|
Chân dung cụ Phan Châu Trinh - Ảnh tư liệu |
Phan Châu Trinh, hiệu là Phan Tây Hồ, sinh ngày 9-9-1872 tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình võ quan triều Nguyễn. Năm 1900, Phan Châu Trinh đỗ cử nhân, năm sau đỗ phó bảng. Năm 1902, Phan Châu Trinh vào học Trường Hậu bổ, sau ra làm Thừa biện Bộ Lễ. Ít lâu sau ông từ quan, dấn thân vào các hoạt động yêu nước.
Năm 1905 và năm 1911, Phan Châu Trinh sang Nhật Bản rồi sang Pháp để học hỏi, tìm con đường thoát khỏi ách cai trị của người Pháp. Sau đó, các năm 1906, 1919 và 1920, Phan Châu Trinh ba lần gửi một bức thư yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi chính sách cai trị ở Việt Nam và Đông Dương.
Năm 1907, Phan Châu Trinh từng vào Nam Trung bộ, rồi ra Hà Nội giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục và diễn thuyết nhiều lần về con đường cứu nước. Năm 1917, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành thành lập Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
Năm 1908, Phan Châu Trinh bị bắt tại Hà Nội và bị đày đi Côn Đảo. Năm 1910, Phan Châu Trinh được ân xá, bị quản thúc ở Mỹ Tho. Năm 1914, tại Pháp, Phan Châu Trinh lại bị bắt giam vào ngục Santé.
|
Phan Châu Trinh cùng con trai Phan Châu Dật năm 1917 - Ảnh tư liệu |
Phan Châu Trinh diễn thuyết ở Sài Gòn
Năm 1925, Phan Châu Trinh từ Pháp về Sài Gòn, ngụ tại khách sạn Chiêu Nam Lầu (nay là số 49 đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM), đã hai lần diễn thuyết cho dân Sài Gòn về “Đạo đức và luân lý đông tây” (dài 10.878 từ, diễn thuyết ngày 19-11-1925) và “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” (dài 8.432 từ).
Qua hai bài diễn thuyết, Phan Châu Trinh muốn giải thích cho mọi người hiểu rõ thế nào là chủ nghĩa quân chủ và chủ nghĩa dân chủ, cũng như lợi hại của mỗi chủ nghĩa, phân tích những sự hủ bại của hệ thống quan lại và đưa ra những yêu cầu cải cách hệ thống quan lại và những quan hệ chính trị của chế độ quân chủ vẫn còn tồn tại lúc đương thời tại Việt Nam.
Phan Châu Trinh đã nói cho người dân Sài Gòn thấy rằng “Ai nắm việc thương mại thì nắm được thế giới” (Qui tient le commerce tient le monde).
Do đó, ông chủ trương phát triển kinh doanh, lập các hiệu buôn, mở mang thương nghiệp, dạy cho dân có nghề nghiệp sinh nhai, lập các hội khai hoang, mở mang đồn điền cho hết địa lợi... Phan Châu Trinh quan niệm dân có giàu, nước mới mạnh, từ đó mới mong giành lại độc lập.
Xã hội Việt Nam những năm 1925 vẫn còn chìm trong lý tưởng cũ của Á Đông là “dân chi phụ mẫu”, nghĩa là vua được muôn dân kính trọng như cha như mẹ, trách nhiệm lớn lao là phải mưu sự hạnh phúc cho dân, như cha mẹ đối với con vậy. Chính vì thế mà muôn dân luôn phải giữ đạo trung quân, dù cho đất nước đã bị đảo điên.
Vì thế, hai bài diễn thuyết của Phan Châu Trinh so sánh quân chủ với dân chủ như hai quả bom nổ tung giữa thành phố Sài Gòn lúc đó để tỉnh thức bao tấm lòng yêu nước thời bấy giờ...
|
Nhà trưng bày Phan Châu Trinh ở số 9 Phan Thúc Duyện, P.4, Tân Bình, TP.HCM |
Tấm lòng người Sài Gòn với nhà yêu nước Phan Châu Trinh
Đầu năm 1926, Phan Châu Trinh bệnh nặng và mất lúc 21g30 ngày 24-3-1926 tại khách sạn Chiêu Nam Lầu ở Sài Gòn.
Linh cữu được quàn tại Bá Huê Lầu của nhà yêu nước Huỳnh Đình Điển, ở số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM).
Tang lễ được đại diện thân hào nhân sĩ Sài Gòn tổ chức cử hành như nghi thức quốc tang. Hai người con gái đã có mặt bên linh cữu của cha.
Ngày 4-4-1926, linh cửu của Phan Châu Trinh được đưa đến nghĩa trang. Từ tờ mờ sáng, người người từ khắp thành phố và vùng phụ cận đổ về đường Pellerin để đưa tang.
|
Đám tang cụ Phan Châu Trinh năm 1926 - Ảnh tư liệu |
Đám tang đi theo lộ trình: 54 Pallerin (nay là đường Pasteur), qua đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng). Đám tang đã đi đến cuối đường Hai Bà Trưng ngày nay mà các đoàn quần chúng còn đứng lại ở khu vực nay là đường Lê Duẩn.
Từ đường Paul Blanchy, đoàn đi thẳng xuống Phú Nhuận (nay là đường Phan Đình Phùng) đến nghĩa trang Gò Công tương tế ở Tân Sơn Nhất, nay thuộc Q.Tân Bình, TP.HCM.
Lễ tang Phan Châu Trinh cho đến lúc ấy được ghi nhận là lớn chưa từng có ở Sài Gòn, toàn dân Sài gòn, với hơn 6 vạn người, không phân biệt chính trị, đảng phái, tôn giáo tham dự, đã đưa linh cữu cụ Phan Chu Trinh đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Khu lưu niệm Phan Châu Trinh ở TP.HCM
Năm 1930, Hội Trung ký ái hữu và gia đình đã xây dựng đền thờ Phan Châu Trinh đã được xây dựng năm 1930 tại đường Gallimard (nay là số 23 đường Nguyễn Huy Tự, thuộc P.Đa Kao, Q.1).
Năm 1993, đền này được dở bỏ, xây lại đền mới, nằm cạnh mộ phần của cụ Phan Châu Trinh nằm ở số 9 đường Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Toàn khu vực “Nhà lưu niệm mộ Phan Châu Trinh”, gồm đền thờ, mộ phần và nhà lưu niệm về Phan Châu Trinh. Khuôn viên của cụm di tích rộng 2.500m2, có tường rào bao bọc. Từ ngoài vào, thấy tượng bán thân lớn của Phan Châu Trinh màu trắng, đặt trong hồ nước hình tròn, xung quanh là những luống hoa đủ loại, những tán cây xum xuê tỏa mát.
Phía sau bức tượng là đền thờ Phan Châu Trinh. Đền thờ xây dựng mô phỏng theo kiến trúc đền cũ ở Đa Kao, với nền hình bát giác, mái ba tầng kiểu cổ điển. Nội thất của đền thờ trên cao là bức hoành phi ghi bốn đại tự “Phan Tiên Sinh Từ”, nghĩa là đền thờ Phan tiên sinh.
Chính giữa nhà là bàn thờ Phan Châu Trinh, phía sau có bức đại tự ghi “Cách Mạng Tiên Khu”, nghĩa là người làm cách mạng gian nan đầu tiên. Bên trái bàn thờ là nơi thờ phu nhân và các con của Phan Châu Trinh, bên phải là bia ghi công đức của Phan Châu Trinh và tủ trưng bày các tác phẩm nghiên cứu về cụ Phan.
Từ ngôi đền và bức tượng có trải một con đường nhỏ dẫn đến phần mộ, nằm bên tay phải đền thờ.
Mộ phần cụ Phan có ở đây từ năm 1926, sau khi cụ mất. Ban đầu là ngôi mộ nhỏ, nay đã được tu bổ theo kiểu một ngôi nhà mồ, rộng rãi, có mái ngói che nắng, có kê ghế đá để nghỉ ngơi, thuận tiện cho khách thăm viếng.
Mộ phần của cụ Phan nằm giữa, hình chữ nhật, trên có tấm bia khắc chữ Hán, dịch ra là “Mộ của nhà chính trị cách mạng Việt Nam Phan Châu Trinh, quốc dân cùng kính tặng”. Sau mộ là tấm bia đá bằng cẩm thạch cao 3,6m, rộng 3m, có bài nói về thân thế sự nghiệp của cụ Phan do Huỳnh Thúc Kháng soạn ngày 2-8-1926. Phía trước mộ có một đỉnh hương bằng ximăng màu trắng.
Nhà lưu niệm nằm ở bên trái đền thờ, là nơi bày những di vật, di bút, trước tác của cụ và những tư liệu, hiện vật về hoạt động cách mạng của Phan Châu Trinh, cạnh đó cũng có những tư liệu về các phong trào yêu nước vào thời của cụ.
Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh Khu lưu niệm Phan Châu Trinh đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử ngày 12-12-1994.
Hằng năm, vào ngày 24-3, kỷ niệm ngày mất của cụ Phan, gia đình luôn tổ chức lễ giỗ nhà yêu nước Phan Châu Trinh, với sự tham gia của thân bằng quyến thuộc và những người Việt Nam kính trọng một người cả đời đấu tranh cho công cuộc đổi mới dân tộc, đổi mới đất nước...
Phan Châu Trinh hay Phan Chu Trinh?
Bên cạnh việc đặt tên cho ba người con là: Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên và Phan Thị Châu Lan, Phan Châu Trinh đã khẳng định tên của mình là Phan CHÂU Trinh, chứ không phải là Phan Chu Trinh, khi ký đầy đủ tên họ và chữ lót của mình dưới bài thơ Đập đá Côn Lôn hiện có bản thảo trưng bày tại khu lưu niệm của ông.
|
Bút tích của Phan Châu Trinh ghi dưới bài thơ Đập đá Côn Lôn trưng bày ờ Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh (9 Phan Thúc Duyện, P.4, Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: HỒ TƯỜNG CHỤP LẠI
|
|
|
Tượng và đền thờ Phan Châu Trinh ở số 9 Phan Thúc Duyện (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
|
Mộ phần Phan Châu Trinh ở số 9 Phan Thúc Duyện (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
|
Bàn thờ Phan Châu Trinh bên trong đến thờ Ở số 9 Phan Thúc Duyện (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
HỒ TƯỜNG