BÌNH LUẬN BẢN ÁN - CẦN PHÂN BIỆT HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ VÀ HỘ GIA ĐÌNH
ĐINH CÔNG TRÍ*
*Luật sư, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại TP. Hồ Chí Minh
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 20/2006/DS.GĐT NGÀY 02.8.2006 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
V/v tranh chấp quyền sử dụng đất
XÉT THẤY
Diện tích đất 3569m2 thuộc thửa 199 và thửa 203 là của cụ Nguyễn Quốc Túy (chết năm 1967) và cụ Hồ Thị Chọn (chết năm 1983) để lại. Sau khi cụ Chọn chết, bà Nguyễn Thị Thình (là em ruột của bà Tám - nguyên đơn) và ông Điểm (bị đơn) tiếp tục sử dụng và canh tác trên diện tích đất này. Năm 1988, bà Thình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời. Năm 1993, bà Thình xuất cảnh đi Mỹ, ông Điểm sử dụng và canh tác trên diện tích đất do bà Thình để lại.
Năm 1994 ông Điểm đại diện hộ gia đình đứng tên kê khai đất (trong đó có 2 thửa đất đang có tranh chấp). Ngày 12-02-1998 ông Điểm đã được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 937 đối với diện tích đất 11.921m2 (trong đó có DT 3569m2 gồm thửa 199 DT 2.468m2 và thửa 203 DT 1.101m2)
Tại hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 1998 lưu tại UBND huyện Bình Chánh cho thấy Ủy ban đã cấp đất cho 29 hộ, trong đó có hộ ông Nguyễn Thành Điểm.
Theo xác nhận của UBND huyện Bình Chánh tại Công văn số 763/UB ngày 30-8-2004 thì: “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ vào số nhân khẩu trong hộ gia đình ông Điểm, ông Điểm là chủ hộ người đứng tên đại diện.
Về nhân khẩu trong hộ tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án nhân dân thành phố liên hệ Công an xã Bình Chánh hoặc yêu cầu ông Điểm nộp bản sao hộ khẩu của gia đình ông”.
Theo sổ hộ khẩu của gia đình ông Điểm, bà Tám vào ngày 15-01-1994 thì trong sổ hộ khẩu gia đình ông Điểm có 03 người, gồm có bà Tám là chủ hộ, ông Điểm và anh Tuyên là thành viên trong hộ.
Tại đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất ngày 30-10-1994, ông Điểm đã xác định số nhân khẩu trong hộ là 2/3, thể hiện ông Điểm đã kê khai đăng ký đất cho hộ gia đình gồm có ông và bà Tám, còn anh Tuyên là kỹ sư điện tử, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và không thuộc diện được cấp đất nông nghiệp, nên ông Điểm không kê khai có anh Tuyên.
Với các chứng cứ trên đây, có đủ căn cứ kết luận tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp về quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các thành viên hộ gia đình; diện tích 3.569m2 đất (thửa 199, 203) được cấp cho hộ gia đình đứng tên ông Nguyễn Thành Điểm gồm có 2 người là bà Tám và ông Điểm. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định ông Điểm, bà Tám là những người trong cùng một hộ được cấp quyền sử dụng đất đối với 2 thửa đất nêu trên và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tám về việc buộc ông Điểm giao cho bà Tám 1.500m2 đất tại thửa số 199, tờ bản đồ số 7, tọa lạc tại ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ đúng pháp luật.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 297 Bộ luật Tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
Không chấp nhận kháng nghị số 42/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 30-5-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 148/DSPT ngày 10-5-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tám với bị đơn là ông Nguyễn Thành Điểm và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Anh Tuyên.
BÌNH LUẬN
A/ Các thuật ngữ dưới đây là cơ sở pháp lý của vụ án :
1) Gia đình là gì?
“Gia đình là tế bào của xã hội gồm có vợ chồng, cha mẹ và các con (Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000). Vậy gia đình ông Nguyễn Thành Điểm không có chị là bà Nguyễn Thị Tám và ngược lại.
2) Hộ gia đình là gì?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 (Điều 116) cũng như Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 106) thì hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự khi các thành viên của một gia đìnhcó tài sản chung để hoạt động kinh tế chung trong quan hệ sử dụng đất, trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định. Những hộ gia đình mà đất ở được giao cho hộ cũng là chủ thể trong quan hệ dân sự liên quan đến đất ở đó trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng có tài sản chung.
Căn cứ định nghĩa này thì ông Điểm không phải là thành viên của hộ gia đình bà Tám. Như nhận định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Quyết định kháng nghị số 42/QĐKNGĐT.V5 ngày 31/5/2006.
3) Sổ hộ khẩu gia đình là gì? Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 51/CP ngày 11/5/1997 thì Sổ hộ khẩu gia đình là “cơ sở để xác định việc cư trú hợp pháp của công dân”. Các thành viên trong sổ hộ khẩu gia đình không bắt buộc phải có đất đai chung, có hoạt động kinh tế chung vì: “những người ở chung chỗ ở hợp pháp gồm ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con cái và những người được chủ hộ đồng ý thì có thể được cấp chung sổ hộ khẩu thường trú” (Điều 25 Luật Cư trú). Sổ hộ khẩu gia đình trước đây là giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú theo mẫu NK4. Bà Nguyễn Thị Tám là chủ hộ khẩu thường trú ghi trong sổ hộ khẩu gia đình số 160000630 do Công an huyện Bình Chánh cấp ngày 15/01/1994 có tên ông Điểm, anh Tuyên (con bà Tám)
B/ Quyết định giám đốc thẩm số 20 của Hội đồng thẩm phán TANDTC ngày 02/8/2006 (gọi tắt: QĐ/GĐT) không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án (khoản 1 Điều 283 BLTTDS :
1) Thể hiện tại trang 4: “ ... năm 1994 ông Điểm đại diện hộ gia đình đứng tên kê khai đất gồm có ông và bà Tám.” Thực tế: ông Điểm không phải là đại diện của hộ gia đình bà Támmà chỉ là thành viên của sổ hộ khẩu thường trú do bà Tám làm chủ hộ khẩu.
2) QĐ/GĐT không phù hợp với tình tiết khách quan khi cho rằng “anh Tuyên (con bà Tám) là kỹ sư điện tử, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và không thuộc diện được cấp đất nông nghiệp...”. Điều này không đúng vì hộ gia đình bà Tám có anh Tuyên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sửu dụng đất (trên 10.000m2). Phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc của cha mẹ để lại tức là loại “đất tự có” (cách gọi của Ban nông nghiệp Trung ương) không phải loại đất “nhường cơm xẻ áo” lúc mới giải phóng miền Nam (phải ở nông thôn mới được cấp đất nông nghiệp) nên nhận định trên là không đúng.
3) Theo yêu cầu của Tòa Sơ thẩm, tại Công văn số 763/UB ngày 30/08/2004, UBND huyện Bình Chánh có đề nghị “Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh liên hệ công an xã Bình Chánh hoặc yêu cầu ông Điểm nộp bản sao hộ khẩu của gia đình ông”. Thực tế là tại sổ hộ khẩu gia đình số 120019686 có ghi gia đình ông Điểm gồm vợ và các con đều có hộ khẩu thường trú tại 74 Lê Văn Sỹ P.13 Q. Phú Nhuận thành phố Hồ Chí Minh. Là chủ hộ gia đình ở Phú Nhuận, ông Điểm vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 11.921m2 trong đó có phần đất tranh chấp với diện tích 3569m2 là đất nông nghiệp.
C/ QĐ/GĐT có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật (khoản 3 Điều 283 BLTTDS).
1) Tòa án 3 cấp “cố ép” ông Điểm là đại diện hộ gia đình bà Tám để áp dụng Điều 118 BLDS năm 1995 “Quyền sử dụng đất hợp pháp của hộ gia đình là tài sản chung của hộ” để buộc ông Điểm phải chia 1.500m2 (phân nửa phần đất tranh chấp). Cố ép nhưng vẫn sai luật vìông Điểm chưa chết bởi khoản 5 Điều 113 Luật Đất đai năm 2003 có quy định: “nếu trong hộ gia đình có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế...”. “...Thẩm phán cố ý kết luận trái pháp luật là một căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm” ( khoản 3 Điều 305 BLTTDS).
2) QĐ/GĐT y án phúc thẩm. Án phúc thẩm y án sơ thẩm: có căn cứ BLDS, Luật Đất đai nhưng không ghi điều nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (khoản 4 Điều 238 BLTTDS).
Bởi lẽ trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận định tại quyết định kháng nghị số 42/QĐKN/GĐT.V5 ngày 31/5/2006 rằng: “nếu cho rằng ông Điểm và gia đình bà Tám (gồm bà Tám và các con) cùng có chung hộ khẩu (thường trú) là một hộ gia đình là chưa phù hợp với quy định của BLDS năm 1995 (Điều 116) trong khi ông Điểm và bà Tám là 2 gia đình độc lập, sống riêng, sản xuất canh tác riêng ...”. “Nếu xác định đất cấp cho hộ ông Điểm có bà Tám trong hộ thì không chỉ diện tích thuộc thửa 199 và 203 mà toàn bộ diện tích của các thửa khác có trong GCN/QSDĐ mang tên ông Điểm phải chia cho bà Tám là bất hợp lý. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào việc UBND cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Điểm và ông Điểm có đăng ký hộ khẩu (thường trú) trong cùng hộ khẩu với bà Tám và “bà Tám là chủ hộ để buộc ông Điểm trả cho bà Tám 1.500m2 là chưa có căn cứ”.
Vì vậy Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xử giám đốc thẩm: hủy án bản dân sự phúc thẩm số 148/DSPT ngày 10/5/2005 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh, bản án sơ thẩm số 2111/DSST ngày 23/9/2004 của TAND Tp. Hồ Chí Minh giao hồ sơ về TAND Tp. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật”.
Hội đồng thẩm phán TANDTC không chấp nhận kháng nghị mà không có ý kiến tranh luận. Vì: “có đủ căn cứ kết luận tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp về quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các thành viên của hộ gia đình; diện tích 3569m2 (thửa 199, 203) được cấp cho hộ gia đình đứng tên ông Nguyễn Thành Điểm gồm có 2 người là bà Tám và ông Điểm. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm “buộc ông Điểm giao cho bà Tám 1500m2 đất là có căn cứ, đúng pháp luật”.
Như vậy, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã lẫn lộn hộ khẩu thường trú thành hộ gia đình (! ?).
KẾT LUẬN
Dù Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC là chung thẩm nhưng với những chứng cứ kể trên thì cơ quan có thẩm quyền đề nghị tái thẩm bản án này là có căn cứ.
VPLS Minh Trí cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật đến quý khách hàng nhanh chóng và hiệu quả nhất!
- Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email: dongtudhl@gmail.com, phucminh80@gmail.com
- Liên hệ với bộ phận kinh doanh - khách hàng theo hotline : 0902818158 - 0906834543 - 0906812689