Tương tự như ở Trái đất, các khu định cư trên Mặt trăng cũng cần cung cấp năng lượng và thực phẩm - Ảnh: TELEGRAPH
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố con người sẽ sống và làm việc trên Mặt trăng trong vòng 10 năm tới, theo tờ Telegraph. Nhiều câu hỏi đặt ra là con người sẽ ở đâu trên Mặt trăng, "nhà" của họ sẽ như thế nào?...
Khu định cư sẽ đặt ở đâu trên Mặt trăng?
Mặt trăng có chu kỳ mỗi ngày hoặc đêm kéo dài hơn 2 tuần so với Trái đất. Như vậy, vùng có nhiều khả năng nhất để con người có thể định cư là vùng gần các cực, nơi ánh sáng gần như xuất hiện vĩnh viễn. Đồng thời, sự thay đổi giữa các thái cực nhiệt độ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với ở vùng xích đạo.
Người ta cũng phát hiện sự lắng đọng nước đáng kể ở các cực. Ngoài ra, các nhà khoa học Trung Quốc vừa báo cáo bên trong các hạt thủy tinh được tìm thấy trên bề mặt Mặt trăng có chứa nước.
Sau khi chọn xong địa điểm, chỗ ở cho con người có thể là một trong hai dạng: bên dưới bề mặt trong các ống dung nham xây dưới lòng đất, hoặc trên bề mặt Mặt trăng. Hoặc cũng có thể xây một khu hỗn hợp trên và dưới bề mặt Mặt trăng.
Ở dưới lòng đất, con người có thể tránh được thiên thạch và bức xạ Mặt trời, vốn mạnh hơn khoảng 200 lần so với trên Trái đất. Nhưng trên bề mặt, con người có khả năng tiếp cận và di chuyển dễ dàng hơn, chưa kể cảm giác thoải mái về mặt tinh thần khi ở “bên ngoài”.
Về vật liệu xây dựng, các tòa nhà trên Mặt trăng có thể được tạo bằng công nghệ in 3D, sử dụng regolith - bụi Mặt trăng - làm vật liệu chính: nó chứa nhôm, silicon, sắt, canxi, magiê và titan.
Còn thực phẩm? Lúc đầu sẽ cần phải mang đến từ Trái đất, nhưng cuối cùng là cây trồng thủy canh và sản xuất thực phẩm nhân tạo.
Ai quản lý Mặt trăng?
Dự án nghe có vẻ giống phim Hollywood, nhưng hiện nay có 6 cơ quan vũ trụ có tham vọng lên Mặt trăng: NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như các tỉ phú Elon Musk và Jeff Bezos.
Về mặt pháp lý, Mặt trăng hiện thuộc thẩm quyền của Hiệp ước ngoài không gian năm 1966, trong đó quy định rằng không gian bên ngoài “không thuộc quyền sở hữu quốc gia theo yêu sách chủ quyền” và sẽ “được tự do thăm dò và sử dụng bởi tất cả các quốc gia”.
Hiệp ước này rõ ràng sẽ cần được đàm phán lại và mở rộng đáng kể, tìm cách cân bằng nhu cầu của các cá nhân giàu có và quyền lực cũng như toàn bộ các quốc gia.
Sức khỏe và tâm lý con người ra sao?
Ngoài ra, mỗi người phải đối phó với những hậu quả to lớn về thể chất và tâm lý khi sống ở Mặt trăng - nơi có trọng lực bằng 1/6 và cách Trái đất hơn 400.000km.
Hầu hết các hiệu ứng về sức khỏe và tâm lý vẫn chưa được biết đến. Ví dụ, cơ thể chúng ta đã tiến hóa trong lực hấp dẫn của Trái đất hàng chục nghìn năm: hệ thống cơ xương và tim mạch của chúng ta sẽ thích nghi với lực nhẹ hơn nhiều như thế nào?
Chưa kể, Trái đất luôn hiện ra lờ mờ rộng lớn bên cạnh Mặt trăng, họ sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn về hành tinh quê hương? Các nhà tâm lý học đã cảnh báo rằng chứng sợ thiên văn - sợ chính không gian bên ngoài - có thể là một mối lo ngại trong tương lai. Cô đơn chắc chắn sẽ là một mối lo lắng ngay lập tức.
Với rất nhiều yếu tố phức tạp, ý tưởng thiết lập các thuộc địa trên Mặt trăng dường như vẫn còn xa vời.
Phát hiện hạt thủy tinh trên Mặt trăng chứa nước
Theo tờ Guardian, tiến sĩ Mahesh Anand - giáo sư khoa học hành tinh và thám hiểm tại Đại học Mở của Anh - và một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã phân tích các hạt thủy tinh mịn từ các mẫu đất trên Mặt trăng được sứ mệnh Chang'e-5 của Trung Quốc đưa về Trái đất vào tháng 12-2020.
Các hạt này có đường kính chưa đến 1mm, hình thành khi các thiên thạch đâm vào Mặt trăng và tạo ra những cơn mưa giọt nóng chảy. Những thứ này sau đó đông đặc lại và hòa lẫn vào bụi Mặt trăng.
Các thử nghiệm trên các hạt thủy tinh cho thấy chúng chứa một lượng nước đáng kể, lên tới 270 tỉ tấn trên toàn bộ bề mặt của Mặt trăng.
GIA MINH - Theo Tuổi Trẻ