Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam vừa đề xuất kế hoạch chính thức mở cửa đón khách quốc tế từ 31/3 trong lúc quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện “chiến dịch tiêm chủng thần tốc” chống COVID-19 vừa được phát động ngay trước kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần.
Khách du lịch Hàn Quốc tại sân bay Phú Quốc hôm 20/11/2021. Bộ VHTT&DL vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho mở cửa hoàn toàn đối với du lịch quốc tế vào 31/3, thời điểm hoàn thành chiến dịch tiêm chủng thần tốc Mùa xuân 2022.
Sau gần hai năm đóng cửa biên giới vì đại dịch, Việt Nam bắt đầu cho phép trở lại các đường bay thương mại quốc tế tới 9 quốc gia từ tháng 1, và cấp phép cho một số hãng hàng không nước ngoài trong tháng này thực hiện các chuyến bay hồi hương người Việt từ những nơi chưa được khôi phục đường bay thương mại tới Việt Nam giữa lúc nhu cầu người Việt về nước tăng cao dịp Tết.
Bộ VHTT&DL đề xuất mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch từ cuối tháng 3 với lý do đây là thời điểm mà Việt Nam sẽ hoàn tất thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine “thần tốc mùa Xuân 2022” và có miễn dịch cộng đồng, theo truyền thông trong nước.
Chiến dịch tiêm chủng thần tốc này bắt đầu hôm 29/1, ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên cả nước theo phát động của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Báo Điện tử Chính phủ cho biết theo phát động của ông Chính, ngành y tế sẽ làm việc xuyên Tết cho tới hết tháng 3, với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng được chỉ định.
Việt Nam, từ một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng kém nhất trong khu vực, giờ đây đã nằm trong nhóm 6 nước có tỷ lệ người dân tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine chống COVID cao nhất thế giới.
Hiện người dân Việt Nam đang được tiêm liều thứ 3 với lượng vaccine dồi dào từ chương trình hỗ trợ vaccine toàn cầu COVAX và từ nguồn hiếng tặng từ các nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, sau các chuyến công du ngoại giao vaccine của các lãnh đạo Đảng Cộng sản.
Theo báo Điện tử Chính phủ, Việt Nam hiện đã tiếp nhận khoảng 212 triệu liều vaccine COVID, riêng của Mỹ là hơn 24 triệu liều.
Mục tiêu của “chiến dịch thần tốc” là hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 trong ba tháng đầu năm nay.
Một lý do khác được Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đưa ra về thời điểm 31/3 để Việt Nam mở cửa hoàn toàn là để các doanh nghiệp du lịch có thời gian chuẩn bị và làm việc với đối tác nước ngoài, theo báo Tin Tức của TTXVN.
Việt Nam đã thí điểm đón khách quốc tế, trong các tour du lịch khép kín với những hạn chế du hành, từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022.
Trong thời gian đó, theo trưởng ban truyền thông Hiệp hội lữ hành Việt Nam Nguyễn Công Hoan nói với Tin Tức, Việt Nam chỉ đón được 8.500 khách quốc tế, một con số ít hơn so với kỳ vọng. Các doanh nghiệp du lịch cho rằng đó là do việc công bố thời điểm đón khách quá sát, khiến họ không có thời gian để làm việc với đối tác và quảng bá với khách hàng.
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL lên Thủ tướng Chính phủ về “Đề xuất mở cửa” từ 31/3, ngoài việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế đến Việt Nam, việc đưa khách đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế cũng sẽ được phục hồi.
Bộ này nói rằng nếu triển khai chậm hơn thời gian đề xuất trên, du lịch Việt Nam sẽ bị giảm sức hấp dẫn và không thu hút được khách quốc tế trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, không phục du lịch quốc tế.