Dù trải qua những diễn biến tăng giảm đan xen, chỉ số VN-Index vẫn kết thúc tuần với mức tăng mạnh và tiếp tục vươn tới mức đỉnh cao mới. Cụ thể, sau khi thử thách không thành công mốc 1,450, chỉ số chỉ giao dịch tương đối giằng co trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1,440 trong phiên thứ hai (01/11), trong bối cảnh nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận áp lực điều chỉnh giảm sau những phiên tăng khá mạnh trước đó như VHM, VIC, GAS,… Trong các phiên liền sau (02 - 04/11), trước những diễn biến tích cực của nhiều chỉ số chứng khoán lớn tại Mỹ, lực cầu mạnh ở thị trường trong nước được kích hoạt khiến VN Index ghi nhận những phiên tăng điểm khá tích cực và chủ yếu giao dịch quanh mốc 1,450 điểm. Phiên thứ sáu cuối tuần (05/11), phe mua tiếp tục tỏ ra dứt khoát đã giúp chỉ số tăng điểm mạnh và đạt mức đỉnh cao mới khi kết tuần. Thanh khoản tuần này cũng gia tăng khá mạnh so với tuần trước cả về khối lượng và giá trị giao dịch. Đóng cửa tuần, VN Index đạt mức 1,456.51 (+0.85%), trong khi HNX Index dừng lại tại mức 427.64 (+3.77%).
Sau khi vượt mốc 1,400 một cách thuyết phục, chúng tôi thấy rằng tâm lý của nhà đầu tư trong tuần vừa qua được duy trì khá tốt giúp cho chỉ số chung duy trì được đà hưng phấn. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời ngắn hạn cũng đã bắt đầu hiện hữu và khiến cho đà tăng của chỉ số bị thu hẹp phần nào. Thêm vào đó, việc những chỉ số kỹ thuật đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho lực cung trên thị trường trở nên mạnh hơn trong những phiên tới. Giai đoạn hiện đang khá "chông chênh", do đó chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần danh mục - đặc biêt là các cổ phiếu có tính đầu cơ theo "tin đồn" mà không đi kèm yếu tố cơ bản. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang diễn biến khá tích cực và nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nhưng nhìn chung nên thiên về chiến lược "lướt sóng" ngắn hạn theo dòng tiền trong bối cảnh thị trường hiện tại, đồng thời cũng cần chú ý cả đến khía cạnh quản trị rủi ro chứ không nên chỉ "mua đuổi" theo giá cổ phiếu.
|
KHUYẾN NGHỊ
|
NGẮN HẠN
|
- Cân nhắc chốt lời một phần danh mục - đặc biêt là các cổ phiếu có tính đầu cơ theo "tin đồn" mà không đi kèm yếu tố cơ bản.
|
TRUNG – DÀI HẠN
|
- Thị trường vẫn đang diễn biến khá tích cực và nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nhưng nhìn chung nên thiên về chiến lược "lướt sóng" ngắn hạn theo dòng tiền trong bối cảnh thị trường hiện tại, đồng thời cũng cần chú ý cả đến khía cạnh quản trị rủi ro chứ không nên chỉ "mua đuổi" theo giá cổ phiếu.
|
Fed giữ nguyên lãi suất, bắt đầu giảm chương trình mua tài sản
Ngày 3/11, Fed thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ gần bằng 0 nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Trong đó, chúng tôi lưu ý đến một số ý chính trong cuộc họp:
- Fed sẽ đặt mục tiêu đạt được lạm phát ở mức vừa phải trên 2% trong một thời gian để lạm phát trung bình đạt 2%.
- Fed vẫn hướng tới mục tiêu tối đa hóa việc làm. Thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy vậy, ngưỡng này vẫn còn xa với mức toàn dụng.
- Về chương trình mua tài sản, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng
Như vậy, việc tăng lãi suất hiện chưa được xem xét và thời điểm thích hợp sẽ phụ thuộc và triển vọng của nền kinh tế. Ngoài ra, quyết định giảm quy mô chương trình mua tài sản diễn ra khá như kỳ vọng của thị trường. Fed không dừng mua tài sản hoàn toàn chỉ trong một tháng; với tiến độ như hiện tại, chương trình mua tài sản sẽ kết thúc vào tháng 6/2022. Điều này vẫn nhằm hỗ trợ kinh tế hồi phục sau đại dịch; đồng thời, các thành viên trên thị trường tài chính dần thích ứng và làm quen.
Như vậy, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ như hiện nay vẫn đang tác động tích cực lên thị trường tài chính. Nhìn xa hơn, việc bắt đầu trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng được xem là tín hiệu tích cực khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục, giảm thiểu nguy cơ về khả năng hạ cánh cứng và xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
VCBS đánh giá, về mặt dài hạn trong trường hợp các chính sách tiền tệ của các NHTW dần trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng thì Việt Nam vẫn có những điều kiện và nguồn lực để có thể đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư quốc tế nhằm sử dụng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Giả định Việt Nam sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, dòng vốn đầu tư hoàn toàn có thể tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến dựa trên các tiêu chí đánh giá về mức rủi ro quốc gia và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
|