Việt Nam muốn có các cơ sở vật chất chất lượng như các nước phát triển cần phải thay đổi tư duy và cách làm. Nên theo cách làm cái gì chắc cái đó và chúng có thể trường tồn thay vì vừa làm đã hỏng hay xuống cấp rất phổ biến hiện nay.
Gần đây, tôi có dịp trải nghiệm với các cơ sở vật chất ở Việt Nam trên cơ sở so sánh với bên ngoài. Cụ thể với bốn vấn đề sau:
Đầu tiên là hệ thống đường bộ. Tôi đã đi qua (phần nhiều là tự lái) hàng nghìn km từ TPHCM về miền Trung, đi quanh Hà Nội và từ Đà Nẵng ra Huế. Đi qua các trục chính của TPHCM, HN và ĐN; các tuyến cao tốc, quốc lộ 1A và một số tuyến huyết mạch của một số tỉnh kết nối từ trung tâm đến sân bay vừa mới được xây hoặc nâng cấp.
So sánh với cao tốc ở các nước phát triển và Trung Quốc mà họ đã xây cách đây mấy chục năm, tôi thấy chất lượng đường mới xây ở ta thấp hơn rất nhiều. Xe chạy thường xuyên bị giồng sốc. Thêm vào đó, phần lớn đường cao tốc tôi đi qua chỉ cho chạy với tốc độ 80km/h, thấp hơn cả tốc độ cho phép ở khu vực ngoài đô thị của quốc lộ 1A. Thành thử đi cao tốc mà tốc độ lại khá chậm. Đối với các tuyến đường huyết mạch nêu trên, đường rất gồ ghề với khá nhiều sống trâu.
Tiếp theo là các sân bay. Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Phú Bài vừa được nâng cấp và mở rộng. Tuy nhiên khá nhiều bất cập và không khó tìm những chỗ bong tróc và xuống cấp (do chất lượng không đảm bảo).
Thứ ba là các toà nhà cao tầng văn phòng và nhà ở ở HN và TPHCM. Những toà nhà được các công ty bất động sản và xây dựng tư nhân/cổ phần được xem là hàng đầu của VN mới xây trên dưới chục năm mà đã xuống cấp khá nhiều. Tôi đã ở và làm việc trong những toà nhà tương tự ở các nước phát triển đã trên 50 năm tuổi (thậm chí còn cũ hơn và cấp thấp hơn), nhưng chất lượng ở đó về tổng thể vẫn không quá bệ rạc như những toà nhà được xem là cao cấp do tư nhân xây dựng ở ta.
Cuối cùng là cơ sở vật chất của các đại học. Cách phát triển của các đại học nhiều trăm năm tuổi ở các nước phát triển là họ làm từng công trình thật tốt, hài hoà với tổng thể để sau hàng trăm năm chúng vẫn vậy với công năng vẫn được sử dụng. Rất khó tìm được những công trình (chỉ mới xây gần đây) tạo cho chúng ta cảm giác trường tồn ở các làng (đúng hơn nên gọi là đô thị) đại học ở Việt Nam. Thêm vào đó, về mặt kiến trúc tổng thể, các công trình ở ta được xây ở những thời điểm khác nhau đang thiếu sự hài hoà. Tân - cổ không giao duyên với nhau.
Chúng ta khó có thể đổ lỗi các những vấn đề nêu trên ở góc độ kỹ thuật, chi phí và sở hữu. Ví dụ, chi phí xây dựng đường cao tốc ở ta, như đã được chỉ ra, cao hơn mặt bằng chung trên thế giới khá nhiều. Chúng ta cũng không có giới hạn gì về việc áp dụng kỹ thuật từ bên ngoài. Thêm vào đó, các công trình do nhà nước hay tư nhân làm đều có những vấn đề như nhau.
Với cách làm hiện nay, con đường có thể sánh vai với các cường quốc năm châu của Việt Nam chúng ta có lẽ còn rất xa.
Huỳnh thế Du