TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Dẹp loạn hay thu phí vỉa hè, Bài cuối: Phải chặn tiêu cực

Theo các chuyên gia, việc đề xuất thu phí sử dụng tạm thời một số tuyến lòng đường, vỉa hè ở TPHCM cần phải thận trọng, hài hòa lợi ích các bên và tránh hiện tượng tiêu cực, thiếu minh bạch.

Thiếu cách làm bài bản

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch đô thị) cho rằng, hiện nay ở TPHCM, diện tích dành cho giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) ở khu vực trung tâm rất hạn chế, dẫn đến việc phương tiện thường đỗ ở lòng đường, vỉa hè. Trong khi đó tình trạng người dân chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán là một thực tế có tính đặc trưng của đô thị Việt Nam vài chục năm vừa qua.

Lý giải việc dẹp nạn lấn chiếm trái phép vỉa hè ở TPHCM vừa qua chưa thành công, ông Nam Sơn cho rằng là do cách thức thực hiện chưa phù hợp, còn mang tính chất đối phó, tạm thời. Do đó, nhiều địa phương ở TPHCM dù có muốn ra tay xử lý cũng không hiệu quả hoặc nếu có hiệu quả thì cũng chỉ là tạm thời và sau đó thường không giữ được thành quả.

Theo ông Sơn, ở nhiều nước, hoạt động quản lý không gian đường phố của họ hoàn toàn ngược lại với Việt Nam. Ở Việt Nam có khoảng 9/10 vỉa hè, lòng đường của tuyến phố bị sử dụng làm nơi buôn bán, nhưng tại nước ngoài thì có 9/10 không gian vỉa hè không được buôn bán và những trường hợp nào được buôn bán phải có giấy phép rõ ràng, phải đóng thuế và tuân thủ nghiêm luật lệ đã đưa ra.

Trong nghiên cứu hiện trạng, chưa hề có báo cáo nào đề cập thực trạng những người buôn bán trên hè đường cũng như tình hình vỉa hè được sử dụng làm bãi trông xe, xem hiện nay những người này họ đang trả phí là bao nhiêu và người nhận là ai. Do đó, khi không thể nắm được hiện trạng mà đưa ra giải pháp thì cũng có nghĩa là giải pháp được đưa ra không xuất phát từ thực tế.

“Chúng ta đang thiếu một cách làm bài bản, đến nay thành phố chưa có nghiên cứu quy hoạch không gian đường phố bài bản mà đã vội lo chuyện thu phí. Đây chỉ mới là đề xuất, chưa có nghiên cứu hiện trạng, chưa có quy hoạch tốt về sử dụng vỉa hè, đường phố như thế nào mà đã bàn việc thu phí. Thu phí chỉ là một việc rất nhỏ của vấn đề quản lý đô thị. Tôi nghĩ thu phí không giải quyết được vấn đề và tôi cũng không tin rằng nó sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân, bởi vì có thể người này có lợi nhưng rất nhiều người khác bị xâm phạm quyền lợi…”- TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Dẹp loạn hay thu phí vỉa hè, Bài cuối: Phải “chặn” tiêu cực ảnh 1

Vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng quận 1 bị chiếm dụng để kinh doanh Ảnh: H.H

Cũng ông Sơn cho rằng, trước đây ông đã đề xuất sử dụng các vạch màu sơn để khu biệt vạch sơn màu xanh lá là không gian dành riêng cho người đi bộ, nơi cho phép buôn bán kinh doanh, nơi đỗ xe.

Quy hoạch xong thì bàn về chuyện thu phí. Tuy nhiên, việc thu phí này nên thực hiện như thế nào, cần phải có sự minh bạch rõ ràng.

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép sử dụng công nghệ xếp xe bán tự động trên địa bàn thành phố. Theo UBND TPHCM, từ đầu năm 2022 đến nay, vận tốc lưu thông trung bình trên các tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm (sáng từ 6h-9h, chiều từ 16h-19h) ghi nhận trong khoảng từ 31,6km/h - 37km/h và đang có xu hướng giảm, nhiều tuyến đường đã trở nên quá tải.

Thời gian qua, số lượng ôtô trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng, nhất là tại khu vực trung tâm, thu hút rất lớn lượng xe của người dân, của các công ty từ địa phương khác đến làm ăn, liên hệ công tác, du lịch....

Trong khi đó, hệ thống bến bãi đỗ xe chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Hệ thống bến bãi trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha. Khu vực trung tâm của thành phố có 4 bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng, nhưng đến nay chưa có công trình nào được triển khai. Những thực tế này khiến nhu cầu đỗ xe ô tô trong thành phố ngày càng bức bách.

“Tôi cho rằng, cần có bài toán tài chính minh bạch, rõ ràng. Trong chuyện thu phí này, người có lợi ích liên quan là chủ công trình có lề đường nằm ở trước mặt và phải hỏi họ có đồng ý với việc thu phí hay không, chứ không thể áp đặt được.

Cần thận trọng

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, những năm gần đây, sau thời gian “chiến dịch đòi lại vỉa hè” diễn ra rầm rộ thì tình hình sử dụng, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, mua bán diễn ra thường xuyên và công khai. Vỉa hè, lòng đường tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM đang bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, bãi đỗ xe,…

Dẹp loạn hay thu phí vỉa hè, Bài cuối: Phải “chặn” tiêu cực ảnh 2

Vỉa hè đường An Dương Vương phường An Lạc, quận Bình Tân bị lấn chiếm Ảnh: H.H

Luật sư Hùng cho biết, theo khoản 2 điều 5 Quyết định 74/2008/QĐ-UBND vỉa hè là bộ phận của đường đô thị dành cho người đi bộ trong đô thị và là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. Tuy nhiên, việc lấn chiếm vỉa hè gây khó khăn cho người đi bộ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

“Việc quản lý lòng đường, vỉa hè hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập lại trật tự, do nhu cầu kinh doanh, mua bán của người dân ngày càng nhiều, khi can thiệp vào phần vỉa hè bên này người kinh doanh lại sang bên kia đường để tiếp tục buôn bán”- ông Hùng nói.

Vẫn theo luật sư Hùng, trong Quyết định 74/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM không có quy định về vấn đề sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dịch vụ, buôn bán, làm bãi đậu xe,… trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Hoạt động kinh doanh, mua bán trên vỉa hè vừa là nét đặc trưng của đô thị Việt Nam vừa giúp tạo thu nhập cho người dân. Thay vì dẹp bỏ nên quản lý để lập lại trật tự. Việc áp dụng thu phí lòng đường vỉa hè là hợp lý, giúp quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, tránh việc kinh doanh, mua bán tự phát gây mất trật tự an toàn giao thông và là một khoản thu của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề, việc thu phí cần lấy ý kiến người dân, các ban ngành, từ đó đưa ra điều chỉnh phù hợp.

Dẹp loạn hay thu phí vỉa hè, Bài cuối: Phải “chặn” tiêu cực ảnh 3

Vỉa hè đường đường Pasteur, quận 3 bị chiếm dụng bởi hàng quán, bảng hiệu - Ảnh: H.H

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho hay, hiện nay sở này đã hoàn thiện dự thảo và có tờ trình UBND TPHCM xem xét ban hành quy định về sử dụng lòng đường, vỉa hè. Sở Tư pháp TPHCM đang thành lập hội đồng thẩm định dự thảo nghị quyết trình UBND TPHCM thẩm định.

“Dựa trên cơ sở dự thảo, Sở GTVT có văn bản gửi các cơ quan liên quan để thống kê thông tin về các tuyến đường, bề rộng lòng đường, vỉa hè sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố. Hiện nay, đề án này đã gửi đi lấy ý kiến nhưng chưa có sự phản hồi của quận, huyện, TP Thủ Đức... Đề án đang bắt đầu được xây dựng. Sau khi hoàn thành dự thảo đề án, sẽ được gửi lấy ý kiến các tổ chức có liên quan, ông Bùi Hòa An cho biết.

HỮU HUY - Theo Tien Phong

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness