TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 12
  • Hôm nay: 431
  • Tháng: 10436
  • Tổng truy cập: 5143754
Chi tiết bài viết

Tương lai của mô hình Khu đô thị 15 phút thời hậu Covid-19

Trong một thời gian dài, Solène Fraioli nói rằng cô 'không chịu thừa nhận' Paris có thể là nơi căng thẳng.

City of Paris

Nhân viên hầu bàn 29 tuổi này, vốn lớn lên ở ngoại ô thành phố nhưng hiện đang sống trong một căn hộ thiết kế không gian mở (studio flat) ở quận trung tâm lịch sử, đã choáng ngợp bởi cơ hội vô hạn của thành phố - từ các buổi hát nhạc jazz vào tối thứ Hai đến ẩm thực Tây Phi và các lớp học võ capoeira.

Nhưng Fraioli bắt đầu nhận ra rằng sống ở Kinh đô Ánh sáng có một số bất lợi nhất định - nhất là năng lượng cuồng nhiệt, không ngừng nghỉ của nó.

"Paris là một thành phố luôn luôn chuyển động," cô nói. "Mọi người, mọi lúc, mọi nơi."

Khám phá lại nơi ở

Những lựa chọn vô vàn đó đã ngưng lại vì đại dịch virus corona. Nhưng đối với Fraioli, hai tháng phong tỏa, bắt đầu vào ngày 17/3/2020 - khiến cô chỉ loanh quanh trong vòng bán kính 1km từ nhà - đã đem đến cho cô một cái nhìn mở mang, nhiều khía cạnh về nơi cô ở.

"Tôi nhận ra rằng ta có thể cảm thấy như đang ở một ngôi làng nhỏ ngay trong Paris," cô nói. "Làm quen với những hàng xóm, giữ mối quan hệ thân thiện với các chủ cửa hàng, mua sắm, sửa dụng dịch vụ để ủng hộ thợ thủ công và các cửa tiệm tại chỗ thay vì mua từ các siêu thị lớn. Tôi thậm chí còn tham gia vào phong trào làm các giỏ thức ăn cho người vô gia cư. Tôi cứ ngỡ là cuộc sống trong thời gian phong tỏa đối với tôi sẽ khó khăn, nhưng hóa ra hoàn toàn rất ổn khi ở nhà một mình, ở một nơi yên tĩnh."

Cô không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy. "Thật bất ngờ, trải nghiệm này đã củng cố sự gắn kết giữa tôi với một số người," Valentin Jedraszyk, một công chức 25 tuổi sống ở phía nam Paris, nói. "Nó làm cho tôi đi dọc ngang những con phố nhỏ trong quận của mình nhiều hơn bình thường và nhờ đó khám phá được những địa điểm tráng lệ chỉ cách nhà tôi có mấy bước."

Solène Fraioli

Solène Fraioli, sống tại Paris, nói việc phong tỏa khiến cô có cái nhìn khác về cuộc sống ở khu dân cư nơi cô ở

Tác động của lệnh phong tỏa đối với cách vận hành của những thành phố dày đặc dân cư như Paris và cách người dân ở đó giao tiếp với nhau là không thể phủ nhận. Cách chúng ta giao tiếp, đi lại, tiêu thụ và giao lưu đã bị những hạn chế do đại dịch tái định hình.

Carlos Moreno, giám đốc khoa học và giáo sư chuyên về hệ thống phức tạp và sáng tạo tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, tin rằng 'sẽ không bao giờ' cuộc sống thành phố trở lại như trước khi virus corona xuất hiện.

Mặc dù đại dịch khiến khu trung tâm thành phố đóng cửa, ông nói, nó cho thấy các liên kết xã hội quan trọng thế nào - nhưng qua một lăng kính khác.

"Nhiều người trước đây chưa bao giờ đi đến các cửa hàng gần nhà vì họ bận rộn. Họ không biết hàng xóm hoặc những công viên gần đó. Đại dịch đã khiến chúng ta phát hiện ra điều này. Chúng ta khám phá lại nơi chốn của mình và điều này đã cải thiện chất lượng cuộc sống."

Moreno, người đồng thời là đặc phái viên của Tòa Thị chính Paris về thành phố thông minh, được coi là nhà lý luận chính đứng đằng sau sự nổi lên gần đây của mô hình quy hoạch đô thị mới, được tạo ra gần như là để dành cho cuộc sống tương lai theo hướng tại chỗ: 'thành phố 15 phút'.

Ý tưởng là cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách tạo ra những thành phố nơi mọi thứ mà cư dân cần có thể đến được trong vòng 15 phút đi bộ hoặc đạp xe.

Ở thành phố 15 phút, mọi người chỉ cần di chuyển tối thiểu qua lại giữa nhà, văn phòng, nhà hàng, công viên, bệnh viện và các địa điểm văn hóa. Mỗi khu vực sinh sống phải đáp ứng sáu chức năng xã hội: sống, làm việc, cung cấp, chăm sóc, học hỏi và giải trí.

Moreno đang nghiên cứu về khái niệm này - được coi là phản ứng với cả khủng hoảng khí hậu, bằng cách thúc đẩy các sáng kiến xanh ở cấp độ khu phố và giảm thiểu việc đi lại, đồng thời sự mở rộng liên tục đô thị vốn đẩy những người ở ngoại vi ra xa hơn - từ rất lâu trước khi đại dịch xảy đến.

Nhưng ông nói rằng Covid-19 đã nhanh chóng khởi động xu hướng địa phương hóa, đưa thành phố 15 phút vào chương trình hành động của các đô thị lớn trên thế giới.

'Thành phố không phải đi xa'

Nhiều chuyên gia và nhà quy hoạch đã đưa ra các yếu tố tạo nên khái niệm thành phố 15 phút trong nhiều thập kỷ qua.

Vào thời thập niên 1920, nhà quy hoạch đô thị người Mỹ Clarence Perry đã đề xuất ý tưởng 'đơn vị khu phố' nơi người dân 'có thể sống được', trước khi có làn sóng ồ ạt xe hơi cá nhân và việc phân khu thành phố vốn xuất hiện vào cuối thế kỷ 20.

Copenhagen biến các phố mua sắm chính của mình thành phố đi bộ vào năm 1962, trước khi các thành phố châu Âu đông đúc khác thực hiện cách tiếp cận tương tự đối với khu trung tâm.

Sau đó là thời của Chủ nghĩa Đô thị mới, một phong trào thiết kế đô thị vốn thúc đẩy mô hình thành phố có thể đi bộ, tràn ra khắp nước Mỹ vào thời thập niên 1980.

Tuy nhiên, mô hình thành phố 15 phút ngày nay có sự thay đổi lớn so với mô hình trong quá khứ, để ứng phó với biến đổi khí hậu, Covid-19 và toàn cầu hóa.

Trong khi các sáng kiến trước đây tập trung vào việc đi lại dễ dàng, khả năng đi bộ được và các dịch vụ công, Paris đã thực hiện một cách tiếp cận toàn diện để đem đến cho các khía cạnh đó một nội dung xanh hơn cũng như bao gồm công sở, hoạt động văn hóa và các kết nối xã hội vốn phù du hơn.

Anne Hidalgo, thị trưởng Paris, đã đưa vấn đề này thành trung tâm của chiến dịch tái tranh cử thành công của bà hồi năm 2020, phác thảo ra bốn nguyên tắc chính - lân cận, đa dạng, mật độ và phổ biến - và từ đó đã bổ nhiệm một ủy viên phụ trách cho thành phố 15 phút, bà Carine Rolland.

Đối với bà Rolland, mục đích trên hết là tạo ra điều mà bà gọi là 'thành phố không phải đi xa' - không chỉ giữa các công trình mà còn giữa các cá nhân.

City of Paris

Chỉ cần di chuyển trong vòng 15 phút là cư dân của các thành phố theo mô hình 15 phút này đã có thể có các hoạt động sống, làm việc, cung cấp, chăm sóc, học hỏi và giải trí

"Chúng tôi biết đôi khi các thành phố lớn có thể gây mệt mỏi và có thể tạo ra cảm giác không ai biết ai," Rolland nói.

"Nhưng khoảng cách gần có nghĩa là chúng ta sẽ, thông qua các liên kết xã hội, định hình lại cách sống của mình ở các thành phố.

"Chúng ta muốn không gian mở, nhưng đó phải là những không gian không nhằm phục vụ mục đích gì cụ thể mà là nơi mọi người có thể gặp nhau càng nhiều càng tốt. Chúng ta sẽ sống lành mạnh hơn khi chúng ta sống cùng nhau, và điều này sẽ xây dựng lại kết cấu xã hội của chúng ta."

Việc chuyển đổi các khu phố đã diễn ra kể từ khi bà Hidalgo nhậm chức vào năm 2014, với việc cấm các phương tiện nhiều ô nhiễm, dành các bến tàu trên sông Seine chỉ cho người đi bộ và đi xe đạp, đồng thời tạo ra các khoảng xanh nhỏ trên toàn thành phố - kể từ năm 2018, hơn 40 sân trường ở Paris đã biến thành 'ốc đảo' xanh.

Hơn 50 km đường xe đạp gọi là 'coronapiste' cũng đã được xây dựng từ đại dịch xảy ra, và việc chỉnh trang Quảng trường Bastille vào tháng 11/2020 đã được hoàn thành nằm trong kế hoạch thiết kế bảy quảng trường lớn trị giá 30 triệu euro.

Bà Hidalgo đã cam kết thêm 1 tỷ euro mỗi năm để bảo trì và làm đẹp đường phố, quảng trường và khu vườn.

Lan tỏa ra thế giới

Với Paris đi đầu, các thành phố khác trên khắp thế giới đã bị thu hút bởi mô hình cộng đồng năng động và bền bỉ này.

Madrid, Milan, Ottawa và Seattle nằm trong số những thành phố tuyên bố có kế hoạch sao chép cách làm của Paris.

Melbourne đã áp dụng kế hoạch chiến lược dài hạn cho các khu dân cư 20 phút.

C40 Cities, một liên minh các thành phố vốn tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu, đã đi xa đến mức quảng bá ý tưởng 'thành phố 15 phút' như cơ sở cho sự phục hồi sau Covid-19.

"Mô hình này theo dõi lộ trình về sức chịu đựng bền bỉ của cộng đồng," Flavio Coppola, giám đốc chương trình quy hoạch đô thị của C40 Cities, nói.

"Nó giảm lượng khí thải thông qua giao thông, nhưng các khu dân cư cũng có sức chịu đựng bền bỉ hơn. Điều đó cũng có nghĩa là thay đổi cách sử dụng đất để cho phép xây dựng công sở cũng như 'không gian thứ ba' cho những ai làm việc từ xa. Vì vậy, ở cấp độ khu dân cư, chúng sẽ có thể kháng cự tốt hơn trước những cú sốc."

Theo Richard Bentall, giáo sư tâm lý học tại Đại học Sheffield, người nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tác động xã hội của Covid-19, thì sự thay đổi cấu trúc các thành phố cũng sẽ có nghĩa là bản thân các cá nhân sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cú sốc.

Cảm giác gắn bó mà 'thành phố 15 phút' thúc đẩy có thể khiến tất cả chúng ta hạnh phúc hơn, ông nói.

"Chúng ta đang ngày càng trở thành một sinh vật đô thị, nhưng môi trường đô thị khiến cho sức khỏe tâm thần trở nên tệ hơn," ông nói.

"Với Covid, một số người thì chịu khổ còn những người khác được lợi. Nhưng nghiên cứu cho thấy bạn tương tác với hàng xóm nhiều càng tốt. Nếu bạn cảm thấy gắn bó với khu phố của mình, đó sẽ là tấm màng bảo vệ lớn cho sức khỏe tâm thần của bạn. Nếu thành phố 15 phút có thể đạt được sự cân bằng này, thì có lẽ tương lai đô thị hạnh phúc cho loài người là có khả năng."

Tạo thêm ngăn cách?

Việc tìm kiếm điểm cân bằng đó có thể sẽ khó khăn và những người hoài nghi lo ngại rằng thành phố 15 phút có thể làm trầm trọng thêm chia rẽ xã hội, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quận nghèo và quận giàu - các quận giàu có cơ sở vật chất chất lượng cao còn các quận nghèo sẽ thậm chí ít có khả năng thay đổi xã hội so với trước.

"Khiến cho một không gian trở nên đáng sống hơn là điều chúng ta chắc chắn có thể đạt được," Elisa Pieri, giảng viên xã hội học tại Đại học Manchester, nói.

"Nhưng chúng ta cần đảm bảo rằng các tiện ích phải đạt tiêu chuẩn cao. Các khu dân cư bị gạt ra lề có thể sẽ là nơi tập trung các bác sĩ, trường học tồi. Điều đó có thể tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng và kỳ thị khu vực nhiều hơn."

Valentin Jedraszyk

Valentin Jedraszyk nói anh đã khám phá ra được nhiều điều thú vị, nhiều "địa điểm tuyệt vời" ở quận nhà mình nhờ có thời gian phong tỏa

Ít ai nghi ngờ rằng cư dân ở một số vùng ngoại ô bị thiệt thòi của Paris từ lâu đã phải đối mặt với những trở ngại kinh tế và xã hội đối với sự phát triển của họ.

Tuy nhiên, cách mà các thành phố có thể tránh được mối nguy hiểm này là "tập trung trước hết vào các khu dân cư cần nhất", Coppola nói.

"Tôi đồng ý là có nguy cơ," ông nói thêm. "Nhưng ý tưởng của chúng tôi về thành phố 15 phút là về sự tiếp cận và tính bền vững. Đây là cơ hội để sử dụng mô hình cho sự thay đổi."

Cạnh đó còn các mối quan tâm khác là về tác động của việc thay đổi bản chất của thành phố hiện đại.

Elena Magrini, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Centre for Cities có trụ sở ở Anh, cảnh báo xu hướng đi về hướng "sự kết thúc các thành phố lớn" cũng có thể làm giảm sự sáng tạo.

"Các thành phố cho phép mọi người hòa đồng, ở bên nhau và chia sẻ ý tưởng," bà nói. "Điều đó thường xảy ra ở trung tâm thành phố. Liệu chúng ta có thể tái tạo lại sự sáng tạo và đổi mới nếu chúng không còn tồn tại nữa?"

'Cư dân gắn bó hơn'

Ở một nơi đông đúc như Paris với gốc rễ tiền công nghiệp khiến thành phố có hơn 53.000 người trên mỗi dặm vuông, việc cư dân tiếp tục hòa nhập ở các thành phố 15 phút trong tương lai nói chung sẽ không thành vấn đề.

Tuy nhiên, ở các thành phố trải rộng hơn nhiều như London và New York, mật độ không đủ đông hiện tại có thể gây ra nhiều thứ nghiêm trọng hơn.

Nhưng Carlos Moreno tin rằng bằng cách để 'thành phố 15 phút' cho cư dân dẫn dắt và trên hết là để phục vụ người dân, khả năng sáng tạo và các lợi ích sẽ được phát huy. Ông chỉ ra vai trò của việc lập ngân sách có sự tham gia của người dân; từ năm 2014 cư dân đã được biểu quyết đối với 5% chi tiêu cho cộng đồng ở Paris - khoản tiền có tổng giá trị nửa tỷ euro.

"Đại dịch đã khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách di chuyển khác, tiêu dùng khác, sống khác," ông nói. "Chúng ta phát hiện ra rằng bằng cách làm việc khác đi, chúng ta có nhiều thời gian rảnh hơn, có nhiều thời gian hơn để ở bên cạnh gia đình hay bạn bè. Chúng ta khám phá và trân trọng chỗ mình ở nhiều hơn. Điều này sẽ khiến tất cả chúng ta trở thành những cư dân gắn bó hơn."

Moreno thừa nhận quá trình chuyển đổi này sẽ không dễ dàng đơn giản - nhưng một số mục tiêu chính đã được đề ra, chẳng hạn như làm cho mọi con đường ở Paris trở nên thân thiện với xe đạp cho đến năm 2024.

"Thành phố 15 phút không phải là chiếc đũa thần," ông nói. "Ngày nay, các khu dân cư của chúng ta bị ngăn cách theo tiền bạc - giàu, nghèo, trung lưu, dân lao động, quán bar, công sở. Đó là hố ngăn cách lớn. Nhưng những gì chúng ta phải làm là vận dụng thành phố 15 phút để tập trung vào lợi ích chung. Với đủ kinh phí và sự hỗ trợ được triển khai đúng cách, chúng ta có thể đảm bảo rằng những thành phố này sẽ phục vụ cư dân."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.

Theo BBC

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness