Theo hồ sơ và đơn trình bày thì ngôi nhà số 36 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh có diện tích sử dụng bao gồm nhà và khuôn viên là 533,97m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Căn nhà này có 5 hộ, gồm hộ cụ Nguyễn Thị Thanh Tao và các con, cháu sử dụng với mục đích thuê của Nhà nước để ở. Sau nhiều lần giao dịch chuyển nhượng, do các bên có tranh chấp nên đã khởi kiện đến Tòa án. Vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở được TAND TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 4/2/2005, đã trải qua qua nhiều lần xét xử và được khép lại bằng bản án dân sự phúc thẩm số 263/2012/DSPT ngày 6/9/2012 của TAND TP. Hồ Chí Minh. Bản án cuối cùng này đã tuyên hủy các hợp đồng mua bán và buộc các bên trả cho nhau những khoản vàng, giấy tờ về tài sản đã nhận.
Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 18/10/2012, người được thi hành án là cụ Nguyễn Thị Thanh Tao đã có đơn yêu cầu thi hành án và đã tự nguyện thực hiện xong nghĩa vụ thi hành các khoản theo phán quyết tại bản án. Ngày 2/11/2012, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thi hành án. Trong thời gian vụ việc thi hành án chưa xong thì ngày 13/5/2013, cụ Nguyễn Thị Thanh Tao chết do già yếu. Cụ Tao để lại di chúc cho con gái là Dương Thị Bạch Diệp được hưởng toàn bộ di sản mà cụ Tao được hưởng theo bản án số 263/2102/DSPT nói trên.
Do có sự kiện pháp lý mới là cụ Nguyễn Thị Thanh Tao là người được thi hành án chết nên Cục THADS đã thông báo cho các đồng thừa kế của cụ Tao biết, đồng thời ban hành quyết định để hủy quyết định thi hành án ngày 2/11/2012. Với văn bản di chúc hợp pháp do bà Dương Thị Bạch Diệp xuất trình, ngày 23/7/2013, Cục THADS TP.Hồ Chí Minh ban hành quyết định thi hành án mới và xác định người được hưởng di sản thừa kế của cụ Tao để lại là bà Dương Thị Bạch Diệp.
Về phía người phải thi hành án là ông Lê Hồng Phương và bà Nguyễn Thị Thanh cùng trú tại số nhà 571B, Cách Mạng Tháng Tám, phường 15 quận 10, TP. Hồ Chí Minh, Cục THADS đã ấn định cho họ phải tự nguyện thi hành trong 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định số 3057/QĐ-CTHA ngày 23/7/2012. Tuy nhiên ông Phương, bà Thanh không tự nguyện thi hành trong khi theo bà Diệp thì họ hoàn toàn có khả năng thi hành án. Cục THADS TP. Hồ Chí Minh đã xác minh khả năng thi hành án và đã quyết định kê biên toàn bộ nhà đất số 149 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận I, TP. Hồ Chí Minh là tài sản mà ông Phương, bà Thanh đã nhận chuyển nhượng hợp pháp của ông Đặng Đệ và bà Phùng Kim Ngọc từ năm 1993. Cục THADS TP. Hồ Chí Minh cũng đã ký hợp đồng bán đấu giá tài sản và giao cho Công ty cổ phần bán đấu giá Lam Sơn (Công ty Lam Sơn) tổ chức bán đấu giá nhà đất đã kê biên. Vụ bán đấu giá được dự kiến tổ chức vào ngày 17/12/2013 tại trụ sở của Công ty Lam Sơn nhưng không hiểu vì lý do gì đã không thực hiện. Phía người phải thi hành án cũng đã được Cục THADS thông báo nếu có nhu cầu mua tài sản phát mại đó thì liên hệ với Công ty Lam Sơn và nộp tiền…
Trong đơn gửi lãnh đạo Trung ương, các cơ quan chức năng và Báo Công lý, bà Dương Thị Bạch Diệp nêu nghi ngại không hiểu vì lý do gì mà hơn 1 năm qua, Cục THADS TP. Hồ Chí Minh lại chậm trễ trong việc thi hành dù bên phải thi hành án hoàn toàn có khả năng thi hành làm ảnh hướng lớn đến quyền lợi hợp pháp của bà.
Thiết nghĩ, với vụ án dân sự đã kéo dài từ 2005 đến nay, việc thi hành án thuộc loại đơn giản và rõ ràng như vậy, Cục THADS TP. Hồ Chí Minh cần có biện pháp giải quyết dứt điểm, tránh trình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
PV
------------------------------------------------------
Vụ án dân sự "Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà" 36 Nguyễn Thị Diệu (NTD) thuộc phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh xảy ra đã gần 10 năm. Có lẽ do các bản án không "tâm phục, khẩu phục" nên gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tao (bà Tao là cán bộ lão thành cách mạng – 89 tuổi) liên tục viết đơn gửi các cấp lãnh đạo kêu oan.
Ngôi nhà 36 Nguyễn Thị Diệu.
|
Sau khi Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng vào cuộc điều tra, phanh phui sự thật, vụ "kỳ án" này mới tiếp tục được điều tra, xét xử lại. Khi hay tin này, ai cũng nghĩ rằng "hàm oan" đã thấu đến tận "trời xanh" chắc chắn phán quyết của Tòa phúc thẩm - Tòa án nhân dân Tối cao xét xử sẽ công minh.
Song sự thật bản án dân sự phúc thẩm số 409/2007/DSPT ngày 10, 11 và 12/12/2007 của Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã gây thất vọng cho gia đình bà Tao cũng như những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Riêng đối với bà Nguyễn Thị Thanh Tao, vì đã gần 90 tuổi, thời gian hầu kiện kéo dài gần chục năm trời đã làm bà mòn mỏi… Tuy còn nhiều trái ngang, oan khuất song bà Tao nghĩ nếu con đường thưa kiện, hầu tòa cứ… tiếp tục kéo dài chắc chắn bà sẽ không đủ sức…
Chính vì lẽ đó cho nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 10/1/2008, bà Tao làm đơn yêu cầu Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh cho bà được thi hành bản án phúc thẩm trên. Rất tiếc, một thực tế trớ trêu đã xảy ra, bằng rất nhiều lý do, thi hành án TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn cứ… thờ ơ "không chịu thi hành!?".
Để bạn đọc hiểu rõ hơn đầu đuôi sự việc, chúng tôi nêu vắn tắt những nội dung chính diễn biến vụ án. Đặc biệt là sự thật của hợp đồng mua bán nhà (HĐ MBN) - 36 NTD. Vì sao nỗi oan gia kéo dài gần 10 năm qua và ai là người đã cố tình phớt lờ sự thật…?
Được biết, ngày 15/9/1999, bà Nguyễn Thị Thanh Tao cùng gia đình có ký HĐ bán đứt căn nhà 36 NTD cho bà Dương Thị Bạch Diệp (60 tuổi), thường trú tại 179 Bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Trị giá căn nhà này được bán với giá 1.600 lượng vàng SJC. Ngay sau khi làm HĐ MBN, bà Diệp đã giao cho bà Tao 390 lượng vàng để đặt cọc (đây cũng là lần giao vàng đầu tiên).
Trở lại nội dung vì sao ông Lê Hồng Phương (50 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh (46 tuổi, là vợ ông Phương) cùng trú tại 571E đường Cách Mạng Tháng 8, phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh, lại là người liên quan đến HĐ MBN 36 NTD?
Được biết trước đó, bà Diệp và ông Phương đã có một quá trình thường vay mượn kinh doanh bất động sản. Khi đến thời gian tiến hành thủ tục hóa giá nhà 36 NTD, bà Diệp có thỏa thuận với ông Phương cho vay tiền (thực tế là vay vàng) để bà Diệp đóng tiền đợt 2 cho bà Tao. Hai bên thống nhất lãi suất hàng tháng bà Diệp phải trả cho vợ chồng ông Phương là 3%/tháng.
Để vay được tiền, ông Phương yêu cầu bà Tao ký hợp đồng giả cách, với nội dung là mua bán căn nhà 36 NTD (hợp đồng này do ông Phương soạn sẵn và được ký vào ngày 27/8/2000). Ngay sau khi HĐ được ký kết, bà Diệp có nhận của ông Phương 410 lượng vàng SJC để giao cho bà Tao.
Trong số vàng này, bà Diệp cho bà Tao 10 lượng vàng SJC vì tình nghĩa bà Tao đã giúp bà Diệp vay được tiền của ông Phương. Cũng ngay trong buổi tối cùng ngày (27/8/2000), bà Diệp trả tiếp cho bà Tao 340 lượng vàng SJC.
Ngày 30/12/2000, chị Nguyễn Thị Châu Hà (con gái bà Diệp giao tiếp cho bà Tao 12.000 đô la Úc (tương đương 20 lượng vàng SJC) cộng với 250 lượng vàng của ông Phương đóng tiền hóa giá nhà cho bà Diệp.
Như vậy, thực tế bà Diệp đã giao cho bà Tao tổng cộng là 1.400 lượng vàng SJC. Vì là HĐ giả cách nên khi ông Phương yêu cầu giữ HĐ mua nhà 36 mà bà Diệp đã ký với bà Tao, bà Diệp đã đưa cho ông Phương HĐ ký ngày 2/9/1999. Thực tế HĐ này là HĐ giả, không phải chữ ký của bà Tao.
Vào thời điểm đầu những năm 2000, đất và nhà ở khu vực TP Hồ Chí Minh bắt đầu nóng lên từng ngày. Do đã có ý đồ từ trước nên ông Lê Hồng Phương bắt đầu tìm cách "lật kèo" HĐ giả cách đã ký với bà Tao.
Nguy hiểm hơn, ông Phương dùng những điều khoản trong HĐ giả cách ký với bà Tao đẩy người mua đích thực là bà Diệp ra ngoài, hòng toan tính chiếm đoạt những lợi nhuận phát sinh từ việc mua bán nhà 36 NTD.
Theo bà Tao cho biết thì chính ông Phương là người tạo ra mâu thuẫn trong gia đình bà Tao (những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan). Có người đã nghe theo nên bà Tao với tư cách là nguyên đơn đã khởi kiện ra TAND TP Hồ Chí Minh, yêu cầu hủy HĐ mua bán nhà ngày 27/8/2000 (HĐ giả cách giữa bà Tao và ông Phương) và hủy luôn HĐ giả ký ngày 2/9/1999 giữa bà Tao và bà Diệp.
Trong đơn khởi kiện, bà Tao nói rõ trách nhiệm bà Diệp phải thanh toán trả tiền cho ông Phương. Dù là HĐ giả cách nhưng bà Tao không muốn tiếng xấu là bà làm hợp đồng bán nhà cho hai người. Trước sau bà Tao đều khẳng định, bà chỉ có giao dịch, mua bán nhà cho một người là bà Diệp thôi…
Bất chấp sự thật, gạt bỏ nghĩa tình nhiều năm cùng nhau làm ăn, mua bán bất động sản… ông Phương cho rằng chính ông là người được bà Diệp chuyển giao hợp đồng mua bán căn nhà 36 NTD.
Từ chỗ thỏa thuận cho vay với lãi suất 3%/tháng, thành tiền đóng trực tiếp cho bà Tao… Cứ vậy, hàng loạt "màn kịch" được ông Phương dàn dựng rất tinh vi, đánh lừa dư luận.
Khi vụ việc được các cấp tòa thụ lý, giải quyết, không ai tin được, ở ngay chốn pháp đình thanh thiên bạch nhật ấy, những người "cầm cân nảy mực" lại đẩy vụ án mỗi ngày một phức tạp hơn.
Từ tháng 2/2005 đến tháng 12/2007, sau gần 3 năm với 4 lần xét xử (1 phiên sơ thẩm, 2 phiên phúc thẩm và phiên giám đốc thẩm), hàng loạt mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết thấu lý, đạt tình
Nguyễn Xuân