LTS: Xung quanh sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm tới nước Mỹ vừa qua, Đại sứ Lê Văn Bàng, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, một trong những người khai mở cho mối quan hệ Việt-Mỹ, cựu Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ, thành viên ban cố vấn cho chuyến thăm đã chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam những đánh giá của riêng ông về kết quả chuyến thăm lịch sử này và những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi nhất từ đó.
Có thể nói chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7 vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm có kết quả ở đỉnh cao nhất của quan hệ Việt – Mỹ. Nó vượt qua cả những chuyến thăm trước của các vị lãnh đạo nước ta và của cả các Tổng thống Mỹ từng sang Việt Nam.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm nước Mỹ và Nhà Trắng. Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Barack Obama.
Đông thái này đồng nghĩa với việc phía Mỹ đã chính thức công nhận hệ hống chính trị của Việt Nam, quyền lãnh đạo hợp pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù rõ ràng rất khác so với của Mỹ.
Nó cho thấy phía Mỹ đã chủ động trong việc đưa quan hệ chính trị giữa hai nước lên một đỉnh cao mới, xóa bỏ các đồn đoán và hoài nghi rằng Washington có mưu đồ chuyển hóa Việt Nam.
Kết quả của chuyến thăm cũng tạo ra những nền tảng giúp thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai tiến xa và tiến cao hơn nữa, đặc biệt ở ba lĩnh kinh tế, giáo dục và an ninh.
Trong lĩnh vực kinh tế: Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước có những buổi tiếp xúc thảo luận về những vấn đề còn vướng mắc giữa Việt Nam và Mỹ như Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Một khi TPP được ký kết, quan hệ Việt-Mỹ sẽ có nhiều động lực để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, giống như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã bày tỏ gần đây rằng: “Mỹ muốn trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, nhà buôn bán số 1 của Việt Nam”.
Vấn đề kinh tế vô cùng quan trọng, chiếm vị trí hàng đầu đối với Việt Nam, là vấn đề người dân Việt Nam mong mỏi nhất, có tác động sâu sắc nhất . Đất nước muốn phát triển cường thịnh phải có nền kinh tế vững mạnh.
Trong suốt quá trình từ đấu tranh bỏ cấm vận đến bình thường hóa, ký hiệp định thương mại rồi thương lượng để gia nhập các tổ chức quốc tế và các hiệp định thương mại, chúng ta đều đấu tranh để phát triển quan hệ thương mại với các nước, đặc biệt là với nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ.
|
Đại sứ Lê Văn Bàng. Ảnh Nguyễn Hường |
Trong nỗ lực đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và tiến lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong tương lai, quan hệ Việt-Mỹ chắc chắn sẽ là một nhân tố rất quan trọng.
Lĩnh vực thứ hai được hưởng lợi là giáo dục, đào tạo. Hiện Việt Nam có 17.000 du học sinh đang theo học tại Mỹ, đông nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 trên thế giới. Mỹ đã trở thành một môi trường giáo dục nhiều tin cậy và rất thu hút giới học sinh Việt Nam, là lựa chọn hàng đầu của các du học sinh hiện nay.
Số nhân lực này dù về nước hoặc tiếp tục làm việc cho các công ty Mỹ sau khi kết thúc học tập thì vẫn họ vẫn tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm. Trong tương lai, có thể là 5 hoặc 10 năm nữa, khi nền công nghiệp và kinh tế của đất nước phát triển, lực lượng lao động chắc chắn sẽ quay trở lại đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước.
Một điểm sáng trong chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phía Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Đại học Harvard 25 triệu USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi chương trình chính sách công ở Việt Nam do Harvard quản lý thành một trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận theo mô hình Mỹ đầu tiên của Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright University Vietnam - FUV) dự kiến được phát triển trên cơ sở Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP). Thành lập năm 1994. FETP là chương trình đào tạo và nghiên cứu chính sách công hợp tác giữa Trường Quản lý Nhà nước Kennedy, Đại học Harvard và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh với ngân sách hoạt động chính do Vụ Văn hóa Giáo dục, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Trường dự kiến sẽ khai giảng vào tháng 9/2016.
Rõ ràng trường đại học mới sẽ mở rộng các cơ hội giáo dục ở Việt Nam, nơi mà giáo dục đại học chủ yếu được cung cấp bởi các trường đại học chạy theo lợi nhuận hoặc các trường đại học công lập không có năng lực nghiên cứu như các trường đại học Mỹ và giúp học sinh Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục chất lượng của Mỹ ngay tại đất nước với chi phí thấp.
Thỏa thuận trên cho thấy, hai nước đã có cam kết thúc đẩy phát triển đào tạo nhân lực cho Việt Nam – một nhân tố vô cùng quan trọng và có tính quyết định đối với sự tồn vong, phát triển của đất nước.
Vấn đề quan trọng thứ 3: an ninh, biển đảo. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Mỹ đã chủ động bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ tới vấn đề Biển Đông.
Mỹ đặc biệt quan tâm tới vấn đề Biển Đông bởi đây là vấn đề liên quan tới tự do hàng hải. Biển Đông là tuyến đường vận chuyển hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới, một con đường huyết mạch của vận chuyển hàng hóa thế giới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, những động thái bành trướng lãnh thổ và hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông khiến Mỹ cảm thấy các lợi ích chiến lược của mình trong khu vực bị đe dọa, các luật chơi tồn tại nhiều thập kỷ qua ở châu Á đang bị phá vỡ.
Có thể nói hiện nay lợi ích của Mỹ rất gần gũi với lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông. Việc Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, nhất là trong vấn đề Biển Đông sẽ giúp chúng ta rất nhiều cho nỗ lực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước cũng như tranh thủ được sự giúp đỡ trong các sự kiện ta cần có sự ủng hộ của quốc tế.
Ba lĩnh vực này hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, có thể nói chuyến thăm “lịch sử” này không những là đỉnh cao về chính trị mà còn là đỉnh cao về kinh tế, đỉnh cao an ninh trong quan hệ Việt-Mỹ.
ĐẠI SỨ LÊ VĂN BÀNG (1995 - 2001)
2002 - 2007: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao 2/1997 – 6/2001: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. 8/1995 – 2/1997: Đại biện Lâm thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa kỳ. 2/1995 – 8/1995: Giám đốc Văn phòng liên lạc Việt Nam tại Hoa Kỳ 1/1993 – 1/1995: Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc. 1990 - 1992: Phó Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao. 1986 - 1990: Công tác tại Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao. 1982 - 1986: Bí thư Thứ Ba, Đại sứ quán Việt Nam tại Luân Đôn (Anh). |
Đại sứ Lê Văn Bàng (Nguyễn Hường ghi)