Trần Văn Thọ
Giai đoạn dân số vàng của Việt Nam sắp qua đi trong khi giai đoạn lão hóa dân số đang gần kề. Ảnh: THÀNH HOA
- Trong tiếng Việt, tiếng Nhật, và cả tiếng Anh đều có câu “Thời gian không chờ đợi chúng ta”. Câu này có xuất xứ từ câu “tuế nguyệt bất đãi nhân” trong một bài thơ của Đào Uyên Minh, tức Đào Tiềm, một thi nhân đời Đông Tấn bên Trung Quốc, mặc dù nguyên ý trong bài thơ đó thì khác với ý nghĩa thường dùng thời nay. Thời nay người ta thường cảnh giác nhau hoặc khuyên giới trẻ là thời gian rất quý, đã đi qua thì không bao giờ trở lại nên phải nỗ lực tận dụng thời gian để học tập, làm việc, để không bỏ lỡ cơ hội và đạt mục đích như mong muốn.
Nhưng đó là ý nghĩa trong đời thường. Ở cấp quốc gia, yếu tố thời gian còn quan trọng hơn nữa. Lãnh đạo đất nước nếu quyết tâm tiến hành cải cách nhanh chóng để phá bỏ rào cản phát triển, tận dụng cơ hội của thời đại thì trong một thời gian ngắn có thể đưa đất nước lên hàng một quốc gia tầm cỡ, được thế giới nể trọng.
Ngược lại, nếu lãnh đạo bị giáo điều ràng buộc, bị lợi ích nhóm thao túng hoặc thiếu khát vọng nhìn thấy tương lai huy hoàng của dân tộc và bỏ lỡ thời cơ thì đất nước tụt hậu trên vũ đài quốc tế. Trong rất nhiều trường hợp, người lãnh đạo khi đang cầm quyền ít khi ý thức được sự nghiệt ngã của thời gian, họ chỉ lo giải quyết những vấn đề trước mắt, kể cả việc dồn nỗ lực vào việc duy trì địa vị hiện tại. Người dân dĩ nhiên cũng chỉ lo cuộc sống hàng ngày và cho tương lai của riêng gia đình mình. Nhưng với những quốc gia ấy, sau vài mươi năm nhìn lại sẽ thấy choáng váng với cú sốc của thời gian.
Chỉ nhìn lịch sử ở châu Á cũng thấy nhiều trường hợp tương phản mà yếu tố thời gian biểu hiện rõ nét. Vào năm 1952, Nhật là nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng chỉ 15 năm sau tiến lên nước thu nhập trung bình cao và thêm 13 năm nữa trở thành cường quốc kinh tế. Dĩ nhiên Nhật đã có tích lũy về vốn thể chế, về nguồn nhân lực từ thời Minh Trị nên khi có điều kiện thì phát huy rất nhanh. Nhưng cái điều kiện để các nguồn lực đó phát huy nhanh là nhờ năng lực và khát vọng của lãnh đạo trong giai đoạn mới. Không thiếu trường hợp nhiều nước đã phát triển đến giai đoạn thu nhập trung bình nhưng sau đó trì trệ lâu dài (và do đó đã xuất hiện khái niệm “bẫy thu nhập trung bình”). Không phải chỉ có Nhật mà Hàn Quốc và Đài Loan cũng thắng lợi trong cuộc chạy đua với thời gian. Hàn Quốc chỉ mất 16 năm (từ 1971-1987) để chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao và chỉ mất thêm 10 năm nữa để tiến lên hàng các nước tiên tiến. Đài Loan trở thành nền kinh tế tiên tiến vào năm 1995, chỉ tốn 12 năm kể từ giai đoạn thu nhập trung bình cao.
Ngược lại, người Philippines chắc chắn phải choáng váng với cú sốc thời gian. Giữa thập niên 1950 thu nhập đầu người của họ cao hơn cả Hàn Quốc nhưng đến năm 1976 mới trở thành nước thu nhập trung bình thấp và từ đó đến nay đã gần 40 năm vẫn ở vị trí đó! Năm 1960 thu nhập đầu người của Philippines cao gấp đôi Thái Lan nhưng 15 năm sau đó Thái Lan theo kịp Philippines và bây giờ thì Philippines chỉ bằng nửa của Thái Lan.
Đối với các nước đi sau, cơ hội để đốt giai đoạn, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước thường có nhiều. Công nghệ, tri thức kinh doanh, vốn đầu tư, kinh nghiệm phát triển, thị trường... đã có sẵn. Nhưng thành công hay thất bại trong việc sử dụng ngoại lực tùy thuộc chất lượng thể chế và bản lĩnh, tố chất của lãnh đạo. Chuyển từ thể chế cũ sang thể chế mới thường mất nhiều thời gian nhưng những nước phát triển đã thành công trong việc tiến hành cải cách thể chế trong thời gian ngắn. Những nước thất bại trong cuộc cải cách thể chế sẽ tụt hậu và sẽ chịu một cú sốc thời gian rất mạnh.
Nước nào cũng trải qua giai đoạn dân số vàng trước khi chuyển sang giai đoạn lão hóa. Nếu bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn dân số vàng để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già, và cú sốc thời gian ở phương diện này sẽ rất nghiệt ngã. |
Trên đây là trường hợp cú sốc thời gian trước hiện tượng tụt hậu so với các nước chung quanh. Một cú sốc khác ít được nhận diện, vì tiến hành âm thầm, chậm rãi nhưng khắc nghiệt vì khi đã thành hiện thực thì hầu như không thể đối phó được nữa. Đó là cú sốc trước hiện tượng chưa giàu đã già do không nỗ lực tận dụng giai đoạn thuận lợi của cơ cấu dân số để phát triển nhanh và do đó không chủ động đối phó trước sự thay đổi của cơ cấu dân số theo hướng lão hóa. Nước nào cũng trải qua giai đoạn dân số vàng (tỷ lệ của người thuộc độ tuổi lao động trong tổng dân số tiếp tục tăng) trước khi chuyển sang giai đoạn lão hóa. Nếu bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn dân số vàng để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già, và cú sốc thời gian ở phương diện này sẽ rất nghiệt ngã.
Bây giờ chuyển qua vấn đề của Việt Nam.
Theo tư liệu của ECAFE, tiền thân của ESCAP (Ủy ban Liên hiệp quốc về kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương) thì vào năm 1954, thu nhập đầu người của miền Nam Việt Nam là 117 đô la Mỹ, xấp xỉ Thái Lan và cao hơn Indonesia (Thái Lan là 108 đô la Mỹ và Indonesia là 88 đô la Mỹ vào hai năm trước đó). Hiện nay (năm 2014) Việt Nam chỉ bằng một phần ba Thái Lan và một nửa Indonesia, mặc dù hai nước này không phải là những quốc gia phát triển nhanh như Nhật hay Hàn Quốc. Không kể giai đoạn chiến tranh trước 1975, thời gian 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt hoặc 30 năm từ khi đổi mới cũng đủ dài để chuyển Việt Nam thành một quốc gia tầm cỡ trên thế giới.
Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Nhưng so với tiềm năng, kể cả những thời cơ thuận lợi bị bỏ lỡ và so với kinh nghiệm của các nước Đông Á thì tốc độ phát triển của Việt Nam vừa không cao vừa kém hiệu suất. Ngoài ra nền kinh tế hiện nay có những yếu kém như sức cạnh tranh của nền công nghiệp yếu, mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa còn rất xa, ngày càng dựa vào FDI và phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc.
Việt Nam hiện nay đang ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới? Về dân số Việt Nam xếp thứ 14. Vào năm 2013, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 1.911 đô la Mỹ, xếp thứ 131 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2013 là 171 tỉ đô la Mỹ) cao hơn nhưng cũng chỉ ở hạng 57. Quy mô của GDP như vậy không thể có một ảnh hưởng nhất định đến kinh tế thế giới. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar.
Từ năm 1993 Việt Nam hội đủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi. Nếu quyết tâm cải cách thể chế để củng cố nội lực và tận dụng ngoại lực thì có thể phát triển trung bình mỗi năm 10% suốt 20 năm sau đó. Trong thời gian đó, Trung Quốc phát triển trung bình 10% nhưng riêng vùng duyên hải thì hội đủ các điều kiện thuận lợi nên phát triển rất mạnh mẽ, trên dưới 15% mỗi năm. Việt Nam có bờ biển dài, bề ngang lại hẹp nên hầu như cả nước gần giống vùng duyên hải của Trung Quốc. Dĩ nhiên không phải phát triển với bất cứ giá nào mà phải chú trọng chất lượng phát triển như bảo vệ môi trường, bảo đảm tạo cơ hội bình đẳng cho mọi tầng lớp, nhưng dù chú trọng chất lượng, khả năng phát triển trên dưới 10% không phải là phi hiện thực. Nhật Bản trong giai đoạn 1955-1973 cũng vừa phát triển cao (trung bình 10%) vừa ít ảnh hưởng đến chất lượng phát triển.
Từ đầu thập niên 1990 đến nay nếu Việt Nam tăng trưởng 10%/năm thì bây giờ đã là nước có thu nhập trung bình cao, chuẩn bị cho giai đoạn trở thành nước công nghiệp phát triển trong tương lai không xa. Thêm vào đó, nếu phát triển với tốc độ đó thì Việt Nam đã sớm chấm dứt được tình trạng phải xuất khẩu lao động, một hiện tượng đang làm xấu hình ảnh của đất nước trên vũ đài thế giới.
Về cơ cấu dân số hiện nay của Việt Nam, cú sốc thời gian cũng sẽ rất mạnh. Giai đoạn dân số vàng sắp qua đi, giai đoạn lão hóa dân số sẽ đến gần kề mà thu nhập đầu người còn rất thấp. Việt Nam đang đứng trước thách thức chưa giàu đã già. Theo nhiều phân tích về cơ cấu dân số, giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài từ năm 1970-2020 (hoặc 2025). Nhìn vị trí của giai đoạn dân số vàng trong tiến trình thay đổi của dân số, ta không thể không giật mình với sự tiếc nuối. Nhìn lại lịch sử Việt Nam trong giai đoạn dân số vàng (1970-2020), ta thấy Việt Nam đã đánh mất phần lớn thời cơ phát triển: Giai đoạn còn chiến tranh (1970-1975) và thời trước đổi mới (1975-1985) xem như ta đã mất hầu như tất cả trong ý nghĩa không tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển. Mười năm đầu đổi mới (1986-1995), ngoài việc phục hồi sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng các tiền đề về thể chế kinh tế thị trường, về hội nhập với thế giới. Những năm sau đó, như đã phân tích ở trên, kinh tế tương đối phát triển nhưng chưa mạnh mẽ (trung bình mỗi năm cũng chỉ độ 7%, so với 9-10% của nhiều nước châu Á trong giai đoạn dân số vàng).
Khi chấm dứt cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Nhật Bản (năm 1992) là 30.000 đô la Mỹ (tính theo giá năm 2005), của Hàn Quốc (năm 2010) là 20.000 đô la Mỹ. Còn thu nhập đầu người của Việt Nam vào năm 2025 là bao nhiêu? GDP đầu người hiện nay của Việt Nam độ 2.000 đô la Mỹ, nếu tính theo giá năm 2005 thì khoảng 1.000 đô la Mỹ. Nếu từ nay đến năm 2025 dù mỗi năm kinh tế phát triển 8% thì năm 2025 thu nhập đầu người (theo giá năm 2005) chỉ độ 2.000 hoặc 3.000 đô la Mỹ (tùy theo tỷ giá), chỉ bằng 1/10 của Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thời điểm tương ứng.
Lãnh đạo của Việt Nam trong giai đoạn tới cần ý thức sâu sắc cú sốc của thời gian liên quan đến vị trí của đất nước trên vũ đài thế giới và về nguy cơ chưa giàu đã già. Thời gian không còn nhiều.