Dù được coi là đô thị hiện đại bậc nhất cả nước, tuy nhiên tại nhiều khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn tồn tại tình trạng nhà mặt tiền, nhà hẻm, nhà siêu mỏng, khu ổ chuột,…cùng chung sống.
Nhà ven kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Phúc).
Ngay tại khu vực giáp ranh giữa Q.1 và Q.4 từ nhiều năm qua vẫn tồn tại bộ mặt nhếch nhác về mỹ quan ở hai bên đầu cầu Ông Lãnh kết nối hai quận này. Chợ tự phát cũng hình thành tại đây gây ra tình trạng mất an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, dù các cơ quan chức năng Q.1 và Q.4 thường xuyên tổ chức ra quân nhắc nhở, xử phạt. Ngay tại khu vực Q.6 - vốn được coi là khu vực đô thị lâu năm, thời gian gần đây cũng xuất hiện các nhà siêu mỏng hoặc nhà chờ lún sụt do quá trình thi công các dự án lân cận.
Các khảo sát thời gian gần đây cũng cho thấy vấn đề nhà hẻm, đặc biệt là nhà ở khu vực gần bờ sông, kênh rạch ngày càng ô nhiễm khá nghiêm trọng. Nguy cơ hỏa hoạn rất lớn vì xe cứu hỏa không thể vào được phần lớn các hẻm nhỏ. Tình trạng nêu trên cũng tái diễn tại các khu vực kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, khu vực Q.8 và Q.Bình Tân, đến mức Sở Xây dựng TP HCM phối hợp với các đơn vị có liên quan có kế hoạch di dời 17.000 căn nhà “ổ chuột” nằm trên và ven các hành lang kênh rạch trên địa bàn.
Hiện nay trên địa bàn TP HCM tồn tại 67 tuyến kênh rạch chưa có số liệu khảo sát và chưa cắm mốc hành lang an toàn. Việc thay đổi ranh giới giải tỏa hành lang kênh rạch cộng với các quận có nhiều nhánh kênh rạch cần chỉnh trang nên số lượng nhà lụp xụp cũng tăng lên trong 5 năm trở lại đây.
Theo TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, nếu như không có sự cải thiện đáng kể về tình hình chất lượng nhà ở, khi mức thu nhập tăng và thay đổi phong cách sống, những gia đình giàu sẽ có có xu hướng rời khỏi các khu vực này để đến các khu vực đô thị mới được thiết kế tốt hơn. Trong khi đó, người nghèo vẫn sống trong các con hẻm nhỏ và đây có thể trở thành các khu ổ chuột và ổ tội phạm.
TS Du cho rằng, thực tế chính quyền TP HCM đã công nhận những vấn đề tồn tại của cuộc sống ngõ hẻm. Từ năm 2007, chính quyền thành phố đã quy định chiều rộng tiêu chuẩn của hẻm là 3,5 – 6m, cũng như thiết kế một số cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ việc mở rộng hẻm. Tuy nhiên, tiến độ của các dự án rất chậm và trong số hàng ngàn con hẻm dự kiến sẽ được mở rộng thì việc mở rộng nhiều hẻm là không khả thi.
“Cư dân trong hẻm liên tục phàn nàn về sự chậm chạp của tiến độ thi công tác động tiêu cực đến cuộc sống mưu sinh của họ, trong khi đó một số hộ không đồng ý với giá bồi thường đất và tài sản để phục vụ công tác mở rộng hẻm”, TS Du nhìn nhận, đồng thời cho rằng đây cũng chính là lý do khiến thành phố rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì nếu không nâng cấp hẻm nhỏ thì các hộ gia đình giàu có thể rời khỏi trung tâm thành phố, trong khi đó nâng cấp đáng kể cũng có thể đẩy các hộ nghèo ra khỏi khu dân cư. Hơn nữa, việc mở rộng hẻm ở những khu dân cư lâu đời còn bị chi phối bởi sự khó khăn về tài chính và các vấn đề khác.
Nghiên cứu cấu trúc dân cư tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh vừa được công bố, cũng đặt ra cảnh báo về mối đe dọa hình thành các khu ổ chuột và sự phân cực trên địa bàn thành phố.
Trong khi cấu trúc nhà ở còn “tạp nham” và khó quy hoạch thì ngay chính công tác quản lý nhà nước về nhà ở cũng gặp nhiều vấn đề tồn tại.
TS Phạm Thái Sơn- Phó Chủ nhiệm Đề án phát triển thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 đã nhìn nhận, thực tế việc quản lý phát triển các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố còn chống chéo. Trong đó, rõ nhất là việc quản lý cấp, giao đất dự án cho chủ đầu tư, công tác quản lý các chỉ tiêu quy hoạch và phê duyệt quy hoạch do Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng UBND các quận chịu trách nhiệm, trong khi việc quản lý dự án đầu tư và cấp phép xây dựng lại thuộc Sở Xây dựng TP. Đó là chưa kể, việc quản lý giá nhà ở lại giao cho cả hai đơn vị là Sở Tài chính và Sở Kế hoạch – Đầu tư.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh xác định, do yếu tố lịch sử nên thành phố mãi mãi là thành phố của người nhập cư. Trên thực tế là cư dân không có hộ khẩu vẫn thường xuyên cư ngụ trên địa bàn và tạo áp lực lên quá trình phát triển đô thị và giải quyết nhà ở của thành phố. Do đó, Hiệp hội đề xuất chính quyền thành phố tạo điều kiện để các quận trung tâm thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị bền vững và phát triển nhà ở, đặc biệt là những quận có nhiều nhà ven kênh rạch hay các khu dân cư lụp xụp.
Lê Anh