Những căn shophouse, nhà phố từng được ví như “gà đẻ trứng vàng” với lợi ích kép vừa có thể ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng vốn được giới đầu tư rất ưa chuộng. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, dù các hoạt động kinh doanh đã hồi phục trở lại, nhưng tại một số khu đô thị, khu dân cư tại TPHCM nhà phố thương mại vẫn rơi vào cảnh bỏ không, ế ẩm.
Với lợi ích "kép", các căn shophouse thời gian qua được giới đầu tư ưa chuộng. Trục đường Tôn Dật Tiên được đánh giá là một trong những con đường ẩm thực lớn nhất khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhờ vị trí cảnh quan đẹp, giao thông thuận tiện. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại tuyến đường này, dãy shophouse mặt tiền có tới 80% số căn đang bỏ trống.
Nhiều căn shophouse đã được rao cho thuê nhiều tháng thậm chí nhiều năm liền nhưng đành bỏ không. Bà Hoàng Nga - một người dân sống ở đây cho biết, dãy shophouse dưới chung cư này đã được hoàn thiện và đi vào sử dụng, khai thác được cả chục năm nay. "Trước dịch, số lượng căn cho thuê có nhiều hơn bây giờ, từ sau khi dịch kết thúc thì không thấy người thuê mới, chỉ có lác đác một số cửa hàng trụ lại sau nhiều năm vì đã có khách ổn định"- bà Nga cho hay.
Hàng loạt căn shophouse "cửa đóng then cài". Theo khảo sát của phóng viên, các căn shophouse dọc con đường này có diện tích hơn 140m2, gồm trệt và lửng. Giá bán 16.5 tỉ đồng. Giá cho thuê mỗi căn từ 2.000-2.200USD/tháng, giá bán dao động từ 16,5 tỉ đồng - 20 tỉ đồng/căn. Mức giá bán của khu shophouse này cao hơn gấp đôi so với giá 1 căn hộ có diện tích tương tự ở tại đây.
Cách đó không xa, tại chung cư trên đường Nguyễn Đức Cảnh (quận 7), một số mặt bằng trước đây cho thuê làm nhà hàng, quán ăn còn đang để không, chưa có khách thuê mới.
Ngổn ngang đồ đạc của người thuê ở trong và trước cửa tiệm.
Dãy các căn shophouse ở sảnh chung cư trên mặt đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) chỉ có vài thương hiệu cà phê lớn, cửa hàng tiện lợi thuê mặt bằng kinh doanh, còn lại đều rơi vào cảnh vắng người thuê.
Biển rao bán shophouse xuất hiện khá dày đặc tại nhiều chung cư. Theo đại diện CBRE Việt Nam, shophouse chỉ thực sự có tiềm năng khi đạt được các yếu tố như dự án có khả năng lấp đầy nhanh, dịch vụ tiện ích thật tốt, có cộng đồng dân cư nội khu đủ lớn và có sự kết nối thông suốt, thu hút cộng đồng cư dân bên ngoài dự án. Nhà đầu tư không nên đầu tư vào shophouse trong ngắn hạn, mà phải có kế hoạch trung và dài hạn.
Cũng trên mặt đường Nguyễn Văn Linh, hàng loạt các căn nhà phố kinh doanh cũng trong tình trạng bỏ không, phía trước mặt tiền dán kín mít tới hàng chục số điện thoại từ các công ty bất động sản và một vài số điện thoại khác nhận là chủ nhà.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), về lâu dài, với tiềm năng của ngành bán lẻ cùng mức tăng trưởng hai chữ số không ngừng suốt hơn 1 thập kỷ vừa qua, shophouse, nhà phố kinh doanh vẫn là một trong những phương thức đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhà đầu tư cần thận trọng hơn với hình thức này, đặc biệt khi sử dụng các nguồn vốn vay.
Bà Thu Hằng - một người đầu tư bất động sản cho thuê khu vực quận 7 cho hay, kể từ sau dịch đến nay, giá cho thuê shophouse kinh doanh không tăng trở lại và vẫn neo ở mức thấp, giá thuê hiện tại chỉ bằng 70-80% so với trước dịch. Thậm chí trước đây, một số tuyến đường chính, mặt bằng cho thuê còn kín khách, rất khó để "chen chân".
Một số đơn vị đang tháo dỡ biển hiệu, trả lại mặt bằng.
Nhiều mặt bằng trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ - trục chính kết nối huyện Nhà Bè với quận 7 và nối thẳng lên trung tâm TPHCM cũng còn nhiều mặt bằng nhà phố kinh doanh đang bỏ không, chờ người thuê.
KHÁNH LINH - ANH TÚ - Theo Lao Động