Bà Victoria Kwakwa. Ảnh TG
(TBKTSG Online) Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa chia sẻ với TBKTSG Online góc nhìn về nợ công, vấn đề sẽ trở nên căng thẳng hơn trong năm 2015 trong một bài viết gởi cho TBKTSG Online.
Vấn đề nợ công đã thu hút sự chú ý rất lớn trong vài tháng qua và chắc sẽ còn là “vấn đề nóng” trong năm 2015. Tôi đã được nghe câu hỏi này vài lần. Câu trả lời của tôi là không, Việt Nam không đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ đang dần tới, song điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể phớt lờ chuyện nợ công đang tăng lên nhanh chóng. Và với nhu cầu tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn – ước tính tới hơn 50 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2014-2020, chỉ tính riêng cho lĩnh vực năng lượng – Việt Nam cần đảm bảo rằng, quốc gia này có thể tiếp cận tín dụng cho các các nhu cầu đầu tư dài hạn cho nền kinh tế, cho con người.
Đặc điểm của các quốc gia mang nặng nợ đã được biết rõ. Trong giai đoạn bùng nổ, các chính phủ, dư dả với các nguồn lực tài chính, thấy các thị trường quá sẵn sàng để vay và đã dễ dàng tăng chi tiêu công. Nhưng khi suy giảm, hoặc xấu hơn là một cú sốc kinh tế, xảy ra, các quốc gia nợ quá nhiều sẽ thấy mình suy kiệt. Thâm hụt tài chính đột nhiên tăng lên và tín dụng cạn kiệt.
Căn cứ vào các phân tích về tính bền vững của nợ công năm 2014 mà Ngân hàng Thế giới đã thực hiện, Việt Nam vẫn còn thuộc diện có nguy cơ thấp đối diện với vấn đề nghiêm trọng – nhưng có thể có vài cú va chạm trên đường, và Việt Nam đang có các điều chỉnh.
Tin tức tốt đầu tiên là các mức nợ công vẫn còn có thể quản lý được. Chi trả lãi suất cho các khoản nợ Chính phủ vẫn thấp hơn 2% GDP. Các mức nợ công nước ngoài hiện tại so với GDP (29%) vẫn ở mức tương đương với 5 năm trước. Vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) so với GDP cũng không thay đổi gần đây, và thường là vốn vay ưu đãi… Thực tế, tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP dự kiến sẽ giảm trong dài hạn. Nói ngắn gon, không có việt vị.
Nợ trong nước, mặt khác, đã gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, và đã bắt đầu gây lo ngại. Yếu tố chính làm tăng nợ công là thâm hụt ngân sách, đã tăng từ 1,1% GDP thăm 2011 lên khoảng 5% ba năm sau đó. Tổng nợ công hiện nay vào khoảng hơn 60% GDP, tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2011.
Thiếu củng cố ngân sách dần dần, thì nguy cơ nợ có thể sẽ tăng nhanh. Cũng có thêm nhiều nguy cơ khác. Khu vực ngân hàng cũng bổ sung thêm áp lực nợ công, làm các mức nợ so với GDP cao hơn ngưỡng có thể chấp nhận hiện nay.
Chính phủ nhìn nhận sự gia tăng nợ công là cần thiết để tài trợ cho các dự án đầu tư công đang thực hiện, và điều này đúng. Đầu tư vào vốn con người, và cơ sở hạ tầng là quan trọng cho tương lai lâu dài của đất nước. Nhưng Chính phủ cũng công nhận rằng, thiếu hụt điều chỉnh tài chính cả ở mặt chi và thu đang tạo ra nguy cơ. Đơn giản là, thâm hụt chi tiêu càng lâu dài, thì càng khó điều chỉnh trên thực tế.
Tuy nhiên, duy trì mức nợ bền vũng không có nghĩa là cắt giảm chi tiêu. Nhiệm vụ hàng đầu bảo vệ rủi ro nợ công là phải phát triển tốt hơn các thị trường tài chính. Ví dụ, bằng việc đa dạng hóa các thị trường nợ, Việt Nam có thể đưa ra thông điệp rõ ràng hơn cho các nhà mua nợ về rủi ro của các danh mục. Một cách khác là tăng kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ - tức phát hành nợ công thành các khoản đầu tư dài hạn cho người mua và giảm rủi do cho người đóng thuế. Bộ Tài chính hiện đang thực hiện các chiến lược này. Họ có thể làm việc này hiệu quả hơn bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu, cung cấp các lựa chọn cho các nhà đầu tư dài hạn, và giảm phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại để củng cố thị trường trái phiếu ở Việt Nam.
Chính phủ cũng cần tiếp tục tăng cường khung thể chế và luật pháp về nợ công và ngân sách nhà nước. Theo đó, một sáng kiến đầu tiên rất quan trọng là thông qua chiến lược nợ công trung hạn, đưa ra kế hoạch vay của Chính phủ dựa trên đánh giá các rủi ro và chi phí của các khoản nợ khác nhau.
Cuối cùng, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ giúp giảm các khoản nợ dự phòng của nhà nước. Như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dạy chúng ta, các cuộc khủng hoảng tài chính có thể có những tác động lâu dài nghiêm trọng đến nền kinh tế. Một hệ thống ngân hàng hiệu quả và mạnh là bệ đỡ quan trọng cho các rủi ro này.
Tóm lại, quản lý rủi ro nợ hôm nay sẽ giúp trả các khoản lớn cho ngày mai.
Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình nợ công
1) Về vay và trả nợ của Chính phủ
- Huy động và sử dụng vốn vay của Chính phủ: vay trong nước ước đạt khoảng 357 ngàn tỷ đồng, bằng 97% dự toán; giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài ước đạt 5.250 triệu đô la Mỹ, bằng 116% kế hoạch năm 2014. Nguồn vốn vay của Chính phủ được sử dụng cho bù đắp cân đối ngân sách nhà nước tương đương 5,3% GDP, đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... theo Nghị quyết của Quốc hội, cho vay lại một số chương trình, dự án đầu tư và dành một phần để đảo nợ.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ với tổng trị giá 1 tỷ đô la Mỹ trên thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất chuẩn mới 4,8%/năm.
- Thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ: ước nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bố trí từ ngân sách nhà nước bằng 14,2% so với tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2014, bằng 100% dự toán.
2) Thực hiện hạn mức bảo lãnh Chính phủ
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) ước đạt 9.987 tỷ đồng, chỉ bằng 25% hạn mức cả năm.
- Bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phát hành ước khoảng 4.502 tỷ đồng, bằng 30% hạn mức.
- Giải ngân của các dự án trọng điểm được bảo lãnh Chính phủ từ vay trong và ngoài nước 2.225 triệu đô la Mỹ, bằng 80,3% hạn mức.
3) Vay của chính quyền địa phương
Tính đến ngày 30-11-2014, tổng số vay của chính quyền địa phương là 13.608 tỷ đồng. Trong đó, vay của VDB để thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, tôn nền vượt lũ là 2.872 tỷ đồng; tạm ứng tồn ngân kho bạc 3.336 tỷ đồng; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 7.400 tỷ đồng (Hà Nội 3.000 tỷ đồng, TPHCM 3.000 tỷ đồng, Đà Nẵng 1.100 tỷ đồng và Bắc Ninh 300 tỷ đồng).
Như vậy, trên cơ sở tình hình vay trả nợ công nêu trên, ước dư nợ công đến ngày 31-12-2014 ở mức 2.395.488 tỷ đồng, bằng 60,3% GDP. Với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua, dự kiến nợ công đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 2.869.000 tỷ đồng, bằng 64% GDP, vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP).