Xử lý hành vi đổ chất thải ra đất trồng rừng
Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giao đất? Xử lý hành vi đổ chất thải ra đất trồng rừng. Đổ chất thải không đúng nơi quy định.
Câu hỏi:
Xin chào Luật sư! Tôi tên Dung, là cán bộ địa chính cấp xã, nay tôi xin được nhờ Luật sư tư vấn cho tôi một số vấn đề khó khăn trên lĩnh vực đất đai như sau: Ông A được Ủy ban nhân dân cấp xã giao đất trồng rừng sản xuất với diện tích là 2ha, trên thửa đất này ông A có xin Ủy ban nhân dân xã cho thuê một phần nhỏ để mở quán bán nước từ năm 2005 đến nay. Vào tháng 9/2015 ông A cho đổ đất (đất chứa bã thải công nghiệp gây ô nhiễm đất) vào khu vực rừng sản xuất liền kề quán nước của ông A. Khi đó, Ủy ban nhân dân xã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính ông A về hành vi này. Tuy nhiên đến nay ông A vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đến tháng 11/2015, ông A lại tiếp tục đổ đất và đá vào khu vực đất rừng sản xuất trên. Và ông luôn khẳng định sau khi đổ đất vẫn tiếp tục trồng lại rừng chứ không chuyển đổi mục đích xử dụng đất. Vậy với trường hợp của ông A, Ủy ban nhân dân cấp xã nên xử lý như thế nào? Và có những văn bản Luật và dưới luật nào quy định về trường hợp này? Mong sớm nhận được tư vấn của Luật sư để tôi sớm giải quyết được trường hợp này. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của VPLS Minh Trí . Với thắc mắc của bạn, VPLS Minh Trí xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Vào thời điểm năm 2005, việc thực hiện công việc quản lý nhà nước về đất đai được điều chỉnh bởi Luật Đất đai 2003, theo đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 37, Luật Đất đai 2003 thì Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền giao đất mà chỉ có thẩm quyền cho thuê đất. Tức là việc Ủy ban nhân dân cấp xã giao đất trồng rừng sản xuất cho ông A là không đúng căn cứ của pháp luật.
Theo như bạn nói thì việc ông A đổ các chất thải công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm đất, mà đây không phải là rác thải sinh hoạt sinh hoạt hay chất thải rắn thông thường. Theo đó, tại nội dung được ghi nhận tại khoản 7 Điều 23, Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định cụ thể mức phạt tiền đối với hành vi đổ chất thải nguy hại ra môi trường với mức phạt tiền dao động từ 50.000.000 đồng (điểm a khoản 7 Điều 23) cho đến mức 800.000.000 đồng (điểm h khoản 7 Điều 23). Trong trường hợp ông A có hành vi đổ chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm hoặc chất thải phóng xạ thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng (khoản 8 Điều 7, Nghị định 179/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 50, Nghị định 179/2013/NĐ-CP thì thẩm quyền phạt của Ủy ban nhân dân cấp xã là 5.000.000 đồng. Trong trường hợp ông A vẫn không chấp hành quyết định xử phạt của Ủy ban nhân dân cấp xã thì ông A có thể bị cưỡng chế chấp hành quyết định xử phạt theo quy định của Điều 63, Nghị định 179/2013/NĐ-CP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng đồn Công an xã thực hiện (điểm a, b khoản 1 Điều 87, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Theo đó, trong trường hợp này, ông A có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền theo quy định tại Điều 7, Nghị định 102/2014/NĐ-CP tương ứng với diện tích đất mà ông A đã chuyển mục đích sử dụng trái phép.
Mọi thắc mắc cần tư vấn gọi VPLS Minh Trí
Gửi yêu cầu Email: a10mtri@gmail.com, dongtudhl@gmail.com, phucminh80@gmail.com
Liên hệ qua Hotline: 0902818158 - 0903724089 - 0906834543 - 0906812689