Loạt bài về chiến binh Nhật tại Việt Nam của tác giả Sasaki Manabu được đăng trên báo Asahi từ 17 tới 27 tháng Bảy năm 2015.
Năm 1945, tại sân bay ở ngoại ô Hà Nội, ngay sau khi Nhật bại chiến, có một người lính đã không chấp nhận nổi chuyện quay trở lại Nhật. Người lính đó tên là Motoyama Kyuzou.
Sinh năm 1921, ông Motoyama gia nhập quân đội Nhật năm 1939 và năm 1943 được phái đi Việt Nam. Ông Motoyama cùng với nhóm chiến hữu mang theo súng trường và súng máy đào ngũ. Trên đường trốn chạy ông đã gặp được cán bộ của “Việt Nam Độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh). Ông Motoyama đã quyết định tham gia vào lực lượng Việt Minh.
Những binh lính Nhật lưu vong tham gia lực lượng Việt Minh chống Pháp được gọi là những người “Việt Nam mới”. Họ có tên tiếng Việt. Ông Motoyama đã lấy tên tiếng Việt là Hoàng Văn Hạc. Tên “Hạc” là một cái tên bình thường ở Việt Nam nhưng đồng thời nó cũng có tính gắn kết với Nhật Bản - tên của loài chim, nhân vật trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Nhật.
Ông Motoyama là một trong số những cựu chiến binh Nhật làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự. Ông đã chỉ dạy kiến thức về kỹ thuật và chiến thuật cho lính Việt Nam tại Thanh Hóa. Một thời gian sau ông được cử trở về Hà Nội nhưng do quân Pháp truy lùng ráo riết những người lính Nhật đào ngũ, theo hướng dẫn của Việt Minh ông tạm lánh ở tỉnh Thái Nguyên.
Tại đây ông đã truyền dạy phương pháp sử dụng súng trường cho quân đội địa phương. Năm 1947 ông kết hôn với bà Phạm Thị Nguyệt. Cũng tại mảnh đất Thái Nguyên, tổ ấm ông bà xây dựng đón thêm những thành viên mới của gia đình.
Nói về ông Motoyama, ông Nguyễn Văn Thao (hiện 76 tuổi) nguyên là quân nhân Việt Nam xúc động kể lại về người chỉ huy huấn luyện quân sự: “Tuy là người huấn luyện quân sự, chức phận cao, nhưng ông ấy lúc nào hiền hòa thân thiện, rất được dân làng yêu mến”.
Sau năm 1954, ông Motoyama Kyuzou rời quân ngũ trong quân đội Việt Nam, cùng gia đình sinh kế bằng nghề bán than và đúc dao kéo.
Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Liên Xô cũ càng được thắt chặt, việc tin dùng các cựu chiến binh Nhật có phần giảm sút. Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lững năm châu, tuy nhiên những người lính Nhật đã không trực tiếp tham gia vào chiến dịch này. Sau hiệp định Geneve, Việt Nam bị chia cắt ở vĩ tuyến 17.
Nhật Bản nghiêng về phía thân Mỹ, với bối cảnh đó, chính phủ miền Bắc Việt Nam quyết định đưa những người lính Nhật lưu vong trở về nước họ. Tuy nhiên năm 1954 lúc bấy giờ không chấp nhận việc đem theo vợ con, nên 71 người lính Nhật đã để vợ con lại Việt Nam, đơn thân trở về nước.
“Nếu không được đi cùng vợ con thì tôi không trở về”, ông Motoyama đã quyết định ở lại Việt Nam. Sau năm 1954, ông rời khỏi đội ngũ quân đội Việt Nam, cùng gia đình sinh kế bằng nghề bán than và đúc dao kéo.
Năm 1960, đợt trao trả binh lính Nhật lần thứ ba đã chấp nhận việc những người lính có thể đưa cả vợ con về Nhật. Lúc đó ông có bốn người con. Nhưng do vợ ông còn mẹ già đau yếu nên ông đành phải để người con trai cả (Hoàng Xuân Nam) lại Việt Nam để chăm sóc mẹ vợ. Ông đã đưa ba con và người vợ đang mang bầu về Nhật.
Ông Nam, người con trai cả của ông Motoyama, sau đó kết hôn với người cùng quê, hai vợ chồng ông Nam vừa làm nghề trồng chè, vừa nuôi dạy năm người con trưởng thành. Năm 1974, người con thứ tư của vợ chồng ông ra đời được đặt tên là Hoàng Thị Thanh Hoài. Chị Hoài (40 tuổi) hiện nay đang làm việc cho Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội.
Ông bà Motoyama (ảnh chụp năm 1986).
Khi Nhật chiếm đóng Việt Nam, họ đã gây ra cảnh đói kém và nạn đói đã cướp đi sinh mạng của biết bao nhiều người dân khi đó. Vì vậy rất nhiều người dân Việt Nam đã căm ghét quân Nhật, con cháu người Nhật như ông Nam thời bấy giờ thường bị bắt nạt bị trêu chọc là “phát xít Nhật” và “con lai”.
Dù vậy họ vẫn luôn tự hào là con cháu người Nhật. Ông Nam đã đặt tên cho con gái thứ hai của mình là Anh Đào. Cũng tại Thái Nguyên, thế hệ thứ hai của người lính Nhật - ông Trần Cao Xô cùng năm 1968 đã đặt tên cho con trai là Phú Sĩ. Đương thời tuy đói kém nhưng những người con cháu của người lính Nhật tại Việt Nam vẫn luôn đùm bọc lẫn nhau chia nhau từng chút gạo, củ khoai, củ sắn.
Năm 1980 ông Nam đã được gặp lại bố mẹ mình sau hai mươi năm xa cách. Khi đó chị Hoài, con gái ông Nam mới sáu tuổi.
Tuy nhiên lúc bấy giờ, do ảnh hưởng của chiến tranh lạnh nên khi vợ chồng ông Motoyama về Thái Nguyên thăm con luôn phải trong sự giám sát của công an địa phương.
Ông Motoyama sau khi đưa vợ con về quê hương Fukuoka đã làm việc cho công ty sản xuất bê tông cốt thép. Vợ ông ban đầu chưa nói được tiếng Nhật nhưng cũng đã rất chăm chỉ, chịu khó làm việc ở công trường.
Sau bại chiến, kinh tế Nhật phát triển thần kỳ. Sống sung túc ở nước Nhật, vợ chồng ông không bao giờ quên người con trai cả ở Việt Nam. Ông bà thường xuyên gửi tiền và thư về hỏi thăm xem con cháu có gặp nguy hiểm trong chiến tranh, có được ăn uống đầy đủ không.
Ông Hoàng Xuân Nam (trái ngoài cùng) trong một lần thăm cha mẹ của mình ở Nhật.
Trong ngày vui hội ngộ, bố mẹ con cháu vui vẻ ăn bữa cơm đấm ấm. Cha con cùng chúc rượu và tâm tình bằng tiếng Việt, bù đắp khoảng trống 20 năm phân tán ly biệt.
Ông bà Motoyama đã ở lại Việt Nam một tháng, vừa đi thăm những người bạn xưa vừa ôn lại kỉ niệm ở những nơi từng thân thuộc. Dù lúc đó còn nhỏ, nhưng chị Hoài đã nhớ mãi cho tới tận bây giờ nụ cười nhân hậu và lời ông nội đã từng nói với chị khi ấy: “Trong trái tim, ông luôn là người Việt Nam”.
Chị Hoài luôn khao khát có ngày được đặt chân tới xứ sở hoa anh đào, nơi có nền kinh tế phát triển hiện đại. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, mối quan hệ hai nước Nhật Bản và Việt Nam ngày càng tốt đẹp. Việc đối xử bất công với thế hệ con cháu người Nhật ở Việt Nam cũng không còn.
Ao ước đến Nhật của chị đã thành hiện thực vào năm 1995. Chị Hoài cùng bố đã tới thăm ông bà ở Nhật. Bố chị lần đầu tiên được hội ngộ với các em mình sau 35 năm xa cách.
Một tháng tạm trú ở Nhật, ông Nam và con gái ít ra ngoài, dành hầu hết thời gian để ở bên gia đình. Tuy nhiên khác với ông nội, các cô chú của chị từ bé đã được đưa sang Nhật, đặc biệt là người chú út được sinh ra tại và lớn lên tại Nhật nên hầu như không nói được tiếng Việt. Do đó đã gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp hội thoại. Bố chị đã rất đau lòng khi thốt lên “Là anh em ruột mà tiếng nói khác nhau”.
Chứng kiến điều đó chị Hoài sau khi trở về Việt Nam đã hạ quyết tâm học tiếng Nhật.
Con trai cả Hoàng Xuân Nam (bên trái ngoài cùng) và cháu nội (Hoài) thăm ông Motoyama vào năm 1995 tại Fukuoka.
“Tôi sẽ phiên dịch Nhật-Việt để gắn kết các thành viên trong gia đình,” chị nói. Chính động lực mãnh liệt khi đó đã thôi thúc chị thi vào trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội khoa tiếng Nhật. 4 năm học đại học, tiền học phí sinh hoạt ăn ở của chị được ông nội chi trả. Luôn nhớ về Nhật Bản, chị đã lấy tên địa chỉ mail của mình là “Hoài・Sakura”.
Chị cho biết đã sử dụng tên địa chỉ mail này từ thời đại học đến bây giờ. Lúc nào cũng ghi tâm tạc dạ lời động viên khích lệ của ông nội: “Hãy cố gắng học hành chăm chỉ”, sau 4 năm miệt mài đèn sách, chị tốt nghiệp ra trường.
Luôn yêu đất nước và con người Nhật bản và muốn làm công việc liên qua tới Nhật và tiếng Nhật, năm 2003 chị làm việc cho một công ty gỗ ván sàn của Nhật. Nhân dịp làm visa đi công tác, tình cờ chị gặp gỡ và tiếp chuyện bác sĩ khoa mắt người Việt tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà nội. Câu chuyện đưa đẩy và là nguyên do giúp chị quen bác sĩ người Nhật Hattori Tadashi.
Trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản là sứ mệnh của tôiHoàng Thị Thanh Hoài, cháu nội ông Motoyama
Bác sĩ Hattori Tadashi đã bắt đầu hoạt động khám chữa mắt miễn phí cho người dân Việt Nam tại các tỉnh nghèo từ năm 2002. Tuy không có kiến thức về y khoa nhưng chị Hoài đã quyết định đi theo trợ giúp các hoạt động từ thiện của của bác sĩ Hattori Tadashi tại Việt nam từ các thủ tục hành chính với các cơ quan chức năng tại địa phương đến việc lo cho đoàn phương tiện đi lại và nơi ăn ở...
Tại thủ đô Hà Nội, gần hồ Trúc Bạch, nơi ồn ào tấp nập xe máy và các tòa nhà cao tầng dần dần mọc lên, có một bệnh viện với logo màu hoa anh đào - Bệnh viện mắt Quốc tế Nhật Bản. Bệnh viên do bác sĩ Hattori Tadashi và các cộng sự của ông thành lập.
Bệnh viện ra đời ở Việt Nam là cả một quá trình dài hơn 13 năm làm từ thiện cứu giúp cho trên 15.000 bệnh nhân được phẫu thuật mắt miễn phí thoát khỏi cảnh mù lòa của Bác sỹ Hattori Tadashi - người mà đồng nghiệp vẫn thường gọi ông là “Bác sỹ có bàn tay vàng”.
Chị Hoàng Thị Thanh Hoài đang làm việc tại Bệnh viện mắt Quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội.
Trong suốt quá trình làm từ thiện ở Việt Nam, ông luôn khát khao có một bệnh viện theo tiêu chuẩn của Nhật để ở đó nhiều bệnh nhân được chữa bệnh. Và Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản được thành lập vào giữa năm 2014. Trong suốt quá trình xin cấp phép cho bệnh viện đi vào hoạt động, chị Hoài đóng vai trò là người làm những thủ tục hành chính, giấy tờ lôi thôi, phức tạp .
Tháng 5 năm 2014, dự án bệnh viện đã được cấp giấy phép đầu tư và tháng 10 cùng năm bệnh viện nhận được giấy phép chính thức đi vào hoạt động. Chị Hoài lại đóng vai trò là một cố vấn quản lý, vừa là người truyền lại các phương châm làm việc của người Nhật tới các nhân viên địa phương, vừa là người giữ cầu nối với các cơ quan chức trách. Với tư cách là cháu nội của cựu chiến binh Nhật Bản chị nói: “Trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản là sứ mệnh của tôi”.
Năm 2014 bác sĩ Hattori đã được chính phủ Việt Nam trao tặng “Huy chương Hữu nghị” - huy chương cao quý nhất dành cho những người nước ngoài có đóng góp lớn cho Việt Nam. Nói về chị Hoài, bác sĩ Hattori Tadashi tâm sự: “Nếu không có sự trợ giúp của cô ấy thì các hoạt động của tôi khó mà thành công như ngày hôm nay”.
Tháng 6 năm 2004, ông Motoyama qua đời. Trước khi mất, ông Motoyama có mong muốn được trở về Việt Nam. Thực hiện nguyện vọng của cha mình cùng năm đó, bà Fumiko, em gái của ông Hoàng Xuân Nam, đã mang hài tro của cha mình trở về Thái Nguyên nơi bà đã cùng gia đình sống tại đó cho tới khi 6 tuổi. Sau hơn một năm ông nội mất, người cha kính yêu của chị Hoài cũng đi theo ông nội khi tuổi đời còn rất trẻ. Và năm 2011 bà nội cũng đã mất tại Fukuoka.
Chiến tranh qua đi, sau 70 năm mối quan hệ Nhật – Việt ngày càng tốt đẹp. Cháu nội của người cựu chiến binh Nhật Motoyama, chị Hoài ngày nay vẫn đang tiếp tục là cầu nối giữa hai đất nước, hai quê hương của thế hệ ông nội mình.
Bài được tổng hợp từ 11 bài viết của tác giả Sasaki Manabu đăng trên báo Asahi số ra các ngày từ 17 tới 27 tháng Bảy năm 2015.