Nhận xét ban đầu.
Các quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 liên quan đến việc xác định quan hệ cha mẹ-con bằng con đường tư pháp luôn sử dụng các cụm từ “người được nhận” hoặc “người không được nhận” khi mô tả các giả định. Vấn đề là: Luật không có quy định về nội hàm của các từ khoá “nhận” và “không nhận” và do đó, trong điều kiện các quy tắc về bằng chứng của quan hệ cha mẹ-con đang trong giai đoạn được xây dựng một cách có hệ thống, các nội hàm ấy trở nên khó xác định. Thế nào là “nhận” hoặc “không nhận” ở góc độ tư pháp ? Ta có hai trường hợp điển hình.
- Một người tin rằng mình là cha (mẹ) của một đứa trẻ, nhưng lại không được đứa trẻ gọi là cha (mẹ) ( “Tin” và “gọi” ở đây ám chỉ ý chí nội tâm của các đương sự liên quan đến tư cách của người này và người kia trong quan hệ cha mẹ-con. Có trườìng hợp con không gọi cha là cha, do ngỗ nghịch. Sự xung đột ấy không thể được giải quyết trong khuôn khổ một vụ án về xác định cha cho con. );
- Người chồng không tin rằng mình là cha của đứa trẻ do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, nhưng trên giấy khai sinh của đứa trẻ, họ tên của người chồng lại được ghi nhận ở cột lai lịch của cha.
Trong hai giả thiết trên đây, người tin hoặc không tin mình là cha (mẹ) của đứa trẻ có thể đứng trước những bằng chứng khác thuận lợi hoặc không thuận lợi đối với lòng tin của mình.
Một số người cho rằng việc nhận con bằng con đường tư pháp cũng có thể được tiến hành ngay cả trong trường hợp giữa các đương sự đã có yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con, một khi cơ quan hộ tịch từ chối đăng ký khai sinh trễ hạn cho người được gọi là con, vì lý do gì đó, hoặc từ chối ra quyết định công nhận việc thừa nhận con của người được gọi là cha (mẹ), do xét thấy không có đủ cơ sở để thừa nhận quan hệ cha mẹ-con của các đương sự. Ý kiến này là hệ quả tất nhiên của quan niệm theo đó, một mặt, giấy khai sinh là bằng chứng độc lập về quan hệ cha mẹ-con và, mặt khác, cơ quan hộ tịch là người có quyền thẩm định chứng cứ về quan hệ cha mẹ-con.
Riêng người không tin phải đứng trước một quan hệ cha mẹ-con đã được xác định trái ngược với lòng tin của mình và muốn chối bỏ quan hệ đó. Bởi vậy, việc kiện yêu cầu phủ nhận quan hệ cha mẹ-con của người được nhận là cha (mẹ) chỉ được thực hiện bởi một trong ba loại người: 1. Người được suy đoán là cha (mẹ) do áp dụng Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 63 khoản 1 về suy đoán con chung của vợ chồng; 2. Người đã khai nhận con ngoài giá thú bằng con đường hành chính; 3. Người được nhận là cha (mẹ) của một người được coi là con ngoài giá thú do có giấy khai sinh ghi rõ lai lịch cha mẹ và có yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con.
Tất cả những giả thiết trên đây còn có chung một yếu tố nữa: người đứng đơn khởi kiện là người tin hoặc được coi là cha (mẹ) của một người khác. Cũng có trường hợp một người tin rằng mình là con của một người khác, nhưng lại không được người sau này gọi là con; luật cho phép người tin rằng mình là con của người khác yêu cầu Toà án xác định mình là con của người khác đó. Trong một giả thiết khác, một người được nhận là con của một người khác lại không tin mình là con của người khác đó; luật cho phép người không tin yêu cầu Toà án phủ nhận quan hệ cha mẹ-con.
Trong một trường hợp đặc thù, một người được khai là cha của một đứa trẻ, theo giấy khai sinh, nhưng không phải là chồng của người mẹ hoặc chung sống như vợ chồng với người mẹ. Giả sử người được khai là cha không tin rằng mình là cha của đứa trẻ và cũng không xây dựng yếu tố xã hội học của quan hệ cha mẹ-con với đứa trẻ, thì đáng lý ra, người này không cần phải kiện cáo làm gì, bởi, như đã nói, giấy khai sinh tự nó không phải là bằng chứng độc lập về quan hệ cha-con. Nhưng luật viết hiện hành chưa ghi nhận giải pháp này.
Con trong giá thú và con ngoài giá thú.
Có trường hợp hai người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn xin nhận con chung bằng con đường tư pháp hoặc ngược lại một người xin được thừa nhận là con chung của hai người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Trong điều kiện không có quan hệ hôn nhân chính thức giữa hai người tự xưng hoặc được gọi là cha và mẹ, các vụ án phải được coi như độc lập với nhau về mặt pháp lý (xác định con cho cha và xác định con cho mẹ hoặc xác định cha cho con và xác định mẹ cho con), dù có thể được tiến hành trong khuôn khổ một thủ tục pháp lý chung. Con được xác định sẽ là con ngoài giá thú của hai người chung sống như vợ chồng.
Cá biệt, cũng có trường hợp cha mẹ có đăng ký kết hôn và con bị thất lạc từ khi mới sinh; một thời gian sau, cha mẹ tìm được con, khi đó đang tư cách con của một người khác. Cha mẹ trong trường hợp này có thể tranh chấp trước Toà án để yêu cầu xác định người được tìm gặp là con chung của họ trong khuôn khổ một vụ án duy nhất. Nếu yêu cầu của cha mẹ được đáp ứng thuận lợi, thì con được xác định sẽ mang tư cách con trong giá thú.
Tính chất của các kiện cáo
Không có thời hiệu.
Luật hiện hành không quy định thời hiệu đối với các vụ tranh chấp về quan hệ cha mẹ-con. Có vẻ như theo người làm luật, do quan hệ cha mẹ-con dựa trên sự thật sinh học mà việc ấn định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về quan hệ này là không hợp lý. Tuy nhiên, sự thật có thể bị thời gian che phủ: đến một lúc nào đó việc dựng lại sự thật về quan hệ cha mẹ-con sẽ rất khó khăn (nếu không muốn nói là không thể được). Làm thế nào để đánh giá chứng cứ cung cấp bởi một tự nhận là con ruột của vua X ? Nếu các đương sự đều đã chết, thì làm thế nào để đánh giá chứng cứ cung cấp bởi một người tự xưng là con của một người cần phải được công nhận là con của một danh nhân lịch sử của thế kỷ trước ? Dẫu sao, nếu người yêu cầu không có bằng chứng thuyết phục để hỗ trợ cho yêu cầu của mình, thì Toà án sẽ bác yêu cầu.
Gắn liền với nhân thân ?
Quyền khởi kiện về quan hệ cha mẹ-con có thể được chuyển giao cho người thừa kế ? Trong khung cảnh của luật thực định, quyền nhận cha mẹ hoặc quyền nhận con, cũng như quyền phủ nhận tư cách cha, mẹ, tư cách con là các quyền gắn liền với nhân thân của người có quyền. Trừ những người được luật liệt kê, có vẻ như không ai khác có thể thực hiện quyền đó, thay cho người có quyền.
Các loại kiện cáo
Kiện từ phía người tự xưng hoặc được gọi là cha (mẹ)
Người tự xưng là cha (mẹ).
Người tự xưng là cha của một người khác có thể yêu cầu Toà án xác định rằng mình là cha ruột của người đó. Nếu người được yêu cầu xác định là con đang mang tư cách con của một người cha khác, thì yêu cầu này bao hàm yêu cầu kép: 1. Thừa nhận rằng con đó là con chung của người tự xưng và người đang được coi là mẹ của con đó; 2. Bác bỏ tư cách “cha” của người mà người con đó đang gọi là cha.
Người tự xưng là mẹ của một người khác có thể yêu cầu Toà án xác định rằng mình là mẹ ruột của người đó. Nếu người được yêu cầu xác định là con đang mang tư cách con của một người mẹ khác, thì yêu cầu này bao hàm yêu cầu thừa nhận rằng có sự đánh tráo trẻ lúc mới sinh hoặc có việc nhận trẻ bị thất lạc làm con.
Người được xác định là cha mẹ.
Người đang mang tư cách cha của một người khác có quyền yêu cầu Toà án xác định rằng mình không phải là cha của người đó. Nếu người yêu cầu đang có vợ và người vợ đồng thời mang tư cách mẹ của người con đó, thì yêu cầu bao hàm yêu cầu xác định rằng con đó là con ngoài giá thú của người mẹ và một người khác.
Kiện cáo từ phía người tự xưng hoặc được gọi là con
Người tự xưng là con.
Người tự xưng là con của một người khác có thể yêu cầu Toà án xác định mình là con của người đó. Vấn đề khá tế nhị:
- Nếu người khác đó là một người đàn ông và người tự xưng là con đang mang tư cách con chung của hai người khác nữa, thì yêu cầu này bao hàm một yêu cầu kép: 1. Bác bỏ tư cách của người đang là cha của người yêu cầu; 2. Thừa nhận quan hệ xác thịt ngoài giá thú của người đang là mẹ và người được yêu cầu xác định là cha.
- Nếu người khác đó là một người đàn bà và người tự xưng là con đang mang tư cách con chung của hai người khác nữa, thì yêu cầu này bao hàm việc xác định có một vụ đánh tráo trẻ mới sinh hoặc nhặt con rơi và nhận làm con ruột.
Người được gọi là con.
Thực ra, quyền của một người được gọi là con yêu cầu Toà án xác định mình không phải là con của người mình đang gọi là cha, mẹ chỉ được ghi nhận một cách rất chung bằng các quy định mang tính nguyên tắc trong luật dân sự (BLDS 2005 Điều 43 khoản 2). Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không có quy định rành mạch về quyền này. Tuy nhiên do con có quyền xin nhận cha, mẹ mà không có trường hợp ngoại lệ, việc một người đang mang tư cách con của một người khác xin nhận một người khác nữa làm cha hoặc mẹ cho phép nghĩ rằng nếu Toà án xác định người được yêu cầu xác định là cha (mẹ) đích thực là cha (mẹ) của người yêu cầu, thì người đang là cha (mẹ) của người yêu cầu sẽ mất tư cách đó.
Luật viết còn khá đơn giản ở điểm này và chắc chắn sẽ được tiếp tục hoàn thiện để giải quyết nhiều vấn đề tế nhị mà thực tiễn đặt ra. Một số quy định về nhận cha mẹ cho con bằng con đường tư pháp có lẽ sẽ được giới hạn phạm vi áp dụng để cho việc cân đối giữa lợi ích của con và lợi ích của cha mẹ được bảo đảm tốt: “Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ không đòi hỏi có sự đồng ý của cha” (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 65 khoản 2) ( Khi soạn thảo Điều 65 khoản 2, hẳn người làm luật quan tâm đến trường hợp con biết mẹ mà chưa biết cha hoặc con biết cha mà chưa biết mẹ. Câu chữ của quy tắc rất cô đọng và có vẻ như vẫn được coi là phù hợp với quy định của luật, việc con đã có cha xin nhận cha khác mà không có sự đồng ý của mẹ. ).
Kiện cáo từ người thứ ba
Kiện cáo vì lợi ích của đương sự.
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 66:
1. Mẹ, cha hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.
2. Viện kiểm sát, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.
3.Cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự:
a. Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;
b. Hội liên hiệp phụ nữ.
4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.
Từ các quy định dẫn trên, có thể nhấn mạnh rằng việc kiện cáo theo sáng kiến của người thứ ba và được thực hiện vì lợi ích của đương sự trong quan hệ cha mẹ-con ruột chỉ được chấp nhận trong trường hợp người có lợi ích là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự. Người đã thành niên và có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc chỉ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải tự mình yêu cầu.
Thực tiễn ghi nhận rằng sự can thiệp của Viện kiểm sát và các cơ quan khác thường xảy ra trong trường hợp người được coi là cha, mẹ cố tình không thừa nhận con mình hoặc người được coi là con cố tình không thừa nhận cha, mẹ mình, nhằm trốn tránh các nghĩa vụ của cha, mẹ, con đối với người không được thừa nhận.
Luật chính thức cho phép người thứ ba yêu cầu xác định con cho cha, mẹ hoặc cha, mẹ cho con trong những trường hợp đặc thù nêu trên. Khi dự kiến những trường hợp đó, luật không phân biệt người được gọi là con đang có hay không có cha (mẹ) khác. Nói rõ hơn, người thứ ba, trong những trường hợp được luật dự kiến, có quyền gián tiếp yêu cầu phủ nhận tư cách cha (mẹ) của một người bằng cách xin xác định một người khác là cha (mẹ) của đương sự. Điều luật hẳn sẽ tiếp tục được hoàn thiện để ngăn ngừa việc nảy sinh những vấn đề nhạy cảm về đạo đức. Cho đến nay, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thường không can thiệp vào các vụ án xác định cha cho con trong trường hợp con đang có cha khác; nhưng có thể can thiệp trong trường hợp tranh chấp con giữa hai người mẹ.
Kiện cáo vì lợi ích của bản thân.
Có hai ví dụ điển hình.
- Trường hợp xin nhận cha (mẹ) cho con hoặc nhận con cho cha mẹ. A là con của X. X chết. A muốn yêu cầu xác nhận X là con của Y. nếu vụ kiện thành công, thì khi Y chết, A sẽ thế vị X để nhận phần mà X được hưởng trong di sản của Y, nếu còn sống, do áp dụng BLDS 2005 Điều 677;
- Trường hợp xin bác bỏ tư cách cha (mẹ) hoặc tư cách con. Cha chết để lại hai con ruột; một con kiện yêu cầu Toà án xác định người đồng thừa kế còn lại không phải là con của người chết. Ta thấy ngay lợi ích của vụ án: nếu thắng kiện, người yêu cầu sẽ được hưởng trọn di sản...
Thụ lý
Nguyên tắc.
Các nguyên tắc xác định phạm vi đối tượng tranh chấp về quan hệ cha mẹ-con ruột có vẻ rất thoáng trong luật thực định Việt Nam: bất kỳ người nào không được nhận là cha hoặc mẹ của một người đều có quyền yêu cầu Toà án xác định người đó là con mình (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 64); bất kỳ người nào không được nhận là con của một người đều có quyền yêu cầu Toà án xác định người ấy là cha hoặc mẹ của mình (Điều 65). Có thể hiểu rằng trong suy nghĩ của người làm luật, sự thật sinh học về quan hệ cha mẹ-con ruột luôn phải được tôn trọng và được tạo điều kiện để làm rõ.
Trường hợp người được nhìn nhận hoặc không được nhìn nhận đã chết.
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 65 khoản 1, con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Áp dụng tương tự pháp luật, ta nói rằng cha mẹ có quyền nhận con, ngay cả trong trường hợp con đã chết. Mặt khác, người được nhận là cha, mẹ của một người có quyền yêu cầu xác định người khác đó không phải là con mình, ngay cả trong trường hợp người sau này đã chết. Người được nhận là con có quyền yêu cầu xác định người được nhận là cha, mẹ không phải là cha, mẹ mình ngay cả khi những người sau này đã chết.
Trường hợp con trong giá thú có giấy khai sinh và các yếu tố xã hội học phù hợp với nội dung của giấy khai sinh.
Giả thiết được hình dung như sau: cha và mẹ có đăng ký kết hôn hợp pháp; con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân và có giấy khai sinh được lập hợp lệ, trên đó có ghi đầy đủ tên họ của cha và mẹ; quan hệ cha mẹ-con ruột tồn tại vững chắc và được xã hội ghi nhận, thừa nhận; một ngày nọ, một người thứ ba (một người đàn ông chẳng hạn) xuất hiện và yêu cầu Toà án xác định đứa con ấy là con ruột của mình. Trong khung cảnh của luật thực định, loại tranh chấp này không thể bị Toà án từ chối. Thế nhưng, liệu có trường hợp nào trong đó, người tranh chấp không được thúc giục bởi động cơ nào ngoài động cơ phá rối gia đình của người khác?
Ngay cả trong trường hợp giữa một người và một người khác đúng là có quan hệ cha mẹ-con ruột về mặt sinh học, thì việc thừa nhận rằng quyền nhận con, nhận cha mẹ được thực hiện mà không có giới hạn có thể dẫn đến những hậu quả không hay về mặt xã hội và đạo đức. Lấy lại ví dụ vừa nêu và giả sử thêm: người đàn ông lạ mặt ấy chỉ là một tên sở khanh và đứa con ấy là kết quả của một vụ lừa dối của người đó đối với người đàn bà; khi biết người đàn bà mang thai, người đó biến mất; một người đàn ông khác xuất hiện và cưu mang người đàn bà; hai người kết hôn và đứa con được người đàn ông khai sinh như là con chung của mình và người đàn bà; đứa con lớn lên trong sự thương yêu của hai người và quan hệ cha mẹ-con ruột được những người thân thích và xã hội thừa nhận; một ngày nọ, người cha thật trở lại và yêu cầu Toà án xác định mình là cha ruột của đứa trẻ. Trong khung cảnh của luật thực định, Toà án phải thụ lý và nếu có đủ bằng chứng thuyết phục về mặt sinh học, Toà án phải thừa nhận quan hệ cha-con ruột giữa người cha thật và đứa trẻ. Song, rõ ràng, sự thừa nhận ấy chỉ có tác dụng huỷ diệt gia đình.