Chỉ trong tháng 12-2019 đã có 7,1 tỉ đô la Mỹ vốn nước ngoài giải ngân vào Việt Nam, đằng sau con số này vẫn còn là ẩn số.
Foxconn đang mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Ảnh: Reuters
Hơn 7 tỉ đô la đổ vào Việt Nam trong một tháng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân năm 2019 là 20,4 tỉ đô la, tăng 6,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở chỗ con số này trong 11 tháng đầu năm chỉ là 17,6 tỉ đô la. Như vậy chỉ tính riêng trong tháng 12-2019, nguồn vốn FDI giải ngân đã đạt 2,8 tỉ đô la.
Bên cạnh đó, nguồn vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (FII) cả năm 2019 đạt 15,5 tỉ đô la, trong khi con số này trong 11 tháng đầu năm cũng chỉ là 11,2 tỉ đô la. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót thêm 4,3 tỉ đô la để góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam trong tháng 12-2019.
Nếu tính cả vốn FDI và FII, tổng cộng đã có 7,1 tỉ đô la được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2019.
Theo thông tin từ một số ngân hàng thì họ đã bán cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hơn 3 tỉ đô la trong tháng 12 trên tổng số 20 tỉ đô la NHNN mua được trong cả năm 2019. Diễn biến này được xem là khá bất ngờ, bởi lẽ thời điểm cuối năm tài chính các nhà đầu tư thường có xu hướng tạm dừng các hoạt động giải ngân để chốt số liệu tài chính và xin ý kiến của các cổ đông về kế hoạch kinh doanh trong năm 2020.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán niêm yết (Hose, Hnx và UpCom), khối ngoại bán ròng khoảng 1.000 tỉ đồng trong tháng 12 (chưa đến 45 triệu đô la). Do đó, con số 7,1 tỉ đô la ở trên vẫn đang là một ẩn số.
Liệu có phải là hệ quả từ chiến tranh thương mại?
Hệ quả của việc khối lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế trong một thời gian ngắn chính là lạm phát.
Bài học lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn 2007-2008 vẫn còn nguyên giá trị.
Diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong những tháng gần đây đang là một biến số rất khó lường trong năm 2020.
|
Nhìn lại thời điểm cuối năm 2018 thì có lẽ khó có thể hình dung được rằng NHNN lại mua được đến 20 tỉ đô la trong năm 2019. Bởi lẽ, đó là thời điểm mà cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn căng thẳng và kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Khi đó, có rất nhiều quan điểm khác nhau về tác động của cuộc chiến tranh thương mại này đến thị trường tài chính, tiền tệ cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Có quan điểm cho rằng các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp của Mỹ, sẽ chuyển nhà máy sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế.
Mặc dù vậy, cũng có quan điểm cho rằng Việt Nam sẽ không được hưởng lợi gì từ cuộc chiến tranh này, thậm chí còn bị tác động tiêu cực khi hàng hóa của Trung Quốc không tiêu thụ được sẽ tràn sang thị trường Việt Nam.
Hay có quan điểm cho rằng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp theo sẽ có nguyên nhân xuất phát từ cuộc chiến này. Do đó, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, sẽ dịch chuyển từ các nước đang phát triển và mới nổi về các nước phát triển để trú ẩn trước cuộc suy thoái sắp diễn ra.
Bởi lẽ, trong nửa đầu của năm 2019, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục có động thái tăng lãi suất khiến cho lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ liên tục bị đảo ngược, tức lợi suất của kỳ hạn ngắn lại cao hơn kỳ hạn dài (inverted yield curve)...
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả của năm 2019, khi mà NHNN mua được 20 tỉ đô la để tăng dự trữ ngoại hối lên gần 80 tỉ đô la, cán cân thương mại thặng dư tới gần 10 tỉ đô la, thì có thể khẳng định rằng chiến tranh thương mại đã có những tác động tích cực nhất định đến Việt Nam.
Chính vì vậy, không loại trừ Việt Nam có thể tiếp tục đón thêm các dòng vốn đầu tư mới trong năm 2020, đặc biệt, khi mà Chính phủ Việt Nam đang muốn thu hút thêm vốn vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, sản xuất và phân phối điện cũng như tài chính ngân hàng...
Nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những lo ngại
Con số 2,8 tỉ đô la vốn FDI giải ngân trong tháng 12 vừa qua là cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chỉ vào khoảng 1,5 tỉ đô la của các tháng trước đó. Tuy nhiên, lại không có nhiều thông tin về các dự án quy mô lớn được triển khai trong khoảng thời gian gần đây, ngoại trừ dự án nhiệt điện Quảng Trị được Công ty Điện lực quốc tế của Thái Lan (EGATI) khởi công vào tháng 11 vừa qua và một vài thông tin về việc các công ty chuyên lắp ráp iPhone, iPod như Foxconn, Nintendo hay Goertek đã và đang dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam...
Mặc dù vậy, tất cả thông tin trên đều chưa rõ ràng, trong khi đó nếu nhìn vào số vốn đăng ký và số lượng dự án thì bắt đầu thấy những lo ngại. Theo đó, các dự án đăng ký đầu tư mới tại Việt Nam trong năm 2019 có số vốn bình quân chỉ vào khoảng 5 triệu đô la/dự án.
Việc các dự án có quy mô vốn nhỏ mà phần lớn lại đến từ Trung Quốc có thể cho thấy đây chỉ là các công ty được thành lập với mục đích thương mại thay vì sản xuất hàng hóa. Mục tiêu của họ sẽ là tìm cách nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc, rồi tiến hành một vài công đoạn nhỏ nhằm ghi xuất xứ tại Việt Nam để xuất khẩu sang một nước thứ ba. Đáng chú ý, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 từ Trung Quốc đã tăng gần 15% so với cùng kỳ của năm 2018, trong khi xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gần 30%.
Hàng loạt sản phẩm từ xe đạp điện, gỗ ép công nghiệp và pin mặt trời vừa qua đã bị cơ quan hải quan của Việt Nam phát hiện chưa đủ điều kiện để ghi nhận xuất xứ tại Việt Nam. Diễn biến này nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể khiến nhiều mặt hàng khác của Việt Nam sẽ phải chịu rủi ro không đáng có nếu Mỹ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong khi đó, việc nguồn vốn đầu tư FII lên tới 4,3 tỉ đô la trong tháng 12 nhưng lại không có các thương vụ lớn được công bố cũng khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Việc các nhà đầu tư nước ngoài thực ra đang bán ròng trên thị trường niêm yết cho thấy nguồn vốn trên sẽ được thực hiện thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Tuy nhiên, nguồn vốn này được giải ngân vào dự án nào và lĩnh vực gì thì hiện nay cũng chưa được công bố. Khả năng rất cao là đến từ hoạt động M&A trong việc chuyển nhượng các dự án bất động sản, bởi đây vốn là các dự án nhạy cảm và rất ít nhà đầu tư muốn công bố công khai.
Hệ quả của việc khối lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế trong một thời gian ngắn chính là lạm phát. Bài học lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn 2007-2008 vẫn còn nguyên giá trị. Diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong những tháng gần đây đang là một biến số rất khó lường trong năm 2020, mặc dù nguyên nhân chính là do sự tăng giá của thịt heo.
Việc đón thêm khối lượng vốn khổng lồ trong thời gian gần đây có thể sẽ là tác nhân tiếp theo, sau giá thịt heo, đẩy CPI của Việt Nam tăng cao trong năm 2020.
Theo TheSaigonTimes