Thủ tục tách thửa đối với diện tích đất được thừa kế
Thừa kế đất đai. Tách sổ đỏ. Điều kiện được phép tách thửa đất. Tách thửa đối với diện tích đất được thừa kế theo Luật đất đai 2013.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào VPLS Minh Trí. Hiện tại gia đình tôi đang sống trên mảnh đất của ông bà nội để lại. Trước khi mất ông bà nội không có di chúc rõ ràng. Nhưng thời điểm đó các bác, các cô, chú (Anh chị em của bố) dưới quê không có tranh chấp gì cả, bác trai cả thì có mảnh đất dưới quê, bác gái và cô thì đều đã lấy chồng. Thời điểm đó không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này (vẫn đề tên sổ đỏ là ông nội). Trên mảnh đất đó Bố tôi và Chú tôi cùng tự thỏa thuận chia sẻ. Nhà tôi và nhà chú đều đã xây kiên cố từ năm 2003, cũng đã tách khẩu và xác định địa phận chia tách rõ ràng, tuy nhiên cũng chưa thực hiện chia tách sổ đỏ. Kích thước 2 mảnh đất thì của Bố tôi được đủ 30 m2, còn mảnh của Chú là 28m2. Đến nay gia đình Tôi và Chú muốn tách sổ đỏ cho 2 mảnh đất này.Nhưng theo tôi được biết thì có một số rắc rối :
- Đứng tên sổ đỏ mảnh đất vẫn là ông nội tôi
- Một mảnh đất diện tích nhỏ hơn 30m2.
Vậy mong Quý Luật sư tư vấn giúp các thủ tục cần thiết để chia tách sổ đỏ? Hoặc có thể xác định quyền sử dụng chung của 2 mảnh đất đó cho Bố và Chú tôi được không ? Tôi xin chân thành cảm ơn !
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của VPLS Minh Trí. Với thắc mắc của bạn, VPLS Minh Trí xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trước tiên, theo quy định về thừa kế trong Bộ luật dân sự xin xác nhận trong trường hợp ông bà nội bạn mất mà không có di chúc rõ ràng thì theo Điều 675, Bộ Luật dân sự thì đây là một trong những điều kiện được di chúc theo pháp luật cụ thể:
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản”.
Mà theo quy định tại Điều 674 “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
Diện tích đất mà bố và chú bạn đang đứng tên được coi là di sản thừa kế những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng di sản này. Mà hàng thừa kế thứ nhất gồm những đối tượng vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Do đó tất cả những người con của ông bà nội của bạn đều có quyền được hưởng di sản thừa kế này.
Nếu bố và chú bạn muốn thụ hưởng toàn bộ di sản thì phải có sự văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của những người con còn lại của ông bà bạn. Sau khi có văn bản thỏa thuận không nhận di sản thừa kế của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì tài sản là mảnh đất này là tài sản chung của bố và chú bạn. Nếu bố và chú bạn muốn tách diện tích đất đó thì cần làm thỏa thuận chia tài sản chung. Sau đó thực hiện thủ tục tách thửa theo Điều 75, Luật đất đai 2013. Cụ thể:
“1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
4. Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;
b) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã”.
------------------------------------------------------------------------------
Mọi thắc mắc cần tư vấn gọi VPLS Minh Trí
Gửi yêu cầu Email: a10mtri@gmail.com, dongtudhl@gmail.com, phucminh80@gmail.com
Liên hệ qua Hotline: 0902818158 - 0903724089 - 0906834543 - 0906812689