- “Theo IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) số nợ có vấn đề của Việt Nam (nói cách khác là nợ xấu - NV) hiện nay là hơn 12% tổng dư nợ toàn nền kinh tế”, lãnh đạo một ngân hàng phát biểu trong cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-2016 tại TPHCM. Trong khi đó, theo công bố của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31-12-2015 tỷ lệ nợ xấu là 2,55%.
Căn cứ vào tổng dư nợ tín dụng của hệ thống đến tháng 12-2015 được NHNN công bố là 4.655.890 tỉ đồng, tỷ lệ 11% tương đương với con số tuyệt đối là 512.148 tỉ đồng.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của tất cả các ngân hàng đến cuối năm ngoái ở mức 69.266 tỉ đồng, quá thấp so với số nợ xấu cần giải quyết.
Tác hại của nợ xấu đã được đủ các giới học giả, chuyên môn phân tích. Còn đó đau đáu câu hỏi làm thế nào đẩy nhanh tiến trình xử lý nó?
Nợ xấu là một thứ hàng hóa, muốn bán muốn mua trước tiên cần có chợ. Chủ trương thành lập thị trường mua bán nợ đã có từ hơn ba năm trước. Đến tháng 12-2014 Chính phủ ban hành Văn bản 10055/VPCP yêu cầu NHNN và Bộ Tài chính trình đề án khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ, tài sản. Đến nay cả hai cơ quan trên vẫn chưa trình. Thiếu khuôn khổ pháp lý, làm sao có thể mua bán nợ?
Phát hành 5.000-6.000 tỉ đồng thí điểm trái phiếu hàng hóa trong năm nay có lẽ là mức vừa đủ để xem xét, đánh giá tác dụng của thứ sản phẩm tài chính mới này. |
Trên thực tế một số ngân hàng vẫn mua bán nợ thông qua khách hàng, chẳng theo một cơ chế nào, mà tự phát. Thí dụ doanh nghiệp A nợ ngân hàng X 100 tỉ đồng, tài sản đảm bảo cho khoản vay là thiết bị, nhà xưởng sản xuất. Giả sử có cơ chế mua bán nợ, ngân hàng Y mua lại khoản nợ của doanh nghiệp A với giá 80 tỉ đồng. Như vậy ngân hàng X đòi được nợ gốc 80 tỉ đồng, còn lại nợ gốc 20 tỉ đồng và lãi, doanh nghiệp A phải tìm cách trả tiếp. Sở dĩ ngân hàng Y mua lại khoản nợ vì họ có khả năng phát mại tài sản thế chấp của doanh nghiệp A với giá cao hơn 80 tỉ đồng.
Nhưng do không có khuôn khổ pháp lý chuyển nhượng nợ, ngân hàng Y đành cho doanh nghiệp A vay nợ để trả ngân hàng X. Cách này nói trắng ra là đảo nợ giữa các ngân hàng. Có khi ngân hàng X còn ủy thác đầu tư hay doanh nghiệp A phát hành trái phiếu cho ngân hàng Y mua để lấy tiền trả nợ ngân hàng X.
Điểm thứ hai cần tháo gỡ là cơ chế đặc thù cho VAMC. VAMC giống như cái kho chứa nợ xấu, cứ chình ình ra đấy không thể nhúc nhích được. Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng nói: “VAMC có nhiều tài sản chưa được hợp thức hóa về mặt pháp lý như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu (sổ hồng, sổ đỏ) chưa đứng tên ngân hàng. Những tài sản ấy nếu có mang ra đấu giá, cũng chẳng ai dám mua”.
Theo ông, trước mắt cần bán nợ, Bộ Tài chính là nơi ban hành văn bản, nên cho phép tất cả các đối tượng công dân tham gia: nước ngoài, trong nước, kiều bào, cá nhân, tổ chức... ai có tiền tươi thóc thật, tiền hợp pháp, thậm chí có một phần tiền tự có, một phần tiền vay từ các nguồn khác nhau... đều cho tham gia đấu giá mua nợ. Ông dẫn chứng một số tổ chức nước ngoài có ý định mua tài sản thế chấp mà VAMC đang quản lý, nhưng VAMC cũng chỉ biết tiếp họ, ghi nhận sự quan tâm của họ, còn có bán được cho họ không, bán giá nào, thuế nộp cho Nhà nước ra sao, VAMC chưa trả lời được.
Trong nợ xấu, một tỷ lệ không nhỏ là nợ của các doanh nghiệp nhà nước thuộc các lĩnh vực như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, phân bón... Sự biến động của giá hàng hóa, hàng nhập khẩu giá rẻ từ bên ngoài, cộng thêm quy hoạch thiếu chính xác đã khiến nguồn cung xi măng, sắt thép và một số sản phẩm vượt cầu, góp phần dẫn đến sự thua lỗ của doanh nghiệp, mà hậu quả là ngân hàng cho vay phải ghé vai gánh chịu, chưa kể một số dự án vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, Bộ Tài chính phải trả nợ thay.
Nên chăng lúc này Bộ Tài chính nghiên cứu thí điểm phát hành trái phiếu hàng hóa kỳ hạn 3-5 năm cho các doanh nghiệp xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, phân bón... vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa bổ sung phát triển kinh tế tại những tỉnh nghèo, vùng sâu vùng xa như Lai Châu, Điện Biên, Quảng Trị... Tất nhiên giá hàng hóa phải được thực hiện theo giá bán buôn, chiết khấu 10-20% sao cho có lợi cho ngân sách, còn lãi suất trái phiếu sẽ được trừ vào phần nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải nộp ngân sách. Phát hành 5.000-6.000 tỉ đồng thí điểm trái phiếu hàng hóa trong năm nay có lẽ là mức vừa đủ để xem xét, đánh giá tác dụng của thứ sản phẩm tài chính mới này.