Ngày 9/8/2022 Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký Đạo Luật CHIPS (viết tắt cho Creating Helpful Incentives to Produce Semiconductors) and SCIENCE, đánh dấu một bước ngoặt trên con đường mà tôi gọi là “phong tỏa mềm” Trung Quốc (so với “phong tỏa cứng” đối với Nga do vụ xâm lược Ukraina). Trong Thượng viện 100 người, 50 thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ và 16 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa bỏ phiếu thuận, 34 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa bó phiếu chống. Đạo luật CHIPS dành 200 tỉ trong 10 năm nhằm nâng cao đầu tư vào nghiên cứu và thiết kế vi mạch điện tử và 53 tỉ nhắm khóa lấp một tử huyệt của Mỹ là đang quá lệ thuộc vào những nhà cung cấp không phải Mỹ, có nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc.
Vậy vi mạch (từ tiếng Anh là “integrated circuit’, gọi nôm na là “chip”) là gì? Chúng làm được gì, có công dụng gì?
Vi mạch là những mạch dẫn điện cực nhỏ nối liền nhiều bộ phận điện tử thành một mạch thông minh có khả năng nhớ và xử lý thông tin và ra quyết định cực nhanh. Vi mạch càng nhỏ thì thời gian tín hiệu đi từ mạch này sang mạch càng ngắn và do đó được xử lý nhanh hơn. Ngày nay vi mạch được sử dụng từ Iphone đến MacBook, từ xe tự lái, thiết bị y tế, thiết bị truyền thông, vệ tinh đến vũ khí. Nói chung nó là “phần cứng” của các mặt hàng dân dụng được sử dụng hằng ngày cho đến các thiết bị tối tân nhất. Trong các hệ thống vũ khí thông minh được hướng dẫn bởi Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence hay AI) thì vi mạch càng nhanh và chính xác (cộng với bộ lập trình hiệu quả hơn) thì vũ khí càng vượt trội.
Thập kỷ 1990 Mỹ sản xuất 37% vi mạch trên thế giới. Đến thập kỷ 2010 số đó chỉ còn lại 12%. Nhưng nếu chỉ tính các vi mạch tiên tiến nhất, tức nhỏ nhất, (hiện nay là 3 nanometer – nm) thì Mỹ đã hoàn toàn nhường chỗ cho Đài Loan (67%) và Nam Hàn (31%).
Đạo luật đưa ra hai mục tiêu chính: một là đưa chuỗi cung ứng vi mạch về “hậu phương” Mỹ, và hai là ngăn sự phát triển công nghệ vi mạch của đối thủ (được điểm danh là “Trung Quốc” (không phải là “nước lạ”).
1) Mục tiêu thứ nhất là mang chuỗi cung ứng vi mạch điện tử về Mỹ. Đạo luật gọi đó là “tái tạo chuỗi cung ứng bền vững”, không để Mỹ lệ thuộc vào nước khác với những rủi ro khó kiểm soát như chiến tranh, thiên tai hay tai nạn. Với Đài Loan và Nam Hàn nắm độc quyền về chế tạo các chip tiên tiến nhất, mà lại là 2 điểm nóng nằm sát TQ, thì Mỹ có lý do để lo ngại. Trong trường hợp Trung Quốc không cần chiếm, chỉ cần phong tỏa Đài Loan như họ vẫn hằng đe dọa thì thế giới và Mỹ sẽ khốn đốn!
Đạo luật dành 52 tỉ để khuyến khích các công ty Mỹ và thế giới xây các lò chế vi mạch điện tử ngay tại Mỹ qua biện pháp giảm thuế (25%) hoặc cho vay lãi thấp. Đứng trước sự đe dọa của TQ, Đài Loan đã nắm ngay cơ hội. Công ty Đài Loan TSMC nhận đầu tư 12 tỉ xây tại Arizona cho một lò sản xuất vi mạch 4 nm cho năm 2024, sau đó tăng tiền đầu tư lên 40 tỉ nhằm xây lò thứ hai chế vi mạch 3 nm cho năm 2026. Công ty Intel đã khởi công xây cất hai lò chế vi mạch trị giá 20 tỉ tại bang Ohio. Micron quyết định đầu tư 20 tỉ để xây một lò tại New York, có thể đầu tư thêm 100 tỉ trong 20 năm tới. Samsung Foundry bắt đầu bằng xây một lò trị giá 17 tỉ tại Texas, có thể xây 11 lò tổng cộng trong 3 năm sắp tới, kể cả lò chế được vi mạch 1.4nm.
2) Mục tiêu thứ hai là ngăn sự phát triển của công nghệ vi mạch tại Trung Quốc. Theo đó Đạo luật cấm các công ty nhận sự hỗ trợ theo chương trình CHIPS không được trong vòng 10 năm sắp tới “gia tăng” đầu tư vào công nghệ vi mạch tại Trung Quốc.
Dựa trên chủ trương của Đạo luật trên, Ban Kỹ Nghệ và An Ninh của Bộ Thương Mại vào tháng 10, 2022 đã ban hành sắc lệnh cụ thể. Sắc lệnh này ghi rõ mục đích nhằm ngăn cản Trung Quốc “sản xuất các vũ khí quân sự tiên tiến trong đó có vũ khí giết người hàng loạt, giúp quân đội TQ tăng độ nhanh và độ chính xác trong qui trình phân tích, quyết định, lập kế hoạch và tổ chức hậu cần, và thực hiện các hành động vi phạm nhân quyền.”
Nó gồm 4 mũi nhọn:
1) Mở rộng danh sách các sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Không những các sản phẩm cuối, tức các vi mạch, bị cấm, mà toàn bộ các sản phẩm trong dây chuyền điều nghiên, thiết kế, sản xuất và bảo trì đều bị cấm. Vì qui trình chế tạo vi mạch tiên tiến gồm nhiều công đoạn cực kỳ phức tạp nên chỉ cần thiếu thiết bị chuyên trách cho một công đoạn nào đó thì TQ bó tay. Các công ty Mỹ như Applied Materials, KLA và Lam Research đều đã tuân thủ lệnh cấm xuất khấu mặc dú chịu khá nhiều thiệt thòi về tài chính. Khi các nước đã chế được đại trà vi mạch ở kích cỡ siêu nhỏ 3 nm thì TQ chỉ chế được đại trà vi mạch ở cỡ 28 nm trở lên.
2) Mở rộng các đối tượng bị cấm xuất khẩu. Lệnh này không những áp dụng cho các công ty Mỹ mà nó còn áp dụng cho các công ty nước ngoài sử dụng sở hữu trí tuệ (bằng phát minh) của Mỹ. Một trường hợp tranh cãi giữa Mỹ và Hà Lan là về thiết bị cao cấp sử dụng kĩ thuật EUV (Extreme Ultra Violet) lithography (in thạch bản) do công ty ASMC, từng được triển khai cùng công ty Intel và Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ (có sử dụng công nghệ Mỹ). Ngừng xuất khấu cho Trung Quốc sẽ gây thiệt hại tài chính cho công ty (hơn 16%) nên vừa qua TT Biden đã gặp Thủ Tướng Hà Lan, và hai bên đã đạt được thỏa thuận. Cùng với Hà Lan, Nhật Bản (nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc) cũng đồng ý tham gia phong tỏa sau khi cân nhắc nguy cơ về an ninh quốc phòng.
3) Mở rộng phạm vi phong tỏa. Trước đây chính phủ Trump chỉ nhắm vào một số công ty TQ nhất định như Huawei, nhưng chính sách mới của Biden nhắm vào toàn bộ nền công nghệ vi mạch TQ.
4) Chặn đứng việc TQ sử dụng chất xám Mỹ vào phát triển công nghệ vi mạch của họ. Sắc lệnh cấm tất cả “người” Mỹ (công dân và thường trú) không được tham gia vào bất cứ hoạt động nào dính đến chế tạo vi mạch. Được biết khá nhiều công dân Mỹ gốc Hoa sau khi được đào tạo tại Mỹ đã về nước lập công ty và do đó khá nhiều lãnh đạo các công ty công nghệ vi mạch TQ phải lựa chọn giữa từ bỏ công dân Mỹ hoặc trở về Mỹ. Theo tờ Wall Street Journal các công ty Mỹ Applied Materials, Intel đã ngưng cộng tác với Yangtze Memory Technologies, công ty vi mạch hàng đầu của TQ, và rút toàn bộ nhân viên về nước.
Ngoài các biện pháp tạm thời nêu trên, trong sách Chiến Lược An Ninh Quốc gia được chính phủ Biden công bố, các biện pháp phong tỏa trong tương lai còn nhắm đến các công nghệ khác mà TQ là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất. Đó là trong ngành công nghệ lượng tử, trí tuệ thông minh, công nghệ sinh học, tin học, và các công nghệ sạch.
Liệu lần này mưu thần chước quỷ của Tôn Ngộ Không có hóa giải được bàn tay vạn năng của Phật Bà? Tại Đại hội đảng lần thứ 20 năm 2022, Chủ tịch Tập Cận Bình hô hào nhắm đến tự túc tự cường về các công nghệ “nòng cốt”. Chính phủ ông vừa công bố ngân khoản 145 tỉ chi trong 5 năm nhằm hỗ trợ công nghệ vi mạch. Nhưng ông quên một điều rằng công nghệ không phát triển theo mệnh lệnh mà theo việc thu hút “nhân tài”. Trong cuộc thi đua nguyên tử giữa Đức và Mỹ trong Thế Chiến thứ hai cũng như giữa Mỹ và Nga trong Chiến Tranh Lạnh, chẳng lẽ ông không học được bài học? Tờ Atlantic đặt câu hỏi: “Điều khó hiểu không phải là việc Biden ban ra lệnh cấm ngặt nghèo mà là Tập có ảo tưởng rằng nước Mỹ sẽ thờ ơ giúp TQ đưa nền kinh tế của Mỹ đến chỗ diệt vong.”
Trần Đán (Mỹ)