Giải quyết tranh chấp khi chiếm hữu đất bất hợp pháp
Giải quyết tranh chấp khi chiếm hữu đất bất hợp pháp. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp.
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 2013 gia đình tôi được bồi thường toàn bộ phần diện tích đất nhưng chưa thỏa đáng. Vì vậy gia đình tôi đã gửi đơn đề nghị đến UBND. UBND cấp huyện đã có văn bản trả lời đồng ý cho gia đình em tiếp tục sử dụng phần diện tích đất nông nghiệp còn lại mà đường giao thông không chạy qua. Từ năm 2014 đến nay, một số hộ gia đình có diện tích đất gần đó đã dựng nhà lên phần đất nông nghiệp nhà tôi mà trước đó UBND cấp huyện đã đồng ý cho tiếp tục sử dụng bằng văn bản. Gia đình tôi đã nhiều lần yêu cầu tháo dỡ nhưng không được. Vậy gia đình tôi có quyền lấy lại phần đất bị chiếm và dựng nhà trái phép đó không? Tôi phải làm những thủ tục nào để tiến hành cưỡng chế theo qui định của pháp luật?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của VPLS Minh Trí. Với thắc mắc của bạn, VPLS Minh Trí xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Người đang thực tế chiếm hữu Quyền sử dụng đất bất hợp pháp có thể là người có hành vi sử dụng, lấn chiếm đất trái pháp luật, hoặc có thể thông qua một giao dịch với người không phải là chủ sử dụng đất hoặc không phải là người có quyền ủy quyền hợp pháp.
Theo căn cứ tại Điều 189 Bộ Luật dân sự 2005 về Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, quy định:
Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 183 của Bộ luật này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Tại Điều 183 quy định:
Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp sau đây:
1. Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
2. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
3. Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
4. Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
5. Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Theo căn cứ tại Điều 166 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền chung của người sử dụng đất như sau:
1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Trong trường hợp này bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đòi lại đất theo đúng quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên.
Luật Đất đai 2013 còn có quy định khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở, nếu không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 và khoản 1 Điều 88 của Nghị định 43/2014 NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013,Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình
Thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã
Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án được thực hiện theo quy định chung tại Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền (Tòa án nơi có bất động sản đó ).
Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền, thực hiện việc tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án. Khi Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án, sẽ tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án
Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành, hết 07 ngày mà các bên đương sự không thay đổi ý kiến thì tranh chấp chính thức kết thúc. Nếu hòa giải không thành thì Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngay trong quá trình xét xử, các đương sự vẫn có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nếu không đồng ý các bên vẫn có quyền kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.
------------------------------------------------------------------------------
Mọi thắc mắc cần tư vấn gọi VPLS Minh Trí
Gửi yêu cầu Email: a10mtri@gmail.com, dongtudhl@gmail.com, phucminh80@gmail.com
Liên hệ qua Hotline: 0902818158 - 0903724089 - 0906834543 - 0906812689