Thị trường chứng khoán năm 2013 tăng trưởng lạc quan với chỉ số VN-Index tăng hơn 22% và HNX-Index tăng 19,63%. Dẫu vậy, do nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn nên cổ phiếu của các ngân hàng không có lợi. Trong số các cổ phiếu đã niêm yết, hầu hết là giá giảm, điển hình cổ phiếu của Sacombank (STB) giảm 15,07%; của Eximbank (EIB) giảm 19,1%; của ACB giảm 4,3%... Duy có cổ phiếu của SHB là tăng 15,3%.
Do cổ phiếu ngân hàng đi xuống nên tài sản của các hầu hết các đại gia ngân hàng đều sụt giảm. Thống kê của chúng tôi cho thấy, trong số 15 vị trí dẫn đầu, các đại gia đến từ Sacombank và ACB vẫn chiếm áp đảo, tuy nhiên hai vị trí dẫn đầu lại không thuộc 2 nhà băng này.
1. Ông Hà Văn Thắm – OceanBank
Tài sản của ông Hà Văn Thắm, chủ tịch OceanBank đến cuối năm 2013 đạt 1.501 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, ông Thắm đang đứng vị trí thứ 8 trong số những người có nhiều tiền nhất, còn lĩnh vực tài chính ngân hàng thì giữ ngôi quán quân.
Nói đến ông Thắm, người ta còn biết đến nhiều hơn ở các vị trí khác. Ông Thắm đang là chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group); Chủ tịch CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (Ocean Hospitality); Chủ tịch CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail); Thành viên HĐQT CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) - đại diện cho SCIC và Thành viên HĐQT CTCP VS Industry Việt Nam - đại diện cho Công ty VNT. Tên tuổi của ông Hà Văn Thắm còn gắn liền với thương hiệu Ocean Mart "nổi như cồn" trong năm qua.
2. Ông Hồ Hùng Anh – Techcombank
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank có gần 12 triệu cổ phiếu Techcombank. Tuy nhiên do cổ phiếu này chưa lên sàn nên chưa thể tính chính xác giá trị.
Ngoài ra, ông Hùng Anh còn nắm giữ 15,77 triệu cổ phiếu Masan (MSN), trị giá 1.325 tỷ đồng, là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngoài Techcombank và Masan, ông còn sở hữu gián tiếp cổ phần tại các công ty khác Masan.
Năm 2013, ông Hùng Anh tiếp tục lãnh đạo Techcombank vượt qua những khó khăn của ngành ngân hàng và nền kinh tế. Dấu ấn quan trọng nhất là khai trương trụ sở Techcombank miền Nam hoành tráng tại Lim Tower (Quận 1, TPHCM) nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, bên cạnh quyết định thay thế Tổng giám đốc là người nước ngoài bằng một Tổng giám đốc nội.
3. Trần Phát Minh – Sacombank
Ông Trần Phát Minh đang nắm giữ 54,9 triệu cổ phiếu STB, trị giá tại thời điểm ngày 27/12 là 927 tỷ đồng. So với đầu năm, tài sản của ông Minh giảm 31 tỷ đồng. Chúng tôi cũng lưu ý, do ông Minh không phải là cổ đông lớn của Sacombank nên ông có thể tự do mua bán cổ phiếu mà không phải báo cáo.
Ngoài ra ông Minh còn sở hữu hơn 9,8 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Kiên Long.
Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Minh đang là thành viên HĐQT của KienLongBank, sau khi giữ vị trí cao nhất ở nhà băng này từ 27/4/2012 – 25/4/2013. Trước đó, ông Minh từng là Phó tổng giám đốc của Ngân hàng Phương Nam, chủ tịch HĐQT của chứng khoán Phương Nam.
Ngoài ra ông Minh còn kinh doanh thủy sản, đang là chủ tịch của CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), một doanh nghiệp đang gặp khó khăn và thua lỗ lỗ hơn 300 tỷ đồng trong vòng 5 năm qua.
Năm 2012, ông Trần Phát Minh là người giàu thứ 11 trên sàn chứng khoán Việt Nam nhưng năm nay vị trí này bị ông Đặng Thành Tâm soán ngôi và ông Minh lui xuống vị trí thứ 13.
4. Trầm Trọng Ngân - Sacombank
Ông Trầm Trọng Ngân không có vai trò gì tại Sacombank nhưng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng này. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Ngân có 54,72 triệu cổ phiếu, tương đương 4,93% vốn điều lệ của Sacombank, trị giá 925 tỷ đồng và là người giàu thứ 15 trên sàn chứng khoán.
Trong lĩnh vực ngân hàng, ông xếp thứ 4 và chỉ kém người số 2 Trần Phát Minh có 2 tỷ đồng.
Năm vừa qua, ông Ngân hai lần đăng ký bán cổ phiếu Sacombank nhưng không thành công. Ông Trầm Trọng Ngân là con trai của đại gia Trầm Bê, phó chủ tịch HĐQT Sacombank.
Hiện ông Ngân đang công tác tại Ngân hàng Phương Nam với vai trò là Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Phương Nam.
5. Đặng Ngọc Lan – ACB
Bà Đặng Ngọc Lan là vợ của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Theo số liệu thống kê, bà Lan đang nắm giữ 38,5 triệu cổ phiếu ACB, trị giá 600,8 tỷ đồng. Do không phải là cổ đông lớn nên bà Lan có thể tự do mua bán cổ phiếu ACB mà không phải thông báo.
Bà Lan là người giàu thứ 5 trong lĩnh vực ngân hàng và xếp thứ 22 trong số những đại gia nhiều tiền nhất, cũng là một trong số ít các nữ đại gia nổi danh trên thị trường tài chính.
Hiện tại, bà Ngọc Lan đang công tác tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và nằm trong HĐQT.
6. Ông Nguyễn Đức Kiên - ACB
Dù đang bị tạm giam, vừa bị truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử nhưng trên sàn chứng khoán, theo dữ liệu thống kê, ông Kiên vẫn là người giàu thứ 6 về lĩnh vực ngân hàng với 35,17 triệu cổ phiếu ACB, trị giá 548,6 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, ông Kiên xếp thứ 28 trong số những người giàu nhất năm nay, giảm 2 bậc so với năm 2012.
Với ACB, cá nhân ông Kiên không phải là cổ đông lớn, cũng không nằm trong ban lãnh đạo nên ông Kiên cũng có thể tự do mua bán cổ phiếu như bà Đặng Ngọc Lan.
Tháng 7 và tháng 8/2012, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an nhận được nhiều đơn tố cáo của một số cá nhân do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chuyển đến; nội dung tố cáo Nguyễn Đức Kiên có hành vi kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; thao túng ngân hàng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Ngày 21/8/2012 ông Kiên chính thức bị bắt. Ngày 15/12/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố bầu Kiên về 4 tội danh: "kinh doanh trái phép"; "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "trốn thuế".
7. Trần Hùng Huy – ACB
Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB Trần Hùng Huy đang có 28,77 triệu cổ phiếu ACB, trị giá gần 449 tỷ đồng, là người giàu thứ 7 trong số các đại gia ngân hàng và xếp thứ 37 trong danh sách những người giàu nhất.
Trần Hùng Huy là con trai của ông Trần Mộng Hùng – người sáng lập ra ACB – và cũng là thành viên trẻ tuổi nhất trong HĐQT ngân hàng.
Ông Huy từng tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ năm 2002 và tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ năm 2011.
Dù công tác tại ACB từ lâu, với vai trò giám đốc Marketing cho đến thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc, nhưng thị trường chỉ biết đến Trần Hùng Huy nhiều hơn sau sự cố ở ACB hồi tháng 8/2012. Sau khi 4 nguyên lãnh đạo ngân hàng từ nhiệm rồi bị truy tố, ông Hùng Huy chính thức lên làm chủ tịch HĐQT từ ngày 19/9/2012 cho tới nay.
8. Trầm Khải Hòa – Sacombank
Ông Trầm Khải Hòa là thành viên HĐQT của Ngân hàng Sacombank từ tháng 4/2012 tới nay. Trước đó, ông Hòa công tác tại Ngân hàng Phương Nam và công ty chứng khoán Phương Nam.
Đến thời điểm hiện tại, ông Trầm Khải Hòa đang nắm giữ 23,73 triệu cổ phiếu STB, trị giá 401,1 tỷ đồng, là người giàu thứ 8 trong lĩnh vực ngân hàng và thứ 42 trên sàn chứng khoán.
Ông Trầm Khải Hòa sinh năm 1988, là người trẻ tuổi nhất giữ vai trò lớn trong một ngân hàng tầm cỡ ở Việt Nam tính đến thời điểm này.
9. Huỳnh Quế Hà – Sacombank
Bà Huỳnh Quế Hà nắm giữ gần 16,7 triệu cổ phiếu STB, trị giá 281,9 tỷ đồng, là người giàu thứ 9 trong lĩnh vực ngân hàng trên sàn chứng khoán, xếp thứ 53 trong số các đại gia nhiều tiền nhất trên sàn.
Bà Quế Hà từng có thời gian dài công tác tại Sacombank, từng giữ chức phó chủ tịch HĐQT, nhưng hồi tháng 5/2012 đã từ nhiệm.
10. Phan Huy Khang – Sacombank
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc, kiêm thành viên HĐQT Ngân hàng Sacombank, đang có 15,9 triệu cổ phiếu STB, trị giá 269,1 tỷ đồng, là người giàu thứ 10 trong lĩnh vực ngân hàng trên sàn chứng khoán.
Trước khi về Sacombank, ông Khang có gần hai mươi năm công tác tại Ngân hàng Phương Nam.
11. Trần Mộng Hùng – ACB
Ông Trần Mộng Hùng có 16,5 triệu cổ phiếu ACB, trị giá 257,8 tỷ đồng. Trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán ông Hùng xếp thứ 62 nhưng trong lĩnh vực ngân hàng vẫn nằm trong top 15.
Ông Mộng Hùng là một trong những thành viên sáng lập nên ACB, gắn bó với ACB trong thời gian dài và chỉ lui về “hậu trường” từ năm 2008. Tuy nhiên, sau sự cố 2012 với một loạt lãnh đạo từ nhiệm rồi bị truy tố, ông Hùng đã quay trở lại làm thành viên HĐQT từ 26/12 và tiếp tục tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2018.
Không thể phủ nhận vai trò của ông Hùng ở ACB. Trở lại điều hành ngân hàng mới 1 năm nhưng đến nay ACB đã hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng và trở lại quỹ đạo phát triển như sức mạnh vốn có.
12. Đỗ Quang Hiển – SHB
Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch ngân hàng SHB đang nắm giữ gần 26,7 triệu cổ phiếu SHB, trị giá 181,3 tỷ đồng. Cổ phiếu SHB tăng giá trong năm nay giúp cho tài sản của vị chủ tịch tăng thêm 32 tỷ đồng so với năm ngoái.
Ngoài SHB, ông Hiển còn đang có 25 triệu cổ phiếu SHS, nơi ông cũng đang là chủ tịch HĐQT.
Ngoài nhiệm vụ ở SHB, SHS, ông Hiển còn là chủ tịch công ty Thủy sản Bình An , chủ tịch công ty quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội, chủ tịch công ty Bảo hiểm SHB – Vinacomin. Ông Hiển cũng được biết đến nhiều trong lĩnh vực bóng đá với biệt danh Bầu Hiển.
13, 14, 15: Vợ, con ông Trần Mộng Hùng
3 vị trí tiếp theo trong danh sách 15 người giàu nhất lĩnh vực ngân hàng trên sàn chứng khoán đều thuộc về gia đình ông Trần Mộng Hùng.
Trong đó, con trai ông Hùng là Trần Minh Hoàng nắm giữ 11,5 triệu cổ phiếu ACB, trị giá 179,5 tỷ đồng; vợ ông Hùng là bà Đặng Thu Thủy giữ gần 11 triệu cổ phiếu, trị giá 171,3 tỷ đồng và con gái Trần Đặng Thu Thảo có 10,6 triệu cổ phiếu, trị giá 165 tỷ đồng.
CafeF