Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành phố phải công bố thông tin bất động sản, nhà ở xây theo tiến độ. Yêu cầu của Bộ Xây dựng nhằm phục vụ cho thủ tục hành chính "Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua" trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nghị định số 99/2015/NĐ-CP, nghị định 76/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.
Những quy định được Bộ Xây dựng lưu ý gồm: Điều kiện khi đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định và việc thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua; việc bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê loại hình này.
Nhiều dự án chưa đủ điều kiện đã huy động vốn của người dân. (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, 2 quy định khác cũng được Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm là quy định về việc thế chấp, điều kiện thế chấp với dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai và quy định về giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận.
Các địa phương được yêu cầu phải tổng hợp báo cáo về kết quả và tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua trước ngày 15/6/2021.
Theo quy định pháp luật, nhà ở hình thành trong tương lai phải hoàn thành móng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì mới được tiến hành giao dịch chuyển nhượng. Giai đoạn chờ cấp phép xây dựng, hoàn thành móng và nghiệm thu đòi hỏi thời gian nhất định. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư khó lòng chờ dự án đến khi đủ điều kiện mở bán vì sợ không cạnh tranh được với những dự án khác cùng phân khúc, nên họ đưa ra các phương án như “bán lúa non”.
Theo giới chuyên gia, nếu chủ đầu tư có uy tín, thực hiện đúng cam kết thì vẫn bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, rất nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và đẩy khách hàng vào tình trạng rủi ro.
Để hạn chế tình trạng này, phương án tốt nhất là chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản hình thành trong tương lai, có cơ chế phối hợp với các sở, ban ngành để ngăn ngừa và xử lý các dấu hiệu kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện.
Chính quyền cũng cần quản lý việc phân lô, tách thửa theo quy hoạch được duyệt, thanh tra, kiểm tra kịp thời đối với những dự án trái phép. Đồng thời xử lý nghiêm dự án sai phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
CHÂU ANH - Theo VTC