TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 9
  • Hôm nay: 1056
  • Tháng: 11505
  • Tổng truy cập: 5144823
Chi tiết bài viết

Chuyên đề chiến tranh lạnh Mỹ Trung 2020

Hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc dường như đang bước vào cuộc chiến tranh lạnh chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Tương lai thế kỷ 21 của nhân loại sẽ phụ thuộc vào cuộc chiến này.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 2

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khoe với Chủ tịch Tập Cận Bình một đoạn băng, ghi lại cảnh cháu gái 6 tuổi Arabella của mình hát và đọc thơ bằng tiếng Quan Thoại. Bà Bành Lệ Viện, phu nhân ông Tập vỗ tay và nói “Wonderful!” (Tuyệt vời) sau khi xem xong màn trình diễn đó.

Cũng giống như Jared và Ivanka, nhiều bậc phụ huynh Mỹ tin rằng việc cho con học tiếng Trung sẽ có lợi cho việc nộp hồ sơ đại học và tương lai sau này. Một điều tra năm 2017 của Hội đồng Giáo dục Quốc tế Mỹ cho thấy khoảng 227.000 học sinh Mỹ đang học tiếng Trung.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là nước có nhiều học sinh, sinh viên tới Mỹ du học nhất, với con số lên tới khoảng 363.000, chiếm tới 30% lượng du học sinh tại Mỹ. Những con số này khiến chẳng ai có thể nghĩ tới cụm từ chiến tranh lạnh, sinh viên Trung Quốc thậm chí phải tới các nước lân cận như Việt Nam, Singapore hay Nhật Bản để thi các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS hay SAT vì các trung tâm ở đại lục luôn trong tình trạng quá tải.

Thậm chí việc các lãnh đạo Trung Quốc cho con cái tới Mỹ du học đã là chuyện phổ biến. Sau Đặng Tiểu Bình, 4 nhà lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc đều gửi con tới Mỹ du học. Bản thân con gái của ông Tập Cận Bình là Tập Minh Trạch cũng theo học chuyên ngành Tâm lý học và tiếng Anh tại Harvard.

Một phần nào đó, mọi thứ có vẻ như được chuẩn bị để giữ cho mối quan hệ hai nước đi đúng hướng. Các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây không gửi con cái mình tới những trường Ivy League.

Quay trở lại với đoạn băng của Arabella, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn bình luận về việc này trong buổi họp báo thường kỳ. “Arabella với tư cách là sứ giả nhỏ tuổi cho quan hệ hữu nghị Mỹ - Trung được người dân Trung Quốc hết sức quý mến. Tôi tin điều này sẽ giúp thu hẹp cảm xúc và khoảng cách giữa người dân Trung Quốc và Mỹ”, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao, phát biểu trước các phóng viên vào ngày 9/11/2017.

Nhưng chưa đầy hai năm sau, những kỳ vọng đó đã không còn. Mỹ và Trung Quốc leo thang đối đầu với cuộc chiến thương mại chưa biết hồi kết. Mâu thuẫn không chỉ nằm ở con số hàng trăm tỷ USD thâm hụt thương mại giữa hai bên, mà còn kéo sang các lĩnh vực khác, khi hai siêu cường dường như bước vào cuộc chiến tranh lạnh chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 3

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện “cải cách và mở cửa” cách đây 40 năm, “lợi nhuận” trở thành điều quan trọng nhất trong mối quan hệ của Bắc Kinh và Washington. Vẫn có những mâu thuẫn, vẫn có những chỉ trích lẫn nhau, nhưng lãnh đạo hai bên hiểu rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang hưởng lợi từ quan hệ thương mại, và việc tập trung vào lợi ích chung này đi cùng với các nhượng bộ ở mặt khác.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 một lần nữa cho thấy mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa hai nước, một bên là nước Mỹ với thị trường tiêu thụ khổng lồ, và bên kia là Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó bằng việc sản xuất hàng giá rẻ. Trung Quốc vượt qua Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và có cả những thuật ngữ mới được tạo ra để chỉ quan hệ thương mại giữa hai bên, như là “Chimerica” hay “Nhóm G2”.

Nhưng rồi đột nhiên lợi nhuận không còn là câu trả lời quan trọng nhất. Trong những năm gần đây, những thảo luận về hợp tác thương mại dần nhường chỗ cho những phân tích về cạnh tranh chiến lược và đe dọa an ninh. Thay vì vẽ lên những bức tranh tương lai hấp dẫn, các học giả hai bên bắt đầu nhắc tới những so sánh lịch sử.

Người ta kể về năm 1914, khi tham vọng của Anh và Đức vượt qua mối quan hệ thương mại giữa hai bên. Trong khi đó, các học giả Trung Quốc bị ám ảnh bởi “Bẫy Thucydides” – cụm từ được tạo ra bởi giáo sư Graham Allison, nhà khoa học chính trị hàng đầu của Harvard – nói về việc sự nổi lên của siêu cường mới tạo ra nỗi lo sợ của siêu cường cũ, khiến căng thẳng leo thang, dẫn tới xung đột, như trường hợp của Athens và Sparta vào thế kỷ thứ 5 trước CN.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 5

Sự trỗi dậy của Trung Quốc luôn được cho là sẽ dẫn tới những thay đổi trong trật tự thế giới. Nhưng thật khó dự đoán chính xác những thay đổi đó, khi Trung Quốc vừa là đối tác thương mại lớn nhất, vừa là thách thức kinh tế lớn nhất, lại vừa là đối thủ lớn nhất đe dọa lợi ích chiến lược của Mỹ. Đây là điều hết sức mới. Nhật Bản từng khiến Mỹ lo lắng khi sự phát triển của nước này trong thập niên 1970-1980 khiến thâm hụt thương mại giữa hai nước tăng 25 lần trong vòng 10 năm. Nhưng về mặt chính trị, Nhật Bản là đồng minh bền chặt của Mỹ, và cũng hoàn toàn hợp tác với Washington về quân sự.

Liên Xô có thể được coi là đối thủ của Mỹ về cả địa chính trị lẫn tư tưởng, và hai quốc gia đã có cuộc Chiến tranh Lạnh lịch sử trong nửa sau thế kỷ 20, nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước chưa bao giờ phát triển. Vào năm 1987, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Liên Xô chỉ đạt 2 tỷ USD một năm, chỉ chiếm 0,25% hoạt động thương mại của Mỹ. Để so sánh, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018 đạt 2 tỷ USD một ngày, tương đương 13% hoạt động thương mại của Mỹ với thế giới.

Các sản phẩm của thời đại mới cũng mang tới những lo ngại mới, việc chính quyền Tổng thống Trump phản đối việc sử dụng sản phẩm viễn thông của Huawei để phát triển mạng 5G trong nước là ví dụ cho thấy quan hệ thương mại song phương sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tương lai. Trước đây, khi sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc sang Mỹ là quần áo, giày dép hoặc thép và các vật liệu thô khác, chẳng có ai ở Washington lo ngại những mặt hàng đó đe dọa an ninh quốc gia.

Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc không có một liên minh chính thức rộng lớn như Liên Xô trước đây, sự trỗi dậy của quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn khiến Lầu Năm Góc tăng cường thảo luận về các kế hoạch tương lai. Do Mỹ đã theo đuổi chính sách “sự hiện diện tiên phong” từ những năm 1980 (hoạt động ở gần tuyến phòng thủ của đối phương), sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc khiến quân đội Mỹ đau đầu trong việc đưa ra quyết định: hoặc là tìm cách mới để có thể chiến đấu hiệu quả ở phía tây Thái Bình Dương, hoặc là lùi về và buộc đối thủ phải tham chiến xa nhà.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 6

Nỗi lo của Mỹ được thể hiện rõ nhất ở Washington, nơi các chính trị gia của cả phe Dân chủ và Cộng hòa - dù đang cạnh tranh gay gắt lẫn nhau - đều nhất trí về việc phải cứng rắn với Bắc Kinh.

Tháng 10 năm ngoái, Nhà Trắng tổ chức cuộc gặp không công khai giữa đại diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ với chính phủ, với sự tham dự của Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Dan Coats và Thượng nghị sĩ Mark Warner của đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa. Ông Rubio cho rằng Trung Quốc là “mối đe dọa toàn diện nhất mà đất nước chúng ta từng phải đối mặt”, và chỉ trích mô hình kinh doanh ở Thung lũng Silicon, trong đó các công ty khởi nghiệp chỉ chăm chăm vào phát triển để bán lại cho các nhà đầu tư, mà không quan tâm rất nhiều trong số này đến từ Trung Quốc.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 7

Các thành viên quốc hội cũng đã soạn thảo để xuất một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với sản phẩm được coi là quan trọng với an ninh quốc gia, đặc biệt là từ các ngành được ưu tiên trong kế hoạch Made in China 2025 – thạm vọng xây dựng những công ty hàng đầu trong 10 lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài vào Mỹ (CFIUS).

Mặc dù đảng Dân chủ thường xuyên chỉ trích Tổng thống Trump về rất nhiều vấn đề, họ tỏ ra hoàn toàn ủng hộ với chính sách cứng rắn mà người đầu Nhà Trắng đưa ra. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer lãnh đạo phe Dân chủ ở thượng viện và là người từng nhiều lần công kích tổng thống (ông Trump gọi ông Schumer là “Chuck khóc lóc”). Nhưng sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thượng nghị sĩ đến từ New York nói: ““Hãy cứng rắn với Trung Quốc. Thưa Tổng thống Trump. Đừng lùi bước. Mạnh mẽ là cách duy nhất để giành chiến thắng trước Trung Quốc”.

Một thượng nghị sĩ Dân chủ khác, ông Chris Coons đến từ bang Delaware, thì nhận xét việc bày tỏ quan điểm diều hâu với Trung Quốc ở thời đại này “có thể so sánh với những năm 1950 khi không có mất thiệt hại về mặt chính trị nếu thể hiện quan điểm chống Liên Xô”.

Economist nhận định, từ phía bên kia, Bắc Kinh ngày càng hoài nghi về Washington. Trung Quốc cảm thấy không công bằng khi Mỹ chỉ trích sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Tập, nhưng Washington lại ngày càng rút khỏi những hiệp định và thể chế toàn cầu. Trong khi chính quyền Obama tìm cách thuyết phục Trung Quốc ký hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, chính quyền ông Trump lại rút khỏi nó.

Trung Quốc tuyên bố nước này không lên kế hoạch vượt mặt Mỹ, nếu nền kinh tế của họ trở thành lớn nhất thế giới, đó là vì dân số của họ lớn hơn nhiều, và họ muốn người dân có cuộc sống tốt hơn. Theo Economist, một số học giả và lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy ngột ngạt khi nước Mỹ dường như thách thức tham vọng của Trung Quốc nhằm đạt được sự giàu có đó.

Trung Quốc hiểu rằng để quốc gia trở nên lớn mạnh, của cải và sự giàu có là không đủ. Sự thất bại của nhà Thanh trước các nước châu Âu đã chứng minh điều đó và việc phát triển kinh tế phải đi đôi với xây dựng quân đội và sáng tạo công nghệ.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 8

Một số hình thức cạnh tranh có thể diễn ra công bằng, những vẫn kết thúc với lợi ích chủ yếu thuộc về một phía. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, việc trở thành người tiên phong sẽ mang lại lợi thế lớn cho các quốc gia hoặc doanh nghiệp đi đầu, cho phép họ đặt ra các tiêu chuẩn mà những người tham gia sau không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân theo.

10 năm trước, các công ty Mỹ dẫn đầu trong việc đưa vào hoạt động thế hệ mạng 4G, thiết lập tiêu chuẩn cho các thiết bị di động cầm tay và ứng dụng mới trên toàn thế giới. Sự thống trị đó giúp Apple, Google và các doanh nghiệp Mỹ khác tạo ra doanh thu hàng tỷ USD. Chính phủ Trung Quốc đã học được bài học này và đầu tư 180 tỷ USD để triển khai hệ thống mạng 5G trong 5 năm tới cho 3 nhà mạng nhà nước. Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, là nhân vật chính trong cuộc đua này và cũng trở thành mục tiêu kiểm soát gắt gao của giới chức Mỹ. Mặc dù Washington cố gắng kêu gọi và gây áp lực với các nước đồng minh để họ không sử dụng những sản phẩm Trung Quốc, Lầu Năm Góc nhận định hầu hết quốc gia trên thế giới nhiều khả năng sẽ vẫn sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei hoặc ZTE do sự hiệu quả trên giá thành sản phẩm vượt trội so với các sản phẩm của Mỹ hoặc châu Âu.

Những chính sách bảo hộ của Trung Quốc với các công ty công nghệ nước nhà cũng giúp họ nhanh chóng bắt kịp các công ty Mỹ. Vào năm 2009, 10 công ty công nghệ lớn nhất thế giới đều đến từ Mỹ, nhưng hiện tại, một vài cái tên trong số này là công ty Trung Quốc. Sự cạnh tranh giữa hai cường quốc trong lĩnh vực Internet cũng có thể dẫn tới cái được gọi là “splinternet”, tức là hai thế giới mạng song song, thứ gần như đã trở thành thực tế khi các trang web có thể truy cập được ở Trung Quốc đều phải trải qua một lớp kiểm duyệt gắt gao. Mới đây nhất, trang Wikipedia đã không còn có thể truy cập được ở Trung Quốc.

Bên cạnh Internet, hai cường quốc cũng cạnh tranh gắt gao trong các lĩnh vực khác như AI, xe điện, máy tính lượng tử… Mỹ hiện vẫn vượt trội trong việc sản xuất chip vi tính, hàng không vũ trụ, phần mềm và AI nhưng các quan chức nước này đặc biệt lo ngại với kế hoạch Made in China 2025 – tham vọng của Bắc Kinh nhằm giúp các công ty Trung Quốc đứng đầu trong những lĩnh vực này.

Không chỉ các công ty công nghệ, các lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng đang bắt kịp rất nhanh với quân đội Mỹ. Bắc Kinh bắt đầu từ bỏ những vũ khí cũ kỹ từ thời Liên Xô, và phát triển máy bay chiến đấu và tàu chiến của riêng mình. Trung Quốc cũng phát triển tên lửa chống hạm và tăng cường đội tàu ngầm của mình, quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông để xây dựng hệ thống radar và sân bay. Chủ tịch Tập thúc giục hải quân phát triển phương hướng tác chiến ngoài đại dương và cải cách triệt để lực lượng lục quân, xây dựng PLA theo hướng hiện đại và tăng cường khả năng di động.

Ông Karl Eikenberry, cựu trung tướng quân đội, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Stanford, cho biết: “Đang có cuộc tranh luận gay gắt trong quân đội Mỹ về cách ngăn những nỗ lực tăng tốc của PLA nhằm kiểm soát Biển Đông”.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 10

Điều này chắc chắn là dẫn đến những thay đổi từ góc nhìn của Washington, Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) năm 2006 tuyên bố Mỹ cần “tìm cách khuyến khích Trung Quốc đưa ra lựa chọn chiến lược đúng đắn cho người dân của họ, trong khi chúng ta chống lại các khả năng khác”. NSS năm 2017 nhận định việc khuyến khích này gần như là thất bại và nhận định: “Trung Quốc tìm cách thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mở rộng tầm với của mô hình kinh tế nhà nước và sắp xếp lại trật tự khu vực theo hướng có lợi cho họ”.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 11

Theo Economist, nếu hỏi các chuyên gia Mỹ về khả năng cuộc cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc sẽ kết thúc như thế nào, giả thiết tốt nhất của họ đều rất giống nhau: đó là tương lai gần khi Trung Quốc cố gắng thái quá và vấp ngã. Họ tưởng tượng một Trung Quốc gặp khó khăn với tăng trưởng kinh tế chậm lại trong nước và phản ứng của cộng đồng quốc tế trước các hành động không được chào đón ở nước ngoài. Các chuyên gia Mỹ hy vọng rằng Trung Quốc có thể nhìn lại trật tự toàn cầu và tìm kiếm vai trò lãnh đạo, thay vì sắp xếp lại trật tự đó.

Các chuyên gia Trung Quốc, theo Economist, cũng có câu trả lời giống nhau khi được hỏi về tình huống tốt nhất có thể xảy ra với Bắc Kinh. Nói thẳng ra thì họ muốn nước Mỹ vượt qua được sự sợ hãi của chính mình. Một cách lịch sự hơn, các học giả Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ học cách khiêm nhường để chấp nhận vai trò bình đẳng của Trung Quốc, và đủ khôn ngoan để tránh kích động Trung Quốc ở sân sau châu Á.

My, Trung Quoc va cuoc chien tranh lanh chua tung co trong lich su hinh anh 12

Có vẻ như không ai dự đoán một tương lai mà cả hai bên đều cảm thấy mình là người chiến thắng. Cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã kết thúc với thắng lợi của Mỹ, nhưng trong cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai nước đều có thể thua cuộc.

Ông Evan Medeiros, cố vấn châu Á hàng đầu của Tổng thống Obama, lo ngại rằng Trung Quốc đang quá tập trung vào chính sách ngoại giao bất thường và mong muốn thu hẹp thâm hụt thương mại của ông Trump. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc đang thiếu đi sự am hiểu đầy đủ về thay đổi trong tâm trạng của nước Mỹ - đó là lòng tin với Bắc Kinh.

Cách đây không lâu, Mỹ và Trung Quốc đã xoa dịu các khủng hoảng bằng việc hứa hẹn mở rộng quan hệ thương mại. Ông David Dollar, nhà nghiên cứu của Viện Brookings, từng là đại diện của Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh, kể lại Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói với phái đoàn Mỹ rằng: “quan hệ kinh tế là nền tảng trong mối quan hệ của chúng ta”. Cả hai bên vẫn còn điều kiện để phát triển thêm mối quan hệ này. Một số đồng minh phương tây của Mỹ, ví dụ như Đức, có quan hệ thương mại còn chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Trong số các điểm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ, Trung Quốc chỉ đứng thứ 7.

Một khả năng khả mà hai bên có thể lựa chọn đó việc hợp tác đưa ra các sản phẩm có lợi cho toàn cầu, ví dụ như các chính sách chung chống biến đổi khí hậu. Ông Henry Paulson, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ, kêu gọi hai nước đạt thỏa thuận về các dự án hữu hình mà công chúng có thể nhìn thấy, từ các kế hoạch môi trường cho đến các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh tạo ra việc làm mới. “Để xây dựng lòng tin, điều quan trọng là cần có một vài thành công”, ông Paulson nhận định.

Không có quy tắc cụ thể nào tồn tại cho cuộc cạnh tranh này giữa Mỹ và Trung Quốc. Lịch sử hiện đại chưa từng chứng kiến sự đối đầu giữa hai đối tác thương mại khổng lồ với ý thức hệ trái ngược. Làm thế nào để cuộc cạnh tranh trở nên an toàn và mang tính xây dựng sẽ rất khó khăn, nhưng hòa bình và thịnh vượng của thế kỷ này sẽ phụ thuộc vào điều đó.

 

Sơn Trần (theo Economist)

Đồ họa: Nhân Lê (Ảnh: AFP, Reuters)

 

 

 Nguồn gốc thực sự của 'chiến tranh lạnh' Mỹ - Trung

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang dẫn đến nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh lạnh mới, có thể kéo dài nhiều thập niên nữa giữa hai nước nhằm tái định hình hệ thống quốc tế.

Trong dư luận cũng nổ ra tranh cãi nảy lửa về việc ai hoặc điều gì phải chịu trách nhiệm cho sự xấu đi nghiêm trọng của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo Hal Brands, giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và Charles Edel, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney (Australia), các cách "chẩn bệnh" khác nhau dẫn đến những cách "kê đơn" khác nhau.

Nguồn gốc thực sự của 'chiến tranh lạnh' Mỹ - Trung

Nếu các hành động và tham vọng toàn cầu của Mỹ gây khủng hoảng, Washington cần tránh những hành động nhiều khả năng chống đối Bắc Kinh. Song, nếu sự đối đầu là sản phẩm tất yếu của Trung Quốc thời kỳ này hoặc những căng thẳng nảy sinh giữa hai cường quốc trong một hệ thống quốc tế đầy cạnh tranh, Mỹ nên chấp nhận hiện trạng này và tìm cách triển khai một chiến lược đối phó tập trung và mang tính phối hợp hơn nữa.

Trong một bài phân tích mới đăng tải trên tạp chí Foreign Policy, ông Brands và ông Edel cho rằng, việc lật lại các bài học lịch sử của sự đổ vỡ quan hệ Mỹ - Liên Xô sau Thế chiến thứ hai sẽ giúp hiểu rõ các căn nguyên đẩy Mỹ và Trung Quốc tới thế bế tắc hiện tại cũng như việc Washington nên thoát ra như thế nào.

Nhìn lại Chiến tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô

Trong giai đoạn 1945 - 1947, mối quan hệ Mỹ - Xô chuyển từ đối tác thời chiến căng thẳng nhưng hiệu quả thành sự đối đầu sâu sắc về ý thức hệ và địa chính trị, kéo dài hàng thập kỷ sau đó. Trên thế giới từng có 4 trường phái riêng rẽ nhằm lý giải nguồn gốc lịch sử của Chiến tranh Lạnh.

Cách hiểu đầu tiên, xuất hiện vào cuối những năm 1940 - 1950 quy trách nhiệm cho Liên Xô. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối những năm 1950, với ảnh hưởng ngày càng tăng của hiện tượng "vỡ mộng quốc gia" vì chiến tranh Việt Nam, các học giả thuộc chủ nghĩa xét lại đã đảo ngược cách hiểu nói trên. Họ quả quyết chính Washington là "tội đồ", chứ không phải Moscow.

Những người theo chủ nghĩa xét lại cho rằng, Mỹ từ lâu đã là một cường quốc bành trướng, tìm mọi cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế, thúc đẩy hệ thống chủ nghĩa tư bản thị trường và truyền bá các giá trị của mình ra khắp thế giới. Do đó, nhà lãnh đạo Joseph Stalin có mối quan tâm chính đáng ở Đông Âu và các chính sách của Washington đã buộc Moscow phải lựa chọn giữa bất an và đối đầu. Và gần như không có gì đáng ngạc nhiên khi Điện Kremlin chọn đối đầu.

Cách lý giải thứ ba kết hợp các thành tố của 2 cách hiểu đầu tiên. Các nhà sử học hậu xét lại thừa nhận Mỹ đã phạm sai lầm. Song, họ coi Chiến tranh Lạnh là điều không thể tránh khỏi. Sau Thế chiến hai, Mỹ và Liên Xô tự thấy họ là hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới với khoảng trống quyền lực giữa họ rất lớn. Chỉ riêng tình huống này đã dẫn đến sự cạnh tranh. Các hệ thống chính trị khác biệt, trải nghiệm lịch sử và các quan niệm khác nhau về cách tốt nhất để tạo ra an ninh đã dẫn đến Chiến tranh Lạnh.

Việc hé mở các tài liệu lưu trữ của Liên Xô sau Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến sự xuất hiện của cách hiểu thứ tư. Các nhà sử học nổi tiếng như John Lewis Gaddis đã sửa đổi những lý giải trước đó của họ và đổ lỗi nhiều hơn cho Liên Xô nói chung cũng như ông Stalin nói riêng. Cách hiểu này được coi là trường phái "bình mới, rượu cũ" vì nó dẫn tới một kết luận đã có trước đây, rằng Mỹ đã đúng khi chọn đối đầu.

Căng thẳng Mỹ - Trung hiện tại

Các cách hiểu khác nhau như trên về nguồn gốc Chiến tranh Lạnh đã phản ánh các câu hỏi cũng như những tranh cãi then chốt về mối quan hệ Mỹ - Trung đương đại.

Một trường phái tư tưởng tương tự chủ nghĩa xét lại thời Chiến tranh Lạnh được coi là thiếu căn cứ vững chắc. Đúng là Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở châu Á - Thái Bình Dương và có nhiều hành động khác chắc chắn chống lại một Trung Quốc đầy tham vọng.

Song, Mỹ cũng đồng thời làm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác để tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, bằng bật đèn xanh cho Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa các thị trường cho hàng hóa Trung Quốc, cho phép chuyển giao các công nghệ dân sự tiên tiến và khuyến khích Bắc Kinh gắn kết nhiều hơn, có ảnh hưởng lớn hơn trong ngoại giao khu vực và toàn cầu. Thật khó để tuyên bố rằng Mỹ "đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc" nếu xét đến việc "Trung Quốc đã có sự tăng trưởng và phát triển ngoạn mục" kể từ khi tái lập quan hệ với Mỹ.

Nguồn gốc thực sự của 'chiến tranh lạnh' Mỹ - Trung
Tàu khu trục USS Stethem của Hải quân Mỹ tại quân cảng Wusong ở Thượng Hải trong chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc tháng 11/2015. Ảnh: THX

Hầu hết các nhà quan sát đều thống nhất rằng, điều một số người gọi là "các hành động quả quyết mới" của Bắc Kinh bắt đầu vào các năm 2008 - 2009. Nó xảy ra giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vào thời điểm chính quyền mới của Barack Obama đang nhấn mạnh đến nhu cầu phải trấn an Bắc Kinh, đề cập đến sự xuất hiện của một thế giới đa cực và thậm chí gợi nhắc đến khả năng tạo ra cơ chế "G-2" để kiểm soát các vấn đề toàn cầu.

Như nhà khoa học chính trị Andrew Scobell đã viết, đó là kết quả nhận thức về sự yếu kém và điều đình của người Mỹ, chứ không phải nhận thức về sự thù địch gia tăng, tạo nên nền tảng cho việc gia tăng sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và những khu vực khác.

Trường phái tư tưởng thứ hai được nhắc đến nhiều hơn, nhưng không hoàn toàn thuyết phục. Có một thực tế không ai phản bác là, Trung Quốc hiện trở nên tham vọng, quyết đoán hơn. Ở châu Á, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế quân sự, đòn bẩy kinh tế, áp lực ngoại giao và các tác động khác để tăng cường sức ảnh hưởng của Trung Quốc và hạn chế các lựa chọn của những cường quốc trong khu vực.

Không chỉ đụng độ với các nước, chẳng hạn như Nhật Bản và Ấn Độ trong các tranh chấp chủ quyền, cả về lực lượng quân sự và bán quân sự, Bắc Kinh còn đồng thời thúc đẩy các dự án địa - kinh tế quy mô lớn như Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á hay Quan hệ đối tác kinh tế khu vực toàn diện nhằm đưa châu Á - Thái Bình Dương vào quỹ đạo của mình.

Xa hơn ở nước ngoài, Trung Quốc được xem như một thách thức toàn cầu đối với ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc đã mở rộng dấu ấn quân sự toàn cầu, sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để vươn dài sức mạnh kinh tế ra ngoài phạm vi lãnh thổ của mình. Sáng kiến "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" cho thấy tham vọng giành "ngôi vương" về kinh tế từ tay Mỹ bằng bằng cách đi đầu về các đổi mới công nghệ. 

Tuy nhiên, vấn đề với cách hiểu này là nó không chỉ rõ ai là nguyên nhân hay kết quả của những thay đổi trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh công bố đường 9 đoạn ở Biển Đông, tăng cường sức ép với Nhật ở Biển Hoa Đông và các khía cạnh "quả quyết" khác đều có từ nhiều năm trước.

Trường phái tư tưởng thứ ba, tương ứng với chủ nghĩa hậu xét lại thời Chiến tranh Lạnh cho rằng, sự thay đổi động lực sức mạnh và bản chất của các vấn đề quốc tế đã đẩy Mỹ và Trung Quốc vào thế đối đầu. Rõ ràng, có nhiều căn cứ hậu thuẫn cách lý giải này. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua không giống bất cứ điều gì đã có trong lịch sử hiện đại.

GDP của Trung Quốc liên tục tăng từ 1.900 tỉ USD lên 8.300 tỉ USD trong giai đoạn 1998 - 2014. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng tăng từ 2,2% lên 12,2% trong tổng chi tiêu toàn cầu giai đoạn 1994 - 2015. Bắc Kinh đã thâu tóm được nhiều tính năng quân sự tiên tiến hơn bao giờ hết trong khi vẫn phát triển nền tảng kinh tế để tác động đến các quốc gia từ Đông Nam Á đến Đông Âu và xa hơn nữa.

Sự phát triển của sức mạnh Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh quân sự, ban đầu một phần bắt nguồn từ những lo ngại rằng Mỹ có thể biến Bắc Kinh thành đối thủ chính trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Song, càng hùng mạnh, Trung Quốc càng không giấu giếm các tham vọng, đe dọa vị thế và ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế. Tất cả những điều này rốt cuộc buộc Mỹ phải có những chính sách đối phó sắc bén và mạnh mẽ hơn, dù dưới hình thức Chiến lược bù đắp thứ ba nhằm đáp trả các khả năng chống tiếp cận khu vực của Trung Quốc hay áp thuế nhập khẩu cao hơn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh.

Nguồn gốc thực sự của 'chiến tranh lạnh' Mỹ - Trung

Mỹ thoát khỏi bế tắc cách nào?

Hiện có nhiều ẩn ý về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Trước hết, chẳng có nhiều điều Mỹ có thể làm trong thực tế để xoa dịu hay trấn an các lãnh đạo Trung Quốc. Trừ khi Washington rút các lực lượng quân sự về Hawaii và bỏ mặc các đồng minh của mình ở Thái Bình Dương, đồng thời ngưng ủng hộ các giá trị dân chủ họ đang theo đuổi ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ vẫn tin rằng mục tiêu chính của Mỹ là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của họ.

Quan điểm này không hoàn toàn sai, nhưng bị phóng đại và nó không chỉ bắt nguồn từ những hành động của chính phủ Mỹ. Các biện pháp xây dựng lòng tin có chỗ đứng trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng Washington sẽ không thuyết phục được Bắc Kinh tin sự hiện diện của họ nhằm tạo ra sự ổn định và các mục tiêu của họ là vô hại.

Thứ hai, nếu Mỹ vẫn không sẵn sàng nhượng lại Bắc Kinh một phạm vi ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, họ cần phải tăng cường các hệ thống phòng thủ trong khu vực bằng cách củng cố cấu trúc an ninh khu vực cũng như các khả năng bảo vệ chủ quyền của chính mình. Vài năm qua đã chứng kiến sự bùng nổ của các thỏa thuận an ninh song phương, ba bên và đôi khi bốn bên giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực cũng như những nỗ lực nâng cấp các liên minh song phương của Washington.

Đây thực sự là những bước đi tích cực, nhưng cho đến nay chúng không làm thay đổi đáng kể các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và xa hơn ở nước ngoài, cũng như không đảo ngược những thay đổi bất lợi trong cán cân quyền lực khu vực.

Trong Chiến tranh Lạnh, chỉ khi Washington thể hiện sự sẵn sàng duy trì hiện trạng ở Tây Berlin và Tây Âu xét theo phạm vị rộng hơn, tình hình mới rơi vào thế bế tắc. Sự khác biệt giữa châu Âu vào cuối những năm 1940 và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày nay là rất lớn, nhưng những điểm tương tự mang tới một bài học trọng yếu cho các nhà hoạch định chính sách ngày nay: Các thỏa thuận an ninh mạnh mẽ với sự hỗ trợ của sức mạnh quân sự đáng gờm của Mỹ có thể làm tăng cảm giác đối kháng và nghi ngờ, nhưng chúng không thể thiếu để giữ gìn hòa bình.

Thứ ba, các quan chức Mỹ phải hiểu rằng, sự cạnh tranh là cả về địa chính trị và ý thức hệ. Đương đầu với thách thức này, họ cần phải quả quyết hơn trong việc bảo vệ nền dân chủ ở quê nhà cũng như thúc đẩy các giá trị tương tự một cách mạnh mẽ hơn ở châu Á.

Cuối cùng, cách đối phó thích hợp với Trung Quốc chỉ có được nhờ sự ủng hộ rộng rãi và bền vững. Ở Washington hiện phổ biến các tuyên bố về những cách tiếp cận của "toàn chính phủ", nhưng điều cần đạt được phải ở phạm vị rộng hơn, là cách tiếp cận của "toàn xã hội", quy tụ sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ đối lập và công chúng Mỹ.

Quy mô và sức mạnh Trung Quốc hiện nay ám chỉ các vấn đề họ gây ra với Mỹ sẽ không sớm biến mất. Để có được sự ủng hộ của "toàn xã hội", các quan chức Mỹ cần nhận thức đúng đắn về bản chất của thách thức, giải thích rõ việc đối phó với Trung Quốc ra sao sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ một thế giới dân chủ, tương đối ổn định và cởi mở như thế nào. Tương tự như trong Chiến tranh Lạnh, Washington sẽ cần một chiến lược rộng lớn và bền bỉ.

Tuấn Anh

Cạnh tranh Mỹ-Trung: Chiến tranh lạnh kiểu mới?

Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, thời điểm đơn cực đã kết thúc. Tại Trung Quốc, Mỹ phải đối mặt với một đối thủ rất lớn và khao khát trở thành số một. Quan hệ kinh doanh và lợi nhuận, những cái trước đây giúp củng cố mối quan hệ, đã trở thành cái để cạnh tranh.

Cuộc chiến thương mại chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh với nhau trên mọi lĩnh vực, từ chất bán dẫn đến tàu ngầm, từ các bộ phim bom tấn đến thám hiểm mặt trăng. Hai siêu cường này từng tìm kiếm một thế giới mà đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, ngày nay, chiến thắng dường như đòi hỏi một bên phải thất bại - theo đó, Trung Quốc luôn phải tuân thủ mệnh lệnh của Mỹ hoặc một nước Mỹ khiêm nhường phải rút lui khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương. Đó là chiến tranh lạnh kiểu mới mà ở đó không có người chiến thắng.

Như đã giải thích trong một báo cáo đặc biệt của nhóm tác giả, mối quan hệ giữa 2 siêu cường đã trở nên tồi tệ. Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc đang gian lận để vươn lên qua việc ăn cắp công nghệ, chiếm giữ Biển Đông và bắt nạt các nền dân chủ như Canada và Thụy Điển. Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa đối với nền hòa bình toàn cầu. Trung Quốc bị kẹt giữa giấc mơ giành lại vị trí xứng đáng ở châu Á và nỗi lo sợ rằng một nước Mỹ mệt mỏi và ghen tị sẽ ngăn chặn sự trỗi dậy của họ bởi nước Mỹ không thể chấp nhận việc vị thế của mình bị suy giảm.

Khả năng xảy ra thảm họa đang hiện ra. Dưới thời Kaiser, nước Đức đưa thế giới vào chiến tranh; Mỹ và Liên Xô đùa bỡn với cuộc chiến tranh hạt nhân một mất một còn. Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ ngừng xung đột, thế giới vẫn phải chịu ảnh hưởng của việc tốc độ tăng trưởng chậm lại và các vấn đề bị bỏ lại không được giải quyết do thiếu sự hợp tác.

Cả hai bên đều cần phải cảm thấy an toàn hơn, nhưng cũng phải học cách sống chung trong một thế giới mà mức độ tin cậy không cao. Người ta không nên nghĩ rằng có thể đạt được điều này một cách dễ dàng hoặc nhanh chóng.

Tham vọng của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc, như họ từng làm và thành công đối với Liên Xô. Đối tượng của Mỹ không chỉ là Huawei, công ty cung cấp thiết bị viễn thông 5G mới bị ngăn chặn thông qua các sắc lệnh, mà là gần như tất cả các công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, những rủi ro mang lại là rất nghiêm trọng, và các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách tránh né chúng. Các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được điều chỉnh để không cần đến vai trò của Trung Quốc, nhưng điều này sẽ rất tốn kém. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Liên Xô cuối những năm 1980 đạt 2 tỷ USD/năm; trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đạt 2 tỷ USD/ngày. Trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như sản xuất chip và 5G, thật khó để nói thương mại kết thúc chỗ nào và an ninh quốc gia bắt đầu ở đâu. Nền kinh tế của các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Chỉ có một mối đe dọa rõ ràng mới có thể thuyết phục các nước này cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Sẽ là không khôn ngoan nếu Mỹ buông tay. Không có quy luật vật lý nào nói rằng điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác phải do các nhà khoa học có quyền tự do quyết định bẻ khóa. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định quyền kiểm soát của đảng và bắt đầu triển khai sức mạnh của Trung Quốc ra toàn thế giới. Một phần vì lý do này mà một trong số rất ít điều đạt được sự đồng thuận của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ là Mỹ phải hành động chống lại Trung Quốc. Nhưng bằng cách nào?

Trước tiên, Mỹ phải ngừng ngay việc tự làm suy yếu sức mạnh của mình, thay vào đó là phải xây dựng sức mạnh. Do người di cư có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự đổi mới, nên việc Chính quyền Trump dựng rào cản đối với người nhập cư hợp pháp là hành động tự hại mình. Tương tự, việc chính quyền thường xuyên chê bai bất kỳ ngành khoa học nào không phù hợp với chương trình nghị sự và có ý định cắt giảm tài trợ khoa học (may mắn là Quốc hội không chấp thuận điều này) cũng gây tác động ngược lại.

Một trong những thế mạnh khác nằm ở các liên minh của Mỹ cũng như các thể chế và chuẩn mực mà Mỹ thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Đội ngũ của Trump đã coi thường các quy tắc thay vì ủng hộ và củng cố các thể chế, tấn công Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong vấn đề thương mại thay vì hợp tác với họ để ép Trung Quốc thay đổi. Quyền lực cứng của Mỹ ở châu Á giúp trấn an các đồng minh, nhưng Tổng thống Donald Trump dường như không nhận thấy rằng quyền lực mềm cũng giúp củng cố các liên minh.

Tương tự như việc tập trung vào sức mạnh của mình, Mỹ cần tăng cường khả năng quốc phòng. Điều này liên quan đến quyền lực cứng vì Trung Quốc cũng đang tiến hành vũ trang, kể cả trong các lĩnh vực mới lạ như vũ trụ và không gian mạng. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tạo ra sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và duy trì dòng lưu thông của các ý tưởng, con người, vốn và hàng hóa. Khi các trường đại học và các chuyên viên máy tính của Thung lũng Silicon chế giễu những quy định mang tính giới hạn nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, họ hoặc là ngây thơ hoặc là giả dối. Tuy nhiên, khi những nhân vật diều hâu quá khích đòi đóng cửa không cho các công dân và đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, họ đã quên mất rằng sự đổi mới của Mỹ phụ thuộc vào một mạng lưới toàn cầu.

Mỹ và các đồng minh có quyền hạn rộng lớn để đánh giá ai sẽ mua cái gì. Tuy nhiên, phương Tây biết quá ít về các nhà đầu tư và đối tác liên doanh đến từ Trung Quốc cũng như các quan hệ của họ với nhà nước. Việc suy nghĩ sâu hơn về những vấn đề được coi là nhạy cảm trong các ngành công nghiệp sẽ làm mất đi mong muốn cấm đoán mọi thứ.

Đối phó với Trung Quốc cũng có nghĩa là tìm cách tạo niềm tin. Những hành động mà Mỹ cho là phòng thủ nhưng trong con mắt của Trung Quốc có thể lại là hành động gây hấn nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cảm thấy cần phải chống trả, thì một vụ va chạm hải quân ở Biển Đông cũng có thể dẫn đến sự leo thang. Hoặc một cuộc xâm nhập Đài Loan có thể dẫn đến chiến tranh bởi sự giận dữ và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thái quá của Trung Quốc.

Do đó, một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn đòi hỏi phải có một chương trình nghị sự khuyến khích thói quen làm việc cùng nhau khi mà Mỹ và Liên Xô vừa đàm phán về việc cắt giảm vũ khí, vừa đe dọa hủy diệt lẫn nhau. Trung Quốc và Mỹ không phải nhất trí với kết luận rằng họ sống theo các quy tắc là vì lợi ích của mình. Không thiếu các dự án để họ cùng nhau thực hiện, chẳng hạn như vấn đề Triều Tiên, các quy tắc về không gian và chiến tranh mạng và nếu ông Trump chấp nhận thì đó là việc chống biến đổi khí hậu.

Một chương trình nghị sự như vậy đòi hỏi phải có nghệ thuật quản lý nhà nước và tầm nhìn. Ngay bây giờ những thứ này đang thiếu. Trump chế nhạo giá trị toàn cầu, và lý do của ông là nước Mỹ đã mệt mỏi với việc đóng vai trò là sen đầm thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc có một vị chủ tịch nước muốn sử dụng giấc mơ về một quốc gia vĩ đại làm lý do để biện minh kiểm soát tất cả mọi thứ. Ông ta ngồi ở đỉnh của một hệ thống coi sự tham gia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama như một thứ để khai thác. Các nhà lãnh đạo tương lai có thể cởi mở hơn với sự cộng tác đã được khai sáng, nhưng không có gì đảm bảo.

Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, thời điểm đơn cực đã kết thúc. Tại Trung Quốc, Mỹ phải đối mặt với một đối thủ rất lớn và khao khát trở thành số một. Quan hệ kinh doanh và lợi nhuận, những cái trước đây giúp củng cố mối quan hệ, đã trở thành cái để cạnh tranh. Trung Quốc và Mỹ rất cần tạo ra các quy tắc để giúp quản lý thời kỳ mà sự cạnh tranh giữa các siêu cường đang tiến triển nhanh chóng. Nhưng lúc này, cả hai đều xem các quy tắc là những thứ để phá vỡ.

Theo The Economist - Trần Quang (gt)

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness