Điều này đi ngược với giả định của thị trường rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay và lãi suất sẽ giảm xuống dưới 4% vào tháng 1/2024.
Ông Dimon nói thêm, ông đã khuyên toàn bộ khách hàng chuẩn bị cho nguy cơ lãi suất cao hơn.
“Giờ sẽ là lúc để điều chỉnh mọi thứ. Đừng đặt bản thân vào vị thế gây rủi ro quá nhiều cho công ty, doanh nghiệp và danh mục đầu tư của bạn”, ông Dimon nhấn mạnh.
Chủ tịch JPMorgan Chase cũng cảnh báo, lãi suất cao hơn sẽ gây thêm áp lực cho các ngân hàng tầm trung như First Republic – vốn đã bị rút tiền gửi hàng loạt trong đợt khủng hoảng ngân hàng vào tháng 3. Giá trị trái phiếu của ngân hàng First Republic cũng sẽ sụt giảm khi lãi suất tăng và ngân hàng này đang nhận lời cố vấn của JPMorgan và Lazard.
Ông Dimon kỳ vọng các ngân hàng địa phương sẽ công bố những kết quả kinh doanh khả quan vào tuần tới, nhưng ông cũng lo ngại rằng có thể có thêm “một vài vụ sụp đổ ngân hàng” nữa.
Về tình hình kinh doanh quý I/2023, JPMorgan vẫn có tăng trưởng ấn tượng bất chấp đợt khủng hoảng ngân hàng vừa qua tại Mỹ. Cụ thể, lợi nhuận của JPMorgan tăng 52% lên 12,62 tỷ USD, còn doanh thu tăng 25% lên 38,3 tỷ USD.
Kết quả kinh doanh trên cho thấy các ngân hàng lớn với các mảng kinh doanh đa dạng và nắm giữ hàng nghìn tỷ USD tài sản đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn các ngân hàng có vốn hoá nhỏ và trung bình. Điều này cũng cho thấy hiệu quả của chính sách yêu cầu các ngân hàng tăng nguồn vốn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 của các nhà chức trách Mỹ.
Các ngân hàng cũng đang xây dựng các quỹ phòng ngừa rủi ro do lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát, cũng như tình trạng thiếu ổn định trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây. Vụ các ngân hàng liên tiếp sụp đổ trong tháng trước đã khiến giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng sẽ lan rộng.
Ông Jamie Dimon nhận định: “Mọi người cần chuẩn bị cho khả năng lãi suất tăng cao hơn và kéo dài hơn dự báo. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ phơi bày nhiều vấn đề trong nền kinh tế, nhất là với những đối tượng dễ bị tổn thương với mức lãi suất thả nổi và những đối tượng dễ gặp rủi ro tái cơ cấu nợ”.
Lãi suất cao đã giáng đòn nặng nề tới kinh tế Mỹ trong năm nay, từ các ngân hàng khu vực cho tới người tiêu dùng không quá dư dả để có thể chịu được mức lãi suất vay thế chấp hoặc nợ thẻ tín dụng. Fed đã đẩy lãi suất lên mức 4,75% - 5% trong năm qua để kiềm chế lạm phát.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây đã làm nhiều người tin rằng việc kinh tế giảm tốc sẽ buộc Fed phải đảo chiều chính sách và giảm lãi suất trong năm nay.
Diệp Anh - Theo báo chí nước ngoài