Quyết định điều chỉnh tỷ giá được đưa ra ở thời điểm kinh tế vĩ mô Trung Quốc khá bi quan...
Đối với các nước hiện đang có quan hệ thương mại với Trung Quốc, việc đồng Nhân dân tệ yếu đi sẽ “làm khó” họ - Ảnh: RT.
THU AN
Chỉ trong hai ngày 10 và 11/8/2015, Trung Quốc đã hai lần hạ giá đồng Nhân dân tệ.
Động thái này ngay lập tức tác động mạnh mẽ lên thị trường tài chính cũng như hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn cầu, bởi Trung Quốc có quan hệ thương mại với rất nhiều nước và đồng Nhân dân tệ ngày một trở nên phổ biến hơn.
Dưới đây là 6 câu hỏi và trả lời được đặt ra sau động thái đột ngột hạ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, từ góc nhìn của Wall Street Journal và USA Today.
1. Trung Quốc đã làm gì?
Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ giá trị đồng Nhân dân tệ bằng cách đặt ra tỷ giá giao dịch hàng ngày của đồng Nhân dân tệ với đồng USD. Tại thị trường Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ được phép giao dịch trong biên độ +/- 2%.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thường ấn định tỷ giá giao dịch của đồng tiền này cho ngày giao dịch kế tiếp mà không cần quan tâm đến biến động trên thị trường. Trong nhiều trường hợp, đồng Nhân dân tệ bị điều chỉnh tỷ giá trái ngược hẳn với những tín hiệu thị trường.
Nhưng nay, PBoC tuyên bố họ sẽ xem xét đến tỷ giá của ngày giao dịch hôm trước cũng như biến động trên thị trường, kết quả là việc hạ giá sâu đồng Nhân dân tệ từ hôm 10/8.
2. Tại sao Trung Quốc làm vậy?
Trong tuyên bố của mình, PBoC khẳng định họ muốn đưa tỷ giá đồng Nhân dân tệ gần hơn với thị trường. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng quyết định điều chỉnh tỷ giá trên được đưa ra ở thời điểm xuất khẩu của Trung Quốc đang đi xuống và tình hình kinh tế vĩ mô nước này khá bi quan.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ khoảng 7%, mức thấp nhất trong hai thập kỷ và dự kiến còn tiếp tục suy yếu trong năm tới. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc liên tục suốt từ đầu tháng 6 năm nay.
Cuối tuần qua, Trung Quốc công bố xuất khẩu tháng 7 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm. Đồng Nhân dân tệ yếu được cho là sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn.
3. Động thái này ý nghĩa thế nào với thế giới?
Chắc chắn thế giới sẽ suy luận Chính phủ Trung Quốc tin rằng kinh tế nước này đang rất khó khăn và đang tìm cách cứu kinh tế.
Nhưng đối với các nước hiện đang có quan hệ thương mại với Trung Quốc, việc đồng Nhân dân tệ yếu đi sẽ “làm khó” họ.
Tại Mỹ, vấn đề đồng Nhân dân tệ bị giữ ở mức thấp một cách giả tạo sẽ trở lại trong các cuộc tranh luận trên chính trường, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị bước vào năm bầu cử Tổng thống.
4. Động thái ý nghĩa thế nào với thị trường tài chính?
Động thái sẽ gây áp lực buộc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới hạ giá đồng nội tệ để giúp các công ty xuất khẩu của nước họ, đồng thời giúp ổn định dòng chảy vốn.
Việc đồng Nhân dân tệ bị hạ giá mạnh cũng sẽ tác động xấu đến thị trường hàng hóa, bởi nhà đầu tư sẽ hiểu rằng nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc đang yếu đi.
Ngoài ra, nó cũng sẽ khiến dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn, đặc biệt nếu nhà đầu tư dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá.
5. Điều gì sẽ đến tiếp theo?
Quyết định hạ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở thời điểm này nhiều khả năng sẽ khiến cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Obama vào cuối tháng 9 trở nên căng thẳng.
Trung Quốc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ngoài ra, xét về dài hạn, khi can thiệp mạnh mẽ vào tỷ giá, động thái của Trung Quốc không khỏi khiến người ta hoài nghi về cam kết tự do hóa nền kinh tế của nước này.
6. Mỹ liệu có trì hoãn nâng lãi suất USD?
Chắc chắn không.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm 5% và khi đồng Nhân dân tệ rẻ đi, hàng hóa Mỹ sẽ còn vào Trung Quốc ít hơn nữa.
Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu cũng sẽ tác động đến lạm phát tại Mỹ, hiện đã ở dưới mức 2%. Thế nhưng, quyết định hạ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc không đủ để khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay đổi định hướng chính sách.
Vì thế, FED sẽ vẫn tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong buối họp vào tháng 9 tới.
Lãi suất đã được giữ ở sát mức 0% suốt từ năm 2008. Kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định 2,3% trong quý 2/2015, thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 5,3%, thấp nhất trong 7 năm.
3 ngày 3 lần phá giá Nhân dân tệ, Trung Quốc đã “run tay”?
Trung Quốc một lần nữa phá giá đồng tiền, nhưng có vẻ Bắc Kinh không muốn việc này vượt tầm kiểm soát...
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh - Ảnh: CNBC/Getty.
AN HUY
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm 13/8 có động thái phá giá đồng Nhân dân tệ lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 3 ngày. Tuy vậy, PBoC cũng lên tiếng trấn an thị trường rằng sẽ không có chuyện Nhân dân tệ bị phá giá 10%.
Tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ ngày 13/8 được PBoC thiết lập ở mức 6,4010 Nhân dân tệ đổi 1 USD, giảm 1,1% so với mức 6,3306 Nhân dân tệ/USD của ngày 12/8. Trước đó, trong hai ngày 11 và 12/8, PBoC đã liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ hai lần, với mức giảm tương ứng lần lượt là 1,9% và 1,6%.
Vào đầu phiên giao dịch sáng nay, đồng Nhân dân tệ được giao dịch trên thị trường ở mức 6,4300 Nhân dân tệ đổi 1 USD, giảm 0,7% so với mức đóng cửa 6,3870 Nhân dân tệ “ăn” 1 USD của ngày hôm qua.
Theo giới quan sát, PBoC đang nỗ lực kiểm soát các động thái phá giá đồng tiền nhằm tìm đúng điểm cân bằng vừa hỗ trợ được cho lĩnh vực xuất khẩu, vừa hạn chế được rủi ro đồng Nhân dân tệ giảm giá quá mạnh khiến các dòng vốn tháo chạy.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin nói PBoC đã yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh bán ra USD trong 15 phút giao dịch cuối cùng của thị trường Mỹ phiên ngày hôm qua nhằm không để tỷ giá Nhân dân tệ rơi sâu. Biện pháp này đã giúp đồng Nhân dân tệ tăng giá 1% so với đồng bạc xanh sau khi chạm mức thấp nhất trong 4 năm trong phiên giao dịch.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tốc độ phá giá đồng Nhân dân tệ của PBoC giảm dần. Hôm qua, cơ quan này cũng tuyên bố sẽ không theo đuổi chính sách liên tục phá giá, đáp trả những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh đang thao túng tỷ giá để làm lợi cho ngành xuất khẩu của mình.
Hiện tại, PBoC chưa lên tiếng xác nhận về động thái hỗ trợ tỷ giá, nhưng thông tin này đã được thị trường coi như sự thật.
Sau hai ngày bị bán tháo liên tiếp vào thứ Ba và thứ Tư do tác động từ Nhân dân tệ phá giá, nhiều đồng tiền ở khu vực châu Á như đồng Ringgit của Malaysia, Rupiah của Indonesia, Đôla Australia, và Đôla Singapore đã hồi phục trong phiên sáng nay. Sự hồi phục này được cho là bắt nguồn từ động thái can thiệp của PBoC ngày hôm qua ngăn không cho Nhân dân tệ mất giá quá nhanh và mạnh.
Tại một cuộc họp báo diễn ra sáng nay ở Bắc Kinh, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang nói những tin đồn về việc Nhân dân tệ sẽ bị phá giá 10% là “vô căn cứ”. Trước đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận nói rằng “nhiều nhân vật quyền lực trong Chính phủ muốn đồng Nhân dân tệ giảm giá hơn nữa, cho thấy áp lực phá giá tới 10%”.
Cũng trong sáng nay, PBoC tuyên bố không có cơ sở nào cho đồng Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn, xét tới những yếu tố kinh tế nền tảng đang mạnh của Trung Quốc. Theo PBoC, môi trường kinh tế mạnh, thặng dư thương mại được duy trì, tình hình tài khóa lành mạnh và dự trữ ngoại hối lớn của Trung Quốc là “sự hỗ trợ mạnh mẽ” cho tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
PBoC cũng tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ những dòng vốn “bất thường” xuyên biên giới.
Động thái phá giá Nhân dân tệ của Trung Quốc đã nên một cú sốc lớn trên thị trường toàn cầu. Trong 3 ngày liên tiếp, đồng Nhân dân tệ đã bị đánh tụt giá trị khoảng 3%, làm dấy lên những lo ngại rằng tỷ giá đồng tiền này sắp tới sẽ rơi tự do.
Đợt phá giá Nhân dân tệ bắt đầu bằng cú giảm 1,9% vào hôm thứ Ba tuần này. Cùng với đó, PBoC tuyên bố tỷ giá tham chiếu hàng ngày sẽ được thiết lập dựa trên mức tỷ giá đóng cửa trên thị trường vào ngày hôm trước, đồng nghĩa với cho phép đồng Nhân dân tệ được giao dịch tự do. Cho tới hôm nay, PBoC vẫn đang thực hiện theo lời hứa này.
“Chế độ tỷ giá cứng nhắc không còn phù hợp với Trung Quốc”, Phó thống đốc Yi Gang phát biểu tại cuộc họp báo.
Tuy vậy, quyết định phá giá đồng tiền của Trung Quốc được cho là xuất phát từ tình trạng đi xuống của lĩnh vực xuất khẩu. Theo thống kê, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 8,3%, mạnh nhất trong 4 tháng.
Theo đánh giá của ông Mitul Kotecha, trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Barclays, cuộc họp báo sáng nay và động thái can thiệp thị trường ngày hôm qua là những tín hiệu cho thấy Bắc Kinh không muốn việc phá giá Nhân dân tệ vượt tầm kiểm soát.
“Họ không muốn Nhân dân tệ rơi vào một vòng xoáy giảm giá, nhưng cũng lại muốn giữ lời hứa của mình”, ông Kotecha nói với hãng tin CNBC - liên hệ đến việc tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ liên tục giảm trong 3 ngày trở lại đâ
TQ phá giá nội tệ ngày thứ ba liên tiếp
Đồng nhân dân tệ suy yếu sẽ giúp đẩy mạnh hàng xuất khẩu của Trung Quốc
Trung Quốc vừa hạ tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với đôla trong ngày thứ ba liên tiếp.
Tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đôla giảm thêm 1% ngày 13/8.
Mức giảm này thấp hơn hai mức 1,9% và 1,6% trong hai ngày 11 và 12/8/2015.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 12/8 thông báo tỷ giá hối đoái sẽ được dựa trên những diễn biến thị trường toàn cầu qua đêm và về việc đồng nhân dân tệ vào lúc đóng cửa ở phiên giao dịch trước được mua bán với giá nào.
Động thái này làm châm ngòi cho quan ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ, trong lúc Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy xuất khẩu.
Các số liệu thống kê kinh tế mới đây cho thấy tình hình kém khởi sắc tại khu vực xuất khẩu, làm gia tăng lo ngại về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bước vào giai đoạn đình trệ kéo dài.
Việc làm suy yếu đồng nhân dân tệ sẽ làm sản phẩm xuất khẩu trở nên rẻ hơn và giúp các công ty xuất khẩu tăng tính cạnh tranh trên các thị trường quốc tế.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 13/8 được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ấn định là 6.4010 nhân dân tệ đổi lấy một đôla, tăng 1,1% so với mức 6.3306 ngày trước đó.
Tỷ giá bình quân là một tỷ giá tham chiếu. Giá giao dịch có thể cao hơn hoặc thấp hơn tỷ giá này 2%.