TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 ra sao?

“Trong điều kiện thuận lợi, GDP năm 2020 có thể tăng trưởng 4,4 - 5,2% và phấn đấu đạt 5,4%, nhưng nếu tình hình khó khăn hơn thì chỉ có thể đạt mức 3,6 - 4,4%” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi với Tuổi Trẻ.

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 ra sao? - Ảnh 1.

Công nhân Hà Thị Hồng trong công đoạn may túi xách thương hiệu của Mỹ tại Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS) chiều 19-5. Được biết, TBS vẫn duy trì 70% số công nhân làm việc trong thời điểm dịch COVID-19 - Ảnh: T.T.D.

Đây là chỉ số đáng chú ý trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình những tháng đầu năm 2020 sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội sáng nay 20-5.

Đại dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, và căng thẳng Biển Đông sẽ gia tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch COVID-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên Biển Đông.

Trích dự thảo báo cáo của Chính phủ

Kinh tế số tạo ra luật chơi mới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2019 Việt Nam đạt kết quả toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao và tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%. Tuy nhiên bước vào năm 2020 đã gặp ngay cú sốc mang tên dịch COVID-19. 

"Đại dịch đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, tác động dây chuyền có khả năng dẫn tới các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính tiền tệ" - ông Dũng nói.

Ngay cả 2 kịch bản mà Chính phủ đưa ra cũng là dựa vào các dữ liệu hiện có, tình hình có thể diễn biến xấu hơn nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành trên toàn cầu. Nhận định của bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng phù hợp với thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra: "Dự báo của các tổ chức quốc tế đưa ra đầu tháng 4 cho thấy mức độ thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào thời điểm kết thúc dịch bệnh. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,9%, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo là 4,8%, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo là 2,7%".

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ, quý 1-2020 tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm, tỉ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. 

Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm, có lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn thì đã rõ, nhưng trong khó khăn cũng giúp chúng ta nhìn ra cơ hội, buộc phải thay đổi để thích ứng. 

"Kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các doanh nghiệp phải có sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng. 

Đáng chú ý, thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số" - ông nói.

Ngân sách hụt thu rất lớn

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ vào tuần trước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng trong điều kiện đặc biệt như vậy, cần "nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ".

Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng nhận định rằng: "Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 như nghị quyết của Quốc hội đã đề ra (6,8%) là không khả thi, dự kiến hụt thu ngân sách nhà nước năm 2020 khá lớn (khoảng 130.000 - 150.000 tỉ đồng) trong khi nhu cầu chi tăng cao để ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, cân đối ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng rất lớn". 

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 4 tháng ước đạt 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó phần lớn các khoản thu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đề nghị thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, kết hợp với chính sách tiền tệ để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép. Lưu ý hoàn thiện cơ chế về đấu thầu trong mua sắm dịch vụ công, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đấu thầu.

Trong các giải pháp đưa ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa. 

Phát huy vai trò của quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường theo dõi, dự báo, có giải pháp đón đầu việc tái mở cửa của các nước và xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam.

Đồng thời cần khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.

Còn phụ thuộc vào đối tác

Dựa vào các số liệu và phân tích, Chính phủ trình Quốc hội 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, trong điều kiện Việt Nam cơ bản khống chế dịch từ nửa cuối tháng 4, đồng thời các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam khống chế dịch trong quý 3, thị trường quốc tế phục hồi tốt thì dự kiến GDP có thể tăng 4,4 - 5,2% và phấn đấu đạt 5,4%.

Thứ hai, nếu các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế dịch trong quý 4 thì dự kiến GDP chỉ tăng 3,6 - 4,4%. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và bùng phát trở lại, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, GDP có thể tăng trưởng thấp hơn mức này.

8h sáng nay (20-5), Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 9. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một phiên họp Quốc hội tiến hành theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố (đại biểu Quốc hội tại địa phương sẽ họp tại đoàn).

Phần lớn thời gian ngày làm việc hôm nay Quốc hội sẽ dành để xem xét việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

LÊ KIÊN - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness