Đại đa số những người ngã bệnh đã hồi phục, nhưng trong số thiểu số kém may mắn không qua khỏi, căn bệnh đã có diễn biến ghê sợ và những người kém may mắn này đông hơn ít nhất là 25 lần so với những người mắc bệnh trong những trận cúm khác.
Họ bắt đầu bị khó thở và mặt chuyển sang màu gỗ gụ. Màu này đậm dần thành màu xanh và cho đến khi họ chết toàn cơ thể họ là màu đen.
Nguyên nhân gây tử vong trong gần như hầu hết các trường hợp không phải là bản thân bệnh cúm mà là các vi khuẩn cơ hội vốn xâm nhập vào những vết thương trên phổi do virus tạo ra, gây ra những triệu chứng của bệnh sưng phổi.
Điều đó được biết đến tương đối rõ.
Điều ít được biết đến hơn là bệnh cúm này ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể. Tóc và răng rụng đi. Bệnh nhân cho biết họ bị chóng mặt, mất ngủ, mất thính giác và vị giác và chỉ nhìn thấy mọi thứ lờ mờ.
Còn có dư chấn tâm lý, nhất là tình trạng sầu cảm hay điều mà giờ đây chúng ta gọi là trầm cảm hậu virus.
Điều tiếp tục đúng là ngay sau làn sóng tử vong do cả các đại dịch cúm và mùa cúm hàng năm là đến làn sóng tử vong do các nguyên nhân khác, mà đáng kể nhất là do đau tim và đột quỵ - những hậu quả gián tiếp của phản ứng viêm tấy trước bệnh cúm.
Hồi năm 1918 cũng như bây giờ, bệnh cúm không chỉ đơn thuần là bệnh đường hô hấp.
Dịch cúm làm thay đổi hệ thống y tế…
Thuyết ưu sinh được dùng để giải thích những gì xảy ra cho cả trước và sau đại dịch cúm 1918, nhưng thuyết này đã bị trận dịch làm cho lung lay trong ít nhất là một lĩnh vực: các bệnh truyền nhiễm.
Đại dịch cúm 1918 làm thay đổi quan niệm về y tế cộng đồng, khiến chính phủ các nước phải có hành động trong việc bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội
Trước đó, những người theo học thuyết Darwin về sự chọn lọc tự nhiên trong xã hội - vốn sai lầm - nhìn nhận một số "chủng tộc" người hay đẳng cấp trong xã hội cao hơn các chủng tộc, đẳng cấp khác; và cách nhìn này dần được pha trộn với khám phá của Louis Pasteur và các nhà khoa học khác, theo đó cho rằng các bệnh truyền nhiễm là thứ có thể ngăn chặn được. Họ đã đưa ra một ý tưởng hỗn hợp tai hại rằng những ai mắc bệnh truyền nhiễm chỉ nên tự trách mình mà thôi.
Trận đại dịch đã cho thấy một sự thật: tuy người nghèo và dân ngụ cư tử vong với số lượng lớn hơn, nhưng không có chủng tộc hay đẳng cấp nào miễn nhiễm với bệnh cả.
Một khi đã là bệnh truyền nhiễm thì việc tránh xa một số người và rao giảng cho họ về trách nhiệm cá nhân không còn có ý nghĩa gì hết. Bệnh truyền nhiễm là một vấn đề cần phải được đối phó ở cấp độ toàn xã hội.
Bắt đầu từ những năm 1920, sự thay đổi nhận thức bắt đầu được thể hiện trong những thay đổi về chiến lược y tế cộng đồng.
Nhiều quốc gia đã thành lập hoặc tái cơ cấu bộ y tế, lập nên những hệ thống giám sát bệnh tật tốt hơn và chấp nhận khái niệm y tế cộng đồng - chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người.
Trước đó đã từng có những bước đi theo hướng này - ta không thể nghĩ rồi làm ngay một hệ thống y tế phổ quát - nhưng dịch cúm này dường như đã huy động các chính phủ vào cuộc.
Ở nước Anh, những nỗ lực này đã có kết quả vào năm 1948 với sự ra đời của hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia, nhưng tính đến 1920 thì nước Nga đã có hệ thống y tế công cộng đầy đủ và tập trung hóa. Lúc khởi đầu, chỉ dân thành thị được hưởng lợi (và về sau, đến 1969 nó mở rộng cho dân nông thôn), nhưng nó vẫn là một thành tựu lớn và động lực thúc đẩy đằng sau chính là Vladimir Lenin.
…và biến đổi xã hội theo những cách khác nữa
Cách nói 'thế hệ bị mất' được áp dụng đối với những nhóm người khác nhau vẫn còn sống vào đầu thế kỷ thứ 20, trong đó có những nghệ sỹ Mỹ tài năng vốn trưởng thành trong Đệ nhất Thế chiến, và những sỹ quan quân đội Anh mà mạng sống của họ đã bị cuộc chiến đó rút ngắn.
Tuy nhiên, có thể lập luận một cách hợp lý rằng danh xưng này có thể được dành cho hàng triệu người đang trong độ tuổi sung mãn vốn bỏ mạng trong dịch cúm năm 1918, hay dành cho những đứa trẻ bị biến thành trẻ mồ côi, hoặc cho những đứa bé vẫn chưa ra đời mà đã chịu sự hành hạ của căn bệnh trong bụng mẹ.
Bản chất của trận dịch năm 1918 và kiến thức khoa học vào lúc đó khiến chúng ta không hề biết chính xác trong ba nhóm đó có bao nhiêu người, nhưng chúng ta có thể biết chắc rằng mỗi nhóm đều có nhiều người hơn cả các nghệ sỹ trong Kỷ nguyên nhạc Jazz và trên 35.000 binh sỹ Anh chết trong chiến trận (chỉ riêng Nam Phi đã có khoảng 500.000 trẻ mồ côi vì cúm).
Những người sống sót trong bụng mẹ để chào đời thì sống cùng với những vết sẹo cho đến khi lìa đời.
Nghiên cứu cho thấy họ ít có khả năng tốt nghiệp đại học hay có thu nhập đàng hoàng, và nhiều khả năng ngồi tù hơn là những người cùng thời không bị ảnh hưởng bởi dịch cúm.
Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy dịch cúm năm 1918 đã góp phần dẫn đến sự bùng nổ dân số vào những năm 1920 do số sống sót còn lại chỉ ít ỏi nhưng khỏe mạnh vốn có khả năng sinh sản với tỷ lệ cao.
Không còn nghi ngờ gì, dịch cúm năm 1918 đã phủ bóng lâu dài lên thế kỷ 20.
Chúng ta cần ghi nhớ điều này để chuẩn bị cho trận dịch cúm kế tiếp.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Theo BBC