TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Việt Nam: Kỳ họp Quốc hội bất thường và tham nhũng chính sách

Quốc hội Việt Nam vừa kết thúc kỳ họp bất thường vào ngày 11/1. Gọi là "bất thường", bởi Quốc hội chỉ họp hai lần một năm, xuân thu nhị kỳ, vào khoảng tháng Năm và tháng 10.

Một dòng xe của VinFast

Một dòng xe của VinFast

Quốc hội Việt Nam vừa kết thúc kỳ họp bất thường vào ngày 11/1. Gọi là "bất thường", bởi Quốc hội chỉ họp hai lần một năm, xuân thu nhị kỳ, vào khoảng tháng Năm và tháng 10.

Nội dung kỳ họp lần này xoay quanh vấn đề hồi phục kinh tế, đặc biệt là với gói hỗ trợ trị giá hơn 15 tỷ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, một nội dung quan trọng khác, nhưng ít được chú ý hơn, là việc Quốc hội sửa đổi tám bộ luật lớn, trong đó có luật Đầu tư, luật thuế tiêu thụ đặc biệt, và Luật Điện lực.

Thông thường, để thông qua hay sửa đổi một bộ luật, quy trình lấy ý kiến và tham vấn sẽ tốn rất nhiều thời gian. Có những dự luật, như Luật về Hội, được đề xuất từ cuối những năm 1990 và có tới 13 dự thảo, nhưng rốt cuộc đến nay vẫn chưa được trình ra Quốc hội.

Tuy nhiên, vì những dự luật kể trên áp dụng quy trình "rút gọn" của một kỳ họp bất thường, thời gian tham vấn thực tế chỉ là 20 ngày. Khác với nhiều dự thảo khác, công chúng gần như không biết tới nội dung các đề xuất sửa đổi lần này.

Các tổ chức nghiên cứu và chuyên gia độc lập không thể có đủ thời gian đánh giá tác động của luật, bởi thế, các đại biểu Quốc hội phụ thuộc hoàn toàn vào giải trình của ban soạn thảo khi quyết định bấm nút.

Việc "đánh nhanh thắng nhanh" để những sửa đổi được thông qua chóng vánh còn đáng ngờ hơn, nếu đi sâu vào chi tiết.

Về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, chính phủ đề xuất giảm thuế về mức 3% với xe ô tô điện chạy pin trong vòng 5 năm. Đây là chính sách nghe thì có vẻ mang mục tiêu cao đẹp là giảm khí thải, khuyến khích tiêu dùng xanh, cũng như phù hợp với cam kết chống biến đổi khí hậu gần đây của Việt Nam tại hội nghị COP26 ở Scotland.

Tuy nhiên, thời điểm ban hành lại trùng hợp một cách đáng ngạc nhiên với việc VinFast, hãng sản xuất ô tô của tập đoàn Vingroup, tuyên bố chuyển hẳn sang mảng ô tô điện từ 2022. Do các hãng xe điện nước ngoài - như Tesla - khó thâm nhập thị trường nội địa bởi chưa có cơ sở hạ tầng, sửa đổi này giúp VinFast một mình một ngựa thống trị thị trường ô tô điện trong nước.

Tất nhiên, không có sự cao đẹp nào là miễn phí. Nếu tính theo kế hoạch bán xe điện của Vingroup trong năm 2022 (khoảng 9500 xe), thì nhà nước sẽ thất thu khoảng 684 tỷ đồng nếu không áp dụng mức thuế suất hiện hành cho các loại ô tô khác (15%).

Luật Điện lực sửa đổi cho phép tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng, và vận hành truyền tải ở một số khâu nhất định. Lý lẽ của ban soạn thảo cũng rất hợp lý: thiếu hụt hạ tầng hệ thống truyền tải khiến ngành điện lực gặp nhiều khó khăn khi vận hành.

Điều trùng hợp là vào cuối năm 2020, Trung NamGroup là đơn vị tư nhân đầu tiên đầu tư vào hệ thống truyền tải. Truyền tải điện là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia và cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Hình minh họa

Việt Nam bắt đầu mở lại một số chuyến bay quốc tế nhưng vé giá cao hơn nhiều so với thời trước đại dịch Covid.

Ngay cả ở những nước "tư bản" như New Zealand, truyền tải luôn là độc quyền của nhà nước. Ở Lào, sau khi không thể trả đủ nợ, nước này đã phải bán công ty truyền tải điện quốc gia cho Trung Quốc, tạo ra lo ngại về an ninh. Không thể phủ nhận nhu cầu đầu tư hạ tầng truyền tải điện, nhưng liệu những rủi ro của dự án đã được nghiên cứu thấu đáo hay chưa?

Luật Đầu tư sửa đổi đề nghị thay đổi phân cấp thẩm quyền cấp phép dự án đầu tư khu nhà ở có quy mô 50 nghìn ngườicho địa phương (ủy ban nhân dân tỉnh).

Điều này trên lý thuyết giúp địa phương có nhiều tự do hơn trong việc quyết định các chính sách đô thị hóa, nhưng lại đặt người dân - đặc biệt là nông dân - vào rủi ro rất lớn của việc cưỡng chế thu hồi đất.

Kể cả với quyền lực hạn chế về đất đai như hiện tại, từ rất lâu vấn đề thu hồi đất đã là điểm nóng chính sách của Việt Nam, từ những vụ tham nhũng nghìn tỷ cho đến những bi kịch ở Văn Giang (Hưng Yên, 2012), Tiên Lãng (Hải Phòng, 2013), hay gần đấy nhất là Đồng Tâm (Hà Nội, 2021). Khi được ban thêm quyền sinh - sát, lấy gì để đảm bảo các quan chức địa phương không bất chấp "phép vua thua lệ làng"?

Ngoài ra, Quốc hội cũng thông qua một số những sửa đổi nhỏ khác, như đưa dịch vụ an ninh mạng vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Sửa đổi này, dù hợp lý, cũng cần phải thảo luận sâu rộng và lấy ý kiến tham vấn của các bên ảnh hưởng một cách cẩn trọng trước khi trình ra Quốc hội.

Tất nhiên, những đề xuất sửa đổi có thể chỉ có mục đích tốt, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy hồi phục kinh tế. Tuy vậy, một vấn đề chính sách luôn có hai mặt, việc xây dựng luật vì thế cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra. Ví dụ như khi tăng thẩm quyền cho UBND tỉnh, cần đồng thời tăng cường cơ chế tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người dân, đề phòng nảy sinhmâu thuẫn về sử dụng đất đai.

Thêm vào đó, những sự trùng hợp đầy ngẫu nhiên như đề cập ở trên đặt ra nghi vấn chính sách bị thao túng cho một số nhóm lợi ích. Để tránh nghi ngờ, các dự luật phải được thảo luận công khai, và các bên tham vấn - từ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, báo chí, và người dân - cũng cần có đủ thời gian để nghiên cứu, tranh luận, đối chất với ban soạn thảo. Đáng tiếc là với một quy trình rút gọn như kỳ họp vừa rồi, điều này không thể xảy ra.

Vấn đề của tham nhũng chính sách là rất khó xác thực. Nhận một cọc tiền, ký một quyết định bổ nhiệm, hay đi xe Lexus biển xanh thì dễ bị phát hiện và xử lý.

Nhưng nếu anh đường đường chính chính ban hành một văn bản pháp luật đúng quy trình để hỗ trợ cho "sân sau" của mình, thì gần như không thể quy kết trách nhiệm.

Tham nhũng chính sách nguy hiểm bởi nó tinh vi hơn, tác động lớn và nghiêm trọng hơn, và đặc biệt là bởi nó hợp thức hóa tham nhũng thành một hành vi "lập pháp" bình thường. Câu chuyện thông đồng giữa Việt Á và các quan chức Bộ Y tế và Bộ Khoa học - Công nghệ vừa qua có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Việt Á bị phanh phui với nhiều tình tiết bất thường liên quan tới sự can dự của nhiều cơ quan nhà nước và bộ chủ quản.

Bê bối Việt Á bị phanh phui với nhiều tình tiết bất thường liên quan tới sự can dự của nhiều cơ quan nhà nước và bộ chủ quản.

Tham nhũng chính sách đương nhiên không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, việc vận động hành lang để tạo lợi thế cho một số nhóm lợi ích được kiểm soát chặt chẽ bằng luật.

Quan trọng hơn, sức mạnh và khả năng giám sát của báo chí và các tổ chức xã hội dân sự giúp hạn chế nhiều việc chính sách bị thao túng. Đáng tiếc là ở Việt Nam hiện nay, không gian hoạt động của cả báo chí và xã hội dân sự đều đang bị thu hẹp.

Khối tổ chức được cho là có chức năng giám sát - hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng (như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, và hội nông dân), dường như không có đủ năng lực thực hiện. Hơn nữa, bởi các tổ chức này trực thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, ban cho họ quyền giám sát không khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi.

Với tình cảnh đó, chữa bệnh tham nhũng chính sách hiện tại có lẽ còn khó hơn đối phó với đại dịch Covid-19.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện là nghiên cứu sinh ngành khoa học chính trị tại Đại học Victoria tại Wellington, New Zealand.

Theo BBC

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness