TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

CHUYÊN ĐỀ Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

 

Các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) đã là một bước tiến mới phản ánh một nền tố tụng dân chủ, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự là tính nhanh chóng và sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên đương sự trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. Trên cơ sở quy định của Bộ luật TTDS, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật TTDS. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đã cho thấy các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật TTDS - bên cạnh những ưu việt - đã bộc lộ một số hạn chế, chưa tương thích và bao quát hết được thực tiễn. Từ đó đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn, bổ sung. Bài viết này tiến hành đánh giá một số quy định của pháp luật tố tụng dân sự về BPKCTT và bước đầu đưa ra những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện.

1. Về các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định có 12 biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT). Ngoài ra, Khoản 13 của điều luật này còn một quy định mở, đó là các BPKCTT khác (ngoài 12 BPKCTT này) mà pháp luật có quy định. Tại  Khoản 1 Điều 102 Bộ luật TTDS có quy định về BPKCTT: “giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục”. Đây là một quy định chưa đầy đủ, bởi ngoài đối tượng được áp dụng biện pháp này là người chưa thành niên, thì người mắc bệnh tâm thần, người không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (mất năng lực hành vi dân sự) cũng rất cần được áp dụng biện pháp này. Vì vậy, việc bổ sung vào Khoản 1 Điều 102 Bộ luật TTDS, quy định giao người mất năng lực hành vi dân sự cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến họ mà chưa có người giám hộ, là rất cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể như: tổ chức được giao trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự là các tổ chức nào, điều kiện cần có của tổ chức để được Tòa án giao trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục những đối tượng này.

Mục đích của việc áp dụng BPKCTT được quy định tại Điều 99 Bộ luật TTDS là nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc để đảm bảo thi hành án. Điều này đòi hỏi pháp luật tố tụng phải trao cho Tòa án thẩm quyền ban hành lệnh áp dụng BPKCTT một cách “kịp thời và có hiệu quả”. Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 108, 109 và 110 Bộ luật TTDS thì các biện pháp kê biên tài sản, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp chỉ được Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT nếu có căn cứ cho thấy người đang nắm giữ tài sản này “có hành vi” tẩu tán hủy hoại tài sản, chuyển dịch quyền tài sản hoặc làm thay đổi hiện trạng tài sản. Điều này có nghĩa là, khi Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT thì những hành vi đó đã được thực hiện. Sự chậm trễ trong việc ra quyết định áp dụng BPKCCTT - dù chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn - cũng đủ để cho người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT tẩu tán tài sản, thay đổi hiện trạng tài sản hoặc rút tiền từ tài khoản nhằm trốn tránh việc thi hành nghĩa vụ. Trong khi đó, Bộ luật TTDS lại không quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này đối với những thiệt hại mà người yêu cầu phải gánh chịu do việc áp dụng chậm trễ các BPKCTT. Và như vậy, việc Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT khi “người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản” (Khoản 1 Điều 108), “người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vichuyển dịch quyền về tài sản” (Điều 109), “người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó” (Điều 110) là đã quá muộn, không còn giá trị, nên không đạt được mục đích của việc áp dụng BPKCTT. Theo chúng tôi, để khắc phục hạn chế này, các Điều 108, 109, 110 Bộ luật TTDS nên được bổ sung cụm từ “cần ngăn chặn”, cụ thể là: “nếu có căn cứ cho thấy người đang nắm giữ về tài sản có hành vi” bằng cụm từ “nếu có căn cứ cho thấy cần ngăn chặn người đang nắm giữ về tài sản có hành vi…”.

2. Thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, căn cứ hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Liên quan đến thẩm quyền của Tòa án các cấp trong việc ra quyết định áp dụng BPKCTT cũng có vấn đề cần bàn, đó là: trong trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm, đương sự kháng cáo bản án đồng thời có đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT. Giai đoạn này, Tòa án cấp sơ thẩm đang làm các thủ tục liên quan đến kháng cáo theo quy định của pháp luật mà chưa chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm. Vậy, Tòa án cấp nào có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT nếu yêu cầu của đương sự là có căn cứ, đúng pháp luật và thuộc trường hợp cần phải được áp dụng BPKCTT? Ngược lại, nếu yêu cầu của đương sự không đúng pháp luật và không thuộc trường hợp cần phải áp dụng BPKCTT thì Tòa án nào sẽ không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT? Tòa án cấp nào có thẩm quyền ban hành văn bản trả lời đương sự? Đây là những vấn đề Bộ luật TTDS chưa có quy định cụ thể.

Theo quan điểm của chúng tôi, để xác định rõ vấn đề thẩm quyền của Tòa án cấp nào trong việc xem xét yêu cầu áp dụng BPKCTT, Bộ luật TTDS cần thiết bổ sung quy định: “Tòa án cấp sơ thẩm phải chuyển đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT và hồ sơ vụ án để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT, còn các thủ tục về kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ bổ sung sau”.

Tính chất của BPKCTT là tính khẩn cấp và tính tạm thời. Tính tạm thời thể hiện ở chỗ quyết định áp dụng BPKCTT không phải là quyết định cuối cùng về giải quyết vụ việc dân sự, nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Khoản 1 Điều 122 Bộ luật TTDS quy định cụ thể các trường hợp Tòa án ra quyết định hủy bỏ BPKCTT. Việc áp dụng Khoản 1 Điều 122 trong thực tiễn cũng đặt ra vấn đề cần phải tiếp tục có sự nghiên cứu, hướng dẫn. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT song nếu có căn cứ hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT quy định tại Khoản 1 Điều 122 thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ BPKCTT. Nhưng trong thực tế có trường hợp, khi Tòa án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT và sau đó đã có quyết định giải quyết vụ án bằng bản án; bản án có hiệu lực pháp luật, chuyển sang giai đoạn thi hành án nhưng chưa có căn cứ hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT nên quyết định này vẫn tồn tại.

 

Đến giai đoạn thi hành bản án thì có căn cứ hủy bỏ BPKCTT, chẳng hạn như người phải thi hành quyết định áp dụng BPKCTT nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có quyền theo điểm b, Khoản 1 Điều 122 Bộ luật TTDS.

 Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này, khi có căn cứ hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT, thì Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ BPKCTT không? Theo chúng tôi, khi đã chuyển sang giai đoạn thi hành bản án thì Tòa án không còn quyền ban hành các văn bản tố tụng, trong đó có quyết định hủy bỏ BPKCTT (trừ thông báo sửa chữa, bổ sung bản án).

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 122 thì chỉ Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền hủy bỏ BPKCTT. Bộ luật TTDS cũng như Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết 02) cũng chưa có quy định xử lý như thế nào đối với quyết định áp dụng BPKCTT đối với trường hợp này. Hiện nay, trong thực tiễn, áp dụng Khoản 1 Điều 122, có Tòa án đã ghi trong phần quyết định của bản án: Giữ nguyên quyết định áp dụng BPKCTT số… của Tòa án nhân dân… cho đến khi đương sự có nghĩa vụ thi hành xong nghĩa vụ đối với đương sự có quyền. Viết như vậy có thể giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, cách làm này lại nảy sinh một bất cập là: đối với việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT thì đương sự chỉ được quyền khiếu nại, Viện kiểm sát chỉ có quyền kiến nghị; còn đối với bản án, đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị nên khi bản án chưa có hiệu lực, đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị cả về BPKCTT. Để thống nhất cách làm trong thực tiễn, thiết nghĩ Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể.

3. Về biện pháp bảo đảm

Khi yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT quy định tại Khoản 12 Điều 102 Bộ luật TTDS “Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định” thì người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Nhưng nếu yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT quy định tại Khoản 11 Điều 102 “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” thì người yêu cầu buộc phải nộp tài sản bảo đảm. Khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng vay tài sản hoặc các tranh chấp khác, đương sự có thể yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT quy định tại Khoản 11 Điều 102, hoặc có thể yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT quy định tại Khoản 12 Điều 102 “Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định”, ở đây là cấm đương sự thực hiện hành vi chuyển dịch quyền sở hữu đối với tài sản. Chúng tôi cho rằng, hai BPKCTT này đều có mục đích giống nhau là bảo đảm thi hành nghĩa vụ và khi áp dụng không đúng đều có thể gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba, nhưng theo quy định của Bộ luật TTDS thì thủ tục, điều kiện áp dụng lại khác nhau. Chính vì vậy, trong thực tiễn, khi có yêu cầu và có căn cứ áp dụng, các Tòa án đã không áp dụng BPKCTT được quy định tại khoản 11 Điều 102 mà áp dụng BPKCTT quy định tại khoản 12 Điều 102 nhằm mục đích để người có yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT không phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Trường hợp này, nếu đương sự yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng, gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba thì quyền lợi của người bị thiệt hại sẽ không được bảo đảm. Từ đó, chúng tôi cho rằng, Bộ luật TTDS cần bổ sung quy định về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm đối với BPKCTT quy định tại Khoản 12 Điều 102 Bộ luật TTDS.

Để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng BPKCTT và ngăn ngừa sự lạm dụng từ phía người yêu cầu, Bộ luật TTDS đã quy định về biện pháp bảo đảm. Theo Khoản 1 Điều 120 thì người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các BPKCTT như kê biên; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài sản, tài khoản của người có nghĩa vụ, sẽ phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá “do Tòa án ấn định tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện” vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Cụ thể hơn, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02 thì “nghĩa vụ tài sản” là nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế  có thể xảy ra cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba.

Như vậy, đối chiếu quy định tại Khoản 1 Điều 120 và hướng dẫn của Nghị quyết số 02 về giá trị của khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải nộp thì rõ ràng là có sự “vênh” nhau. Xét về logic ngôn ngữ, quy định tại Khoản 1 Điều 120 Bộ luật TTDS cho thấy: khoản tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá được hiểu là phải có giá trị ngang bằng với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện và “người có nghĩa vụ phải thực hiện” ở đây cũng phải được hiểu là người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT. Nếu hiểu, vận dụng theo tinh thần của Điều 120 thì sẽ rất khó khăn cho người yêu cầu áp dụng BPKCTT và điều kiện này sẽ dẫn đến hạn chế quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT. Thực tiễn cho thấy, đã có trường hợp Tòa án áp dụng Khoản 1 Điều 120 ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm trong đó buộc người yêu cầu phải nộp tài sản bảo đảm tương đương với giá trị tài sản tranh chấp. Song, theo hướng dẫn tại  điểm a, tiểu mục 8.1 Mục 8 Nghị quyết số 02 thì “nghĩa vụ tài sản là nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba do việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng”. Ngoài ra, cũng theo hướng dẫn tại điểm b, tiểu mục 8.1 Mục 8 của Nghị quyết này thì “người có nghĩa vụ phải thực hiện” là người có yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng. Về nội dung hướng dẫn trên của Nghị quyết 02, chúng tôi đồng ý với một quan điểm cho rằng, cách giải thích của Nghị quyết số 02 “phù hợp với bản chất của biện pháp bảo đảm theo pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới và phù hợp với thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, xét về logic ngôn ngữ thì cách giải thích này lại không đúng với tinh thần của Điều 120 Bộ luật TTDS”. Để khắc phục sự “vênh” nhau này, Điều 120 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS đã sửa đổi theo tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết số 02 là người yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11 Điều 102 phải nộp tài sản bảo đảm “tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng…”. Sửa đổi như vậy là hoàn toàn phù hợp cả về lý luận và thực tiễn.

Tuy nhiên, việc xác định mức tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh như thế nào là rất khó đối với Tòa án cũng như với người yêu cầu, mặc dù Nghị quyết số 02 cũng đã hướng dẫn cách dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Đã có nhiều trường hợp, việc dự kiến và tạm tính thiệt hại phát sinh không chính xác, không tương xứng với hậu quả xảy ra. Theo quy định của Bộ luật TTDS thì người yêu cầu áp dụng hay Tòa án áp dụng BPKCTT không đúng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, vậy trong trường hợp tài sản bảo đảm không đủ để bù đắp những thiệt hại đã xảy ra do việc áp dụng BPKCTT không đúng thì có phải bồi thường thiệt hại không và ai phải bồi thường cũng là vấn đề cần được quy định rõ trong Bộ luật TTDS. Đồng thời, khi có tranh chấp xảy ra thì yêu cầu bồi thường thiệt hại này được xem xét trong cùng một vụ án hay giải quyết thành một vụ án riêng cũng là vấn đề cần phải xác định. Chúng tôi cho rằng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do áp dụng không đúng BPKCTT không thể giải quyết trong cùng vụ án đang giải quyết.

Về quy định bổ sung biện pháp bảo đảm tại Khoản 1 Điều 120 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS là người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải nộp cho Toà án “...chứng từ bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc của cá nhân, cơ quan tổ chức khác nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại cụ thể phát sinh do hậu quả của việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng, trừ trường hợp đối tượng tranh chấp là tài sản của Nhà nước hoặc các trường hợp khác do pháp luật quy định”. Quy định như vậy là một giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT trong trường hợp người yêu cầu áp dụng BPKCTT chưa có tài sản bảo đảm hoặc không có, không đủ tài sản bảo đảm. Đối với biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển, tàu bay, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển (Điều 5), Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay (Điều 6) cũng đã có quy định người yêu cầu bắt giữ tàu biển, tàu bay phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính “…nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Tuy nhiên, nếu so chiếu quy định tại Khoản 1 Điều 120 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS; Điều 5 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Điều 6 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay với nội dung Điều 361 Bộ luật Dân sự 2005 thì lại có mâu thuẫn. Bởi lẽ, khi ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc cơ quan tổ chức khác bảo lãnh cho người yêu cầu Tòa án  áp dụng BPKCTT  bằng việc phát hành chứng từ bảo lãnh thì sẽ phát sinh quan hệ bảo lãnh giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân (người bảo lãnh) với người yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT (người được bảo lãnh) và người bị áp dụng BPKCTT (người nhận bảo lãnh). Quan hệ bảo lãnh này đòi hỏi phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của ba bên. Về mặt lý luận, do tính chất khẩn cấp của việc áp dụng BPKCTT nên trước khi ra quyết định áp dụng không thể báo trước để nhận được sự đồng ý của người bị áp dụng BPKCTT, bởi vì người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT có thể có hành vi tẩu tán tài sản, thay đổi hiện trạng tài sản, hoặc rút tiền từ tài khoản. Và như vậy, việc áp dụng BPKCTT sẽ trở nên vô nghĩa, chỉ còn là hình thức. Mặt khác, trong thực tế khi người được bảo lãnh và người bảo lãnh cam kết cũng không thể có trường hợp người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT đồng ý. Như vậy, quan hệ bảo lãnh này không thiết lập theo quy định của Bộ luật Dân sự nên bị coi là vô hiệu, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa người bảo lãnh, người được bảo lãnh và người nhận bảo lãnh. Chính vì vậy, nếu có tranh chấp về quan hệ bảo lãnh xảy ra thì không thể có cơ sở pháp lý để buộc người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Từ đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng BPKCTT hoặc người thứ ba không được bảo vệ khi họ bị thiệt hại do việc áp dụng BPKCTT không đúng gây ra.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, các biện pháp bảo đảm cần giữ nguyên như quy định của Bộ luật TTDS.

4. Về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 117 Bộ luật TTDS thì tại phiên tòa, nếu Hội đồng xét xử chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT mà thuộc trường hợp bắt buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm, thì HĐXX chỉ ra quyết định áp dụng BPKCTT khi người yêu cầu xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm. Nhưng việc dự kiến và tạm tính thiệt hại có thể phát sinh không hề đơn giản như đã nói trên. Mặt khác, để đương sự thực hiện biện pháp bảo đảm thì cũng cần đòi hỏi phải có một khoảng thời gian nhất định nên không thể tiếp tục việc xét xử được. Bộ luật TTDS không có quy định trong trường hợp này, Tòa án được quyền hoãn phiên tòa hay ngừng việc xét xử. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này ngừng việc xét xử theo Điều 197 Bộ luật TTDS là hợp lý nhất, thời hạn tạm ngừng việc xét xử đảm bảo cho việc dự kiến, tạm tính thiệt hại có thể phát sinh được chính xác, đảm bảo cho đương sự đủ điều kiện chuẩn bị tài sản bảo đảm, thực hiện thủ tục nộp tài sản bảo đảm cũng như việc giải quyết vụ án không bị kéo dài, bảo đảm được quyền lợi của các đương sự. Điều 197 Bộ luật TTDS quy định: “Trong trường hợp đặc biệt do Bộ luật này quy định thì việc xét xử có thể tạm ngừng không quá năm ngày làm việc. Hết thời hạn tạm ngừng, việc xét xử vụ án được tiếp tục”. Song, nghiên cứu các quy định của Bộ luật TTDS, chúng tôi không thấy có quy định trường hợp nào thì việc xét xử có thể tạm ngừng. Do đó, chúng tôi đề nghị cần quy định cụ thể các căn cứ để ngừng việc xét xử, trong đó có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT tại phiên tòa.

5. Về trách nhiệm bồi thường của Tòa án

Bộ luật TTDS quy định các trường hợp Tòa án có trách nhiệm bồi thường khi áp dụng không đúng BPKCTT gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba (Khoản 2 Điều 101) nhưng lại chưa có quy định trách nhiệm bồi thường của Tòa án trong trường hợp không ra quyết định hoặc chậm ra quyết định áp dụng BPKCTT. Vì vậy, trong thực tiễn, nếu đương sự yêu cầu và có căn cứ áp dụng BPKCTT nhưng Tòa án không ra hoặc chậm ra quyết định áp dụng BPKCTT gây thiệt hại cho đương sự thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại này như thế nào? Quyền, lợi ích của đương sự yêu cầu có được bảo vệ không? Những nội dung này cần được bổ sung trong Bộ luật TTDS về trách nhiệm bồi thường của Tòa án trong việc không ra quyết định hoặc chậm ra quyết định áp dụng BPKCTT, gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba.

 

 

(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 191-thang-3-2011 ngày 20/03/2011)

ThS. Nguyễn Văn Lin - Trưởng khoa Giáo dục cơ bản - trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội; ThS. Nguyễn Thị Hạnh - Giảng viên khoa đào tạo Thẩm phán - Học viện Tư pháp.

 

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

TÒA KINH TẾ

------------------

Quyết định giám đốc thẩm

Số:01/2007/KDTM-GĐT

Ngày 13 tháng 3 năm 2007

V/v: tranh chấp hợp đồng

tín dụng.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------

 

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TÒA KINH TẾ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Duy Tiến;

Các Thẩm phán: Bà Bùi Thị Hải;

Ông Nguyễn Ngọc Vân.

Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Ngô Thị Kim Hoa, Thẩm tra viên Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Ông Nguyễn Thượng Hải-Kiểm sát viên.

Họp phiên tòa ngày 13 tháng 3 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty tài chính dầu khí;

Trụ sở tại: Số 99Bis Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;

Bị đơn: Công ty xuất nhập khẩu ngành in

Trụ sở tại: 67 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội,

Trụ sở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh: Số 95-97 Sư Vạn Hạnh, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Do có Quyết định kháng nghị số01/2007/KT-TK ngày 18/01/2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN THẤY

Ngày 09/6/2004, bằng văn bản số284/CV-PVFC-10 (BL.122), Công ty Tài chính dầu khí đã khởi kiện vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng tín dụng ra Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu xử buộc Công ty xuất nhập khẩu ngành in phải thanh toán cả gốc và lãi của hai hợp đồng tín dụng số97/2003/HĐTD-PVFC-10 ngày 20/10/2003 và số144/2004/HĐTD-PVFC-10 ngày 08/01/2004 với tổng số tiền là 10.219.433.333 VND.

Biết được thông tin Công ty cổ phần Vĩnh Tiến đang nợ Công ty xuất nhập khẩu ngành in số tiền là 6.323.590.000 đồng, sau khi trao đổi với Công ty cổ phần Vĩnh Tiến và nhận được văn bản số 10/VT ngày 04/6/2004 (BL.80) của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến (xác nhận nợ và hứa hẹn việc có thể chuyển trả thẳng cho Công ty Tài chính dầu khí ), ngày 12/7/2004 Công ty Tài chính dầu khí đã gửi văn bản số 333/CV/PVFC-10 (BL.94), yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Kê biên khoản nợ phải thu trên của Công ty xuất nhập khẩu ngành in, yêu cầu Công ty cổ phần Vĩnh Tiến chuyển khoản nợ này vào một tài khoản trung gian để bảo đảm thi hành án cho Công ty Tài chính dầu khí sau này.

Sau khi nhận được văn bản yêu cầu của Công ty Tài chính dầu khí và các văn bản xác nhận nợ của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến, ngày 27/7/2004 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT (BL.132) với nội dung chính như sau: “Kê biên số tiền 6.323.590.000 đồng là nợ phải thu từ Công ty cổ phần Vĩnh Tiến .

Công ty cổ phần Vĩnh Tiến có trách nhiệm chuyển số tiền nói trên vào tài khoản số 921.90.00.0000.9 của Phòng Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh tại Kho bạc nhà nước thành phố Hồ Chí Minh”.

Ngày 07/9/2004, Công ty Tài chính dầu khí và Công ty xuất nhập khẩu ngành in đã hòa giải được với nhau, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã lập được biên bản hòa giải thành (BL.131) và ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 (BL.133) với nội dung như sau:

“1. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nhau:

Xác nhận dư nợ của các hợp đồng tín dụng tạm tính đến ngày 07/9/2004, cụ thể như sau:

a. Hợp đồng tín dụng số số97/2003/HĐTD-PVFC-10 ký ngày 20/10/2003

Vốn vay chưa hoàn trả 5.000.000.000 đồng

Lãi chưa thanh toán 274.600.000 đồng

b. Hợp đồng tín dụng số144/2004/HĐTD-PVFC-10 ký ngày 08/01/2004 – Vốn vay chưa hoàn trả 5.000.000.000 đồng

Lãi chưa thanh toán 261.725.000 đồng

Công ty xuất nhập khẩu ngành in xác nhận trách nhiệm thanh toán cho Công ty Tài chính dầu khí số tiền 10.536.325.000 đồng nói trên và số tiền lãi tiếp tục phát sinh tính trên số nợ gốc chưa hoàn trả theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định theo từng thời điểm, tính từ ngày 08/9/2004 cho đến khi thi hành án xong.

Nếu Công ty xuất nhập khẩu ngành in không thanh toán nợ, thì chấp nhận chịu biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

2. Về án phí:

Án phí là 18.768.000 đồng do Công ty Tài chính dầu khí chịu, được cấn trừ vào tạm ứng án phí 18.609.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền số 004299 ngày 18/6/2004 của Phòng thi hành án TP.HCM. Công ty còn phải nộp 159.000 đồng.

3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án”.

Khiếu nại giám đốc thẩm:

- Ngày 06/3/2005, Công ty cổ phần Vĩnh Tiến có đơn khiếu nại giám đốc thẩm với những nội dung như sau:

+ Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi xác định nghĩa vụ trả nợ thay của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến nhưng lại không đưa Công ty cổ phần Vĩnh Tiến vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không gửi các quyết định của Tòa mà Công ty cổ phần Vĩnh Tiến phải tiến hành cho Công ty cổ phần Vĩnh Tiến .

+ Về nội dung: Chưa có thỏa thuận giữa Công ty xuất nhập khẩu ngành in và Công ty cổ phần Vĩnh Tiến về việc Công ty xuất nhập khẩu ngành in chuyển giao nghĩa vụ trả tiền cho Công ty Tài chính dầu khí sang cho Công ty cổ phần Vĩnh Tiến trả nợ thay. Vì vậy, bằng công văn số 46/XNI ngày 28/10/2004, Công ty xuất nhập khẩu ngành in vẫn tiếp tục đòi Công ty cổ phần Vĩnh Tiến trả nợ trực tiếp cho mình.

+ Yêu cầu:

1. Hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ;

2. Hủy mục “3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án” trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh .

- Ngày 16/3/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có công văn số681/GĐT-DS (BL.153) đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm một phần đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (phần liên quan đến Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ) với lý do: Quan hệ nợ nần giữa Công ty xuất nhập khẩu ngành in với Công ty cổ phần Vĩnh Tiến độc lập với quan hệ tín dụng giữa Công ty Tài chính dầu khí với Công ty xuất nhập khẩu ngành in. Giữa ba đơn vị này chưa có thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ trả tiền.

Kháng nghị giám đốc thẩm:

Ngày 18/01/2007, bằng Quyết định số01/2007/KT-TK, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh , yêu cầu Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy mục “3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án” của Quyết định số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty cổ phần Vĩnh Tiến vào tham gia tố tụng nhưng lại ra quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến là không đúng quy định của pháp luật.

Tại bản Kết luận số04/KLGĐT-KDTM ngày 05/02/2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy mục 3 của Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên: “3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án”, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

XÉT THẤY

1. Về thời hạn kháng nghị:

- Tại thời điểm Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004, việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế của Tòa án phải tuân theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (BLTTDS được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 24/6/2004, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/2005).

Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, “Khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật”, vì vậy, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có hiệu lực từ ngày 07/9/2004.

- Theo quy định tại điểm b phần 4 Nghị quyết số 32/2004/QH11 ngày 15/6/2004 của Quốc hội (về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự), “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động có hiệu lực pháp luật sau ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố thì áp dụng theo quy định tại Điefu 288 và Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự”. Vì vậy, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải tuân theo quy định tại Điều 288 BLTTDS.

Theo quy định tại Điều 288 BLTTDS thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quyết định kháng nghị số01/2007/KT-TK ngày 18/01/2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện trong thời hạn luật định, nên có hiệu lực pháp luật. Quan điểm của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại công văn số681/GĐT-DS ngày 16/3/2006 cho rằng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là không đúng với các quy định của pháp luật đã dấn chiếu trên.

2. Về đương sự của vụ án:

Tòa án cấp sơ thẩm ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 và Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004, buộc Công ty cổ phần Vĩnh Tiến phải chuyển 6.323.590.000 đồng vào tài khoản của cơ quan thi hành án theo yêu cầu của nguyên đơn - Công ty Tài chính dầu khí nhưng lại không đưa Công ty cổ phần Vĩnh Tiến vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Điều 20, 21 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế), tước của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến quyền được tham gia tranh tụng để tự bảo vệ mình.

Do không đưa Công ty cổ phần Vĩnh Tiến vào tham gia tố tụng (không phải là đương sự của vụ án), nên mặc dù là người phải thi hành các quyết định nói trên nhưng Công ty cổ phần Vĩnh Tiến cũng không được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp, tống đạt hoặc thông báo các quyết định này, không biết có các quyết định này để thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Chỉ đến khi nhận được các quyết định của cơ quan thi hành án, Công ty cổ phần Vĩnh Tiến mới biết đến các quyết định nói trên của Tòa án cấp sơ thẩm.

3. Về yêu cầu của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến – “Hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ”:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (có hiệu lực pháp luật tại thời điểm ra Quyết định số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004) cũng như tại Điều 124, 125 BLTTDS và hướng dẫn tại mục 11, 12 của Nghị quyết số02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chỉ riêng Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến về Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004. Vì vậy, Tòa án cấp giám đốc thẩm không giải quyết được yêu cầu này của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến . Theo hướng dẫn tại tiểu mục 12.1 mục 12 của Nghị quyết số02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý lại vụ án này, Công ty cổ phần Vĩnh Tiến có quyền đưa đơn yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 để được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Từ những nhận định trên,

Căn cứ vào khoản 2 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 3 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỐC THẨM

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận yêu cầu kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,

Hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phần:

“3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án”.

Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết sơ thẩm lại phần bị hủy theo đúng quy định của pháp luật.

Các nội dung khác của Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ban hành.

CÁC THẨM PHÁN

Bùi Thị Hải Nguyễn Ngọc Vân

(Đã ký) (Đã ký)

Điều hành số 101/NCPL của Tòa án nhân dân tối cao: Công văn về tố tụng dân sự

Công văn

của Toà án nhân dân tối cao số 101/NCPL
ngày 7 tháng 5 năm 1990 về tố tụng dân sự

 

Một số Toà án đã hỏi Toà án nhân dân tối cao một số vấn đề về Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

1. Khoản 3 Điều 31 Pháp lệnh quy định là "Trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc hoà giải, các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc chịu án phí. Nếu họ không thoả thuận được thì Toà án quyết định mức án phí và người phải chịu án phí", nhưng khoản 4 Điều này lại quy định là "nếu việc giải quyết vụ án bị đình chỉ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, Điều 46 Pháp lệnh này thì số tiền tạm ứng án phí được sung vào quỹ Nhà nước". Vậy quyết định án phí trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc hoà giải thành được thì giải quyết như thế nào?

án phí là vấn đề khá phức tạp nên sẽ được quy định cụ thể ở một văn bản riêngnhư Điều 30 Pháp lệnh đã quy định là "Hội đồng Bộ trưởng phối hợp với Toà án nhân dân tối cao quy định chế độ án phí". Trong Pháp lệnh chỉ mới quy định một số nguyên tắc về án phí. Thí dụ: khoản 4 Điều 31 chỉ nêu nguyên tắc là "nếu việc giải quyết vụ án bị đình chỉ thì số tiền tạm ứng án phí được sung vào quỹ Nhà nước", nhưng chưa xác định rõ về mặt định lượng là sung một phần hay toàn bộ số tiền tạm ứng án phí, và cũng chưa giải quyết trường hợp nếu đương sự chưa nộp một phần hoặc toàn bộ số tiền tạm ứng án phí theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Pháp lệnh thì giải quyết vấn đề án phí như thế nào nếu họ không được miễn án phí... Vì vậy, việc áp dụng các quy định của Pháp lệnh cần được đặt trong mối liên hệ với các quy định và hướng dẫn có liên quan. Hiện nay, trong khi chưa có những quy định mới về chế độ án phí thì các Toà án vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao về cách tính án phí tại Thông tư số 85/TATC ngày 6-8-1982 và về mức thu án phí đã được sửa đổi tại Thông tư số 02/NCPL ngày 28-2-1989.

2. Trong trường hợp người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, mặc dù đã được Toà án thông báo hợp lệ việc phải nộp số tiền đó thì Toà án cấp sơ thẩm có phải chuyển hồ sơ lên Toà án cấp phúc thẩm không? Nếu đương sự nộp đơn kháng cáo trong thời hạn, nhưng nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm quá hạn thì giải quyết như thế nào?

Để thực hiện các quy định tại các Điều 31, 59, 66 của Pháp lệnh, các Toà án cần chú ý là:

Nếu người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, mặc dù đã được Toà án cấp sơ thẩm thông báo hợp lệ số tiền phải nộp, thời hạn nộp và hậu quả của việc không nộp, thì coi như đương sự không kháng cáo và Toà án cấp sơ thẩm không phải chuyển hồ sơ lên Toà án cấp phúc thẩm, nhưng trong hồ sơ phải phản ánh rõ việc thông báo đó.

Nếu đương sự kháng cáo trong thời hạn, nhưng nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm quá hạn thì Toà án cấp sơ thẩm cần điều tra đầy đủ lý do của việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm quá hạn và gửi báo cáo kèm theo hồ sơ vụ án lên Toà án cấp phúc thẩm để Toà án cấp phúc thẩm xét việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo quá hạn.

3. Khi quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời bị khiếu nại hay kiến nghị theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Pháp lệnh thì Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án phải xem xét và trả lời bằng hình thức ra quyết định hay công văn trả lời?

Qua xem xét nếu thấy cần thiết phải sửa đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được thẩm phán quyết định thì Chánh án Toà án ra quyết định; còn nếu thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được thẩm phán quyết định là đúng, thì Chánh án Toà án chỉ cần có công văn trả lời. Quyết định hoặc công văn trả lời của Chánh án Toà án giải quyết việc khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được gửi cho các đương sự có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.

4. Thủ tục giải quyết việc thuận tình ly hôn như thế nào?

Thủ tục hoà giải quy định tại Điều 44 Pháp lệnh được áp dụng cho cả trường hợp giải quyết việc thuận tình ly hôn. Cụ thể là: theo quy định tại Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình thì hoà giải là một thủ tục bắt buộc khi cả hai vợ chồng có đơn xin thuận tình ly hôn. Do đó, nếu Toà án đã hoà giải đoàn tụ nhưng hai bên đương sự vẫn kiên quyết xin ly hôn thì Toà án lập biên bản hoà giải đoàn tụ không thành, sau đó lập biên bản thoả thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn và gửi ngay bản sao biên bản này cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản thoả thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn mà có đương sự thay đổi ý kiến hoặc Viện kiểm sát phản đối việc thuận tình ly hôn đó, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử; nếu trong thời hạn đó không có sự thay đổi ý kiến hoặc phản đối thì Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn và quyết định này có hiệu lực pháp luật.

5. Điều 45 Pháp lệnh quy định là: "Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án..." vậy ai là người có thẩm quyền ra quyết định đó và nếu quyết định đó bị khiếu nại thì giải quyết như thế nào?

Điều 45 Pháp lệnh đã quy định cụ thể các trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, do đó, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên toà; còn tại phiên toà thì hội đồng xét xử ra quyết định đó.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Pháp lệnh thì quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Toà án cấp phúc thẩm sẽ xét kháng cáo, kháng nghị, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm theo thủ tục quy định tại các Điều 66, 70 Pháp lệnh. Còn quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp phúc thẩm cũng như các quyết định khác của Toà án cấp phúc thẩm đều là chung thẩm có hiệu lực thi hành; nếu có khiếu nại hoặc kháng nghị sẽ được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.

Khi giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án cần lưu ý như sau: vì việc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án không phải là việc chấm dứt việc giải quyết vụ án và sau khi có quyết định tạm đình chỉ nếu thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn nữa thì Toà án lại tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án, cho nên ngay sau khi nhận được kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ, Toà án đã ra quyết định tạm đình chỉ cần kiểm tra lại việc tạm đình chỉ của mình để: nếu cho rằng việc tạm đình chỉ là đúng thì chuyển ngay hồ sơ vụ án lên Toà án cấp trên để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm; còn nếu thấy việc tạm đình chỉ là không đúng hoặc lý do của việc tạm đình chỉ đã hết, thì cần tiến hành ngay việc tiếp tục giải quyết vụ án và báo cho người đã kháng cáo, cho Viện kiểm sát đã kháng nghị biết để rút kháng cáo, kháng nghị nhằm khỏi phải giải quyết việc xem xét kháng cáo, kháng nghị ở Toà án cấp trên theo thủ tục phúc thẩm một cách không cần thiết.

6. Đối với các quyết định công nhận việc hoà giải thành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành mà có kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm có áp dụng thủ tục mới quy định tại các Điều 66, 70 của Pháp lệnh để giải quyết hay không?

Đối với các quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, công nhận việc thuận tình ly hôn trước khi Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có hiệu lực thi hành nếu có kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm không áp dụng thủ tục không mở phiên tòa theo quy định tại các Điều 66, 70 Pháp lệnh, mà vẫn phải mở phiên toà xét xử theo thủ tục đã được Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn trước khi có Pháp lệnh này.

7. Một số Toà án đề nghị giải thích rõ việc thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 17 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Theo các điểm b, c khoản 1 Điều 17 Pháp lệnh thì thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu "đã có lần điều tra, hoà giải, xét xử vụ án, trừ các thành viên của Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm", nếu "đã là kiểm sát viên, thư ký Toà án, người giám định, người phiên dịch trong vụ án".

Nên hiểu tinh thần của các quy định trên đây như sau:

- Thẩm phán đã ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm;

- Thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm;

- Thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

- Thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm; không được tham gia xét xử vụ án đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ở một cấp xét xử khác. (Thí dụ: đã tham gia xét xử ở Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh thì không được tham gia xét xử ở Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao; đã tham gia xét xử ở Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao thì không được tham gia xét xử ở Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; đã tham gia xét xử ở Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì không được tham gia xét xử ở Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao; đã tham gia xét xử ở Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao thì không được tham gia xét xử ở Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh), trừ trường hợp các thành viên Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao vẫn tham gia xét xử ở Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Pháp lệnh có quy định là các thành viên của Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng không quy định việc các thành viên Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều này có nghĩa là: nếu Uỷ ban thẩm phán Toà án cấp tỉnh huỷ bỏ bản án sơ thẩm của Toà án cấp huyện và giao vụ án cho Toà án cấp huyện xét xử lại, mà việc xét xử sơ thẩm này lại sai lầm nghiêm trọng thì bản án có sai lầm này (nếu không được sửa chữa theo thủ tục phúc thẩm) sẽ không được sửa chữa theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vì Uỷ ban thẩm phán Toà án cấp tỉnh không có quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cùng một vụ án đó một lần nữa, còn Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao thì cũng không có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án cấp huyện vì theo quy định của khoản 2 Điều 74 và của Điều 81 Pháp lệnh thì Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao chỉ có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án cấp tỉnh. Để tránh tình trạng này, có thể là khi huỷ bán án, quyết định của Toà án cấp huyện theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Toà án cấp tỉnh nên giữ vụ án lại ở Toà án cấp tỉnh để xét xử theo thủ tục sơ thẩm;

- Thẩm phán đã tiến hành điều tra, hoà giải ở cấp Toà án này không được tham gia xét xử vụ án đó ở cấp Toà án khác. Tuy nhiên, thẩm phán đã tiến hành điều tra, hoà giải ở một cấp Toà án vẫn có quyền tham gia xét xử vụ án đó ở cùng cấp Toà án, bởi lẽ thẩm phán xét xử vụ án ở một Toà án thông thường chính là người đã tiến hành điều tra, hoà giải trước khi xét xử vụ án đó.

- Thư ký Toà án đã tham gia tiến hành tố tụng ở một cấp Toà án không được tham gia tố tụng với tư cách là thẩm phán ở cấp xét xử khác. Tuy nhiên, thư ký Toà án sau khi được bầu làm thẩm phán vẫn có thể tham gia xét xử vụ án ở cùng cấp Toà án mặc dù trước đó đã tham gia tố tụng với tư cách là thư ký Toà án trong giai đoạn điều tra, hoà giải;

- Người đã tham gia tố tụng với tư cách là kiểm soát viên, giám định viên, người phiên dịch trong vụ án, thì trong mọi trường hợp không được tham gia tố tụng đối với cùng một vụ án với tư cách là thẩm phán ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào và ở bất cứ cấp Toà án nào.

 

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness