Úp, ngửa cũng là bàn tay
TT - Phiên tòa (TAND tỉnh Nghệ An, vào khoảng trung tuần tháng chín vừa qua) chỉ có hội đồng xét xử, hai cháu nhỏ và hai người cha. Phiên tòa diễn ra ngắn ngủi, vắng lặng nhưng nỗi đau không chỉ ập đến với hai gia đình anh em ruột thịt mà còn dội xa hơn, đến tận trái tim một người mẹ già ở một làng quê. Nhưng rồi...
Phiên tòa vắng
Ngồi sau bị cáo T.V.T., 16 tuổi và nạn nhân T.T.T., 9 tuổi (hai anh em con chú, con bác) là ông Dâng (cha T.T.T.) và ông Nhung (cha của T.V.T.), hai anh em ruột. Hai anh em khá giống nhau, nhất là nét khắc khổ, gầy guộc hiện rõ trên khuôn mặt sạm nắng. Họ là chủ hai gia đình thuộc diện hộ nghèo ở xóm Bàu Khe, xã miền núi Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Bản cáo trạng được đọc chưa đầy mười phút. Mọi người dường như đều hướng mắt nhìn bé T.T.T., một cháu bé nhỏ thó lọt thỏm trong bộ quần áo cũ, bụi đường bám đầy. Khuôn mặt gầy đen và cặp mắt thơ ngây của cháu như không hề ý thức được phiên tòa dân sự đang xét xử những sự việc quan trọng liên quan đến đời mình: cháu bị T.V.T. hãm hiếp trưa 18-4-2006...
Phiên tòa xét xử mau lẹ với án phạt sáu năm tù giam đối với T.T.T.. Tòa buộc gia đình ông Nhung bồi thường cho gia đình ông Dâng 5 triệu đồng. Mức bồi thường mà trước đó ông Dâng chỉ yêu cầu 800.000 đồng để lo thuốc thang, bồi bổ cho T.T.T. nhưng ông Nhung kiên quyết không chấp nhận vì “thằng T. làm, thằng T. chịu”. Đây là lý do khiến hai gia đình đôi co từ ngay sau khi vụ án xảy ra ở Bàu Khe, rồi sinh ra hận oán nhau, cắt đứt tình anh em ruột thịt, rồi kiện nhau ra tòa...
Đau đớn chồng lên
Ngay sau phiên tòa, chúng tôi về Bàu Khe. Hình ảnh đầu tiên hiện trước mắt tôi là túp lều nát của ông Dâng chỉ cao chừng 3m, xung quanh thưng bằng những tấm mên thưa. Thấp thoáng trong nhà là một bà cụ mù lòa, một tay chống gậy, một tay vịn tấm mên cửa, đứng lom khom. Đó là cụ Rua, mẹ của hai đứa con đưa nhau ra tòa, là bà nội của hai đứa cháu là bị cáo, là người bị hại. Bà cụ có vẻ chờ đợi bồn chồn để hỏi chuyện về phiên tòa.
Ông Dâng đỡ bà cụ ngồi xuống tấm phản rồi quay sang tôi, giới thiệu: “Mẹ tui đây. Biết cảnh nghèo của con cái, bà sang đây ở để dành một ít tiền tuất liệt sĩ cho cháu T.T.T. đi học. Nhưng cũng chỉ gắng được hai năm thì bà mắc bệnh mù lòa và lãng tai đã bảy năm nay... Vì thế cháu T.T.T. học xong lớp 2 thì phải nghỉ”. Nghe cha nhắc lại chuyện nghỉ học, bé T.T.T. chạy đến rúc đầu vào lòng bà nội, rơm rớm nước mắt. Những giọt nước mắt trẻ thơ ấy tôi không thấy rơi xuống trước phiên tòa lúc sáng.
Bà Rua chậm rãi đưa bàn tay nhăn nheo lên, ngậm ngùi: “Ngửa bàn tay là cha con bé T.. Úp bàn tay là cha con thằng T.. Tội phạm và nạn nhân đều là cháu đẻ cả, còn cha bọn nhỏ đứa nào cũng là con. Tòa có xử nhân nhượng kiểu chi cũng không lấp láp được nỗi nhục để đời và nỗi đau thốn ruột thốn gan của nhà tui mô chú ạ”.
Bà Rua lặng đi một lúc rồi chậm rãi nói: “Nhà thằng Nhung nghèo xơ xác. Tám đứa con thì sáu đứa đi làm thuê trong Nam. Nay thằng T.V.T. vào tù, gia cảnh lại nguy khốn hơn. Nhà thằng Dâng hai vợ chồng, ba đứa con mà chỉ có ba sào ruộng nước, một sào ruộng khô. Năm nào thuận trời thì được 7-8 tạ thóc. Đói quá thì vợ chồng, cha con đi cuốc thuê cỏ ngô, cỏ mía. Nay lại thêm nỗi dằn vặt về con T.T.T. nữa... Tai họa xót xa không ngờ nổi. Vậy mà anh em nó lại còn thù nhau “không có anh em, bác cháu, mẹ con chi nữa”. Cái đau cái đớn lại chồng lên. Tôi ở giữa không biết sống sao cho yên được tuổi già”...
“Sống sao cho yên được tuổi già...”. Câu nói của cụ già cứ ám ảnh tôi. Gia đình của người con này đau một, gia đình của người con kia đau một, còn bà thì gánh hai, ba nỗi đau: đau cho hai đứa cháu nội, rồi đau thêm nỗi đau hai núm ruột của mình hận thù nhau... Bà sống làm sao!
Cái tình của các cô, các chú
Mấy tuần sau, ngày 4-10, có chuyện về Bàu Khe, tôi lại nghĩ đến cụ Rua, đến câu chuyện buồn nơi làng nghèo này... Khi vừa lội qua khe tràn đập Bai tôi nghe có tiếng gọi to: “Chú phóng viên đó à?” - Người gọi chính là ông Nhung, ông đang còng lưng câu vó. Vừa bắt tay, ông vừa vui vẻ, hăm hở dẫn tôi lại phía cuối đập để “gặp chú Dâng” cũng đang vụt chài (thả chài) bắt cá lũ. Hai anh em vác lưới, xách hai xâu cá mời tôi về nhà. Tôi chưa hết ngạc nhiên về sự... đề huề, cởi mở của hai ông, thì ông Dâng lại báo tin vui: “Cái T.T.T. nó đi học lại rồi, chú ạ”.
Thì ra, ở cái làng quê này, trước câu chuyện buồn của hai gia đình ông Nhung, ông Dâng, mỗi người đã “góp một tiếng vào gỡ...”: Chị em hội phụ nữ xã đến thăm hỏi, phân tích những điều thiệt, hơn giúp hai anh em, hai gia đình đùm bọc nhau quanh người mẹ già đã 81 tuổi, tránh những bức xúc căng thẳng. Bà Rua cảm động, đưa bàn tay run run cầm vạt áo lên lau nước mắt, nói: “Cũng nhờ cái tình của các cô các chú ở xã...”.
Cái tình đó, bà kể, là anh Nguyễn Hải Sơn - trưởng công an xã, chị Võ Thị Nga - chủ tịch hội phụ nữ, ông Nguyễn Đình Chiến - chủ tịch hội nông dân, là bà con lối xóm đã nhiều lần đến phân tích thiệt hơn, nói phải nói trái, tâm sự, tỉ tê về nghĩa tình, “anh em như thể tay chân”, “cục máu cắn làm đôi”...
Bà cụ cười móm mém, nói: “Nói chứ nước chảy thì đá phải mòn thôi, anh em hắn cũng phải tỉnh ra chứ”. Bà kể: “Bây giờ cũng như khi chưa xảy ra sự việc, hai anh em hắn thường sang nhà nhau uống nước chè chát, hút thuốc lào, xem tivi. Tui mừng lắm...”. Dừng lại lấy cối trầu giã, bà kể tiếp: “Mấy tháng trước tôi ăn không được, ngủ không được, người không ra người. Từ bữa hai anh em hắn kéo đến thưa chuyện, xin lỗi tôi về chuyện “xem nhau như kẻ thù”, tôi mới nguôi ngoai. Tôi bảo đã là anh em thì đừng khăng khăng với nhau. Mỗi đứa nhịn một ít, đùm bọc nhau mà sống. Đó chính là bay báo hiếu với tao rồi”.