TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế - suy ngẫm và hành động

TCCS - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua đã xác định: “thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu”. Triển khai định hướng này, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, tập trung thực hiện trong 3 lĩnh vực là tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. 


Tái cơ cấu là yêu cầu thiết yếu của các nền kinh tế trên thế giới

Tình hình biến động kinh tế thế giới và khu vực những năm qua đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới đầy khó khăn đối với tất cả các nền kinh tế, trong đó nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế của các quốc gia đều ít nhiều đang có vấn đề, đòi hỏi phải có sự thay đổi phù hợp trong quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững: 

- Tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề luôn được đặt ra đối với kinh tế thế giới sau khi trải qua biến cố lớn (như diễn ra ở các nước công nghiệp phát triển những năm 1973 - 1975, sau cuộc khủng hoảng năng lượng; ở các nước Mỹ La-tinh đầu những năm 80 do tác động của khủng hoảng nợ ở Mê-hi-cô; ở các nước Đông Âu và Liên Xô đầu thập niên 90 sau sự sụp đổ của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa tại đây; ở các nước Đông Á những năm 1998 - 2000 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á...). Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới 2007 - 2009, kinh tế thế giới một lần nữa đang bước vào một giai đoạn đầy khó khăn, đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại để chuẩn bị cho một thời kỳ phát triển mới bền vững hơn. Xu thế rõ nhất là tại các nước công nghiệp phát triển, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế bắt đầu từ việc tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước (thông qua hệ thống ngân sách nhà nước, đầu tư công, hệ thống tài chính - ngân hàng, các tập đoàn kinh tế...).

- Một trong những nguyên nhân quan trọng của khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua là khủng hoảng về cơ cấu. Lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sản xuất ra của cải vật chất không được đầu tư thích đáng, trong khi nguồn vốn lớn lại đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản, tạo ra “bong bóng” lớn gấp nhiều lần giá trị thực, dẫn đến mất cân đối cơ cấu tài chính. Hậu quả là khi lạm phát tăng cao, chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt làm cho lãi suất ngân hàng tăng và duy trì ở mức cao, thị trường bất động sản bị đóng băng, thị trường chứng khoán sụt giảm, các nhà đầu tư bị vỡ nợ, nợ xấu của các ngân hàng gia tăng dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền của hệ thống tài chính ngân hàng, từ đó khủng hoảng cơ cấu kinh tế vĩ mô xuất hiện.

- Những biến cố khủng hoảng tài chính vừa qua và khủng hoảng nợ công hiện nay cho thấy, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, tài chính - tiền tệ là lĩnh vực nhạy cảm và dễ bị tác động nhất. Thực tế, thể chế quản lý hoạt động tài chính - ngân hàng trong điều kiện toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với điều kiện thực tế và diễn biến tình hình. Do vậy, các nước đều đang tìm cách gia cố lại hệ thống an ninh tài chính - ngân hàng, trong đó cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính là một nội dung quan trọng. Trong hệ thống tài chính quốc tế, xu hướng sáp nhập và mua bán giữa các ngân hàng cũng đang phát triển mạnh thời gian gần đây. 

- Khủng hoảng nợ công diễn ra từ năm 2010 đến nay đang “ép” chính phủ các quốc gia phải cơ cấu lại hoạt động đầu tư công, chi tiêu công theo hướng hiệu quả hơn và tiết kiệm hơn. Hiện nay, cuộc khủng hoảng đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nghiêm trọng với hàng loạt các nước luôn trong vòng báo động có thể vỡ nợ, đây là hệ quả của việc các nước tăng quá mức cho đầu tư công trong thời gian dài, nhất là giai đoạn khắc phục suy thoái kinh tế thế giới năm 2009 với các gói kích thích kinh tế quy mô lớn. 

- Cơ cấu đầu vào của nhiều nền kinh tế là chưa hợp lý đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững. Trong những năm qua, thế giới đã chứng kiến hai đợt lạm phát tăng cao (năm 2008 và năm 2011), là một trong những bất ổn kinh tế vĩ mô nghiêm trọng hàng đầu của nhiều nước. Ở bất cứ giai đoạn nào thì lạm phát luôn gắn với khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực. Một trong những nguyên nhân là nguyên liệu đầu vào của nhiều nền kinh tế dựa quá nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bên cạnh đó, nhiều quốc gia quá chú trọng đến sản xuất công nghiệp và xem nhẹ sản xuất nông nghiệp. Do đó, khi lạm phát tăng cao, giá cả các mặt hàng năng lượng và lương thực chiến lược thường tăng trước hết và ở mức độ cao nhất. 

Sau các biến cố của kinh tế thế giới vừa qua, việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang trở thành một yêu cầu tất yếu khách quan. Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa bắt buộc các nước phải tiến hành quá trình này, trong đó các lĩnh vực trọng tâm là hệ thống tài chính - ngân hàng, hoạt động đầu tư công và việc tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế. 

Thực trạng nền kinh tế Việt Nam đặt ra yêu cầu tái cơ cấu

Những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của các biến cố kinh tế toàn cầu, nước ta đã vượt qua được khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng: Là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (bình quân 7,2%/năm giai đoạn 2001 - 2010) và nằm trong nhóm 10 nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 1.100 USD/năm, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình; vị trí và vai trò trong khu vực và trên thế giới ngày càng nâng cao; an ninh chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia được bảo đảm; an sinh xã hội được giữ vững, giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt, sớm hoàn thành nhiều chỉ tiêu trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc. 

 Sau các biến cố của kinh tế thế giới vừa qua, việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang trở thành một yêu cầu tất yếu khách quan. Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa bắt buộc các nước phải tiến hành quá trình này, trong đó các lĩnh vực trọng tâm là hệ thống tài chính - ngân hàng, hoạt động đầu tư công và việc tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta còn thấp, các cân đối, nền tảng kinh tế vĩ mô chưa vững chắc: Tổng cầu luôn vượt quá tổng cung, thời kỳ 2006 - 2010, vốn đầu tư/GDP lên đến 43% và tiêu dùng cuối cùng/GDP là 72% cộng lại đã vượt quá sản xuất trên 10%, dẫn đến nền kinh tế luôn trong tình trạng nhập siêu và phải vay nợ từ nước ngoài, đồng thời dễ rơi vào lạm phát cao; Cân đối giữa tích lũy và đầu tư, tích lũy dưới 30% GDP nhưng đầu tư lên đến trên 40% GDP (mức cao nhất trong khu vực) gây ra tình trạng phải vay nợ để bù đắp; Cân đối thu chi ngân sách không bảo đảm, thu ngân sách dù tăng cao nhưng vẫn không bù đắp được chi tiêu dẫn đến ngân sách luôn trong tình trạng thâm hụt (mức thâm hụt trung bình 5,6% GDP, mức cao so với các nước trong khu vực); Cân đối xuất, nhập khẩu chênh lệch trong thời gian dài. Dù xuất khẩu tăng nhanh nhưng nhập siêu ngày càng lớn làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, gây sức ép giảm giá đồng nội tệ đồng thời dẫn đến sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài. Nguyên nhân gốc rễ của những sự mất cân đối này bắt nguồn từ cơ cấu nền kinh tế nước ta hiện nay đang tồn tại nhiều bất hợp lý.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta chủ yếu vẫn theo chiều rộng, những động lực chính trong mô hình này đang đạt tới điểm tới hạn, cụ thể như: Trước đây, nguồn nhân công lao động dồi dào và rẻ, là ưu thế của thị trường Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài, đang dần lạc hậu khi nhu cầu hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao; công nghệ sản xuất còn lạc hậu và tiêu hao năng lượng, năng suất lao động thấp hơn so với các nước trong khu vực, yếu tố lao động chỉ đóng góp 20% - 25% GDP; nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư (vốn đóng góp đến 60% - 65% cho tăng trưởng); Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô; hàng công nghiệp chủ yếu là gia công, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp; doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trước tình hình đó, Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Mới đây, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba đã xác định một số định hướng và giải pháp cụ thể, tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: 

1 - Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công

Về nguyên lý kinh tế, để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trước hết phải tiến hành phân bổ lại các nguồn vốn một cách hợp lý, nói cách khác là phải bắt đầu từ tái cơ cấu đầu tư. Đối với kinh tế Việt Nam, điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà tỷ trọng đầu tư trong GDP chiếm hơn 40% (tỷ lệ này ở các nước Đông Nam Á đều thấp hơn 30%). Trong cơ cấu đầu tư, đầu tư công chiếm hơn 44% tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2010. Với vai trò hết sức quan trọng nhưng đầu tư công lại đang là lĩnh vực có hiệu quả thấp. Hệ số sử dụng vốn ICOR của Việt Nam hiện là 6,2, trong khi ở các nước khu vực Đông Á, chỉ số này trung bình dưới 4. Bên cạnh hiệu quả thấp thì việc đầu tư lại dàn trải và kéo dài càng làm tăng chi phí đầu tư; đồng thời cơ cấu đầu tư thiếu cân đối, những ngành có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước như nông, lâm, thủy sản và khoa học, giáo dục đào tạo lại đang chiếm vị thế yếu trong chính sách đầu tư công (tỷ trọng của lĩnh vực này trong đầu tư công đã giảm từ 12% năm 2000 xuống còn gần 7% năm 2010). Ngoài ra, nợ công của Việt Nam cũng đang có xu hướng tăng, năm 2005 chỉ tương đương 32,2% GDP nhưng đến hết năm 2010 đã lên 56,7% GDP. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách cao và kéo dài thì điều này đe dọa tính bền vững của quản lý nợ công và gây áp lực lên lạm phát. Chính vì vậy, nhất thiết phải tiến hành cơ cấu lại đầu tư công để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của nền kinh tế. 

2 - Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. 

Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã xác định DNNN “giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô”. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DNNN hiện nay chưa tương xứng với vị trí, vai trò và nguồn lực được giao. DNNN sở hữu 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA, hầu hết đều không phải trả tiền thuê đất; nhưng chỉ đóng góp 37% giá trị GDP, gần 20% cho ngân sách nhà nước. Năng suất lao động khu vực DNNN thấp hơn khu vực tư nhân khoảng 10% - 14%, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lại gấp 2 - 3 lần doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó, nhiều DNNN đầu tư ngoài lĩnh vực chính, nhiều nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Hiệu quả sử dụng các nguồn lực do Nhà nước đầu tư của DNNN còn hạn chế, ảnh hưởng xấu tới chất lượng tăng trưởng, tới hệ thống tài chính, ngân hàng và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong khi đó, kết quả của quá trình sắp xếp lại DNNN là đã giảm về số lượng nhưng về hiệu quả hoạt động, cơ chế phân bổ nguồn lực nhà nước, tái cơ cấu ngành nghề còn hạn chế. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đang trở nên cấp bách và trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

3 - Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. 

Đây là “mạch máu” của nền kinh tế, là lĩnh vực nhạy cảm nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều biến động. Hệ thống ngân hàng và tổ chức tài chính của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, hiện đã có hơn 100 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hơn 30 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, hơn 1.000 quỹ tín dụng cơ sở. Tổng tài sản của ngân hàng thương mại Việt Nam gấp đôi GDP của Việt Nam, dư nợ chiếm trên 125% GDP và mỗi năm đóng góp trên 10% tổng mức tăng trưởng kinh tế của cả nước. 

 Về nguyên lý kinh tế, để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trước hết phải tiến hành phân bổ lại các nguồn vốn một cách hợp lý, nói cách khác là phải bắt đầu từ tái cơ cấu đầu tư. Đối với kinh tế Việt Nam, điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà tỷ trọng đầu tư trong GDP chiếm hơn 40% (tỷ lệ này ở các nước Đông Nam Á đều thấp hơn 30%). Trong cơ cấu đầu tư, đầu tư công chiếm hơn 44% tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2010.
Tuy nhiên, sau quá trình phát triển nhanh, hiện nay hệ thống này đang tích tụ nhiều vấn đề bất cập liên quan đến tiềm lực vốn, công tác quản lý và phòng ngừa rủi ro, quản trị ngân hàng, nguồn nhân lực... Những vấn đề này càng bộc lộ trước những tác động tiêu cực trực tiếp của các “cơn bão” tài chính - tiền tệ, nợ công từ bên ngoài thời gian gần đây. Bên cạnh đó, do mô hình tăng trưởng của kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào vốn nên gánh nặng này phần nào đã dồn vào hệ thống tài chính - ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trung bình hơn 35%/năm thời gian qua đã khiến cho thanh khoản trong toàn hệ thống gặp khó khăn, lãi suất cho vay bị đẩy lên cao. Mặt khác, do nguồn vốn ngân hàng chảy nhiều vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản nên khi những thị trường này sụt giảm mạnh đã làm tăng thêm những khoản nợ xấu trong hệ thống (nợ xấu thời điểm cuối năm 2010 ở mức 2,16% tổng dư nợ, nhưng đến tháng 8-2011 đã lên trên 3%). Như vậy, cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng là một xu hướng tất yếu mang tính quy luật, xuất phát từ thực trạng của hệ thống sau một quá trình mở rộng và phát triển nhanh; mang tính lịch sử trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay; và mang tính hệ thống trong quá trình tái cơ cấu của tổng thể nền kinh tế. 

Nhận thức, quan điểm về tái cơ cấu nền kinh tế và những trọng tâm 

Nhận thức cơ bản về tái cơ cấu nền kinh tế: Tái cơ cấu nền kinh tế được hiểu là làm thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, chuyển cơ cấu của nền kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác và phân bổ lại các nguồn lực nhằm đạt hiệu suất cao nhất, phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhất. Đây là quá trình gồm nhiều bước, nhiều khâu trên phạm vi rộng từ cơ cấu ngành, vùng, cơ chế vận hành, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực, cơ cấu sở hữu, hệ thống quản trị vĩ mô... nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi lớn, căn bản trong cơ cấu nền kinh tế để xác lập một mô hình tăng trưởng, phương thức tăng trưởng và cơ chế phân bổ nguồn lực mới, tạo ra động lực làm bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế đất nước.
  Quan điểm thực hiện tái cơ cấu là: (1) Thực hiện tái cơ cấu kinh tế xuất phát từ quan điểm phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Khối lượng tái cơ cấu là rất lớn nhưng những lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam là đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng - tài chính; (2) Xây dựng các đề án thực hiện cụ thể, xác định lộ trình và những bước đi phù hợp, tuần tự; tránh điều hành “giật cục”, chuyển ngay từ thái cực này sang thái cực khác có thể gây “sốc” cho nền kinh tế trong bối cảnh phải chịu cả những ảnh hưởng từ biến động của tình hình kinh tế thế giới, khu vực. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 25-3-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội để làm cơ sở triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu; (3) Đây là công việc đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước đóng vai trò mở đường, dẫn dắt hỗ trợ còn doanh nghiệp là chủ thể, lực lượng chủ công của tiến trình này; (4) Tái cơ cấu nền kinh tế là một bộ phận quan trọng để hình thành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; trong quá trình xây dựng và thực hiện các đề án tái cơ cấu phải bám sát vào ba đột phá trong Chiến lược này là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; (5) Tham khảo có chọn lọc những mô hình và cách thức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của các nước trên thế giới và trong khu vực. 

Về định hướng và các giải pháp thực hiện, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp cần tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khẩn trương xây dựng các đề án tái cơ cấu theo các trọng tâm đã đặt ra. Một số nội dung cần thảo luận kỹ là: 

- Về tái cơ cấu đầu tư công, cần thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu: (1) Đổi mới tư duy ở nhiều ngành, nhiều cấp, địa phương hiện nay là đầu tư phải dựa vào ngân sách nhà nước là chính. Mặt khác, với mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2015 là giảm tỷ lệ tổng đầu tư toàn xã hội nên chúng ta phải có cơ chế huy động hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước thay cho sự giảm sút của đầu tư công; (2) Điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, rà soát lại các dự án hiện có trên cơ sở đó điều chỉnh, cắt giảm các công trình đầu tư công có thời gian đầu tư dài và chưa thật cấp bách, cơ cấu lại theo hướng tăng thêm đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển hệ thống an sinh xã hội, sản xuất chế biến nông sản...; (3)Nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng các biện pháp trong đó có việc tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý, như ban hành Luật Đầu tư công, sửa đổi những điểm còn bất cập của Luật Ngân sách, các luật quản lý đầu tư xây dựng cơ bản...; (4) Đa dạng hóa các hình thức hợp tác đầu tư công - tư, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

- Về tái cơ cấu DNNN, phương hướng và nội dung chủ yếu là đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, cần tách bạch các nội dung cần tái cơ cấu như: Điều chỉnh mục tiêu, cơ cấu hoạt động, cơ cấu ngành nghề doanh nghiệp, xác định tập đoàn, tổng công ty nào chỉ tập trung đầu tư vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, và tùy từng trường hợp cụ thể cũng cần có những tập đoàn, tổng công ty đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực; Điều chỉnh cơ cấu thể chế, các quy chế, quy định về công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp và khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động; Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy phù hợp với mục tiêu, cơ cấu hoạt động và thể chế điều hành nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; Điều chỉnh cơ cấu các nguồn lực về vốn, lao động, công nghệ... để huy động và sử dụng hiệu quả, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý trong doanh nghiệp; Điều chỉnh cơ cấu sở hữu, giảm số lượng doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp theo lộ trình. 

- Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào hệ thống ngân hàng và tiến hành thận trọng, từng bước: (1) Trước hết phải tạo lập được môi trường thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đó là thực hiện hiệu quả các nội dung của nhóm giải pháp tiền tệ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, ổn định giá trị sức mua của đồng tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán; (2) Tập trung tiến hành khẩn trương các biện pháp gia cố để bảo đảm an toàn của hệ thống ở thời điểm hiện nay, nhất là vấn đề thanh khoản và nợ xấu; rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện các ngân hàng có vấn đề, sẵn sàng can thiệp (không cho tăng thêm dư nợ, thanh lý dần tài sản và từng bước cho tiến hành mua bán, sáp nhập nếu đủ điều kiện, trong đó chú ý không sáp nhập ngân hàng theo tiêu chí quy mô); (3) Khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó xác định lộ trình, mục tiêu, nguyên tắc, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện, nhiệm vụ và các biện pháp cụ thể tiến hành đối với các nội dung, như sắp xếp, thanh lọc hệ thống ngân hàng; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và năng lực quản trị của ngân hàng; cải thiện chất lượng tín dụng, tháo gỡ giảm nợ xấu; đa dạng hóa các kênh dẫn vốn khác, giảm dần sự phụ thuộc tăng trưởng của nền kinh tế vào vốn tín dụng ngân hàng.../. 
Phạm Minh ChínhỦy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness