Chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn của Nhật chỉ tăng mỗi năm chứ không giảm, buộc các cư dân trẻ phải gò mình vào những không gian tưởng chừng khó sống: căn hộ siêu nhỏ, không bếp, thậm chí không có chỗ tắm.
Một phòng tắm công cộng ở Nhật. Ảnh: Yasuyuki Takagi/Nikkei
Kiểu căn hộ không có bồn tắm lẫn vòi sen từng phổ biến tại Nhật vào thập niên 1950 - 1970, khi các đường ống nước nóng cho hộ gia đình còn chưa phổ biến.
Mô hình này dần biến mất trong những năm kinh tế Nhật hưng thịnh hậu thế chiến.
Giờ thì cư dân trẻ độ tuổi 20 - 40 tại các thành phố lớn, bao gồm cả Tokyo, lại đang tìm về mô hình này như một cách theo đuổi lối sống tối giản chứ không đơn giản là vì muốn tiết kiệm tiền.
Phòng tắm công cộng cũng là nhà
Shin Noguchi, một nhân viên văn phòng 27 tuổi sống tại Tokyo, đã chọn chuyển tới một căn hộ không phòng tắm vào đầu năm 2022. Bố cục căn hộ tương đối đơn giản: một phòng vệ sinh kiểu Nhật, một căn bếp nhỏ, cùng không gian chính rộng khoảng sáu chiếu tatami (khoảng 11m2). Mỗi tháng, Noguchi chỉ phải trả 40.000 yen (7,2 triệu đồng) - mức giá tương đối hấp dẫn cho không gian nằm ngay cạnh quận trung tâm Shibuya.
"Mục tiêu của tôi là sống trong một không gian ít thừa thãi nhất có thể, để sống với những thứ tôi thực sự cần. Không gian 15m2 này là vừa đủ với tôi. Tôi thấy hết sức thoải mái ở đây", anh nói với tạp chí Nikkei. Theo Noguchi, việc cọ rửa nhà tắm thường xuyên không hề dễ chịu; nay gánh nặng ấy đã được trút khỏi vai anh. "Tôi thường tới nhà tắm công cộng sau giờ làm, nó giúp tôi chuyển đổi nhịp nhàng giữa công việc và cuộc sống" - anh nói.
Tokyo Sento Fudosan, một trang web chuyên đăng tin cho thuê nhà không phòng tắm tại Nhật, đang nhận thấy loại hình nhà ở này đang ngày một phổ biến với người trẻ độc thân. Khoảng 60% số khách hàng hỏi thuê căn hộ tại đây là nam giới, đại diện công ty cho biết.
Theo Yuichi Kato, giám đốc Công ty Sento Gurashi chuyên phát triển nhà ở không phòng tắm, mô hình nhà ở này khuyến khích người thuê mở rộng cuộc sống ra khỏi bốn bức tường và tiếp xúc nhiều hơn với cộng đồng địa phương.
Hiện đang khai thác một tòa nhà ở quận Suginami (Tokyo), Kato đã thuyết phục chủ nhà dành một căn hộ trong tòa nhà làm phòng sinh hoạt chung cho khách thuê, đồng thời tặng mỗi khách 10 vé vào nhà tắm công cộng khi họ thuê nhà với mức giá 60.000 yen (10,8 triệu đồng)/phòng/tháng.
Sau khi đăng tin lên mạng xã hội, Kato nhận được hơn 50 đơn đăng ký thuê nhà từ cư dân trong độ tuổi 20 - 30, dù chỉ có 3 phòng còn trống. "Ý tưởng dùng phòng tắm cộng cộng, đồng thời cho phép cư dân trong tòa nhà kết nối với nhau, đã được đón nhận nhiệt liệt" - Kato cho biết.
Căn hộ của Arata Noguchi ở quận Shibuya (Tokyo, Nhật Bản). Ảnh nhân vật cung cấp cho VICE News
Tổ ấm siêu nhỏ
Tokyo xưa nay vốn đã có tiếng là đắt đỏ và đông đúc, nơi các căn hộ không thể quá rộng rãi. Tuy vậy, các bên cho thuê nhà vẫn không ngừng nghĩ ra các cách "cắt gọt" mới để tiết kiệm diện tích - những căn hộ nhỏ tới 6m2 vẫn đang được tạo ra, thậm chí được những người thuê trẻ săn đón.
Sau một ngày làm việc căng thẳng ở một văn phòng thuộc hệ thống giải đấu bóng chày chuyên nghiệp của Nhật Bản, Asumi Fujiwara trở về căn hộ của mình và trải thảm ra tập yoga. Trên chiếc thảm dài vừa bằng khoảng cách từ kệ bếp nhỏ đến cửa nhà vệ sinh, cô phải xoay xở biến tấu các bài tập: thay vì duỗi thẳng tay, đôi khi cô phải gập khuỷu tay vào sát người.
"Tôi phải thay đổi động tác đi một chút, nếu không sẽ va vào thứ gì đó", cô nói về căn hộ 9m2 của mình với báo The New York Times. Dù đang hẹn hò, Fujiwara cũng cho biết cô chưa từng mời người yêu mình về nhà trong suốt 2 năm ở căn hộ nhỏ. "Không gian này là dành cho mình tôi" - cô cho biết.
Spilytus, một công ty bất động sản ở Tokyo, thậm chí đang phát triển những căn hộ còn nhỏ hơn. Vốn đã quản lý những căn hộ siêu nhỏ từ năm 2015, công ty này đang cung cấp dịch vụ cho hơn 1.500 khách hàng tại hơn 100 tòa nhà khác nhau, trong bối cảnh nhu cầu thị trường ngày một tăng.
Với diện tích vỏn vẹn 4m2 cùng khu vực trần lửng để đặt đệm ngủ, những căn hộ này có kích thước chỉ bằng một nửa các căn hộ đơn phòng thông thường ở Tokyo. Dù vậy, các căn hộ này không hẳn là dành cho người thu nhập thấp. Chúng có tường và sàn mới toanh cùng đầy đủ máy giặt, tủ lạnh, sofa và bàn làm việc. Giá thuê những căn này tương đương 8 - 15 triệu đồng/tháng, nhỉnh hơn các khu nhà cũ ở Tokyo (dù vậy vẫn thấp hơn khoảng 20 - 30% so với các căn studio trong cùng khu vực).
Dù khiêm tốn về mặt diện tích, các dự án căn hộ này vẫn được giới trẻ sành điệu ở Tokyo săn đón nhờ vị trí đẹp, gần các khu vực như Harajuku, Nakameguro và Shibuya - nơi có nhiều cửa tiệm, quán cafe và nhà hàng nổi tiếng. Các căn hộ này cũng thường được đặt gần trạm tàu điện ngầm - một ưu tiên tối quan trọng của cư dân trẻ Tokyo.
Nếu không muốn "thu mình"...
Tuy vậy, cảnh sống chen chúc chắc chắn không phải là giấc mơ của hầu hết người dân đô thị, đặc biệt là những gia đình trẻ có con nhỏ. Sau thời kỳ đại dịch, thành phố Tokyo đắt đỏ ngày càng mất đi sức hấp dẫn khi nhiều người lao động nhận ra công việc của mình hoàn toàn có thể làm từ xa.
Trong năm 2021, dù số người di cư về Tokyo vẫn nhiều hơn số chuyển đi, con số người di cư ròng vẫn chạm mức thấp nhất trong lịch sử. Khoảng 414.000 người đã từ bỏ khu vực thủ đô trong năm 2021, phần lớn di chuyển sang các tỉnh lân cận như Saitama, Chiba hay Kanagawa. Nhưng ngày càng có nhiều người di cư đến các khu vực xa hơn, tận dụng hệ thống giao thông cộng liên tỉnh của Nhật để vẫn có thể làm việc hay ghé thăm Tokyo.
Trao đổi với Nikkei, một người lao động 33 tuổi cho biết anh đã chuyển từ Tokyo đến tỉnh Gunma (hơn 130km) sau khi tính đến các lý do dịch bệnh và gia đình. "Tôi chưa muốn thay đổi công việc nên tôi vẫn ở lại trong khoảng cách có thể đi lại đến văn phòng ở Tokyo. Chúng tôi được sống trong một căn nhà rộng hơn bao giờ hết, con cái của chúng tôi cũng được ở gần thiên nhiên hơn" - anh cho biết.
Nguyện vọng rời khỏi phố thị thủ đô của người dân đang được lãnh đạo Tokyo hết sức ủng hộ. Cuối năm ngoái, thành phố này công bố sẽ tăng mức hỗ trợ từ 300.000 lên 1 triệu yen (180 triệu đồng)/trẻ cho các gia đình Tokyo đồng ý tái định cư sang các tỉnh lân cận. Cộng thêm các khoản hỗ trợ khác, một gia đình hai con ở Tokyo có thể nhận được tới 5 triệu yen để dọn về quê sống, tờ The Guardian ước tính.
Dù vậy, khoản tiền cũng đi kèm ràng buộc: Các gia đình phải sống tại điểm tái định cư ít nhất 5 năm và ít nhất một thành viên trong gia đình phải làm việc hoặc thành lập công ty tại địa bàn. Theo Insider, các nhà chính sách đứng sau kế hoạch tái định cư này không có mong muốn khuyến khích các nhóm "du mục kỹ thuật số" (digital nomad) - những người làm việc từ xa trong lúc du ngoạn, không ở cố định tại một địa điểm. Thay vào đó, họ hy vọng có thể thu hút các nhân lực có chất lượng xây dựng cuộc sống mới tại các vùng lân cận, nơi người lao động trẻ đã bị thu hút bởi ánh sáng thị thành và ít có mong muốn ở lại đóng góp cho quê hương.■
Trong lúc phong trào sống tối giản đang ngày càng được đón nhận, ngày càng nhiều người trẻ Tokyo chấp nhận những căn hộ "hộp diêm" để theo đuổi lối sống mới, cắt giảm lượng đồ đạc sở hữu. Không gian nhỏ đồng nghĩa với việc đón bạn bè về chơi không được thoải mái, nhưng đấy cũng không phải là vấn đề: theo The New York Times, người Nhật không có tục lệ phải đón khách về nhà chơi, với 1/3 dân số chưa từng mời bạn về nhà.
Bên cạnh đó, cung cách làm việc nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày cũng không cho phép người trẻ Nhật độc thân dành quá nhiều thời gian ở nhà, kéo theo việc nấu nướng hay có kệ bếp lớn cũng không còn quá quan trọng. Với họ, một chốn vừa đủ thoải mái để đặt lưng sau những giờ làm việc hay chen chúc trên tàu điện ngầm đã là quá đủ.
TÙNG LÊ - Theo Tuổi Trẻ