QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 07/2009/DS-GĐT NGÀY 08/04/2009 VỀ VỤ ÁN "TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN"
Ngày 08 tháng 4 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản” giữa:
Nguyên đơn: Bà Trần Kim Hoàng sinh năm 1948; trú tại nhà số 25 Võ Thị Sáu, khóm C, phường 1, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Bị đơn: Ông Võ Phi Sơn sinh năm 1950; trú tại nhà số 145/17A, tổ 4, khóm 4, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Ngọc Hường sinh năm 1959 (vợ của ông Sơn); trú cùng địa chỉ với ông Sơn.
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện đề ngày 12-9-2003 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Trần Kim Hoàng trình bày: Do quen biết với vợ chồng ông Sơn nên bà đã nhiều lần giao tiền cho ông Sơn để mua đất, cất nhà kinh doanh cây cảnh ở Tây Ninh và thỏa thuận chia đôi số lãi do kinh doanh. Tổng cộng bà đã giao trực tiếp, qua bưu điện và qua những người làm công giao cho ông Sơn là 42 lượng vàng và 190.600.000 đồng. Sau khi phát hiện ông Sơn không thành thật, ngày 20-4-1999 bà có yêu cầu ông Sơn chuyển quyền sở hữu toàn bộ nhà đất và cây cảnh cho bà, nhưng ông Sơn không thực hiện mà làm giấy biên nhận có nợ 40 lượng vàng. Bà đã tố cáo ông Sơn có hành vi chiếm đoạt tài sản và cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố ông Sơn. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 149/STHS ngày 28-9-2001, Tòa án nhân tỉnh Tây Ninh đã quyết định xử phạt ông Võ Phi Sơn 08 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 03-10-2001, ông Sơn kháng cáo kêu oan. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 2275/HSPT ngày 28-12-2001 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh; giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra theo thủ tục chung vì chưa làm rõ hành vi của bị cáo có cấu thành tội phạm hay không? sau đó, do không đủ căn cứ cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 02 ngày 06-8-2003 đình chỉ điều tra vụ án và Quyết định số 05 ngày 06-8-2003 đình chỉ điều tra bị can đối với ông Sơn và chuyển hồ sơ để giải quyết về dân sự. Bà Hoàng cho rằng toàn bộ nhà đất và cây cảnh mà ông Sơn đã tạo lập ở Tây Ninh là của bà nên yêu cầu ông Sơn trả lại.
Bị đơn là ông Võ Phi Sơn trình bày: toàn bộ tài sản bà Hoàng tranh chấp là do ông bỏ tiền ra mua; trong đó mua đất hết 96.000.000đồng, xây nhà và mua vật dụng trong nhà là 250.000.000 đồng, mua cây kiểng là 129.000.000 đồng, đồng thời ông Sơn thừa nhận có vay của bà Hoàng nhiều lần khoảng 22 lượng vàng (trong đó có một số tiền quy vàng). Việc ông ký biên nhận nợ bà Hoàng 40 lượng vàng là do lúc đó ông say rượu và bị bà Hoàng khống chế và cho rằng nhà, đất và cây cảnh bà Hoàng đang có tranh chấp là của vợ chồng ông nên không đồng ý trả theo yêu cầu của bà Hoàng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Ngọc Hường trình bày: toàn bộ tài sản mà bà Hoàng tranh chấp là của vợ chồng bà, bà không đồng ý theo yêu cầu của bà Hoàng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 13/2005/DSST ngày 17-6-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Kim Hoàng.
Toàn bộ nhà, đất, cây kiểng trên đất và đồ dùng trong nhà tọa lạc tại khu phố 4, phường 4, thị xã Tây Ninh theo biên bản kê biên ngày 03-3-2005 do Thi hành án tỉnh Tây Ninh lập thuộc quyền sở hữu và sử dụng của bà Trần Kim Hoàng.
2. Bà Trần Kim Hoàng có nghĩa vụ thanh toán cho ông Võ Phi Sơn tiền công trông coi việc xây nhà và chăm sóc cây kiểng trong 30 tháng là 18.000.000 (mười tám triệu) đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 18-6-2006 ông Võ Phi Sơn có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại Quyết định số 474/2005/QĐ-ĐC ngày 14-12-2005 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
1. Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản” giữa bà Trần Kim Hoàng với ông Võ Phi Sơn.
2. Bản án dân dự sơ thẩm số 13/2005/DSST ngày 27-6-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Sau khi có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, ông Sơn có đơn khiếu nại cho rằng ông chỉ nhận giấy báo 1 lần và vợ chồng ông vẫn có mặt tại địa phương vào thời điểm xét xử phúc thẩm nên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng.
Tại Quyết định số 374/2008/KN-DS ngày 03-12-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nêu trên; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thì sau khi xét xử sơ thẩm ông Võ Phi Sơn kháng cáo. Để xét xử phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm đã ba lần triệu tập các đương sự (trong đó có ông Sơn) là:
- Lần thứ nhất (giấy triệu tập đề ngày 09-9-2005) để mở phiên tòa vào ngày 22-9-2005. Nhưng giấy triệu tập này không có chữ ký của người nhận. Do đó không có cơ sở xác định Tòa án cấp phúc thẩm có gửi giấy triệu tập hợp lệ và cũng không đủ cơ sở xác nhận ông Sơn nhận được giấy triệu tập này.
- Lần thứ hai: Tuy không có tài liệu lưu trong hồ sơ vụ án thể hiện việc Tòa án cấp phúc thẩm gửi giấy triệu tập cho các đương sự, nhưng có đơn xin hoãn phiên tòa ngày 11-11-2005 của ông Sơn. Như vậy, có cơ sở xác định Tòa án đã triệu tập hợp lệ cho ông Sơn để mở phiên tòa ngày 11-11-2005, ông Sơn đã nhận được giấy triệu tập và xin hoãn.
- Lần thứ ba: Tòa án cấp phúc thẩm “Triệu tập niêm yết” đối với ông Sơn vào ngày 28-11-2005 để mở phiên tòa vào ngày 14-12-2005. Lần triệu tập này, Tòa án không trực tiếp triệu tập ông Sơn mà niêm yết tại Ủy ban nhân dân thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Trong khi không có căn cú xác định ông Sơn vắng mặt tại địa phương vào thời điểm niêm yết xét xử phúc thẩm và chỉ niêm yết bản chính giấy triệu tập tại ủy ban nhân dân thị trấn, không niêm yết bản sao tại nơi ông Sơn cư trú, không lập biên bản niêm yết và mới chỉ niêm yết được 12 ngày (từ 02-12-2005), nhưng ngày 14-12-2005 Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa vụ án ra xét xử là vi phạm Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự.
Như vậy, có cơ sở xác định trong 3 lần triệu tập để xét xử phúc thẩm, thì chỉ có lần thứ hai (triệu tập để mở phiên tòa ngày 11-11-2005) là triệu tập hợp lệ, còn lần triệu tập lần đầu không đủ cơ sở xác định là hợp lệ và lần triệu tập lần thứ ba là trái pháp luật. Trong trường hợp này, chỉ có căn cứ xác định ông Sơn mới được triệu tập hợp lệ một lần (lần thứ hai). Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng ông Sơn đã được triệu tập để xét xử phúc thẩm nhiều lần, nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng, từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị nêu trên của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thì sau khi xét xử sơ thẩm ông Võ Phi Sơn kháng cáo. Để xét xử phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm đã ba lần triệu tập các đương sự (trong đó có ông Sơn) là:
- Lần thứ nhất (giấy triệu tập đề ngày 09-9-2005) để mở phiên tòa vào ngày 22-9-2005. Tuy nhiên, giấy triệu tập này không có chữ ký của người nhận.
- Lần thứ hai: Trong hồ sơ vụ án không thể hiện có việc Tòa án cấp phúc thẩm gửi giấy triệu tập cho các đương sự để mở phiên tòa, nhưng có đơn xin hoãn phiên tòa ngày 11-11-2005 của ông Sơn.
- Lần thứ ba: Tòa án cấp phúc thẩm “Triệu tập niêm yết” đối với ông Sơn vào ngày 28-11-2005 để mở phiên tòa vào ngày 14-12-2005. Lần triệu tập này, Tòa án không trực tiếp triệu tập ông Sơn mà niêm yết tại Ủy ban nhân dân thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Như vậy, có cơ sở xác định trong 3 lần triệu tập để xét xử phúc thẩm, thì việc triệu tập lần đầu là không hợp lệ vì không có căn cứ xác định ông Sơn vắng mặt tại địa phương vào thời điểm niêm yết để xét xử phúc thẩm. Việc triệu tập lần thứ ba là không đúng pháp luật bởi vì Tòa án cấp phúc thẩm niêm yết giấy triệu tập là bản chính tại Ủy ban nhân dân thị trấn, không niêm yết bản sao tại nơi ông Sơn cư trú, không lập biên bản niêm yết và mới chỉ niêm yết được 12 ngày (từ 02-12-2005), nhưng ngày 14-12-2005 Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa vụ án ra xét xử là vi phạm Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự nên việc ông Sơn vắng mặt tại phiên tòa ngày 14-12-2005 không phải lỗi của ông Sơn.
Do đó, chỉ có cơ sở xác định Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập hợp lệ ông Sơn một lần (lần thứ hai), nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng ông Sơn đã được triệu tập để xét xử phúc thẩm nhiều lần, nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng, từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 474/2005/QĐ-ĐC ngày 14-12-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản” giữa nguyên đơn là bà Trần Kim Hoàng với bị đơn là ông Võ Phi Sơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Ngọc Hường.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do quyết định phúc thẩm bị hủy:
Chưa có cơ sở xác định bị đơn đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng để đình chỉ xét xử phúc thẩm.
------------------------------------------------------------------------------
Mọi thắc mắc cần tư vấn gọi VPLS Minh Trí
Gửi yêu cầu Email: a10mtri@gmail.com, dongtudhl@gmail.com, phucminh80@gmail.com
Liên hệ qua Hotline: 0902818158 - 0903724089 - 0906834543 - 0906812689