Tham luận về những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác xét xử sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án dân sự qua công tác Giám đốc thẩm
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ
1. Thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm
Trong năm qua, Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 199.361 vụ việc (gọi chung là vụ) dân sự và hôn nhân gia đình (không bao gồm các vụ việc kinh doanh, thương mại và lao động) và 18.761 vụ từ năm 2010 chuyển sang; tổng số các vụ mà Tòa án cấp sơ thẩm phải giải quyết là 218.122 vụ việc, tăng hơn 28.543 vụ so với năm 2010 (trong đó Tòa án cấp huyện phải giải quyết 211.536 vụ; Tòa án cấp tỉnh phải giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 6.586 vụ).
Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 196.769 vụ; trong đó Tòa án cấp huyện giải quyết được 192.408 vụ, đạt 90,96%, Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 4.361 vụ việc, đạt 66,21%. Đặc biệt, Tòa án cấp sơ thẩm rất quan tâm công tác hòa giải, nên tỉ lệ hòa giải thành đạt trên 50% trong tổng số các vụ việc dân sự và hôn nhân và gia đình đã thụ lý. Đây là nỗ lực rất lớn của Tòa án cấp sơ thẩm (hầu hết các vụ này không phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết lại). Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa năm nay giảm hơn cùng kỳ năm trước.
Tòa án cấp sơ thẩm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền. Nhìn chung, các vụ án được đưa ra giải quyết trong thời hạn luật định. Thông qua kết quả hòa giải thành; tỉ lệ các bản án bị hủy, sửa và việc chấp hành pháp luật về thời hạn xét xử đã cho thấy chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự và hôn nhân và gia đình theo trình tự sơ thẩm đã có tiến bộ và chuyển biến tích cực hơn năm trước.
Tuy nhiên, số vụ án dân sự (không bao gồm án hôn nhân và gia đình) mà Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm chỉ đạt 46,2%. Đây là kết quả giải quyết thấp, nên cần làm rõ các nguyên nhân để có hướng khắc phục trong năm 2012.
2. Thụ lý, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm
Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý 12.902 vụ dân sự và hôn nhân gia đình, cộng với 673 vụ từ năm 2010 chuyển sang, tổng số vụ phải giải quyết là 13.575 vụ (Tòa án cấp tỉnh phải giải quyết 13.042 vụ; còn các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải giải quyết 533 vụ). Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 12.649 vụ (Tòa án cấp tỉnh giải quyết 12.197 vụ, đạt 93,52%; các Tòa Phúc thẩm giải quyết 452 vụ, đạt 84,8 %).
Nhìn chung, các Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thời hạn xét xử. Các vụ án dân sự và hôn nhân và gia đình đã thụ lý được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định; không có tồn đọng án ở các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Chất lượng xét xử phúc thẩm đối với các vụ án dân sự và hôn nhân và gia đình cũng đã được nâng lên một bước.
3. Thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và thụ lý, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình tại Tòa án nhân dân tối cao
Trong năm qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được tổng số 5.210 đơn (vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án án dân sự và hôn nhân gia đình đã có hiệu lực pháp luật (Tòa Dân sự nhận được 2.049 vụ; Cơ quan thường trực TANDTC tại phía Nam nhận được 2.142 vụ; Tòa Lao động nhận được 811 vụ; Tòa Hành chính nhận được 193 vụ; Tòa Kinh tế là 15); cộng với 4.047 đơn từ năm 2010 chuyển sang, tổng cộng số đơn mà Tòa án nhân dân tối cao phải giải quyết là 9.258 vụ.
Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết được 4.096 vụ (trong đó Tòa Dân sự giải quyết 2.490 đơn, Cơ quan thường trực Tòa án nhân dân tối cao tại phía Nam giải quyết 903 vụ; số còn lại do các Thẩm phán TANDTC tại Tòa Lao động, Tòa Hành chính và Tòa kinh tế giải quyết). Trong số các vụ đã được giải quyết, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị 996 vụ.
Tổng số các vụ án phải xét xử giám đốc thẩm là 1.187 vụ (trong đó, thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm của Tòa Dân sự là 986 vụ). Hội đồng Thẩm phán và các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm 967 vụ, đạt 81,5% (Tòa Dân sự xét xử được 872 vụ).
Mặc dù các Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án dân sự, hôn nhân và gia đình chưa được giải quyết vẫn còn nhiều.
Tóm lại: các Tòa án các sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền; số lượng các vụ việc đã giải quyết tăng hơn năm 2010; chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự và hôn nhân gia đình đã được nâng lên; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết các vụ án dân sự nói chung trong toàn ngành.
Tuy nhiên, thông qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa Dân sự nhận thấy trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm còn có các sai sót, cần được rút kinh nghiệm; như sau:
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ
1. Về tố tụng
1.1. Vấn đề xác định tư cách đương sự và sự tham gia tố tụng của đương sự
Tại Chương VI Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) đã quy định về người tham gia tố tụng, trong đó quy định rõ về nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; quyền và nghĩa vụ của đương sự. Hội đồng Thẩm phán cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS, trong đó có hướng dẫn về người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp có sai sót trong việc xác định tư cách đương sự và không đưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Những sai sót này đã được rút kinh nghiệm nhiều lần tại các Hội nghị Tổng kết công tác ngành hoặc tập huấn, nhưng vẫn hiệu quả vẫn còn hạn chế. Dưới đây, Tòa dân sự xin nêu một vài sai sót phổ biến; cụ thể:
1.1.1. Xác định không đúng tư cách của bị đơn
Tại khoản 3 Điều 56 BLTTDS quy định: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”. Khoản 1 Điều 62 BLTTDS quy định: “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì bị đơn trước tiên phải là người đang còn sống tại thời điểm bị nguyên đơn khởi kiện. Nếu bị đơn chết mà quyền và nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì Tòa án phải xem xét để đưa những người thừa kế của họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng. Thực tế, có vụ án Tòa án đang giải quyết thì có đương sự chết, nhưng Tòa án vẫn xác định người đã chết là đương sự trong vụ án (nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), là không đúng. Dưới đây, Tòa dân sự xin nêu một trường hợp:
Ví dụ: vụ án “tranh chấp thừa kế và hủy hợp đồng tặng cho nhà” giữa nguyên đơn là ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ với bị đơn là cụ Nguyễn Thị Tiết, bà Trương Thị Mỹ Lan, ông Nguyễn Hoàng Đức (Quyết định giám đốc thẩm số 29/DS-GĐT ngày 9/7/2010) cụ thể như sau:
Cụ Trương Văn Kiệm (chết năm 2002) và cụ Nguyễn Thị Tâm (chết năm 1998) chung sống có 3 con là ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ. Khoảng năm 1949, cụ Kiệm chung sống với cụ Nguyễn Thị Tiết sinh được 12 người con. Năm 1957, cụ Tâm không sống chung với cụ Kiệm nữa, mà cùng 3 con về sống tại tỉnh T. Năm 1972 cụ Kiệm mua căn nhà số 4, đường Phong Phú, thành phố H và sống cùng cụ Tiết cho đến khi chết. Ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ khởi kiện cụ Nguyễn Thị Tiết, bà Trương Thị Mỹ Lan, ông Nguyễn Hoàng Đức tranh chấp ngôi nhà nêu trên.
Khi Tòa án cấp sơ thẩm đang giải quyết vụ án thì cụ Nguyễn Thị Tiết chết. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải làm thủ tục để đưa những người thừa kế của cụ Tiết tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại Điều 62 BLTTDS, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định cụ Nguyễn Thị Tiết là bị đơn là sai.
1.1.2. Bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Theo quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTDS thì: “Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Thực tế có nhiều trường hợp, Tòa án giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người nào đó, nhưng lại không đưa họ tham gia tố tụng, hoặc đưa không đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Thiếu sót này thường gặp ở các vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp tài sản chung; tranh chấp quyền sử dụng đất mà đất đó đã được cơ quan Nhà nước cấp có thẩm quyền cấp cho hộ gia đình; đòi nhà cho thuê.v.v. Vì thế, sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, thì đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có đơn khiếu nại. Do đó, phải kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm để giải quyết lại vụ án cho đúng pháp luật.
Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Kim Trang, bà Lê Thị Kim Dung với bị đơn là ông Lê Minh Tâm (Quyết định giám đốc thẩm số 32/DS-GĐT ngày 16/8/2011); cụ thể như sau:
Các nguyên đơn tranh chấp 5.425 m2 đất với bị đơn là ông Lê Minh Tâm. Trên thực tế thì diện tích đất nêu trên ngày 18/12/2000 UBND tỉnh B đã cấp GCNQSD đất cho hộ ông Lê Minh Tâm. Tại thời điểm cấp GCNQSD đất thì hộ gia đình ông Lê Minh Tâm gồm ông Tâm, vợ ông Tâm và 2 con là Đàm Thị Ánh Hồng và chị Lê Ánh Nguyệt; hiện tại hộ ông Tâm đang quản lý, sử dụng 2 thửa đất trên. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa những người trong hộ gia đình ông Lê Minh Tâm tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
1.2. Trả lại đơn khởi kiện
a/ Trả lại đơn khởi kiện vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Trong thời gian qua, có một số Tòa án địa phương đã thụ lý vụ án đòi trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; giấy phép lái xe; giấy chứng minh nhân dân; hộ chiếu…
Ví dụ: Vụ án tranh chấp đòi lại giấy tờ chủ quyền nhà giữa nguyên đơn là bà Lương Thị Găng với bị đơn là anh Nguyễn Quang Chúc (Quyết định giám đốc thẩm số 16/DS-GĐT ngày 21/4/2011) cụ thể như sau:
Ngày 10/3/2006 bà Lương Thị Găng khởi kiện yêu cầu anh Nguyễn Quang Chúc (con của bà) hoàn trả cho bà giấy tờ bản chính của hai căn nhà (số 509 bis phố L và số 284-286 phố T) gồm:giấy phép hợp thức hóa quyền sở hữu nhà, giấy phép công nhận quyền sở hữu nhà, tờ khai chuyển dịch tài sản nộp thuế trước bạ. Anh Nguyễn Quang Chúc thừa nhận đang giữ giấy tờ nêu trên nhưng không đồng ý giao giấy tờ về quyền sở hữu nhà, đất cho bà Găng.
Như vậy, bà Lương Thị Găng chỉ yêu cầu Tòa án buộc anh Nguyễn Quang Chúc trả lại cho bà các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, mà không tranh chấp về nhà, đất này. BLTTDS không quy định thẩm quyền của Tòa án giải quyết yêu cầu của đương sự đòi các loại giấy tờ do các Cơ quan hành chính Nhà nước cấp cho các đương sự như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở… Hơn nữa, pháp luật cũng không xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là loại giấy tờ có giá. Theo quy định tại Điều 163 BLDS thì các loại giấy tờ nêu trên không phải là tài sản và không được phép giao dịch, trao đổi. Lẽ ra khi bà Găng có yêu cầu đòi lại giấy tờ nêu trên thì Tòa án cấp sơ thẩm phải giải thích cho bà Găng để bà yêu cầu các Cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục hành chính mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm buộc anh Chúc trả lại cho bà Găng các giấy tờ về hai căn nhà nêu trên là không đúng thẩm quyền. Tòa án cấp phúc thẩm y án sơ thẩm là sai.
Về vấn đề này, tại công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn “Thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản” theo hướng Tòa án không thụ lý, giải quyết các yêu cầu, tranh chấp đòi trả lại GCNQSD đất, GCNQSH nhà…
b/ Trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án
Có trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng sau đó đương sự khởi kiện lại và không thuộc trường hợp được khởi kiện lại (các trường hợp được khởi kiện lại là: Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện). Lẽ ra, trường hợp này Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 168 BLTTDS, nhưng Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết vụ án, là trái pháp luật.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Khoe, bà Cao Thị Kỵ với bị đơn là cụ Nguyễn Thị Thửa (Quyết định giám đốc thẩm số 12/DS-GĐT ngày 22/3/2011) cụ thể như sau:
Diện tích 2.894m2 đất (cụ Nguyễn Thị Thửa đã được cấp GCNQSD đất ngày 03-10-2000) hiện đang tranh chấp giữa ông Khoe, bà Kỵ với cụ Thửa đã được giải quyết tại bản án dân sự phúc thẩm số 670/DSPT ngày 14-4-2004 của Toà án nhân dân thành phố H, trong đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã công nhận cụ Thửa có quyền sử dụng đất này (bản án phúc thẩm này không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, nên vẫn có hiệu lực pháp luật). Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý, giải quyết lại vụ án là không đúng quy định của pháp luật.
1.3. Về thu thập chứng cứ
Theo quy định tại Điều 85 BLTTDS thì Toà án thu thập chứng cứ trong 2 trường hợp sau đây:
- Trong trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ.
- Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ như: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; uỷ thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.
Việc lấy lời khai của đương sự, lấy lời khai của người làm chứng; đối chất; xem xét, thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định; định giá tài sản; uỷ thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ đã được quy định từ Điều 86 đến Điều 94 BLTTDS và được hướng dẫn tại phần IV Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Việc thu thập chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ sở để Toà án giải quyết vụ án. Chỉ khi thu thập đầy đủ chứng cứ thì Toà án mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp Toà án giải quyết vụ án khi chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, dẫn đến giải quyết vụ án sai pháp luật.
Có trường hợp đương sự tranh chấp nhà đất có liên quan đến chính sách cải tạo, chính sách cải cách ruộng đất, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Các cơ quan chuyên môn hoặc chính quyền địa phương đang lưu giữ những tài liệu, chứng cứ; các tài liệu, chứng cứ đó là cơ sở cho việc giải quyết vụ án, nhưng đương sự lại không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ này. Lẽ ra, Tòa án phải giải thích để đương sự biết về quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Nhiều trường hợp đương sự không biết quyền của mình, nên không có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Tòa án cũng không thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, mà vẫn đưa vụ án ra xét xử, nên việc giải quyết vụ án là chưa có căn cứ, đương sự không đồng tình với phán quyết này của Tòa án.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Kim Trang, bà Lê Thị Kim Dung với bị đơn là ông Lê Minh Tâm (Quyết định giám đốc thẩm số 32/DS-GĐT ngày 16//8/2010), tóm tắt như sau:
Vợ chồng cụ Lê Quang Phúc và cụ Vũ Thị Tiềm có 8 con chung là ông Lê Minh Khuê, Lê Thị Ngọc Lan, ông Lê Minh Chí, bà Lê Thị Kim Ngọc, bà Lê Thị Kim Trang, bà Lê Thị Kim Dung, ông Lê Minh Tâm và ông Lê Minh Khánh.
Tháng 11/1975 cụ Phúc chết; năm 2003 cụ Tiềm chết. Cụ Phúc và cụ Tiềm có sử dụng 5.425 m2 đất thuộc thửa số 178 và thửa 851. Ngày 18/12/2000 hộ ông Lê Minh Tâm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lẽ ra cần làm rõ khi ông Tâm kê khai xin cấp GCNQSD đất, thì những người thừa kế khác có biết hay không? Ý kiến của cụ Tiềm và những người thừa kế khác khi ông Tâm kê khai đất như thế nào; trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tâm có đúng quy định của pháp luật hay không…Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ những vấn đề nêu trên, nhưng lại xác định diện tích đất trên thuộc quyền sử dụng của cụ Vũ Thị Tiềm là chưa đủ căn cứ.
1.4. Sửa chữa, bổ sung bản án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTDS thì: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai…”. Hội đồng Thẩm phán đã ban hành Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS, trong đó có hướng dẫn liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung bản án.
Tuy nhiên, thực tế có trường hợp sau khi ban hành bản án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ban hành công văn thông báo việc sửa chữa, bổ sung bản án, nhưng lại quyết định thêm nội dung mới. Có trường hợp tuyên án không rõ ràng, khó khăn cho việc thi hành án; Thẩm phán ra nhiều công văn thông báo sửa chữa, bổ sung bản án hoặc giải thích bản án, nhưng việc thông báo, sửa chữa, bổ sung bản án không phù hợp với khoản 1 Điều 240 BLTTDS. Dưới đây, Tòa Dân sự xin nêu một ví dụ.
Vụ án yêu cầu chia tài sản chung giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Khơi, bà Nguyễn Thị Quá, bà Lê Thị Ngọc Anh với bị đơn là bà Đặng Thị Hường; người liên quan là anh Đặng Văn Công, bà Lê Thị Lan, bà Lê Thị Kim Anh, bà Lê Thị Lương và anh Nguyễn Xuân Dự (Quyết định giám đốc thẩm số 16/DS-GĐT ngày 7/4/2010).
Tại bản án phúc thẩm số 270/2006/DSPT ngày 11/7/2006, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Khởi, Nguyễn Thị Quá, Lê Thị Ngọc Anh (đại diện theo ủy quyền là ông Đặng Chí Đức) về việc “yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất”.
- Xác định các thửa đất 767, 768, 769, 389, 391, 375, 376 tờ bản đồ 32 nay là thửa 04, 528, 449, 450, 472, 461 và 393 tờ bản đồ số 39 xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, có diện tích 7.811,1m2 và có chiều ngang mặt tiền là 83 mét (theo sơ đồ vị trí do Phòng tài nguyên và môi trường thị xã Bà Rịa lập ngày 9/12/2005) là tài sản chung của các ông bà Nguyễn Thị Khơi, Nguyễn Thị Quá, Lê Thị Ngọc Anh, Lê Thị Lan, Đặng Thị Hường, và Đặng Văn Công, Đặng Văn Lợi).
2. Kiến nghị với UBND thị xã Bà Rịa thu hồi GCNQSD đất số T837939 ngày 12/12/2001 đã cấp cho bà Lê Thị Kim Anh và số T838940 đã cấp cho ông Nguyễn Xuân Dự; và số T7227679 ngày 24/9/2001 đã cấp cho bà Đặng Thị Hường đối với các thửa số 375 (số mới 450), 376 (số mới 472).
- Giao cho anh Đặng Chí Đức đại diện cho bà Khơi, bà Quá, bà Anh, bà Lan và anh Công nhận các thửa đất ruộng số 449, 528, 04, 450, và 472 theo tờ bản đồ số 39, xã Hòa Long và có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Bà Đặng Thị Hường được nhận thửa số 393 và 461 tờ bản đồ số 39 xã Hòa Long( Hai thửa này đã bán cho bà Nguyễn Thị Thái Hằng và Phạm Thị Thật).
3. Dành quyền khởi kiện cho ông và Lên Thị Lương, Lê Thị Kim Anh, Nguyễn Xuân Dự đối với bà Đặng Thị Hường về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nếu có yêu cầu.
Ngày 01-8-2006, Thẩm phán- Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ban hành Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án như sau:
“Tại trang 1 dòng 1, 2 tính từ dưới lên ghi: Ông Đặng Chí Đức, sinh năm 1964; trú tại 1596 đường 3-4. Nay được sửa chữa như sau: Ông Đặng Chí Đức, sinh năm 1960, trú tại: 1596 đường 30-4.
Tại trang 2 dưới dòng 8 tính từ trên xuống bổ xung thêm: Bà Lê Thị Lan, sinh năm 1930 hiện trú tại Đức; ủy quyền cho bà Lê Thị Ngọc Anh.
Tại trang 8 dòng 6 tính từ dưới lên ghi:“ Hội đồng xét xử kiến nghị với Ủy ban nhân dân thị xã Bà Rịa thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…” Nay được sửa chữa như sau: “Hội đồng xét xử thấy cần hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và kiến nghị với Ủy ban nhân dân thị xã Bà Rịa thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”
Và tại trang 10 dòng 1 tính từ trên xuống ghi: Kiến nghị Ủy ban nhân dân thị xã Bà Rịa thu hồi các giấy phép số: t838940 ngày 12-12-2001 đã cấp cho ông Nguyễn Xuân Dự, và số T27679 ngày 24-9-2001 đã cấp cho bà Đặng Thị Hường.
Nay được bổ sung, sửa chữa như sau: “2. Hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Đặng Thị Hường và các ông bà Nguyễn Xuân Dự, Lê Thị Lương, Lê Thị Kim Anh. Kiến nghị với Ủy ban nhân dân thị xã Bà Rịa thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T 837940 ngày 12-12-2001 đã cấp cho ông Nguyễn Xuân Dự, và số T27679 ngày 24-9-2001 đã cấp cho bà Đặng Thị Hường.
Như vậy, thông báo sửa chữa bổ sung bản án nêu trên vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 240 BLTTDS.
2. Về nội dung
2.1. Giải quyết hậu quả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đất vô hiệu
Trong nhiều trường hợp Tòa án xác định hợp đồng vô hiệu là đúng pháp luật, nhưng giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu không đúng; cụ thể: có trường hợp Tòa án không tổ chức định giá theo quy định để xác định thiệt hại và mức độ lỗi của các bên, mà chỉ buộc các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Có trường hợp Tòa án căn cứ vào khung giá đất của Ủy ban nhân dân, mà không căn cứ vào giá đất theo thị trường ở địa phương tại thời điểm xét xử sơ thẩm để giải quyết vụ án; có trường hợp vụ án đã được xét xử nhiều lần, trong khi giá đất có biến động tăng cao hơn trước, nhưng khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn căn cứ vào kết quả định giá trước đây làm căn cứ giải quyết vụ án, là chưa phù hợp với thực tế và chưa đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự. Có trường hợp Tòa án căn cứ vào giá đất do cơ quan tài chính vật giá ở địa phương hoặc giá đất do cán bộ làm công tác địa chính ở cấp xã cung cấp để làm căn cứ giải quyết vụ án cũng không đúng. Một số trường hợp Tòa án xác định hợp đồng vô hiệu, nhưng lại không giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu trong cùng vụ án (buộc giao nhà đất, nhưng không giải quyết hậu quả hợp đồng mua bán nhà đất vô hiệu).
Ví dụ: Ngày 20/5/2002, ông Phan Thành Phước được UBND tỉnh K cấp GCNQSH nhà đất số 349 Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh, thành phố R, tỉnh K. Ngày 12/1/2003 bà Nguyễn Thị Lệ Em (vợ ông Phước) bán ngôi nhà trên cho vợ chồng ông Lâm Bửu Lợi và bà Lương Thị Thu Hồng với giá 300.000.000đ; bà Em đã nhận 100.000.000đồng; bà Em đã ký giả chữ ký của ông Phước. Ngày 29/01/2003, bà Hồng được sang tên nhà đất nêu trên. Ông Phước, bà Em yêu cầu hủy hợp đồng; vợ chồng ông Lợi, bà Hồng yêu cầu công nhận hợp đồng.
Tại bản án sơ thẩm số 62/2006/DSST ngày 7/7/2006, TAND thành phố R đã hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất; buộc bà Em trả cho vợ chồng ông Lâm Bửu Lợi và bà Lương Thị Thu Hồng 100.000.000đ. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu của các đương sự giải quyết thành vụ án khác khi có yêu cầu. Bản án phúc thẩm số 208/DSPT ngày 20/7/2007 của TAND tỉnh K đã giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm nêu trên đã bị kháng nghị và Tòa Dân sự TANDTC đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm (Quyết định giám đốc thẩm số 733/2010/DSGĐT ngày 27/10/2010 của Tòa Dân sự TANDTC).
2.2. Về giải quyết các vụ án có liên quan đến nhà đất đã được mua bán sau khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thông qua bán đấu giá tài sản
Tại Điều 258 BLDS đã quy định: “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.
Trên thực tế, có trường hợp, người được sở hữu nhà đất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đã bán nhà đất cho người khác (hợp đồng mua bán nhà đất đúng quy định của pháp luật), nhưng sau đó bản án, quyết định này bị hủy để giải quyết lại. Lẽ ra khi giải quyết lại vụ án, Tòa án phải xác định số tiền đã chuyển nhượng nhà đất nói trên là giá trị của tài sản tranh chấp để làm căn cứ giải quyết vụ án, nhưng có Tòa án lại tổ chức định giá nhà đất để làm căn cứ giải quyết vụ án, là sai
(Vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là bà Vũ Kim Dung với bị đơn là ông Vũ Bá Ngọc; Quyết định giám đốc thẩm số 03/DS-GĐT ngày 23/2/2011).
2.3. Về phạm vi áp dụng Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH 11 ngày 27/7/2006
Theo Điều 1 Nghị quyết số 1037 thì “Nghị quyết này được áp dụng để giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia..”. Như vậy, giao dịch dân sự về nhà ở nói trên phải được xác lập trước ngày 01-7-1991 và phải có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia từ trước ngày 01-7-1991.
Tuy nhiên, thực tế có trường hợp không nhận thức đúng phạm vi áp dụng của Nghị quyết 1037 và phạm vi áp dụng Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991”, nên việc áp dụng Nghị quyết 1037 và Nghị quyết 58 nêu trên khi giải quyết vụ án còn một số sai sót.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp thừa kế tài sản có nguyên đơn là anh Nguyễn Quang Phúc với bị đơn là anh Nguyễn Đình Huệ; có 14 người liên quan; có nội dung tóm tắt như sau:
Cụ Nguyễn Trạng (chết năm 1982) và cụ Huỳnh Thị Đương (chết năm 1949) có 6 con chung gồm các ông, bà: Nguyễn Thám (chết năm 1975, có 9 con trong đó có anh Nguyễn Quang Phúc), Nguyễn Nhu, Nguyễn Thị Hòe, Nguyễn Thị Muồn, Nguyễn Nghệ và Nguyễn Thị Liễu (định cư ở Mỹ). Sau khi cụ Đương chết, cụ Trạng kết hôn với cụ Nguyễn Thị Mến (chết năm 1983) và có 2 con chung là anh Nguyễn Đình Huệ và anh Nguyễn Mười. Cụ Trạng, cụ Đương và cụ Mến có tài sản là ngôi nhà ngói 3 gian trên diện tích 1.200 m2 đất tại tỉnh Q do anh Nguyễn Đình Huệ quản lý, sử dụng.
Ngày 18/7/2007, anh Nguyễn Quang Phúc có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản. Do cụ Trạng, cụ Đương và cụ Mến chết trước ngày 1/7/1991 và để lại tài sản thừa kế (nhà đất), lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải thu thập chứng cứ làm rõ bà Nguyễn Thị Liễu định cư ở nước ngoài trước hay sau ngày 01/7/1991 thì mới có cơ sở áp dụng Nghị quyết 1037 hay Nghị quyết 58, để giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ những vấn đề nêu trên, nhưng lại xác định nguyên đơn khởi kiện vẫn còn thời hiệu để từ đó thụ lý, giải quyết vụ án là chưa có cơ sở. Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra vấn đề này mà vẫn giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ.
(Quyết định giám đốc thẩm số 05/2010/DS-GĐT ngày 3/3/2010 đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại)
Về vấn đề này, tại Công văn số 91/TANDTC-KHXX ngày 28-6-2011 Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn việc áp dụng Nghị quyết số 1037.
3. Nguyên nhân cơ bản của tồn tại, thiếu sót
3.1. Nguyên nhân khách quan: số lượng các vụ việc dân sự và hôn nhân và gia đình mà các Tòa án đã thụ lý, giải quyết là rất lớn và tăng hơn năm trước; tính chất công việc phức tạp. Trong khi đó, số lượng cán bộ, Thẩm phán tại nhiều đơn vị trong ngành còn thiếu, một bộ phận còn yếu về trình độ năng lực. Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa hướng dẫn kịp thời, làm cho việc giải quyết nhiều vụ án có khó khăn và trong một số trường hợp có sai sót.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Trong nhiều trường hợp đã có quy định của pháp luật và đã có văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng một số Thẩm phán chưa nghiên cứu kỹ, cập nhật, dẫn đến áp dụng sai pháp luật khi giải quyết vụ án.
- Tinh thần trách nhiệm và ý thức của một bộ phận cán bộ, công chức trong ngành chưa cao.Có những sai sót trong chuyên môn đã được rút kinh nghiệm, tập huấn, nhắc nhở, nhưng vẫn còn vi phạm, làm hạn chế chất lượng công tác.
C. Một số kiến nghị về giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình
Để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, Tòa Dân sự xin kiến nghị một số giải pháp chủ yếu như sau:
- Giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ: Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi giải quyết các loại vụ án nói chung, trong đó có các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Kịp thời hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự nói chung. Tăng cường hơn nữa công tác tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến công tác xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình. Tổ chức các Đoàn công tác để rút kinh nghiệm về những sai sót mà Tòa án các địa phương thường gặp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại đối với Thẩm phán, cán bộ Tòa án các cấp để nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
- Giải pháp về tổ chức, quản lý: bổ sung kịp thời số cán bộ, Thẩm phán còn thiếu cho các đơn vị trong toàn ngành, tránh hiện tượng quá tải trong công việc ở một số Tòa án địa phương như hiện nay. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị. Đối với các đơn vị có kết quả công tác chưa cao thì cần làm rõ các nguyên nhân; xác định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị. Tăng cường tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, Thẩm phán trong công tác. Nâng cao hơn nữa kỷ luật công vụ.
- Giải pháp về bảo đảm cơ sở vật chất và quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác Tòa án, trong đó cần đảm bảo trang thiết bị, máy móc phục vụ cho cán bộ, Thẩm phán làm việc; kịp thời sửa chữa, thay mới các thiết bị đã hư hỏng hoặc quá lạc hậu. Quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với cán bộ, Thẩm phán trong toàn ngành, đặc biệt là cán bộ, Thẩm phán cấp huyện, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi, hải đảo.
D. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
1. Khi đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế tài sản, đương sự khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung
Trong thời gian qua, nhiều trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung (khi đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế). Có trường hợp kèm theo đơn khởi kiện, đương sự gửi kèm theo tài liệu chứng minh tài sản đang tranh chấp là tài sản chung và yêu cầu chia; có trường hợp đương sự gửi văn bản của đồng thừa kế xác nhận di sản của người chết để lại chưa chia và yêu cầu chia tài sản chung. Cũng có trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung, nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của họ.
Đối với trường hợp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu chứng minh tài sản đang tranh chấp là tài sản chung hoặc văn bản của đồng thừa kế xác nhận di sản của người chết để lại chưa chia và yêu cầu chia tài sản chung, thì Tòa án đều nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án để xem xét, giải quyết vụ án theo quy định chung (Vấn đề này không có vướng mắc).
Trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung, nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của họ thì có Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý, giải quyết vụ án; có Tòa án không thụ lý vụ án. Trường hợp đã thụ lý vụ án thì cách giải quyết vụ án cũng không thống nhất (có Tòa án bác yêu cầu của đương sự; có Tòa án lại đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện).
Về vấn đề này, Tòa Dân sự có ý kiến như sau: Theo quy định tại Điều 165 BLTTDS và hướng dẫn tại tiểu mục 5 mục I Nghị quyết số 02/2006/HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán thì về nguyên tắc khi gửi đơn khởi kiện cho Tòa án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và yêu cầu của họ có căn cứ và hợp pháp. Vì vậy, trường hợp đương sự khởi kiện nhưng chưa có tài liệu chứng minh tài sản đang tranh chấp là tài sản chung hoặc văn bản của đồng thừa kế xác nhận di sản của người chết để lại chưa chia, thì Tòa án ấn định cho đương sự một thời gian nhất định (không quá 30 ngày theo quy định tại Điều 169 BLTTDS) để đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu chia tài sản chung. Nếu hết thời hạn nêu trên, mà đương sự không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho đương sự (văn bản trả lại đơn khởi kiện cần nêu rõ lý do là chưa đủ điều kiện khởi kiện).
(Để áp dụng pháp luật được thống nhất, đề nghị có hướng dẫn trường hợp nêu trên).
2. Cha mẹ đã cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất
Thực tế, có trường hợp khi người con lập gia đình, cha mẹ (bên vợ hoặc bên chồng) đã giao cho vợ chồng người con một phần đất; có trường hợp cha mẹ còn cho vợ chồng người con vật liệu xây dựng hoặc tiền để xây dựng nhà trên đất. Việc cho đất nói trên thường không lập giấy tờ (trong một số trường hợp có lập giấy tờ nhưng chưa đúng thủ tục do pháp luật quy định). Nếu như vợ chồng người con không ly hôn thì cha mẹ đòi lại quyền sử dụng đất là không nhiều, nhưng nếu vợ chồng ly hôn thì tranh chấp quyền sử dụng đất xảy ra tương đối nhiều (nhiều vụ rất gay gắt).
Vậy trường hợp nào được coi là cha mẹ đã cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất, trường hợp nào thì chưa cho. Khi giải quyết tranh chấp này, Tòa án các cấp đã gặp khó khăn, lúng túng vì chưa có hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nên dẫn tới việc giải quyết vụ án có khác nhau.
Tại Điều 467 BLDS năm 2005 quy định về tặng cho bất động sản như sau:
“1- Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
2- Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.
Thực tiễn cho thấy việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa cha mẹ và vợ chồng người con còn có trường hợp chưa thể đáp ứng được các yêu cầu nêu trên của pháp luật vì nhiều nguyên nhân khác nhau (có thể do trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân ta còn hạn chế; có thể do thủ tục chứng thực, đăng ký bất động sản chưa được thuận tiện; có thể họ là những người thân thích trong gia đình, nên đã không làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất theo đúng quy định...). Để giải quyết các vụ việc liên quan đến tặng cho quyền sử dụng đất cha mẹ và vợ chồng người con có lý, có tình thì phải xem xét toàn diện cả về pháp luật và thực tiễn; từ thực tiễn xét xử và giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa Dân sự nhận thấy các trường hợp sau đây cần được xác định là cha mẹ đã cho vợ chồng người con đất, cụ thể:
(1) Cha mẹ đã giao đất cho vợ chồng người con sử dụng ổn định. Vợ chồng người con đã kê khai, đăng ký và được cấp GCNQSD đất; cha mẹ biết việc kê khai, đăng ký và cấp GCNQSD đất, nhưng không có ý kiến phản đối. Cha mẹ chỉ kê khai, đăng ký các thửa đất khác; không đăng ký thửa đất đã giao cho vợ chồng người con sử dụng.
(2) Cha mẹ đã viết giấy cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất. Vợ chồng người con đã trực tiếp sử dụng đất; đóng thuế sử dụng đất; kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất. Khi vợ chồng thực hiện việc đóng thuế, kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất thì cha mẹ không có ý kiến phản đối.
(3) Cha mẹ đã viết giấy cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất. Vợ chồng người con đã làm nhà ở ổn định, trồng hoa màu, cây trái trên đất và phần đất này có khuôn viên riêng biệt.
(4) Cha mẹ đã thừa nhận trước kia đã cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất và vợ chồng người con đã sử dụng ổn định (xây dựng nhà ở, trồng cây trái...); nhưng do vợ chồng người con ly hôn, nên cha mẹ đòi lại.
3. Về xử lý số tiền còn thiếu mà bên mua chưa trả cho bên bán trong hợp đồng mua bán nhà hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
Thời gian qua, Tòa án các cấp đã xét xử nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bên mua đã được cấp GCNQSH nhà và GCNQSD đất, nhưng chưa thanh toán đủ số tiền mua nhà đất. Thực tế, các Tòa án đã giải quyết không thống nhất: có Tòa án áp dụng Điều 313 BLDS năm 1995 (Điều 305 BLDS 2005) để buộc bên mua trả cho bên bán số tiền còn thiếu và lãi suất theo quy định; có Tòa án lại định giá nhà đất theo giá thị trường khi xét xử sơ thẩm, để từ đó buộc bên mua trả cho bên bán số tiền còn thiếu tương ứng với phần giá trị nhà đất mà bên mua chưa thanh toán; có Tòa án lại cho rằng việc chưa trả hết tiền là vi phạm hợp đồng, nên đã hủy hợp đồng mua bán nhà đất và giải quyết hậu quả của hợp đồng bị hủy.
Tòa Dân sự thấy rằng trong trường hợp hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp; chỉ còn việc chưa thanh toán hết số tiền chuyển nhượng (vì các nguyên nhân khác nhau) thì cần công nhận hợp đồng. Đối với số tiền chưa thanh toán thì xử lý như sau:
- Trường hợp bên mua trả tiền theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng bên bán không nhận (việc chưa thanh toán tiền xong là do lỗi của bên bán) thì chỉ buộc bên mua trả cho bên bán số tiền còn thiếu cộng với lãi suất theo quy định.
- Trường hợp bên mua không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả tiền còn thiếu theo hợp đồng, thì bên mua có lỗi. Trường hợp này, Tòa án phải tổ chức định giá nhà đất để từ đó buộc bên mua thanh toán cho bên bán số tiền còn thiếu tương ứng với phần giá trị nhà đất mà bên mua chưa thanh toán.
Trên đây là Tham luận của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn: Tòa dân sự - TAND tối cao