Tôi đồng ý là có nguy cơ," ông nói thêm. "Nhưng ý tưởng của chúng tôi về thành phố 15 phút là về sự tiếp cận và tính bền vững. Đây là cơ hội để sử dụng mô hình cho sự thay đổi."
Cạnh đó còn các mối quan tâm khác là về tác động của việc thay đổi bản chất của thành phố hiện đại.
Elena Magrini, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Centre for Cities có trụ sở ở Anh, cảnh báo xu hướng đi về hướng "sự kết thúc các thành phố lớn" cũng có thể làm giảm sự sáng tạo.
"Các thành phố cho phép mọi người hòa đồng, ở bên nhau và chia sẻ ý tưởng," bà nói. "Điều đó thường xảy ra ở trung tâm thành phố. Liệu chúng ta có thể tái tạo lại sự sáng tạo và đổi mới nếu chúng không còn tồn tại nữa?"
'Cư dân gắn bó hơn'
Ở một nơi đông đúc như Paris với gốc rễ tiền công nghiệp khiến thành phố có hơn 53.000 người trên mỗi dặm vuông, việc cư dân tiếp tục hòa nhập ở các thành phố 15 phút trong tương lai nói chung sẽ không thành vấn đề.
Tuy nhiên, ở các thành phố trải rộng hơn nhiều như London và New York, mật độ không đủ đông hiện tại có thể gây ra nhiều thứ nghiêm trọng hơn.
Nhưng Carlos Moreno tin rằng bằng cách để 'thành phố 15 phút' cho cư dân dẫn dắt và trên hết là để phục vụ người dân, khả năng sáng tạo và các lợi ích sẽ được phát huy. Ông chỉ ra vai trò của việc lập ngân sách có sự tham gia của người dân; từ năm 2014 cư dân đã được biểu quyết đối với 5% chi tiêu cho cộng đồng ở Paris - khoản tiền có tổng giá trị nửa tỷ euro.
"Đại dịch đã khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách di chuyển khác, tiêu dùng khác, sống khác," ông nói. "Chúng ta phát hiện ra rằng bằng cách làm việc khác đi, chúng ta có nhiều thời gian rảnh hơn, có nhiều thời gian hơn để ở bên cạnh gia đình hay bạn bè. Chúng ta khám phá và trân trọng chỗ mình ở nhiều hơn. Điều này sẽ khiến tất cả chúng ta trở thành những cư dân gắn bó hơn."
Moreno thừa nhận quá trình chuyển đổi này sẽ không dễ dàng đơn giản - nhưng một số mục tiêu chính đã được đề ra, chẳng hạn như làm cho mọi con đường ở Paris trở nên thân thiện với xe đạp cho đến năm 2024.
"Thành phố 15 phút không phải là chiếc đũa thần," ông nói. "Ngày nay, các khu dân cư của chúng ta bị ngăn cách theo tiền bạc - giàu, nghèo, trung lưu, dân lao động, quán bar, công sở. Đó là hố ngăn cách lớn. Nhưng những gì chúng ta phải làm là vận dụng thành phố 15 phút để tập trung vào lợi ích chung. Với đủ kinh phí và sự hỗ trợ được triển khai đúng cách, chúng ta có thể đảm bảo rằng những thành phố này sẽ phục vụ cư dân."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.
Theo BBC