TTCN - Trước hết, xin bàn về chuyện chống rửa tiền, một công cụ phòng chống tham nhũng rất hiệu quả. Các quốc gia thật tâm chống tham nhũng đều đã ban hành luật chống rửa tiền và hầu hết là thành viên của tổ chức chống rửa tiền quốc tế.
Lần này, VN lại cũng chưa. Cũng không hiểu tại sao chống rửa tiền ở ta chỉ mới ở dạng nghị định, văn bản có giá trị pháp lý dưới luật rất xa, lại còn chưa trở thành thành viên của tổ chức chống rửa tiền quốc tế? Đó là chưa kể nghị định chống rửa tiền lại rất nửa vời. Không thấy đề cập gì đến các đề xuất của tổ chức chống rửa tiền quốc tế, theo đó các quan chức cao cấp của quốc gia (ở ta phải thêm các đại gia là giám đốc doanh nghiệp nhà nước - DNNN) chính là một trong những đối tượng chính “bị” giám sát bởi tổ chức tình báo chống rửa tiền trong nước và quốc tế.
Ngoài ra còn hàng loạt vấn đề khác liên quan đến chống tham nhũng. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhất là kê khai tài sản, bắt đầu từ lãnh đạo cao cấp, cũng vẫn là một điều gì đó “lấn cấn”. Chỉ cần một động thái đơn giản, yêu cầu tất cả phải thanh toán qua ngân hàng. Sau này nếu ai đó có bất kỳ tài sản nào nhưng không chứng minh được đã thanh toán qua hệ thống ngân hàng, đích thực tài sản đó là có vấn đề.
Nguy cơ khủng hoảng
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện ở Argentina năm 2001, dẫn đến khủng hoảng chính trị, là do tham nhũng. Ở châu Á, tham nhũng cũng được coi như là nhân tố góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Ngân sách quốc gia đã bị chia chác bởi chính quyền các cấp và nguồn thu khổng lồ từ việc tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh độc quyền đã rơi không ít vào túi các quan chức.
Tình trạng này có khác gì với VN? Tiền vay nợ nước ngoài “vô tư” chảy vào túi các giám đốc do đầu tư tràn lan (để được ăn hoa hồng là chính); cổ phần hóa DNNN thì lại biến rất nhanh từ tài sản công... thành của tư nhân. “Báo cáo phát triển thế giới 2005” của WB còn khuyến cáo nguy cơ khủng hoảng tài chính ở VN, nơi có tới hơn 70% tổng tài sản của hệ thống tài chính chỉ do bốn “đại gia” ngân hàng thương mại quốc doanh nắm giữ. Trong khi đó, ổ bệnh tham nhũng lại nằm ở khu vực nhà nước, với cặp “song sinh” là hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh và DNNN “liên kết” với nhau.
Đó là chỉ mới đề cập đến tham nhũng tài sản công. Đặc thù kiểu VN có thể dẫn đến nguy cơ về một khái niệm rất mới, đó là tham nhũng tài sản tài chính. Tài sản tài chính này có nguy cơ bị tham nhũng và lãng phí rất cao. Nguồn vốn ODA cho ngành giao thông vận tải, vốn được quản lý theo một qui trình rất chặt chẽ, lại có thêm sự giám sát của nhà tài trợ nước ngoài, thế mà còn bị các con bạc triệu đô tùng xẻo (nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất là Chính phủ Nhật đã chính thức có phản ứng về vụ này).
Trong ngắn hạn, ta có thể tự hào với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng có khả năng hậu quả sẽ xảy ra trong dài hạn. Bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế ở Argentina là một minh chứng. Kinh tế nước này vẫn tăng trưởng tốt, lạm phát xuống còn gần như 0% trong giai đoạn 1990-2000, cho dù lúc bấy giờ tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn âm thầm diễn ra nghiêm trọng ở nước này.
Đến năm 2000, kho dự trữ ngoại hối của Argentina hoàn toàn cạn kiệt do chỉ phải lo trả các món nợ nước ngoài trước đó. Khủng hoảng kinh tế dẫn đến tổng thống bị lật đổ. Tham nhũng và lãng phí đã làm cho thị trường mất niềm tin về khả năng trả nợ và uy tín lãnh đạo của chính phủ, đó mới chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn diện và sau đó tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị.
Đánh giá của quốc tế về tham nhũng lệch hướng ở VN
“Báo cáo phát triển VN” năm 2005 của WB khuyến cáo mức độ tham nhũng ở VN trong thời gian gần đây đã có những triệu chứng ngày càng xấu đi nghiêm trọng: “Tham nhũng đã lệch khỏi xu hướng chung so với các nước có cùng trình độ phát triển”. Trong lĩnh vực học thuật, thuật ngữ “lệch hướng” được sử dụng với ý nghĩa không thể xem thường. Đó là lệch khỏi các giá trị, thậm chí là cả giá trị đạo đức, trung bình thường có.
Tham nhũng ở nước nào cũng đều là quốc nạn, song việc bị xếp hạng nằm trong số bảy quốc gia có tình trạng tham nhũng xấu nhất trên thế giới (xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, hạng 97/104 nước) chính là định lượng cụ thể nhất về mức độ của sự lệch hướng, so với các nước có cùng nguy cơ tham nhũng.
Liều thuốc chống tham nhũng
Trong hơn 10 năm qua, đã có biết bao nghị quyết về chống tham nhũng, thế nhưng khối u tham nhũng ngày càng vô phương cứu chữa. Gặp phải thảm trạng này, kinh nghiệm chống tham nhũng từ các quốc gia vô địch thế giới về tham nhũng đáng là bài học để tham khảo. Theo đó, cách tốt nhất là phải quay trở về xem xét căn nguyên mang tính quyết định nhất của căn bệnh: đó là đã có những lỗ hổng hoặc sai lầm cơ bản nào từ chính sự vận hành của hệ thống chính trị (để hiểu thêm vấn đề, xem thêm sách Đương đầu với tham nhũng ở châu Á - NXB Tư Pháp 2005).
Bao giờ chưa dám dũng cảm nhìn thẳng vào những khuyết tật, từ chính bản thân hệ thống, thì chừng đó vẫn chưa thể nào tìm ra được phương thuốc đặc trị chống tham nhũng. Kê khai tài sản, cho dù có từ cấp lãnh đạo cao nhất - ngay cả điều tưởng chừng vô cùng đơn giản như thế cho đến nay vẫn bất khả, hoặc chống rửa tiền, hoặc gì gì đi chăng nữa chắc cũng chỉ là “hoa lá cành”.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng chỉ nhìn nhận nguy cơ tham nhũng chung chung với vài chữ “tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng”. Thậm chí chỉ nhìn nhận tham nhũng ở mức độ là những khó khăn trở ngại, thay vì là đại dịch. So với những “điểm số” mà các tổ chức quốc tế “chấm” cho VN, so với nhận xét của công luận, đánh giá mức độ tham nhũng như thế là không đúng với thực tế.
Tham nhũng hiện đã có những lệch hướng nghiêm trọng: lệch hướng về một bộ phận trung tâm nào đó, về một vùng miền nào đó, lệch xa so với các quốc gia khác có cùng trình độ. Chỉ có dũng cảm nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan mới có thể tìm ra phương thuốc “đặc trị” chế ngự thảm họa này.
Chỉ có như thế (và vẫn chưa muộn) mới hi vọng lấy lại niềm tin từ dân tộc, vốn nổi tiếng là... kiên nhẫn. Và chỉ có như thế vai trò lãnh đạo của Đảng mới được tiếp tục khẳng định một cách tuyệt đối.
PGS.TS Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TP.HCM)