Nguồn: Adair Turner, “Western Mistakes, Remade in China”, Project Syndicate, 06/04/2016.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với một sự quá độ đầy thách thức. Để đạt được mục tiêu gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, chính phủ đang khuyến khích một cách rất đúng đắn “vai trò quan trọng của thị trường.” Nhưng mặc dù cơ chế thị trường cạnh tranh đạt hiệu quả ở nhiều khu vực, thì ngành ngân hàng là một câu chuyện khác. Đúng là trong bảy năm qua, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào phân bổ vốn của các ngân hàng đã dẫn đến các sai lầm tương tự như những sai lầm đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại các nền kinh tế phát triển.
Mức tăng trưởng GDP cao phụ thuộc vào mức tiết kiệm và đầu tư cao, và mức tiết kiệm cao gần như không bao giờ bắt nguồn từ sự tự do lựa chọn của người tiêu dùng. Nhà nước có thể bơm tiền đầu tư trực tiếp, nhưng việc tạo tín dụng của các ngân hàng cũng có thể làm điều tương tự. Như Friedrich Hayek viết vào năm 1925, tốc độ tăng trưởng tư bản cao phụ thuộc vào những khoản ‘tiết kiệm bắt buộc’ được hỗ trợ bởi việc cung cấp tín dụng ngân hàng.
Nhật và Hàn Quốc đều dùng tín dụng ngân hàng để bơm tiền đầu tư ở mức cao trong giai đoạn họ tăng trưởng nhanh chóng. Những ngân hàng quốc doanh của Hàn Quốc cung cấp vốn trực tiếp cho các công ty định hướng xuất khẩu. Ở Nhật, các ngân hàng tư nhân được “hướng dẫn” tập trung vào các phân khúc có thể xuất nhập khẩu được.
Nhưng trong khi các chính phủ định hướng các ngành cần được ưu tiên một cách tổng quát, thì các ngân hàng sẽ quyết định mức vốn cho từng công ty cụ thể và cung cấp tín dụng thông qua những hợp đồng cho vay, điều giúp áp đặt kỷ luật tài chính. Nếu Nhật và Hàn Quốc sử dụng những nguồn tài chính trực tiếp từ chính phủ, việc phân bổ vốn gần như chắc chắn sẽ tệ hơn.
Nhưng mặc dù hệ thống ngân hàng của Nhật giúp thúc đẩy mức tăng trưởng mạnh mẽ giai đoạn hậu Thế chiến II, thì sự bùng nổ của thị trường bất động sản bắt nguồn từ tín dụng vào thập niên 1980 và đợt suy thoái sau đó đã dẫn đến 25 năm tăng trưởng chậm và giảm phát kéo dài. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và những khó khăn hậu khủng hoảng đã lặp lại trải nghiệm của Nhật ở nhiều nước khác.
Khi các nền kinh tế trở nên giàu có hơn, thì họ cũng chú trọng đến bất động sản nhiều hơn. Điều này một phần bởi vì người dân sử dụng một phần thu nhập lớn hơn của họ để tranh giành các bất động sản ở những địa điểm đẹp hơn, và một phần bởi vì trong các nền kinh tế nặng về dịch vụ, các hoạt động giá trị giá tăng cao và nhân lực cao cấp đều tập trung tại các thành phố.
Nhưng bất kể lý do là gì, thì sự thật đều rất rõ ràng. Giá trị ngày càng tăng của bất động sản đến nay là lý do quan trọng nhất của sự gia tăng tỷ lệ tài sản/thu nhập mà Thomas Piketty đề cập đến trong cuốn sách Capital in the Twenty-First Century [Tư bản trong thế kỷ 21]. Và, như một nghiên cứu thực nghiệm xuất sắc gần đây cho thấy, “cho đến năm 2007, các ngân hàng ở hầu hết các nước chủ yếu đã trở thành những người tập trung cho vay bất động sản.”
Xu hướng này đi ngược lại với giả định rằng các ngân hàng sẽ phân bổ vốn một cách hiệu quả. Nếu nguồn cung bất động sản “vàng” khan hiếm, thì việc tạo và phân bổ tín dụng đôi khi có thể không được dẫn dắt bởi những nghiên cứu có lý trí về những dự án đầu tư thay thế, mà bởi những vòng xoáy tự cường mà trong đó tín dụng nhiều đẩy giá tài sản lên cao, điều duy trì kỳ vọng là giá còn tăng nữa, khiến nhu cầu vay mượn và nguồn cung tín dụng lại càng tăng cao hơn. Như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cho thấy, các vòng tuần hoàn tín dụng và bất động sản không chỉ là một phần nguyên nhân bất ổn tài chính tại các nền kinh tế phát triển, mà nó gần như là toàn bộ nguyên nhân.
Đó cũng là câu chuyện mà Trung Quốc đã lặp lại từ năm 2009. Để bù đắp cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng giảm sút trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Trung Quốc đã khơi mào cho một làn sóng đầu tư khổng lồ vào đường ray, cơ sở hạ tầng thành thị, và bất động sản. Giới chức đáng lẽ có thể đã sử dụng ngân sách công để cung cấp tài chính cho đợt bùng nổ bất động sản này bằng cách đi vay hoặc in thêm tiền. Nhưng các quan chức lại cho phép một sự bùng nổ tín dụng ngân hàng, điều làm cho tỷ lệ nợ trên GDP tăng từ khoảng 150% vào năm 2008 lên đến 250% vào năm 2014.
Theo lý thuyết, việc phân bổ vốn do các ngân hàng dẫn dắt đáng lẽ phải đảm bảo rằng chỉ những dự án khả thi mới được cấp vốn. Thực tế thì nhiều khoản đầu tư đã bị lãng phí: Những khu chung cư khổng lồ ở những thành phố hạng ba sẽ không bao giờ có người ở, và những ngành công nghiệp nặng như thép và xi măng giờ dư thừa công suất nghiêm trọng. Với việc nhiều doanh nghiệp trong các ngành này giờ phải phụ thuộc vào những khoản vay mới để bù đắp cho những thua lỗ do duy trì hoạt động, những khoản nợ xấu lớn là điều không thể tránh khỏi.
Một số các vấn đề của Trung Quốc bắt nguồn từ việc hệ thống ngân hàng đa phần do nhà nước sở hữu, với những mối liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các ngân hành địa phương, điều làm suy yếu kỷ luật của hệ thống thẩm định tín dụng. Nhưng giờ chúng ta cũng biết rằng các hệ thống ngân hàng tư nhân cũng gặp nhiều sai lầm.
Hệ thống ngân hàng của Ireland hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân, nhưng cuộc bùng nổ tín dụng và bất động sản trước khủng hoảng đã để lại 20.000 “bất động sản ma,” mà tất cả trong số đó nhiều khả năng sẽ bị đập bỏ, khiến việc xây dựng chúng hoàn toàn bị lãng phí. Dân số của Trung Quốc gấp dân số Ireland 300 lần, và con số tương tự sẽ ở mức 6 triệu bất động sản.
Hơn thế nữa, nền kinh tế Trung Quốc tập trung vào bất động sản còn hơn cả Nhật và Hàn Quốc ở cùng giai đoạn tăng trưởng thu nhập. Trong khi Nhật và Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp hóa, Trung Quốc đặt nặng mục tiêu đô thị hóa, và hệ thống cung cấp tài chính cho các chính quyền địa phương – với việc các thành phố phụ thuộc vào việc bán đất để tạo nguồn thu cho ngân sách – đã làm tăng mức phụ thuộc vào phát triển bất động sản. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỉ số diện tích bất động sản thành thị trên đầu người của Trung Quốc giờ đã hơn cả ở Nhật và Hàn Quốc.
Trung Quốc đã lặp lại những sai lầm dẫn đến sự giảm tốc của Nhật sau năm 1990 và những khó khăn kinh tế sau năm 2008 ở các nền kinh tế phát triển khác. Giống như họ, Trung Quốc phải phát triển những hướng đi chính sách có thể khắc phục được sự ưu ái quá mức của các ngân hàng dành cho ngành bất động sản.
Nhưng nhà chức trách cũng phải giải quyết những khoản nợ khổng lồ hiện tại, bằng việc sử dụng những nguồn lực ngân sách để tái cấp vốn cho các ngân hàng. Cùng lúc đó, tăng mức chi tiêu ngân sách cho an sinh xã hội có thể giúp giảm tỷ lệ tiết kiệm cao của các hộ gia đình, hỗ trợ sự thay đổi cần thiết sang một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng.
Tuy nhiên, bất chấp các đề cập tại cuộc họp G20 ở Thượng Hải hồi tháng Hai về kích thích tài khóa, mục tiêu mới nhất của Trung Quốc vẫn là duy trì thâm hụt ngân sách ở mức 3%, không cao hơn mức của năm 2015. Các quan chức lo ngại rằng chi tiêu công lớn hơn sẽ làm suy yếu kỷ luật tài chính. Nói theo cách khác, như các nền kinh tế phát triển trước năm 2008, họ cho rằng những nguy cơ đối với tính hiệu quả và ổn định chủ yếu là đến từ một vai trò quá lớn của nhà nước.
Thực tế là, dù các nhà nước có thể không hiệu quả và đôi khi có xu hướng gây nên lạm phát, các hệ thống ngân hàng tư nhân cũng có thể phân bổ vốn một cách tệ hại, qua đó duy trì những vòng xoay tín dụng gây ra những khó khăn kinh tế lớn. Những nền kinh tế phát triển và Trung Quốc cần cùng nhau phát triển các lý thuyết và chính sách, trong đó cần thừa nhận rằng các ngân hàng là một loại thiết chế khác biệt, và các nguyên tắc cạnh tranh thị trường tự do vốn phù hợp với các ngành khác của nền kinh tế, không thể áp dụng được cho chúng.
Adair Turner, cựu chủ tịch Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính và thành viên Ủy ban Chính sách Tài chính của Vương quốc Anh, là Chủ tịch của Viện Tư duy Kinh tế Mới (INET).
Copyright: Project Syndicate 2016 – Western Mistakes, Remade in China
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế