Lãnh đạo Việt Nam đã chủ động tiếp cận Tổng thống Joe Biden, tranh thủ chuyến đi của ông sang châu Á để mời ông ghé sang Hà Nội, dù là ngắn ngủi, sang thăm cấp nhà nước để nâng cấp quan hệ, theo lời tiết lộ của ông Biden ở một sự kiện tranh cử ở Maine hồi cuối tháng 7.
Lời mời nguyên thủ nước cựu thù là do ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng sản, đưa ra, thay vì là từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người tương nhiệm của ông Biden theo như thông lệ ngoại giao trước giờ. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ được tổng bí thư Việt Nam mời sang thăm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 6/9 bên lề các hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta rằng Việt Nam đang chuẩn bị đón tiếp ông Biden ‘một cách trọng thị, chu đáo’.
Và cũng trong một cử chỉ hiếm hoi, khuôn khổ quan hệ giữa hai nước bất ngờ sẽ được nâng lên liền hai cấp, từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện, theo Reuters, thay vì nâng tuần tự từng cấp một như thông tin trước đó.
Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và mãi đến năm 2013, tức gần 20 năm sau, mới thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, nhưng đến giờ chỉ cần sau 10 năm, hai nước đang sắp sửa nâng cấp quan hệ lên hai cấp.
‘Bước đi thực dụng’
“Đưa quan hệ với Mỹ lên ngang hàng với Nga và Trung Quốc là bước đi thực dụng và cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam,” Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc giải thích với VOA tại sao Hà Nội tăng hai bậc quan hệ với Mỹ.
Ông cho rằng điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận đầu tư và các công nghệ mới nổi để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội dài hạn.
Giáo sư Thayer lưu ý là chính quyền Biden trước đó chỉ thúc đẩy nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược nhưng ‘chính phía Việt Nam lại muốn nâng lên đối tác chiến lược toàn diện’.
Bước đi này của Việt Nam thực dụng là vì nước này đang nhìn thấy môi trường địa chính trị quốc tế ngày càng phân cực, tăng trưởng toàn cầu suy giảm, nước Nga bị suy yếu và cô lập còn Trung Quốc vật lộn với những khó khăn kinh tế. “Tất cả những điều này đang đe dọa mục tiêu của Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045,” ông giải thích.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra hai mục tiêu trăm năm, trong đó mục tiêu trăm năm thứ hai nhân kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc là Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao ngang với các nước phát triển vào năm 2045.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam rất cần các công nghệ mới và đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, với Mỹ là nước được ưu ái đặc biệt là vì là thị trường xuất khẩu lớn nhất và cũng vì Mỹ chưa tham gia vào bất cứ hiệp định tự do thương mại nào với Việt Nam, vị giáo sư này chỉ ra.
Cũng có cùng nhận định với Giáo sư Carl Thayer, ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu về Biển Đông ở thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng kinh tế, chứ không phải an ninh, mới chính là nhân tố chủ chốt thúc đẩy Hà Nội muốn kết thân hơn nữa với Mỹ.
Theo lời ông thì hiện tại vấn đề quan trọng nhất đối với các lãnh đạo Việt Nam là ‘làm sao phát triển kinh tế trong tình hình khó khăn’.
“Việt Nam phải mạnh hơn thì mới có thể có đủ sức mạnh để đối phó với Trung Quốc. Việt Nam cần công nghệ tiên tiến của Mỹ. Việt Nam cần đi tắt đón đầu để nhận đầu tư của Mỹ. Trong tình hình mới chỉ có Mỹ và các đồng minh của Mỹ mới có thể giúp Việt Nam phát triển vượt bậc so với trình độ,” ông phân tích.
Khi được hỏi việc nâng liền hai cấp liệu có quá vội vàng và có thể bị Trung Quốc nghi ngờ là Việt Nam đang ngả sang Mỹ hay không, ông Phúc nói ‘do nhu cầu cấp bách của Việt Nam cần đi tắt đón đầu để có thể phát triển nhanh trong 5-10 năm tới và Mỹ đáp ứng được thì nâng cấp thôi’.
Cũng theo ông Phúc thì Bắc Kinh ‘hiểu rõ bước đi của Việt Nam’ nên ‘không có gì phải lo’. Ông chỉ ra việc đến nay Bắc Kinh chưa tỏ dấu hiệu gì căng thẳng với Việt Nam, ngay cả trên truyền thông Trung Quốc mà ông theo dõi. Ông nói ông Lưu Kiến Siêu, trưởng Ban Liên lạc đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đây sang Hà Nội là ‘để lắng nghe về quan hệ Việt-Mỹ’.
‘Vượt qua đảng phái’
Về cử chỉ ông Trọng mời ông Biden, ông Phúc chỉ ra rằng do hồi năm 2015 ông Trọng đã được tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama mời đến Nhà Trắng và dành cho ‘sự tiếp đón rất trọng thị’.
“Trong quan hệ Việt-Mỹ hiện nay không nên đặt vấn đề đảng phái trong nghi thức ngoại giao mà cần nhìn vào thực chất mối quan hệ,” ông lập luận.
Giáo sư Carl Thayer thì cho rằng Việt Nam trong hai năm qua đã điều chỉnh khái niệm ‘đối tác’ (để hợp tác) và ‘đối tượng’ (để đấu tranh) và ranh giới giữa hai khái niệm này không còn rạch ròi nữa.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc dẫn lại bài học Hà Nội từng bỏ lỡ cơ hội tiến gần hơn với Mỹ khi Washington chìa tay ra cho Hà Nội trong những năm đầu sau khi chấm dứt chiến tranh. Khi đó, Hà Nội đã đặt ra nhiều điều kiện tiên quyết như là ‘phải bồi thường chiến tranh, phải viện trợ hàng năm’… nên bị lỡ mất cơ hội được Mỹ trợ giúp phát triển.
Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng mặc dù phía Washington giờ đây ‘không còn trở ngại gì’ về khác biệt ý thức hệ với Hà Nội, phía Đảng Cộng sản Việt Nam ‘vẫn còn những lấn cấn’ vì gần đến chuyến thăm của ông Biden các cơ quan ở Mỹ lại lên tiếng lên án Hà Nội về các vấn đề như tôn giáo, nhân quyền.
Ông chỉ ra ‘trở ngại lớn nhất cho quan hệ giữa hai nước là sự chống đối của cộng đồng người Việt ở Mỹ với chính quyền trong nước’. “Người Việt hải ngoại cần nhìn về tương lai để giúp xây dựng nước Việt Nam hùng mạnh, đủ sức ngăn chặn sự o ép của Trung Quốc,” ông kêu gọi.
Giáo sư Carl Thayer thì cho rằng mức độ tin tưởng giữa hai cựu thù ý thức hệ này giờ đây ‘rất cao’ vì Mỹ đã ‘ngầm thừa nhận vai trò tối cao của Đảng Cộng sản trong chế độ chính trị của Việt Nam’.
“Việc chính quyền Biden tái xác nhận sự tôn trọng đối với chủ quyền và chế độ chính trị của Việt Nam đã đặt dấu chấm hết cho suy nghĩ rằng Mỹ muốn tìm cách thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam,” ông nói.
Cần Mỹ hơn Trung?
Khi được hỏi Việt Nam phải xử lý như thế nào với mối quan hệ đối tác chiến lược cùng lúc với cả Trung Quốc và Mỹ - hai siêu cường đang cạnh tranh chiến lược gay gắt – ông Thayer nói Hà Nội ‘sẽ không đi theo cả Bắc Kinh lẫn Washington’ và sẽ tiếp tục duy trì phương châm ‘4 Không’.
“Việt Nam sẽ có đòn bẩy mạnh hơn với cả hai siêu cường khi quan hệ với Mỹ được nâng cấp và sẽ cùng với các nước khác kêu gọi Bắc Kinh và Washington giải quyết vấn đề với nhau để không ảnh hưởng đến thế giới,” giáo sư Thayer phân tích.
“Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh quyết liệt hơn để theo kịp mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Việt Nam,” ông nói thêm.
Về phần mình, ông Đinh Kim Phúc cho rằng sở dĩ cả Mỹ và Trung đều cùng là cựu thù của Việt Nam nhưng Hà Nội bình thường hóa và phát triển quan hệ nhanh hơn với Trung Quốc là vì ‘Hà Nội gần gũi với Bắc Kinh hơn về ý thức hệ’ và ‘Hà Nội muốn giữ hòa khí với nước láng giềng Trung Quốc để có môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển’.
Trong khi đó, Mỹ và Việt Nam lại gặp nhau ở chỗ là muốn xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng, ông chỉ ra.
“Giữa hai nước lớn có quan hệ với Việt Nam thì Việt Nam sẽ học được từ Mỹ hay học được từ Trung Quốc nhiều hơn? Việt Nam nhận được viện trợ về khoa học kỹ thuật của Mỹ hay của Trung Quốc nhiều hơn? Ai sẽ làm cho Việt Nam phát triển? Ai sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam cất cánh?” ông Phúc đặt vấn đề.
Ngoài ra, vẫn theo lời ông, thì Mỹ ‘không có tham vọng đối với lãnh thổ hay biển đảo của Việt Nam’ và ‘sẵn sàng ngăn chặn mưu đồ bá quyền của Trung Quốc trong khu vực’.
Theo VOA