Điều 107 về Đại diện của hộ gia đình Bộ luật Dân sự quy định:
Điều 107 về Đại diện của hộ gia đình Bộ luật Dân sự quy định:
“1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.
Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự.
2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.”
Theo quy định trên, thì chủ Hộ gia đình đương nhiên là người đại diện của hộ gia dình để xác lập các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Người đại diện có thể là chủ Hộ gia đình được ghi tên trên Sổ hộ khẩu hoặc là người được người chủ Hộ gia đình đó uỷ quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 109 về “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình”, thì chủ Hộ gia đình không đương nhiên có quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, mà còn phải đáp ứng được một số điều kiện như sau:
“1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.
2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”
Tuy nhiên, Điều 146 về “Hợp đồng về quyền sử dụng đất”, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về Thi hành Luật Đất đai thì lại quy định: “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.” Như vậy, theo pháp luật đất đai, thì giao dịch của Hộ gia đình chỉ đòi hỏi các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên, trong khi Bộ luật Dân sự thì yêu cầu các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên. Điều khó hiểu là ở chỗ, mặc dù Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung tới 6 lần, nhưng vẫn giữ nguyên về điều kiện tham gia của thành viên Hộ gia đình đủ 18 tuổi rõ ràng mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự.
Ngoài đất đai đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2003, còn lại những tài sản khác, thì không có căn cứ pháp lý để xác định thế nào là “tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình”. Chỉ có quy định tài sản phải có hay không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, chứ chưa có quy định thế nào là có giá trị lớn. Thậm chí đối với tài sản là tiền gửi tiết kiệm, thì pháp luật chuyên ngành ngân hàng không hề căn cứ vào mối quan hệ vợ chồng, gia đình,... mà khẳng định luôn: “Chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm” và “Đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên thẻ tiết kiệm” (khoản 3 và 4, Điều 6 về “Giải thích từ ngữ”, Quy chế về Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Mà không quy định thế thì cũng không thể giao dịch được.
4. Về trách nhiệm của Hộ gia đình trong quan hệ dân sự:
Trong quan hệ dân sự, Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 110 về “Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự như sau:
“1. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.
2. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.”
Khoản 2, Điều 107 như đã đề cập ở trên cũng quy định “Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.” Tuy nhiên, nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 109 nói trên, thì có thể dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu và Hộ gia đình không phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 110 nói trên.