Cuộc khủng hoảng năng lượng do điều kiện thời tiết bất thường và nhu cầu tăng đột biến đang trở nên tồi tệ hơn, làm dấy lên nhiều nỗi lo trước thềm mùa đông - khi các nước cần thêm nhiên liệu để sưởi ấm.
Chính phủ trên khắp thế giới đang nỗ lực để hạn chế tác động của tình trạng này lên người tiêu dùng nhưng thừa nhận họ có thể không ngăn được hóa đơn năng lượng tăng phi mã.
Khủng hoảng chưa có tiền lệ
Tại Trung Quốc, giải pháp cắt điện luân phiên đã được triển khai trong khi tại Ấn Độ, các nhà máy điện đang ráo riết tìm nguồn cung than đá. Ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đang được giao dịch ở mức tương đương 230 USD/thùng nếu tính theo giá dầu - tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và cao hơn gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cơ quan Tình báo hàng hóa độc lập (ICIS, trụ sở London - Anh).
Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Đông Á, nơi khí đốt tự nhiên tăng 85% kể từ đầu tháng 9 lên mức tương đương 204 USD/thùng nếu tính theo giá dầu. Ở Mỹ, giá khí đốt tự nhiên dù thấp hơn nhiều so với Đông Á và châu Âu nhưng cũng đã chạm mức cao chưa từng thấy trong 13 năm trở lại đây.
Chuyên gia Nikos Tsafos của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - trụ sở Washington) khẳng định tình trạng giá năng lượng tăng đột biến phần lớn xuất phát từ nỗi sợ "không biết mùa đông sắp tới sẽ ra sao".
Nhân viên làm việc tại trạm nén khí gần TP Uzhhorod - Ukraine, hôm 7-10 Ảnh: REUTERS
Theo ông Tsafos, nỗi sợ này đã khiến thị trường vượt ra khỏi khuôn khổ của những quy tắc cơ bản liên quan đến cung và cầu.
"Cú sốc giá năng lượng này là một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, xảy ra vào một thời điểm quan trọng. Ưu tiên trước mắt là giảm thiểu tác động xã hội và bảo vệ những hộ gia đình dễ bị tổn thương" - bà Kadri Simson, ủy viên phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), khẳng định hôm 6-10.
Theo giới phân tích, không có giải pháp giản đơn đối với khủng hoảng hiện tại, bởi nó bắt nguồn từ nhu cầu tăng đột ngột khi các nền kinh tế thế giới gỡ bỏ lệnh phong tỏa Covid-19 và từ một hệ thống dễ bị gián đoạn do các sự kiện thời tiết hoặc sự cố máy móc.
Mùa đông kéo dài và lạnh bất thường vào đầu năm nay đã hút cạn nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên ở châu Âu. Nhu cầu năng lượng tăng mạnh đã cản trở quá trình bổ sung dự trữ, thường diễn ra trong mùa xuân và mùa hè.
Cơn khát khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) gia tăng của Trung Quốc đồng nghĩa các thị trường LNG đến giờ không thể lấp đầy khoảng trống. Điều kiện gió lặng bất thường cùng quyết định cắt giảm sản lượng khí đốt xuất khẩu của Nga khiến vấn đề càng thêm trầm trọng.
Khủng hoảng nguồn cung khí đốt đang khiến giá than đá và dầu mỏ - những sản phẩm có thể dùng thay thế khí đốt trong một số trường hợp - tăng mạnh.
Tại Mỹ, giá dầu tuần này chạm mốc cao chưa từng thấy trong 7 năm trở lại đây. Ngân hàng Mỹ dự đoán một mùa đông rét đậm có thể đẩy giá dầu Brent chuẩn toàn cầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng.
EU xem xét vai trò của Nga
Một nhóm gồm 5 nước thành viên EU (Pháp, Tây Ban Nha, CH Czech, Romania và Hy Lạp) đã yêu cầu điều tra để xác định nguyên nhân khiến giá khí đốt tự nhiên tăng kỷ lục tại châu Âu, theo tuyên bố chung được phóng viên Javier Blas của hãng tin Bloomberg đăng trên mạng xã hội Twitter.
Nhóm này còn hối thúc đề ra quy tắc mua bán khí đốt chung để ngăn chặn nguy cơ giá cả tăng bất thường tái diễn, đồng thời kêu gọi EU phối hợp chặt chẽ hơn trong vấn đề mua khí đốt nhằm củng cố sức mạnh thương lượng chung.
Tuyên bố còn yêu cầu cải cách thị trường bán buôn điện của châu Âu, với mục tiêu thiết lập mối liên kết rõ ràng hơn giữa mức giá mà người tiêu dùng phải trả và chi phí sản xuất điện trung bình.
Thông tin trên được đăng tải không lâu sau khi bà Simson cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét khiếu nại của một vài thành viên cho rằng Nga đang sử dụng vị thế nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu để đẩy giá trong khu vực.
"Chúng tôi đang xem xét nghi vấn này cùng với bà Margrethe Vestager, ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU. Rõ ràng, đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng" - bà Simson khẳng định, đồng thời cho biết đánh giá ban đầu cho thấy Nga đang hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng dài hạn.
Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) và Điện Kremlin liên tục khẳng định Moscow đã và đang cung cấp khí đốt cho khách hàng theo các hợp đồng hiện có. Dù vậy, quyết định của Moscow về việc không gia tăng nguồn cung bất chấp khủng hoảng đã khiến giới lập pháp EU hoài nghi, đặc biệt là khi Moscow đang chờ phê duyệt để dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bắt đầu bơm khí đốt sang Đức.
Những người hoài nghi khẳng định Nga thắt chặt nguồn cung để gia tăng sức ép, buộc châu Âu đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án này. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6-10 khẳng định quốc gia của ông có thể gia tăng nguồn cung và Gazprom chưa bao giờ từ chối thúc đẩy nguồn cung khi khách hàng ra giá đấu thầu phù hợp.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) Neil Chapman đã nhấn mạnh những hạn chế ngắn hạn của ngành dầu khí vào tuần này: "Ngành công nghiệp của chúng tôi là một ngành sử dụng nhiều vốn, nên không thể cứ muốn là mở nguồn cung".
Cao Lực - Theo Người Lao Động