TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Chữ “tĩnh” trong thời “động”

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(TBKTSG) - Theo dõi dòng thời sự ở thời điểm này, dễ thấy mọi thứ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn thường được xới lên rất nhanh và cũng lụi tàn rất nhanh. Có những chuyện hệ trọng thuộc về an sinh, quốc phòng, phong hóa dân tộc cũng không nằm ngoài tính bộc phát bộc tàn của xã hội thông tin.

Một xã hội “động” là cách nói chung chung về xã hội công nghệ truyền thông. Và sẽ “động” hơn trong một bối cảnh văn hóa, nơi mà sự nghiêm túc, lý tính hay khoa học dễ bị coi rẻ.

Dù mỗi thời mỗi khó, song làm một cá nhân được coi là trưởng thành trong xã hội hôm nay, xem ra khó khăn bội phần so với những xã hội truyền thống - những xã hội được đặt trên các nền tảng giá trị tương đối thuần nhất. Đơn giản, biết mình phải nghĩ gì, độc lập trong một khung cảnh huyên náo của tha lực ngoại tại là chuyện đã nan giải, mà làm sao để không biến mình thành nước cờ thí trong tay một thế lực mờ ám nào đó đứng sau những đám đông hỗn độn lại càng khó khăn hơn.

Làm sao để trở thành những cá nhân độc lập trong kỷ nguyên của đám đông?

Câu chuyện người Việt đang học hỏi những quốc gia phát triển bên ngoài để phát triển đang được ráo riết thực hiện. Nhưng đôi khi, trong sự học hỏi, không tránh khỏi cái hội chứng ngưỡng mộ mù quáng kiểu đại chúng dễ dãi. Nghĩa là đặt sự học hỏi trên cơ sở hình thức, thấy cái cần học hỏi là những cái phù phiếm chỉ cải thiện tính bề mặt trong khi đó không nhìn vào sâu xa của những bài học làm nên căn nguyên của phát triển. Ví dụ, ngày nay nhiều người Việt vì quá “cuồng tín” sự phát triển của Nhật Bản mà bằng mọi giá đẩy con sang Nhật Bản du học, nhiều gia đình Việt mỗi năm bỏ hàng tỉ đồng đi Nhật Bản để du lịch, tiệm ăn Nhật mọc lên như nấm ở Sài Gòn, Hà Nội đa phần ăn nên làm ra vì nhiều người Việt biết ăn món Nhật, đúng kiểu Nhật...

Vậy nhưng những bài học giản đơn làm nên phẩm cách, giá trị nội tại của người Nhật Bản hiện đại (ví dụ tính kỷ luật tự thân, sự khắc kỷ, nguyên tắc của cá nhân, tinh thần biết nhận lỗi...) là những thứ mà chúng ta mù mờ hoặc thấy khó quá, không muốn học.

Từ đây, cho thấy một tâm lý thích bắt chước hơn là học hỏi nghiêm túc và căn bản. Cái phân biệt giữa sự bắt chước và sự học hỏi thực sự, đó chính là khả năng tĩnh tại. Nhưng đơn giản, chúng ta ít trang bị kỹ năng và năng lực tĩnh tại. Người học hỏi sẽ phải tĩnh tại để biết mình cần học gì, cái gì cần cho đời sống của mình, sự tĩnh tại cho ta sự tập trung để tiếp nhận, phán đoán rồi mới thực hành những tri thức, kiến thức hay kinh nghiệm đến từ bên ngoài. Người bắt chước sẽ dễ dãi nương theo xung năng, chạy theo cái nóng hổi thời thượng, cái bung xung bề mặt và dễ trở thành người nóng vội, bề mặt đổi màu liên tục nhưng nội tâm chẳng thâu nhận được gì mới mẻ.

Lại nói tới tính cách người Nhật Bản. Có một thứ kỹ năng đơn giản mà hầu hết các trường học Nhật Bản truyền thụ cho học sinh, đó là bài học “yonmoku”, hay còn gọi là “bốn thực hành tĩnh lặng”. Yonmoku gồm có: asadokusho (buổi sáng đọc sách trong tĩnh lặng) dạy cách dành ra chừng 15 phút buổi sáng khi tâm trí còn chưa có nhiều tạp niệm để đọc thầm những trang sách trong yên tĩnh như một cách tiếp dinh dưỡng tinh thần; mokudo seiso (vệ sinh trường lớp trong im lặng) dạy tính chủ động, trách nhiệm, nghĩa vụ tự thân với tập thể và cảm nhận sâu giá trị của phục vụ, lao động; mokko (suy nghĩ trong tĩnh lặng) chỉ cần một vài phút mỗi ngày thực hành điều này, người ta sẽ học được bài học về sự bình tĩnh, sáng suốt, và mokudo ido (sự di chuyển trong tĩnh lặng) là sự tôn trọng nguyên tắc công cộng, trật tự, tránh góp phần tạo ra sự huyên náo của những đám đông điên loạn.

Triết lý từ bài học “yonmoku” có thể nói, là một trong những thứ kiến tạo nên tính cách tĩnh tại và độc lập của người Nhật hiện đại. Người quản lý xã hội cần tĩnh tại để hiểu dân chúng, hiểu bối cảnh thế giới để những chính sách đối nội, đối ngoại được khả thi, hợp tình hợp lý, đem lại hạnh phúc, hài hòa. Người học cần sự tĩnh tại để thấy việc học là mở rộng hiểu biết tự thân, không việc gì chạy theo thành tích hào nhoáng. Người làm lao động cần tĩnh tại để làm tốt trách nhiệm của mình với tính kỷ luật cao. Trong hoạn nạn, sự tĩnh tại giúp những cá nhân giữ ý chí, nguyên tắc sống, không xô bồ chụp giật theo sai khiến của bản năng sinh tồn...

Có lý khi ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng chọn chữ “tĩnh” cho năm mới 2016 này (theo Tuổi Trẻ). Nhưng nền tảng của chữ “tĩnh” nơi mỗi cá nhân độc lập cho đến một quốc gia độc lập, không phải trên lý thuyết suông để trở thành nơi núp bóng của sự thiếu quyết đoán hay né tránh, bạc nhược trước những thực tế bức thiết đời sống, lịch sử đặt ra, mà là một năng lực tĩnh lặng để kiện toàn, xây dựng nội lực, sáng sủa và bản lĩnh hơn trong quan điểm, hành xử trước bối cảnh. Tĩnh để biết mình nghĩ gì, sẽ phải làm gì để thay đổi bản thân và thực tế trong thế giới bất định hôm nay.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness