TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 64
  • Hôm nay: 393
  • Tháng: 7132
  • Tổng truy cập: 5140451
Chi tiết bài viết

Vì sao lạm phát toàn cầu cao và kéo dài?

Điều gì khiến lạm phát cao một cách “lỳ lợm” như vậy? Đó là chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế suốt từ giữa năm 2021 đến nay.

Đầu tháng 7-2021, một bạn học cũ làm việc cho một ngân hàng ở Canada gọi tôi nhân dịp nước Anh sẽ tuyên bố “ngày độc lập” vào giữa tháng, nghĩa là mở cửa hoàn toàn sau dịch Covid-19 mà không có giới hạn gì. 

Anh hỏi: “Cậu nghĩ lạm phát sẽ tăng cao bao lâu?”. Tôi đoán mò: “Có lẽ đến hết 2021”. Anh cười: “Fed [Cục Dự trữ liên bang Mỹ] nghĩ khác cậu”. 

2021: Bơm tiền kéo dài - chuỗi cung ứng đứt gãy

Lúc đó Fed, hay ngân hàng trung ương của Mỹ, tin rằng lạm phát bắt đầu tăng cao chỉ là tạm thời.

 

 Ảnh: ft.com

Tại hội nghị thường niên Jackson Hole vào tháng 8-2021, một sự kiện chủ chốt của giới kinh tế Mỹ và toàn cầu, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết mặc dù lạm phát tăng là điều đáng quan ngại, ông cho rằng xu thế đó là tạm thời. 

Do đó, ông nhận định phản ứng với việc giá cả tăng bằng cách tăng lãi suất là một “sai lầm tai hại” (harmful mistake) cho nền kinh tế.

Đến hôm nay nhìn lại thì ai cũng thấy ông Powell và nhiều quan chức Fed đã sai lầm. 

Và ngay sau phát biểu của ông ở Jackson Hole, một số nhà phân tích tại các ngân hàng đầu tư đã chỉ ra rằng nếu ông Powell sai về chuyện “lạm phát chỉ là tạm thời” thì hậu quả có thể là đáng ngại. Thực tế đang diễn ra đúng như lo ngại đó.

Fed đã duy trì bơm tiền quá lâu, không tăng lãi suất, không giảm quy mô chương trình mua trái phiếu để bơm tiền ra thị trường, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục và nhu cầu ở một số nền kinh tế phương Tây bật lại như lò xo bị nén sau thời gian dài giãn cách xã hội.

Đây chính là nguyên nhân đầu tiên góp phần khiến lạm phát tăng kéo dài. Không chỉ Fed, nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt khác cũng vậy. Ở thời điểm đó hầu như chỉ có Trung Quốc “đi ngược chiều gió” về chính sách tiền tệ, do quan điểm siết chặt tiền tệ để hạn chế bong bóng tài sản.

Tại thời điểm các gói kích thích kinh tế từ nguồn ngân sách như cho tiền dân tiêu xài, trợ giá nhà hàng mở cửa trở lại, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tiền trả lương nhân viên với lãi suất gần bằng không (thậm chí cho luôn), việc các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng quá lâu, kết hợp với đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, rồi cả nhân công sản xuất, cung cấp dịch vụ, là hàng loạt nguyên nhân khiến lạm phát kéo dài.

Đến lúc này hệ quả đã bộc lộ rõ ràng. Giá cả tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa, từ đồ ăn thức uống, năng lượng, cho đến những món hàng ít người ngờ tới như xe hơi cũ.

Cú sốc Ukraine

Và bước ngoặt 2022 đến với cuộc chiến Nga - Ukraine: giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh.

Cuộc chiến làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng, dầu mỏ và khí đốt, một số kim loại quan trọng, rồi lương thực, ảnh hưởng luôn cả thị trường phân bón toàn cầu. 

Nếu như năm 2021, rất nhiều mặt hàng đều tăng giá và đóng góp vào lạm phát chung, thì từ tháng 3-2022, lạm phát bị chi phối chủ yếu bởi chi phí năng lượng của các hộ gia đình và chi phí vận chuyển.

Đồ thị thể hiện mức tăng giá các mặt hàng trong rổ lạm phát của Anh, nơi tôi đang sống, cho thấy mức tăng giá tiền điện, khí đốt và chi phí đi lại của hộ gia đình đóng vai trò chủ chốt kéo lạm phát lên cao nhất trong vòng 30 năm vào tháng 4-2022, chiếm hơn một nửa vào tỉ lệ lạm phát chung.

Một điểm đáng chú ý là chi phí lương thực và đồ uống ở Anh cũng tăng nhanh hơn trong mấy tháng đầu năm 2022, do tình trạng thiếu hụt một số loại lương thực chủ đạo trên toàn cầu, như lúa mì. Giá bánh mì, nui, mì ống - những loại lương thực cơ bản của một gia đình người Anh - đã tăng mạnh. 

Các khoản này tăng mạnh được xem là thảm họa với những gia đình nghèo khắp mọi nơi, vì nó chiếm phần lớn trong tổng chi tiêu của họ. Lạm phát lúc nào cũng tác động nặng nề đến túi tiền của người nghèo hơn người giàu, nước nghèo hơn là nước giàu, và đợt lạm phát này thì rõ ràng như vậy.

Trong năm 2022, dù các ngân hàng trung ương bị chỉ trích nhiều vì sai lầm trong năm 2021, công bằng mà nói không thể đổ lỗi cho họ về việc chi phí năng lượng hay giá lương thực cao của năm 2022. Và không thể buộc họ tăng lãi suất đến mức giết chết tăng trưởng kinh tế chỉ để chống lạm phát. 

Như nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz phát biểu gần đây tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF): “Tăng lãi suất sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát, nó sẽ không giúp tạo ra nhiều lương thực hơn”.

Các chính phủ có thể làm gì

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh đã rất thật thà: “Ngân hàng Trung ương Anh không thể làm gì để tác động đến các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu hay giá năng lượng, những nhân tố đang đẩy lạm phát lên”. 

Khi lạm phát bây giờ do chi phí đẩy, thì tác động vào tổng cầu bằng cách tăng lãi suất chỉ là một động thái bề mặt, có tác động “câu giờ”, làm hạ nhiệt động cơ tiêu dùng của nền kinh tế và hy vọng phía nguồn cung được giải quyết.

Tuy nhiên, tăng lãi suất quá mức có thể giết chết nền kinh tế, như cảnh báo của Stiglitz, mà bài học tức thời chính là Trung Quốc. 

Nước này đã siết nền kinh tế lại quá chặt, và bây giờ phải vận dụng đủ cách, từ hạ lãi suất cho vay, bơm tiền trở lại thị trường bất động sản, thậm chí ứng trước luôn ngân sách năm 2023 cho các địa phương để vực dậy tăng trưởng. Liều lượng rút tiền về và hạ nhiệt sức cầu vì vậy phải được tính toán cẩn thận.

Trong các giải pháp “câu giờ” chờ vấn đề phía cung được giải quyết, Chính phủ Anh vừa thông qua kế hoạch chi ngân sách hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn. 

Cụ thể, chính phủ sẽ trực tiếp gửi đến 8 triệu hộ gia đình Anh một khoản chi hỗ trợ 650 bảng (1 bảng Anh = 1,26 USD), và 300 bảng cho mỗi người về hưu. Ngoài ra từ tháng 10-2022, tất cả hộ gia đình ở Anh sẽ được giảm 400 bảng hóa đơn tiền điện, khí đốt. 

Cộng luôn cả các khoản từ chính quyền địa phương, tổng cộng gói hỗ trợ mới ước tính tốn khoảng 15 tỉ bảng. Một phần trong đó sẽ được thu lại từ việc tăng thuế đánh vào các công ty năng lượng đang có lợi nhuận cao đột biến.

Mặc dù giải pháp này gây ra tranh cãi lớn trong cộng đồng đầu tư và kinh tế, đặc biệt là khoản thuế đánh vào những công ty mà chính nước Anh đang cần khuyến khích đầu tư để tăng nguồn cung dầu và khí đốt, nó mang tính hỗ trợ người nghèo và ổn định xã hội. 

Bất kể là các đảng đối lập cũng như nhiều chuyên gia đang chỉ trích Chính phủ Anh là chi hỗ trợ nhằm kiếm phiếu, việc giúp người nghèo vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay là rất cần thiết. ■

Tuy trách nhiệm của các ngân hàng trung ương là khó thoái thác, đổ lỗi hết cho họ lại là không công bằng. 

Trong số những người tin rằng lạm phát sẽ kéo dài hơn thay vì “tạm thời”, nhiều người (bao gồm người viết) cũng cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu giảm vào cuối năm 2021, khi các gói kích thích kinh tế từ ngân sách ở các nền kinh tế lớn chấm dứt, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do thắt chặt tiền tệ, và xu thế xài tiền mạnh tay sau Covid-19 sẽ dần kết thúc.

Thế nhưng thực tế cho thấy khi kinh tế mở cửa lại, chuỗi cung ứng toàn cầu lại không hồi phục được như dự kiến. Có nhiều lý do dẫn đến điều này, từ chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, sự thận trọng trong mở cửa của một số nước đang phát triển ở châu Á, bao gồm Việt Nam, cuộc chiến Ukraine và xu thế nghỉ việc hàng loạt (Great Resignation) ở những nền kinh tế phát triển.

HỒ QUỐC TUẤN - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness