TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 01/2010/KDTM-GĐT NGÀY 6/01/210 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ VỤ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG.

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Ngày 6/01/2010, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm để xét xử vụ án kinh doanh, thương mại "tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam; do ông Lê Văn Hồng-Phó Gám đốc Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng (có trụ sở tại số 90 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Đà Nẵng); đại diện theo Giấy uỷ quyền số 1121/QĐ-TCCB ngày 11-9-2006 của Giám đốc Trần Thanh Vân;

Bị đơn: Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng; có trụ sở tại số 64 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng; do ông Phan Văn Độ, Giám đốc Công ty đại diện;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tổng Công ty rau quả, nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; có trụ sở tại số 02 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; do ông Phạm Quang Bình-Phó Tổng giám đốc đại diện theo Giấy uỷ quyền số 185 ngày 16-11-2006 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty.

NHẬN THẤY:

Theo đơn khởi kiện đề ngày 06-01-2006; đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện đề ngày 04-4-2006 và các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn là Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam xuất trình, thì thấy:

Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) cho Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng vay tiền để đầu tư dự án Nhà máy chế biến nước dứa cô đặc xuất khẩu Quảng Nam được thể hiện bằng Hợp đồng tín dụng trung và dài hạn số 29/00/HĐ ngày 08-11-2000 với số tiền vay là 20.329.000.000 đồng; do thiết bị cần đầu tư là hàng nhập khẩu, nên ngày 08-11-2001 hai bên đã ký Biên bản bổ sung Hợp đồng tín dụng số 01/01/BSHĐ thay đổi tiền VNĐ sang tiền vay là 1.434.780 USD; sau đó, hai bên còn ký Phụ lục hợp đồng tín dụng trung, dài hạn số 03/01/PLHĐ ngày 20-4-2004 và Biên bản bổ sung Hợp đồng tín dụng trung, dài hạn số 05/29/00/BSHĐ ngày 03-8-2004.

Tài sản bảo đảm nợ vay là tài sản được hình thành từ vốn vay, cụ thể là dây chuyền thiết bị sản xuất nước dứa có giá trị 2.735.400 USD thể hiện tại Hợp đồng bảo đảm số 01/02/HĐ ngày 10-10-2002, đã được Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chứng nhận vào ngày 20-11-2003 và hình thức bảo đảm nợ vay là cam kết bảo lãnh vốn vay của Tổng Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến, (nay là Tổng Công ty rau quả nông sản) tại Công văn số 326 ngày 22-9-2000.

Tháng 12-2004, Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng trả được 30.000 USD.

Dư nợ gốc hiện nay của Hợp đồng tín dụng trung và dài hạn số 29/00/HĐ là 1.404.780 USD và nợ lãi là 212.722,86 USD.

Ngoài ra, Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng còn vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua các Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 11/01/HĐ ngày 02-5-2001; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 01/02/HĐ ngày 18-01-2002; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 01/2002/HĐ ngày 01-3-2002; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 01/02/HĐ ngày 31-12-2002.

Hiện nay, tổng dư nợ của các Hợp đồng tín dụng ngắn hạn là 340.624,55 USD và 5.470.000.000 đồng; nợ lãi phát sinh do chậm trả là 69.562,36 USD và 1.408.443.600 đồng.

Tài sản bảo đảm nợ vay cho các Hợp đồng tín dụng ngắn hạn là: xe Toyota du lịch biển số 43K-6967; xe IFa tải ben biển số 92K-2891; xe ô tô con YAZ biển số 92K-0970 và các khoản phải thu, hàng tồn kho của Công ty theo biên bản làm việc ngày 04-4-2005.

Toàn bộ nợ vay của Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng tại Ngân hàng đã bị quá hạn, mặc dù Ngân hàng đã nhiều lần gia hạn để tạo điều kiện Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng trả nợ và Ngân hàng đã gửi văn bản yêu cầu Tổng Công ty rau quả nông sản thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nhưng việc đòi nợ của Ngân hàng vẫn không thực hiện được.

Ngân hàng đề nghị Toà án buộc Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng phải trả toàn bộ số nợ vay (bao gồm cả gốc và lãi), cụ thể:

+ Nợ gốc: 1.745.404,55 USD và 5.470.000.000 đồng.

+ Nợ lãi đến ngày 31/12/2005: 235.813,49 USD và 1.111.058.400 đồng.

Nếu Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng không trả nợ được, đề nghị Toà án buộc Tổng Công ty rau quả, nông sản trả nợ Ngân hàng thay cho Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng theo nghĩa vụ đã bảo lãnh.

Phát mãi toàn bộ tài sản thế chấp, cầm cố của Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng theo các hợp đồng thế chấp, cầm cố số 01/02/HĐ ngày 10/10/2002 và 01/05/HĐ ngày 13/9/2005 để trả nợ cho Ngân hàng.

Ngày 04/4/2006, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sửa đổi, bổ sung đơn kiện đề nghị Toà án buộc Tổng Công ty rau quả nông sản trả nợ Ngân hàng thay cho Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng theo nghĩa vụ bảo lãnh đối với nợ vay dài hạn với số tiền nợ gốc là 1.404.780 USD và nợ lãi là 212.722,86 USD; buộc Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng phải trả toàn bộ số nợ vay ngắn hạn, cụ thể: nợ gốc là 340.624,55 USD và 5.470.000.000 đồng; nợ lãi là 69.562,36 USD và 1.408.443.600 đồng.

Nếu không trả được nợ đề nghị phát mãi toàn bộ tài sản đã thế chấp, cầm cố cho Ngân hàng để thu hồi nợ.

Bị đơn là Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng xác nhận có nghĩa vụ trả số nợ vay dài hạn và ngắn hạn theo yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng. Do gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh nên Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng không trả được nợ vay đúng hạn. Công ty đề nghị Ngân hàng xem xét miễn giảm lãi vay.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tổng Công ty rau quả nông sản cho rằng: Công văn số 326 ngày 22-9-2000 mới chỉ thể hiện chủ trương bảo lãnh, không phải là hợp đồng bảo lãnh. Sau ngày 22-9-2000 giữa Tổng Công ty và Ngân hàng không có sự thương thảo để ký hợp đồng bảo lãnh. Mặt khác, khoản vay dài hạn đã được bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay, do vậy Tổng Công ty không có nghĩa vụ bảo lãnh.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 84/2006/KDTM-ST ngày 11-7-2006, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi nợ vay của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam đối với Tổng Công ty rau quả, nông sản và Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng.

2. Buộc Tổng Công ty rau quả nông sản phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng số nợ vay của Ngân hàng đầu tư và phát triển thành phố Đà Nẵng là 20.329.000.000 đồng.

3. Buộc Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng đầu tư phát triển Đà Nẵng các khoản nợ vay sau:

a) Nợ vay dài hạn: - Nợ gốc: 131.034 USD

- Nợ lãi: 212.722,86USD (tính đến ngày 31-5-2006).

b) Nợ vay ngắn hạn:

- Vay tiền VNĐ: + Nợ gốc: 5.470.000.000 đồng;

+ Nợ lãi: 1.408.443.600 đồng.

- Vay tiền USD: + Nợ gốc: 340.624,55 USD;

+ Nợ lãi: 69.562,36 USD (tính đến ngày 31-5-2006).

4. Về xử lý tài sản bảo đảm:

- Xử lý bán đấu giá tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay là dây chuyền thiết bị chế biến nước dứa cô đặc tại Quảng Nam theo hợp đồng bảo đảm số 01/02/HĐ ngày 10-10-2002. Tiền bán tài sản dùng để thanh toán cho khoản nợ vay dài hạn theo hợp đồng tín dụng số 29 ngày 08-11-2000 và biên bản bổ sung ngày 08-11-2001.

- Xử lý bán đấu giá các tài sản bảo đảm theo hợp đồng số 01/05/HĐ ngày 13-9-2005, gồm:

+ Xe Toyota biển số 43K-6967;

+ Xe IFA biển số 92K-2891;

+ Xe YAZ biển số 92K-0970.

Tiền bán tài sản trên dùng để thanh toán các khoản nợ vay ngắn hạn.

Ngoài ra, Toà án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 20-7-2006, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tổng Công ty rau quả nông sản có đơn kháng cáo đề nghị sửa án sơ thẩm, theo hướng không có quan hệ bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba giữa Tổng Công ty rau quả, nông sản với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, bác yêu cầu đòi Tổng Công ty rau quả nông sản trả nợ thay cho Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng số tiền 20.329.000.000 đồng Việt Nam.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 09 ngày 21-11-2006 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi xét xử phúc thẩm, Tổng Công ty rau quả, nông sản có nhiều đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Kháng nghị số 13/2009/KDTM- KN- KT ngày 28-7-2009 đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 09/KDTM-PT ngày 21/11/2006 , Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 09/KDTM-PT ngày 21/11/2006 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 84/2006/KDTM-ST ngày 11/7/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật

Ngày 25/9/2009, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng có Công văn số 428/2009/BC-TA báo cáo Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao: Ngày 12/4/2007, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng và ngày 05/11/2007 đã mở thủ tục thanh lý tài sản...Trước khi mở thủ tục phá sản, Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng đã ngưng hoạt động, kinh doanh…tài sản là thiết bị máy móc và dây chuyền nước dứa cô đặc tại Quảng Nam được Cơ quan Kiểm toán độc lập thẩm định với giá là 20.655.895.000 đồng và tài sản trên đất là 6.372.224.777 đồng, tổng cộng là 27.031.000.000 đồng. Tổ quản lý, thanh lý tài sản đã đưa ra Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng để bán nhưng không có ai đăng ký mua. Hiện nay, tổ quản lý, thanh lý tài sản đang tiến hành giảm giá theo luật định.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục khẳng định kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao là có căn cứ; tuy nhiên, do Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng nên đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án này và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết thủ tục phá sản.

XÉT THẤY:

Việc kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 09/KDTM-PT ngày 21/11/2006 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, do ngày 12/4/2007, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định số 01/2007/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với Công ty xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến Đà Nẵng; Ngày 05/11/2007 đã ra Quyết định số 01/2007QĐ-TLTS mở thủ tục thanh lý tài sản của Công ty. Vì vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật phá sản thì việc giải quyết vụ án này phải bị đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết.

Việc giải quyết vụ án bị đình chỉ do đã có quyết định mở thủ tục phá sản sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật phá sản và trách nhiệm của người bảo lãnh trong vụ án này sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật phá sản.

Trong trường hợp, nếu sau khi đã xử lý bán đấu giá toàn bộ tài sản bảo đảm là dây chuyền chế biến dứa xuất khẩu tại Quảng Nam để trả nợ cho Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, nếu không đủ thì Tổng công ty rau quả nông sản phải thực hịên nghĩa vụ về tài sản đối với người nhận bảo lãnh theo cam kết bảo lãnh. Nếu Tổng công ty rau quả nông sản không thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh thì Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam có quyền khởi kiện đối với Tổng công ty rau quả nông sản bằng vụ án khác.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ vào Điều 300 và điểm g khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 39, khoản 2 Điều 57, Điều 58 Luật phá sản;

QUYẾT ĐỊNH:

1-Huỷ Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 09/KDTM-PT ngày 21/11/2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 84/2006/KDTM-ST ngày 11/7/2006 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng; đình chỉ giải quyết vụ án.

2-Chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng để giải quyết theo thủ tục do Luật phá sản quy định.

------------------------------------------------------------------------------

Mọi thắc mắc cần tư vấn gọi VPLS Minh Trí

Gửi yêu cầu Email: a10mtri@gmail.com, dongtudhl@gmail.com, phucminh80@gmail.com

Liên hệ qua Hotline: 0902818158 - 0903724089 - 0906834543 - 0906812689

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness